Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

MÙA CÁ RÔ NON - Từ Kế Tường

Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, ở quê tôi là mùa cá rô non hay còn gọi là cá rô bí. Những con cá rô cỡ ngón tay màu trắng ánh bạc không biết từ đâu kéo thành bầy đàn chạy như gợn nước trên những thửa ruộng còn đầy cỏ năn xanh bạt ngàn chưa được nhà nông dọn dẹp để gieo mạ, cấy lúa. Đây là lúc những cơn mưa “dào dẫn” kéo dài, có khi mưa trong nắng và nắng trong mưa, trời đất như ngủ mơ theo những cánh đồng no nước, thơm lồng lộng mùi đất mới. Nếu để ý, sẽ thấy những thửa ruộng ven đường lộ, nước mưa đã đủ độ sâu để lắng lại trên tầng đất bùn pha cát đã trong veo, nhìn thấy được những cánh rong trứng phiêu lãng bám vào chân cỏ dại. Cá rô non cỡ ngón tay kéo từng bầy tìm thức ăn, lượn lờ trong bóng nắng tinh mơ đổ xuống mặt nước lóng lánh. Đây là lúc trẻ con chúng tôi bước vào mùa câu cá rô non.

Thuở đó rất hiếm khi trẻ con mua cần câu ở chợ. Bụi trúc sẵn sau nhà, chỉ cần cầm dao ra, chọn cây trúc nào ở độ già, vỏ ửng vàng chặt bỏ gốc chỉ lấy đoạn thân trúc thẳng nhất để làm cần câu cá rô. Cây trúc vốn tự nó đã thẳng, nhưng muốn có một cây cần câu trúc vừa ý thì gom một đống lá vàng lẫn với cành khô, đốt lên, trước đó đã dùng dao róc sạch hết những mắt nhánh (nhớ róc xuôi chứ dừng róc ngược cây trúc sẽ hư, gãy, hoặc khuyết lóng, cần câu sẽ vứt bỏ hoặc sử dụng cũng không đẹp). Chờ lửa tàn, chỉ còn than hồng là tốt nhất, hơ cây trúc trên lửa than cho nóng chỗ nào cần uốn thắng rồi cẩn thận uốn, nắn cây trúc theo như ý muốn. Thế là ta có cây cần câu trúc dùng câu cá rô hết ý.

Hồi đó chưa có loại dây câu bằng cước (gân) phổ biến như bây giờ mà chỉ có loại nhợ sợi bện màu trắng đục, lưỡi câu cá rô non là loại nhỏ, khi thả xuống ruộng muốn lưỡi câu không bị gió đàn, thổi bay trên ngọn lúa thì cần xỏ vào sợi dây câu một cục chì tròn, nhỏ cỡ viên bi cách phao câu khoảng gang tay. Mồi câu cá rô non “bắt nhất” vẫn là trứng kiến vàng xào dầu dừa vơi một chút sáp đèn cầy cho sệt lại để dễ móc vào lưỡi câu. Thứ mồi này lũ cá rô non mê nhất, người đi câu chỉ đứng trên bờ ruộng móc mồi, thả xuống là giật mỏi tay.

Muốn thọc trứng kiến vàng phải có một cây sào tre đủ dài để đưa tới ngọn cây có tổ kiến, thường độ dài của cây sào này khoảng 3 mét, buộc kiểu thắt võng 3 sợi dây một cái rổ nhỏ hoặc một cái túi vải, thòng xuống, cách đầu sào 5cm. Khi vào vườn tìm tổ kiến vàng, cứ thấy tổ kiến nào to đưa cây sào thẳng lên tổ kiến, dùng ngọn sào chọc vào, quậy cho trứng kiến lẫn kiến non rơi xuống túi vải phía dưới, thọc chừng 2-3 tổ kiến là đủ để làm một cữ mồi câu cá rô.

Kiến vàng là loại háo chiến, điếc không sợ súng, thà chết để bảo vệ tổ nên khi thọc ổ kiến phải hết sức cẩn thận, nếu có nón bảo hộ càng tốt, nhưng hồi nhỏ thì làm gì có nón bảo hộ, cứ áo sơ mi cỡi ra quấn cổ, quần đùi, chân đất đi lùng tìm tổ kiến vàng. Bởi vậy khi ngước mắt nhìn lên tổ kiến, lũ kiến vỡ tổ liều chết xông thẳng xuống cắn người phá tổ nó, có con kiến vàng chơi ác, không cắn mà… đái vào mắt người phá tổ để trả thù. Nước đái kiến vàng vừa cho vừa cay, rất khó chịu, nếu bị đái một mắt còn tay dụi tay tiếp tục thọc sào, bị đái cả hai mắt chỉ còn cách buông sào mà chạy tìm chỗ có nước sạch để rửa mặt cho bớt rát mà thôi.

Hỗn hợp trứng kiến, kiến non của tổ kiến vàng mang về lựa sạch lá vụn, rác, dùng cái chảo nhỏ bắc lên bếp, đổ khoảng 3 muỗng dầu dừa, khi dầu sôi trút hết hỗn hợp trứng kiến lẫn kiến non vào, cho ít sáp đèn cầy, trộn đều cho đến khi hỗn hợp trong chảo sệt lại, bóp trong mấy ngón tay thấy kết dính là được. Khi đã có mồi trứng kiến vàng, có cần câu trúc, chỉ cần đeo thêm cái giỏ tre nhỏ bên hông để đựng “chiến lợi phẩm” là đủ lễ bộ cho một buổi đi câu cá rô non thú vị. Trứng kiến vàng xào dầu dừa được chất sáp đèn cầy tạo độ kết dính để khi bốc một nhúm, vo tròn trong mấy ngón tay thành cục mồi xinh xắn, thơm lừng, hấp dẫn móc vào lưỡi câu thả xuống mặt nước là lũ cá rô non bu lại tranh nhau đớp “mồi bén”. Người câu cá rô non đầu mùa tha hồ mà giật, chẳng mấy chốc sẽ lưng giỏ cá.

Cá rô non nấu được nhiều món: canh chua nấu lá me non, bông so đũa, kho mẵn hay kho tiêu đều ngon, chiên xù cũng là cách chọn lựa cho bữa cơm quê ăn trong những cơn mưa chớm thu đầy hương đồng gió nội tuyệt hảo. Nhưng đây chỉ là ký ức tuổi thơ chứ bây giờ đồng ruộng quê tôi lớp lên vườn dừa, lớp đào ao nuôi tôn công nghiệp nên cá rô non đầu mùa mưa cũng không còn nơi trú ngụ, chắc lũ cá rô non được sinh ra trên đồng ruộng lại trở về kênh, rạch để ra sông còn người nông dân thì ăn cá rô non nuôi mua ở chợ quê. Trẻ con thôn quê cũng không còn thú vui câu cá rô non đầu mùa mà dán mắt vào màn hình điện thoại để chơi game.

Người ở lứa tuổi tôi ngày xưa chỉ còn sống bằng hồi ức để nhớ lại tuổi thơ tuyệt đẹp của mình với hình bóng đứa trẻ con lên 9 lên 10, thấp thoáng đâu đó trên bờ ruộng xanh cầm cây cần trâu trúc, lon mồi trứng kiến để câu cá rô non đầu mùa cho những bữa cơm quê.


1 nhận xét: