Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

ThaiLy: KHỔ QUA (T.Vấn Và Bạn Hửu )


Chuyện ngày xưa giờ kể lại, cũng chỉ để nhớ mà thôi!

Hình như tôi là đứa nhiễu sự. Không làm việc gì mà không có “nguyên do” cho dù cái nguyên do đó biết ra là chỉ có “ăn đòn”, điều chắc chắn là không bao giờ oan. Nói thật lòng, tôi có thích gì chuyện trồng cây đâu, nhưng một hôm, thím tôi đi chợ, mua sao không biết lại có một trái khổ qua già, già thiệt già luôn, cắt ra hột đã lên màu đỏ thẫm, rõ ràng trái đã có màu vàng mơ mà sao thím lại chọn, trong khi nấu canh nhà cần quả non? Nhưng, điều ấy đã làm tôi thích thú, sự thích thú của tôi lại vui lòng thím, ít ra là không bị “quê”; tôi đánh tiếng: 

– Cho con nghe! 

Thím nói:

– Lấy làm gì? Mà thôi, đi cho lẹ đi! 

Vậy là tôi không phải giải thích với thím mà te te lên hỏi bà Nội: 

– Con thấy khổ qua chín đẹp mà sao mình không mua ăn vậy Nội? 

Hình như đang bực chuyện gì, giọng Nội xẵng lè: 

– En coái thèng choa mi! Hắn bùi nọng en chi moà en? Chín rứa thì lấy hột loàm giống! (Ăn cái thằng cha mi! Nó bùi nọng ăn chi mà ăn? Chín vậy thì lấy hột làm giống). 

Tôi chẳng nói chẳng rằng nhưng “lãnh ý” rất nhanh, đem hột phơi khô, mai mốt trồng. Tôi biết vậy là nhờ các chú trong nhà bày cho chớ không dám hỏi thêm, bà Nội đang bực mà. Giờ chỉ còn việc: trồng chỗ nào? Các chú cũng nói rõ:

– Trồng nó phải có chỗ cho nó leo, phải làm giàn cho nó nữa.

Tôi chột dạ. Khó vậy ta? Nhưng không thể bỏ cuộc; chuyện ấy với tôi là không bao giờ. Phải có cách gì đó, tại mình nghĩ chưa ra thôi. Cuối cùng, tôi vào “tâu” với ông Nội. Ông có cái giàn nho, chỗ gốc nho rộng, cho tôi trồng thêm hạt khổ qua, chỉ một hạt thôi lẽ nào ông không cho? Không cho là không thương. Suốt mấy hôm, tôi ra vô, quanh quẩn bên Ông. Ông mà không biết ý  cháu thì sao gọi là “cháu cưng” chứ. Ông hỏi ngay:

– Mi muốn xin coái chi moà coà quấn như goà méc thóc rứa? (Mày muốn xin cái gì mà cà quấn như gà mắc thóc vậy?)

Tôi còn vờ õng ẹo vài giây mới tâu rằng: 

– Con muốn trồng một cây, chỉ một cây khổ qua thôi; con có hột giống rồi mà không có chỗ trồng. Con không cần ăn, chỉ cần có trái, con để cho nó chín, con nhìn cái ruột đầy hột đỏ như nhung, đẹp lắm! Ông cho con trồng ké chỗ gốc nho nghe! 

Tôi đang xin một điều vô vọng, bởi vì không dễ gì trồng được giàn nho có trái. Ngày ấy đâu dễ như bây giờ, khắp Phan Rang may ra chỉ một vài nơi có thôi; nhà tôi ngay trên Quốc lộ 1, tuy lui vào phía trong khoảng 15m, nhưng phía trước không có nhà, do vậy khách vãng lai đi ngang vẫn thường ghé vào trầm trồ, ngắm nghía; nhất là những khi trái sắp chín, từng chùm xanh mọng đu đưa thật là mê tơi; nói vậy để biết ông quý cỡ nào! Tôi nín thở chờ nghe Ông phán, sau mấy giây suy nghĩ, Ông nói:

– Cho mi trồng, nhưng không cho leo lên gioàn, trồng xoa roa, chỉ một dây! (Cho mi trồng, nhưng không cho leo lên giàn, trồng xa ra, chỉ một dây). 

Tôi còn mong gì hơn nữa? Chiều đó thực hiện, nhưng… khổ nỗi, làm nông mà sợ dơ tay, cố nặn óc xem làm sao cho đất khỏi dính tay. Tôi rất sợ cảm giác bùn nhão nhoét, lạnh lạnh bám vào lắm! Tôi xuống gặp mấy chú, khi ấy nhà có hai chú, nhưng tôi tin cậy chú Mấu hơn, tôi nói chuyện trồng cây. Chú bày: 

– Muốn có một cây thì phải cắm xuống 3-4 hột, khi nó lên cây mình chọn lại một cây, chớ trồng một hột khó mọc lắm! Kiến ăn đủ hết. Ông không dặn cũng phải trồng xa gốc nho, trồng gần úng nước, thúi gốc, cây cũng chết.

Bài học trồng cây của tôi chỉ vậy, quá đơn giản; vậy là tôi đem trồng, chỉ dùng cái bay thợ hồ khơi đất và bỏ hạt xuống. Xong dẫn hai chú tới, chỉ chỗ đàng hoàng bởi vì, các chú có nhiệm vụ tưới nho, tôi ăn theo nước, nhưng cũng sợ mấy chú xối nhằm chỗ có hột khổ qua sao? Vậy là, mấy chú có cớ để khó dễ tôi, nếu chọc mấy chú thì ”tao sẽ đổ thùng nước vào chỗ đó”. Tức thiệt, chẳng ai có thể làm khó được tôi, vậy mà bây giờ bị ràng buộc chỉ vì mỗi cây khổ qua, thật là “khổ quá”! 

Từ đó, sáng sáng, chiều chiều, ông thì săm soi trên giàn cao, cháu thì cặm cụi dưới gốc; thích lắm, nhất là khi nó nứt lá mầm, bắt đầu ngoi lên khỏi mặt đất, rồi thành cây, chính xác đó là một dây lá, xanh non rồi nó ngả dài… Ông biểu mấy chú tìm cho ông cây tre nhỏ, gọi là để “cặm chói” cho khổ qua leo, tôi chẳng hiểu gì nhưng cũng vui lắm, ngày nào cũng ra đo, dần dần, chẳng phải một cây tre mà chú Mấu tìm thêm gắn ghép sao đó mà tôi có được cái giàn kỳ quái như hình cái thang, một đầu dĩ nhiên ở dưới đất, đầu kia gác tạm lên cái trụ của giàn nho… Kệ đi, miễn có chỗ cho dây bò, tôi mê đắm, đỡ cái chuyện chạy nhảy, rủ rê tụi xóm sau phá tán, tôi mê từ cái lá nhỏ xíu xiu lớn dần lên, lại xẻ răng cưa, thật dễ thương; mê những cái râu nho nhỏ quấn vào các thanh tre, nhưng để chắc ăn, tôi lấy dây cột thêm vào thân nó, vừa cột, vừa rủ rỉ như nói chuyện với em bé:

– Chị cột nhẹ thôi nghe, không đau đâu, không cột là gió đập, em gãy luôn á!

Chẳng lâu sau, tôi vô cùng sung sướng khi đã lấp ló trong các nách lá là những chồi hoa, rồi thành hoa, hoa lại nở vàng rung rinh trong nắng sớm; tôi tưởng tượng đó là những chú bướm vàng đang chớp cánh chực bay; hoa tàn thì cũng vừa lúc trái đã tượng hình, tẻo teo, tôi lại ngắm nghía, trái lớn dần mà lớn nhanh thật, ôi thật hả dạ làm sao, tôi, tôi đã làm được “tích sự” rồi kia, tích sự đó là trồng được cây khổ qua, cho hoa và kết trái; từ đây, người nhà, bất kể ai mà mắng tôi “mày mà làm nên tích sự gì?” sẽ nghe tôi “đốp chát” với đầy đủ chứng cứ nghe! Từng ngày trôi qua, tôi chăm bẵm giàn khổ qua của mình, thật sự chỉ là nhìn ngắm thôi, chứ nước tôi đâu phải tưới, lâu lâu mới mang ra ly nước nhỏ tưới, cả nhà gọi là “tưới biểu diễn” để châm chọc, mỗi khi tôi nói “đi tưới cây” sẽ có ít nhất một cái “bĩu môi” dài ngoẵng, nhưng kệ đi, cái “kết quả” mới đáng nói: trái lớn rồi, tôi đếm vừa lớn, vừa nhỏ cũng 4-5 trái. Tôi thật sự đau lòng, vì có những trái bị héo ngay khi vừa tượng hình, nên hoa thì nhiều mà trái chỉ bấy nhiêu. Vậy là có chuyện. Nhà dưới hăm he: 

– Bữa nào nấu canh khổ qua đi, ngoài cây có mấy trái hái vô nấu luôn!

Nói một lần, hăm một lần, xúi một lần. Tôi nghe đủ 3 lần, nổi xung thiên, nói thinh không nhưng đầy thách thức: 

– Ai gan thì ra hái đi! Thử xem, thách luôn đó!

Cô tôi lên tiếng:

– Trồng ra trái thì hái ăn chớ không thì trồng làm gì? Để già cũng bỏ. 

Tôi nói rõ ý định của mình:

– Con không trồng để ăn. Ăn thì đi mua. Con trồng là để chờ nó già, nó chín, trồng để chơi thôi; con chỉ thích nó chín vàng, nở ra, hột đỏ tươi… đẹp lắm! Không ăn nghe! 

Từ ngoài sân, tiếng Ông vọng vào: 

– Kệ hén, hén trồng thì để cho hén muốn chi thì muốn. Có đoáng chi moà en với không en. (Kệ nó, nó trồng thì để cho nó muốn gì thì muốn. Có đáng gì mà ăn với không ăn).

Vậy là rõ nghe. Nó trồng thì nó muốn gì kệ nó, điều ấy đồng nghĩa với việc: không được ăn.

Vậy rồi, một trận mưa đêm trút xuống, tôi nôn nao, thương cây khổ qua, thương trái khổ qua đang chín, nó sẽ sao đây? Sáng, tôi chạy vội ra xem, tôi đứng lặng người nhìn sững trái khổ qua đầu tiên của mình chín rục trên cây; sau mấy ngày vàng tươi lóng lánh, sáng nay, nó nở toác hoác, từ trong ruột, những cái hạt đỏ thắm tràn cả ra ngoài, có lẽ do trận mưa đêm qua, màu đỏ đẹp đến nghẹn ngào… Tôi say sưa ngắm, màu đỏ từ ấy đã gây ấn tượng cho tôi. Giàn cây chỉ cho tôi 5 trái chín, tôi chỉ được chiêm ngưỡng đúng năm lần. 

Sau này, lớn lên, đến tuổi mộng mơ, tôi vẫn nhớ như in những trái khổ qua mình trồng, bất chợt nghĩ: Tôi sẽ viết truyện, truyện về đôi trai gái yêu nhau, rồi chàng là lính trận xa nhà, duyên không thành, nàng đành phải cất bước theo chồng… Ngày cưới, sánh vai bên chồng bước ra cổng vu quy, thoáng bên hàng giậu, trái khổ qua bị bỏ quên chín rục, nở bung, những hạt đỏ tươi rơi xuống… Chính trong tích tắc ấy, chàng đã gục ngã ở chiến trường! Câu chuyện chỉ hình thành trong ý tưởng, chứ không thành hiện thực, tôi không viết bởi vì tôi có biết gì chuyện yêu đương đâu mà viết chứ? Đã vậy, còn là chuyện “không có hậu”. Thảm lắm, không chơi. 

ThaiLy

 

1 nhận xét:

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm

  Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới. Tống...