Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

Cẩm Giàng: Thị trấn tôi yêu- Khúc Hà Linh

Cẩm Giàng: Thị trấn tôi yêu
Khúc Hà Linh

Gần đây một cuộc thống kê ngẫu nhiên về danh tính qua 3654 người dân ở 19 xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nhưng chỉ có 87 người mang họ Nguyễn. Trong số 2,3% người họ Nguyễn ấy, chủ yếu là Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình,Nguyễn Đức, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Trọng , Nguyễn Phú, Nguyễn Huy … tuyệt nhiên không có
ai họ Nguyễn Tường.
Vậy mà từ những năm nửa đầu thế kỷ 19, cách đây khoảng một thế kỷ rưỡi ở Cẩm Giàng có một dòng họ Nguyễn Tường từng sinh sống .

Sử sách còn ghi rằng:
Cụ Nguyễn Văn Vân ( 1774-1822) là hậu duệ của một dòng họ Nguyễn sinh sống ở xã Phước Điền, phủ Hà Trung, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá . Đến cụ Vân là đời thứ 5 mới di cư vào Gia Định thời chúa Nguyễn, và sau này lại dời ra Cẩm Phố, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, (nay thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam). Năm Bính Thìn( 1796) lúc Tây Sơn và Nguyễn Ánh
đánh nhau ở Gia Định, cụ thi đỗ nhị trường rồi được bổ chức Lễ sinh, vào làm việc bên cạnh Nguyễn Ánh. Năm 1797 cụ theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam lập được công to, rồi đóng quân ở cửa biển Đại Chiêm- Hội An.
“Gia phả họ Nguyễn Tường” hiện đang lưu giữ ở Hội An , trong phần nói về cụ Vân có ghi rằng
: một lần khi hành quân ở Quảng Nam, Nguyễn Ánh chỉ ngọn núi hỏi:
- Ngọn núi này tên là gì?
- Bẩm, tên là núi Phước Tường.
- Nguyễn Phước là họ của ta. Vậy ban cho ngươi họ Nguyễn Tường.
Sau đó cụ Vân đã đổi chữ đệm từ Văn thành chữ Tường .
Năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Tường Vân theo Nguyễn Ánh đánh vào Quy Nhơn, thắng trận được phong làm Tham luận vệ túc trực, rồi chuyển vào giữ chức Tri bạ chánh doanh, cai quản nội gia Nguyễn Ánh
Năm Tân Dậu (1801) cụ theo Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, cụ được cử làm phó sứ cùng chánh sứ Trịnh Hoài Đức sang đề nghị nhà Thanh phong vương cho Nguyễn Ánh, lúc trở về được giữ chức Cai bạ Quảng Nam (1803). Cụ Vân có lần bị giáng chức rồi lại thăng kí lục tỉnh Bình Thuận, rồi Hiệp trấn Nghệ An. Năm 1813 được thăng Hữu Tham tri
bộ Hộ, kiêm Hiệp trấn Nghệ An,. Năm Kỷ Mão –1819 sung làm Đề điệu trường thi Sơn Nam hạ, rồi lãnh chức Hộ tào Bắc thành( Hà Nội ). Khi Gia Long mất , cụ được triệu về kinh, nhưng Tổng trấn khi ấy là Lê Chất tâu xin ở lại giữ chức Phó tổng trấn trông coi việc ở Bắc Thành.
Năm Minh mệnh thứ ba(1822) được triệu hồi về Huế thăng chức Bộ binh thượng thư (tương đương bộ trưởng quốc phòng ngày nay), tước Nhuận Trạch hầu . Nhưng giữ chức chưa được bao lâu, cụ mất ngày 8 tháng 10 năm 1822, hưởng dương 49 tuổi. Mộ phần quốc táng tại xã Phú Xuân, Đại Lộc, Quảng Nam.

Cụ thượng thư bộ binh, Nhuận Trạch hầu Nguyễn Tường Vân có hai vợ. Chính thất phu nhân Phan Thị Thục sinh ra phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh, từng làm Tuần vũ Định Tường. Thứ phu nhân Nguyễn Khoa Thị Nhàn, sinh ra bốn con trai là Nguyễn Tường Khuôn, Nguyễn Tường Phổ, Nguyễn Tường Thanh, Nguyễn Tường Tránh.. Gia phả- Sáchđã dẫn.
Xin chỉ nói về người con thứ Nguyễn Tường Phổ sau này ra làm quan và sinh sống tại Cẩm Giàng, trở thành vị khai nguyên dòng họ Nguyễn Tường ở đây.
 
Nguyễn Tường Phổ ( 1807- 1856), tự là Quảng Thức và Hy Nhân, hiệu Thứ Trai. Tuổi trẻ kháu khỉnh thông minh, học rộng biết nhiều, có chí khí. Đã hay văn thạo sử, lại cung kiếm toàn tài.
Năm 35 tuổi đỗ Tiến sĩ Tam giáp ( khoa thi Nhâm Dần 1842). Sau khi đỗ được bổ chức Hàn lâm viện biên tu Nội các, rồi thăng tri phủ Hoằng An ( Bến Tre), tri phủ Tân An( Gia Định). Năm
Tự Đức thứ 6(1853) giáng bổ Giáo thụ huyện Điện Bàn, sau thăng quyền đốc học Quảng Nam.
(Các nhà khoa bảng Việt Nam- Ngô Đức Thọ chủ biên- Văn học, 1993).

 Cụ Phổ từng làm tri phủ Cẩm Giàng, chẳng bao lâu bị giáng chức làm giáo thụ Hải Dương. Sau làm đốc học tỉnh Hải Dương.
Cụ là người nổi tiếng thơ văn, được sĩ phu trọng vọng. Trong cuốn sách Quốc triều đăng khoa lục, ông Cao Xuân Dục( 1842- 1923) từng là thượng thư bộ học, lại là nhà sử học, đã bình phẩm rằng :" Đó là người có khí tiết, không a dua, không thiết gì sự thăng quan tiến chức, chỉ
lấy câu thơ, chén rượu làm vui, Người bấy giờ ví ông với Đào Tiềm ”.
Cụ Phổ sinh ra Nguyễn Tường Trấp( còn gọi là Tiếp) trưởng nam, và Nguyễn Tường Chữ thứ nam.. Không thấy nói về ông Chữ, còn Nguyễn Tường Tiếp làm tri huyện Cẩm Giàng, dân trong vùng quen gọi là Huyện Giám. Tại thời điểm này có ông Phạm Phú Thứ, người xã Đông Bàn,cùng huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam được triều đình Tự Đức bổ làm Tổng đốc Hải An
(bao gồm cả Hải Dương bây giờ- KHL).
Ông Phạm Phú Thứ ( 1820-1883) hiệu Trúc Đường, đỗ tiến sĩ năm 1843, có thời kỳ làm tri phủ Lạng Giang, sau làm Tổng đốc Hải An. Chính ở đây ông huyện Giám đã xây dựng được mối giao tình giữa hai nhà họ Phạm và họ Nguyễn, đồng hương Quảng Nam sống trên đất Bắc. Ở Đà Lạt những năm 50- 60 của thế kỷ trước còn con đường mang tên Phạm Phú Thứ xanh rợp
bóng lá thông . Theo Phạm Phú Minh, người cháu Tổng đốc kể lại, thì ông huyện Giám đã tặng cụ cố một đôi câu đối khá dài khắc trên gỗ mầu nâu, nguyên văn như sau :
* Huệ chính kỳ huân, Lục Đầu giang đông hạ văn thiên lý
* Hùng văn đại bút , Ngũ Hành sơn nam trung đệ nhất phong.

Nghĩa là :
Công lao cai trị đầy ân huệ, từ Lục Đầu giang xuôi về đông , còn nghe ngàn dặm.
Văn chương bút lực lớn lao, cả Ngũ Hành sơn riêng cõi nam, phong cách đứng đầu.

Ông huyện Giám có ba người vợ. Bà cả là Huỳnh Thị Tòng, bà thứ là Nguyễn Thị Nho, bà ba Trương Thị Lý. Trong số bốn người con của ông, Nguyễn Tường Chiếu, tục gọi là Nhu có mối quan hệ đặc biệt tới các nhân vật trong cuốn sách này..
Ông Nhu sinh năm 1881, vừa học Hán vừa thạo chữ tây, có thời kỳ sang Sầm Nưa ( Lào) làm thông phán toà sứ, nên thường gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. ( Việc này ở phần sau sẽ nói kỹ) . Ông Nhu lập gia đình với bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật, tục gọi Quản Thuật huyện Cẩm Giàng. Ông bà Nhu sinh được 7 con, một gái sáu trai. Trong quyển Hồi
ký gia đình NguyễnTường của bà Nguyễn Thị Thế ấn hành năm 1974 ở Sài Gòn, kể lại như sau:
“Thứ tự gia đình tôi theo đúng tuổi là anh cả Nguyễn Tường Thụy sau nầy làm Tổng giám đốc bưu điện, sinh năm Quý Mão (1903),
Anh hai Nguyễn Tường Cẩm, Kỹ sư canh nông, Giám đốc báo Ngày Nay, sinh năm Giáp Thìn (1904),

Anh ba Nguyễn Tường Tam, Nhất Linh, sinh năm Bính Ngọ (1906),
Anh tư Nguyễn Tường Long- Hoàng Đạo sinh năm Đinh Mùi (1907),
Tôi Nguyễn Thị Thế, thứ năm , sinh năm Kỷ Dậu (1909),
Em sáu Nguyễn Tường Vinh (Lân), Thạch Lam sinh năm Canh Tuất (1910),
Em bẩy Nguyễn Tường Bách, Bác sĩ, sinh năm Bính Thìn (1916)”.
Thời Pháp, thông phán tòa sứ là người Việt được Pháp đào tạo về hành chính và thông thạo tiếng Pháp. Họ làm việc tại toà Thống sứ hay Khâm sứ. Thống sứ là quan Pháp cai trị Bắc Kỳ.
Như vậy ông Nhu làm thông phán toà Khâm sứ, do quan cai trị người Pháp đứng đầu các xứ bảo hộ của vua, như Trung kỳ, Lào, Miên, có trách nhiệm thay mặt chímh phủ Pháp và Toàn quyền Đông dương để giao thiệp với Triều đình Huế và sắp xếp việc cai trị ở Trung Kỳ.
Vậy là tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ - người Quảng Nam ra Cẩm Giàng làm quan trở thành vị khai nguyên cho dòng họ Nguyễn Tường trên mảnh đất này. Cụ là nội tổ của các anh em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Ông Nhu qua đời năm 1918 để lại cho người vợ goá 37 tuổi với một đàn con thơ bé.
Thế Uyên hồi ức: Gia đình mẹ tôi xưa nghèo, và trở thành khốn quẫn sau khi ông ( tức ông Nhu- TG chú thích) mất bên Lào . Bà buôn bán tảo tần nuôi bảy người con ở cái phố huyện buồn thiu…Các anh em trai đi học, mẹ tôi là con gái độc nhất nên ở nhà thay mẹ lo việc nội trợ…( Trang 261, TLVĐ trong tiến trình văn học dân tộc, VHTT- 2000).

Người Việt Nam có quan niệm về thế thứ dòng họ rất giản dị: Người đầu tiên đến vùng đất nào mở mang, sinh cơ lập nghiệp, thì con cháu chắt các đời sau coi là vị tổ của dòng họ trên vùng quê ấy. Nếu như thế, tính từ Nguyễn Tường Phổ lập nghiệp trên đất Cẩm Giàng là đời thứ nhất, thì họ Nguyễn Tường có một tri phủ (ông Phổ). Sang đời thứ hai có một tri huyện(ông Nguyễn Tường Tiếp), đến đời thứ ba có một thông phán toà sứ( ông Nguyễn Tường Nhu). Đến đời thứ tư có 3 đại biểu Quốc hội khoá I (bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam - nhà văn Nhất Linh, bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Tường Long - nhà văn Hoàng Đạo, và bác sĩ Nguyễn Tường Bách), một tổng giám đốc Bưu điện (ông Tường Thuỵ), một kỹ sư kiêm giám đốc báo Ngày Nay (ông Tường Cẩm). Trong đó có Tự Lực Văn Đoàn, mà ba anh em làm chủ súy(Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam). Trong bẩy người con, trừ Nguyễn Tường Thuỵ làm kỹ thuật, còn lại 6 người đều có duyên phận văn chương nghệ thuật, tham gia quản lý báo chí và nhà in Tự Lực văn đoàn. Nhất Linh đa tài hơn cả, ông làm hoạ sĩ, làm báo, say mê nhạc, thổi hắc tiêu rất hay , viết tiểu thuyết có bản lĩnh . Thời kỳ lưu lạc ở Lào, đã dùng nghề vẽ phông kiếm sống chờ
thời đi du học. Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Thị Thế từng viết hồi ký về gia đình Nguyễn Tường.
Đời thứ 5 họ Nguyễn Tường là các con của bẩy anh chị em Nhất Linh. Họ được sinh ra trên miền Bắc, sau này vào miền nam sinh sống, nhiều người cũng theo nghiệp chú bác làm văn chương , như Tường Hùng ( con trai Nguyễn Tường Thuỵ gọi Nhất Linh là chú ruột), Thế Uyên ( con trai bà Nguyễn Thị Thế, gọi Nhất Linh là bác), Trần Khánh Triệu (con trai Nhất Linh, làm con nuôi Khái Hưng), Nguyễn Tường Giang (con trai Thạch Lam)...
Đọc bài Nắm cỏ đưa về tấc đất xưa của nhà văn Phạm Phú Minh trong Tạp chí Thế kỷ 21
(tháng 7-2002) mới biết rằng: năm 1975, Nguyễn Tường Thạch (con trai Nhất Linh ) đã hỏa thiêu di cốt của cha và gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu tại quận 3 Sài Gòn. Năm 1981 bà Nhất Linh sang Pháp đoàn tụ với con, đã qua đời năm đó, được an táng ở Pháp. Hai mươi năm sau, vào 2001, các con của ông bà Nhất Linh đã quyết định dời mộ cha
mẹ và chị gái lớn là Nguyễn Thị Thư về Hội An - Quảng Nam, nguyên quán của gia tộc Nguyễn Tường. Mộ ông bà Nhất Linh nằm gần mộ cụ tổ tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, người đầu tiên của họ Nguyễn Tường ra làm quan và lập nghiệp ngoài Bắc, nhưng khi mất đã được triều đình nhà Nguyễn cho phép mang thi hài về an táng tại quê nhà.
Ở Hội An vẫn còn Nhà thờ tộc Nguyễn Tường nằm trên đường Phan Đình Phùng, ngay cạnh Khổng Miếu. . Toạ lạc ở khối phố 4, phường Cẩm Phô, thị xã Hội An, nhà thờ còn giữ được những di ảnh từ đời trước: Bức ảnh truyền thần Thượng thư bộ binh Nguyễn Tường Vân, khi đi sứ nhà Thanh được hoạ sĩ người Thanh vẽ khá đẹp , mang màu sắc phong cách tranh Tàu.
Bức ảnh vẽ tiến sĩ tam giáp Nguyễn Tường Phổ đến nay vẫn được thờ trong nhà thờ họ Nguyễn Tường . Điều đặc biệt là ngày 10-1-2008 UBND tỉnh Quảng Nam cấp Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh cho nhà thờ. Công trình kiến trúc này xây dựng từ thế kỷ trước, được trùng tu nhiều lần, còn nghĩa trang dòng họ Nguyễn Tường cách đó gần một cây số.
Trong khi đó, cách Hội An ngót một nghìn cây số về phía bắc, ở Cẩm Giàng còn giữ được ngôi mộ của ông Thông Nhu. Số là khi ông mất tại Sầm Nưa( Lào ) nhưng thi hài được mang về an táng tại nghĩa trang làng La A, xã Kim Giang, cách trung tâm ga Cẩm Giàng khoảng 2 km.
Những năm 40 thế kỷ 20, gia đình Nguyễn Tường ly tán: Thạch Lam mất năm 1942 ở Hà Nội,
Hoàng Đạo mất năm 1948 ở Trung Quốc, Nhất Linh lưu vong nước ngoài…Gia đình đã uỷ cho ông Ngô Như Khiết (người làng La A ) trông nom giúp mộ phần người đã khuất.. Ông Khiết mấtnăm 1995, bà vợ ông là Bùi Thị Ngũ và người con dâu tiếp tục công việc nghĩa hiệp. Bà Ngũ đã 90 tuổi nhưng còn mạnh khoẻ và tinh tường, bà kể rằng: hơn nửa thế kỷ qua, gia đình bà vẫn
sớm hôm chăm sóc và hương khói mộ ông Nguyễn Tường Nhu như thể mộ phần của nhà mình, không hề sao nhãng. Năm 2002 , ông Vũ Xuân Ba (hiện cư trú tại K5- P401- Tập thể Thành Công, quận Ba Đình - Hà Nội), tìm về tận Cẩm Giàng thăm mộ ông Nhu. Ông đã bỏ tiền ra và nhờ gia đình bà Ngũ tôn tạo lại mộ phần ông Nhu cho đẹp đẽ.
Ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tuất ( 2006), chúng tôi đã được Nguyễn Hồng Hà , bí thư Đảng uỷ, đồng chí Đường phó chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giàng và nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông cùng các cụ địa phương và bà Ngũ dẫn đến thăm viếng mộ ông Nhu. Đó là gò đất cao,thế vững chắc, nằm sát một chiếc ao lớn, mặt chính của ngôi mộ hướng tây nam. Ngôi mộ
được xây đắp giản dị mà tôn nghiêm, có tấm bia khắc chữ Nguyễn Tường Nhu ( 1881 - 1918),có bát hương thờ cúng. Mới biết người dân thị trấn Cẩm Giàng, xã Kim Giang tình nghĩa với người con từng sinh sống nơi đây, nay do hoàn cảnh lịch sử mà gia đình đã ly tán. Đấy cũng là
tấm lòng nhân hậu của người quê hương Cẩm Giàng đối với thân phụ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, những người một thời có những tác phẩm về quê hương rất đậm nét trong văn chương nước nhà.
(…)


Tháng 2 năm Mậu Tý- 2008 bà Nguyễn Tường  Nhungung , con gái nhà văn Thạch Lam, cũng là vợ của trung tướng Ngô Quang Trưởng, (của chế độ Sài Gòn).

Bà Nguyễn Tường  Nhungung từ Mỹ về thăm mộ ông nội , và xúc động đi trên con đường mang tên Thạch Lam, người cha thân yêu của mình, trên thị trấn Cẩm Giàng.


(đường Thạch Lam ở Cẩm Giàng) (lối vào trại Cẩm Giàng xưa)
Đối với gia đình họ Nguyễn Tường ở Cẩm Giàng, năm 1918 là một thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt lớn trong cuộc đời họ. Đó là năm mà ông thông Nhu mất ở bên Lào, gia đình lâm vào cảnh nghèo khó và hụt hẫng. Bà Nhu ngày ấy 37 tuổi, tần tảo khuya sớm nuôi bẩy con, trong  hoàn cảnh người lớn nhất mới 15, 16 tuổi (Nguyễn Tường Thuỵ sinh năm 1903), bé nhất là
Tường Bách lên 2 tuổi. Người mẹ phải gian khổ, can đảm vượt qua thử thách để nuôi các con ăn học, sống trong cái phố huyện buồn tẻ. Bà Nhu phải đi cân gạo nhưng vẫn không đủ sinh sống. Bà quay sang nấu thuốc phiện với mục đích kiếm tiền cho con ăn học, nhưng các con lại coi đó là trò chơi có ý thức chống đối bọn Tây, bởi chúng độc quyền rượu và thuốc phiện. Ngày
ấy các con đều ở Cẩm Giàng thấy mẹ làm vậy là nguy hiểm nên thay nhau canh gác để không cho Tây đoan đến bắt. Một lần chúng sập đến bất ngờ, Thạch Lam chúi mũi vào xem đầu tầu hoả không biết, thật may Nhất Linh phát hiện trước chạy ra tíu tít hỏi chuyện nhằm giữ chân bọn Tây đoan. Tường Cẩm bê đồ giấu ở bụi tre mà thoát hiểm. Sau lần ấy, bà Nhu bỏ nghề
mạo hiểm, lại đi cân gạo, vẫn sống cảnh nghèo. Niềm an ủi nhất là các con bà đi học và càng tiến bộ .
Chính cuộc sống khổ nghèo ấy đã lay động trái tim và in đậm trong tâm hồn các con để sau này thành những nhân vật văn học trong các tác phẩm của TLVĐ. Hầu hết các tác phẩm Thạch Lam đều lấy chất liệu ở đời sống, để rồi hoá thành bác Lê, thành người hay mua rượu chịu của
hai chị em Liên, thành bến Tiên trong truyện.
Những ngày sống ở Cẩm Giàng đã khiến cho bà Nhu bừng dậy một ước mơ, khi có tiền bà sẽ làm một cái nhà giữa cánh đồng hứng gió mát cho sướng. Thế rồi vận bĩ qua đi, các con khôn lớn, hai người con đầu đi làm có tiền giúp mẹ cho các em học lên cao, hai người con tiếp theo cũng đỗ đạt, lại giúp các anh học tiếp nữa. Chỉ có Thạch Lam bấy giờ mới 15 tuổi tốt nghiệp
bậc tiểu học(Primaire). Sốt ruột, Thạch Lam( khi ấy tên Nguyễn Tường Vinh) mới bảo mẹ nói khéo với ông lý trưởng cho đổi tên Nguyễn Tường Lân và khai tăng tuổi học ban thành chung,rồi đỗ bằng Cao đẳng tiểu học trường Canh nông, rồi xin thôi để vào trường Albert Saraut học thi bằng tú tài. Thi xong tú tài, ông đi làm báo với các anh.
Bà Nhu đã thực sự thoát cảnh túng bấn nhờ các con trưởng thành. Uy tín người mẹ có con học hành đỗ đạt, đã tạo nên hoàn cảnh mới. Bà giao thiệp rộng rãi và buôn bán khá hơn. Bà mua ba mẫu ruộng cách xa phố huyện khoảng gần một nghìn mét, làm nhà để hứng gió trời. Ngôi nhà có cửa quay bốn hướng đông tấy nam bắc, trong kính ngoài chớp. Chung quanh trồng cây xanh. Phía đông trước cửa là một chiếc ao hình vuông thả cá, trên bờ trồng cài nhiều loại hoa thơm. Có lẽ vì thế sau này Thạch Lam có một truyện ngắn rất nổi tiếng là Dưới bóng hoàng lan đầy chất thơ.? Từ một cái nhà giữa cánh đồng, được các con gíup thêm, với đức cần kiệm toan lo của bà Nhu, nơi này trở thành một cái trại khá đẹp, nằm sát đường tàu, khách ngồi trên toa
xe lửa Hà Nội- Hải Phòng qua đây cũng có thể nhìn rõ. Cũng trại này thành nơi sinh hoạt và hoạt động văn chương của TLVĐ và nhóm Phong Hoá, Ngày Nay. Cũng từ trại này mà sau này Thế Lữ sáng tạo thêm làm bối cảnh cho một truyện trinh thám gây xôn xao lúc bấy giờ.

Những giai đoạn khổ nghèo như thế có mấy ai biết, chỉ đến khi thấy bà Nhu là chủ trại lớn, tiện nghi đàng hoàng, các con bà trang phục sang trọng theo lối Tây, lại mua nhà in với thiết bị khang trang, thì đã có cách nhìn thiếu phần chia sẻ. Nhiều người cực đoan cho rằng thái độ của Thạch Lam, Hoàng Đạo, Nhất Linh tả nhân vật trong văn chương thể hiện con mắt của kẻ
ban ơn, của kẻ giàu thương hại người dân nghèo tối tăm, ngu dốt. Ai biết đâu, chính đó là sự hoá thân của các tác giả TLVĐ vào con người dân quê, mà họ từng sống trong ngày thơ ấu ở Cẩm Giàng.
Thế Uyên – con trai bà Nguyễn Thị Thế, cháu gọi Thạch Lam là cậu, trong bài “ Tìm kiếm
 

Thạch Lam” đã hồi ức về trại Cẩm Giàng: Căn trại này biệt lập giữa đồng, có dãy nhà ngang nhìn ra chiếc ao sát bờ tre, gọi là khu đàn ông. Căn nhà đầu tiên trải thảm cói dầy, cửa lớn nhìn ra đường xe lửa bên kia luỹ tre xanh, bên trong có nhiều ghế bành mây. Chính ở đây những gười đàn ông ngồi uống trà, hút thuốc, nói chuyện tâm đắc. Họ toàn là những người thân
thiện, gần gũi với gia đình. Có khi bàn chuyện văn chương, báo chí, có thể là chuyện cải cách giải phóng dân tộc. Thường trong lúc ấy, Thạch Lam ngồi trong đám bạn văn thơ, bởi tính cách Thạch Lam chỉ có thế.
Cuộc sống gia đình bà Thông Nhu dần dần biến động theo sự biến động của thời cuộc, không còn giữ được vẻ yên hoà như trước. Thời kỳ các con làm báo Phong Hoá, Ngày Nay ở Hà Nội,bà Nhu quanh năm bà ở Cẩm Giàng. Những ngày lễ, ngày tết gia đình mới sum họp. Cũng có khi bà ra Hà Nội chơi với các con, nhưng chỉ vào ngày kỷ niệm báo ra và lễ ngày Noel, chơi vài
hôm lại về. Một lần Nhất Linh thuê một ngôi nhà ở đường Quán Thánh, gần toà báo, đón mẹ lên ở cùng Hoàng Đạo, Tường Bách, Thạch Lam và vợ chồng cô con gái Nguyễn Thị Thế. Vậy là toàn bộ cơ ngơi trại Cẩm Giàng phải nhờ người nhà trông coi.
Bà Nhu ra Hà Nội ở, bạn bè của bà đến thăm rất đông, bởi một thời gian dài họ không có điều kiện gặp nhau. Trong này có bà phán Lợi rất quan tâm đến Hoàng Đạo. Bà phán làm mối cho Hoàng Đạo lấy con một bà bạn của mình. Thế rồi chuyện cưới xin suôn sẻ, nhưng vì nhà gái hiếm hoi, nên Hoàng Đạo thuận lòng về ở rể nhà mẹ vợ cho vui cửa vui nhà. Công việc xong,
bà Nhu lại về trại Cẩm Giàng nơi mà bà gửi gắm bao nhiêu tình yêu và kỷ niệm.
Vợ chồng bà Thế cũng thuê một căn nhà khác ở làng Yên Phụ, gần hồ Tây, có Thạch Lam về ở cùng. Tường Bách bấy giờ đang học bác sĩ nên ở nội trú. Thấy phong cảnh hồ Tây đẹp nên thơ, không khí mát lành, các con lại tìm mọi cách đón bà Nhu ra Hà Nội một lần nữa. Mặc dầu vậy, nhưng bà Nhu cũng cố ở được một năm, lại nằng nặc về ngôi trại của mình ở quê hương Cẩm Giàng. Mùa xuân năm Đinh Hợi (2007) chúng tôi được dẫn đưa đi thăm trang trại ngày xưa của gia đình bà Thông Nhu. Khu đất ba mẫu Bắc bộ nay có ba hộ quản lý và sử dụng: Kho lương thực Cẩm Giàng, và hai hộ gia đình nông dân. Chúng tôi vào một gia đình, được chủ nhà là ông Nguyễn Văn Đạm ngoài 70 tuổi, vồn vã đón tiếp. Nghe kể lại nguồn gốc mới thấy cảm động về tình đất tình người. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, gia đình bà Nhu tản cư. Vùng
quê Cẩm Giàng tiến hành tiêu thổ kháng chiến, trại bà Nhu cũng như các làng thôn khác, trở thành vườn không nhà trống để tham gia đánh giặc.
Hoà bình lập lại, dân làng trở về xây dựng cuộc sống mới, khu trại nhà bà Nhu vẫn là mảnh đất để không. Vào khoảng năm 53-54 ông Thiệp là xếp ga Cẩm Giàng đã sử dụng khu đất này vào việc nhà ga và một phần cho sinh hoạt. Hoà bình lập lại, chính quyền mới tiếp quản ga Cẩm Giàng, ông Thiệp được giữ lại làm việc với tư cách là cán bộ lưu dung. Khoảng năm 1970 cấp
trên điều ông Thiệp về nhận công tác ở ga Giáp Bát- Hà Nội. Trước khi đi, ông đã bán lại cho người em đồng hao là ông Nguyễn Văn Đạm sử dụng khoảng 2000m2. Số đất còn lại, chính quyền địa phương giao cho gia đình ông Hồ một phần và sử dụng vào việc xây kho lương thực từ thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Khuôn viên nhà ông Đạm còn một cái ao cũ từ thời bà Nhu ở. Trước hình vuông, nay đã biến thành tròn. Ông Đạm nhiều lần cải tạo ao và nhiều lần tìm được vỏ những lọ kem, mỹ phẩm bằng nhựa, bát đĩa cổ, gạch ngói cũ là dấu tích một thời gia đình bà Nhu từng sinh sống.
Những cây mít, cây nhãn, cây doi trồng trong vườn đã lâu niên vẫn còn toả màu xanh mát,đang mùa ra quả.

(bên bờ ao ở Cẩm Giàng)

Tất cả kỉ vật từ thời TLVĐ trên mảnh đất này nay chẳng còn gì, ngoài chiếc ao. Bãi biển nương dâu mà! Tôi bỗng liên tưởng tới bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương đời Đường,đại ý: Xa quê đã lâu, nay trở về chứng kiến bao đổi thay. Người thân đã mất mát quá nửa, duy chỉ sóng nước hồ Kính Thuỷ trước cửa nhà, khi gió xuân gợn sóng vẫn không làm thay đổi
ngọn sóng ngày xưa. Chúng tôi hình dung ra mùi hoàng lan thơm ngào ngạt đâu đây, và cứ bâng khuâng cố tưởng tượng xem chỗ nào mồng ba tết Nhâm Ngọ 1942 Thạch Lam cùng bạn văn ngồi uống rượu Mỹ tửu vui đùa nói chuyện văn chương?
Ông Đạm chỉ cho chúng tôi chỗ nào là ngôi nhà bốn hướng của bà Nhu, rằng nếu có xây dựng nhà lưu niệm, thì trên bờ ao này sẽ là nơi đặt bia kỷ niệm. Thì ra ông đã chuẩn bị trước, nếu nhà nước có nhu cầu lấy lại đất để sử dụng vào việc lớn, ông sẽ vui lòng.


Các ảnh khác :

Cẩm giàng xưa

Ảnh trên :Từ đường tộc họ Nguyễn Tường ở Cẩm Phô, Hội An

Ãnh dưới :Ga xép Cẩm Giàng 1012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Kính chiếu yêu bất đắc dĩ: THÍCH MINH TUỆ (Đỗ Chiêu Đức)

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                     Kính chiếu yêu bất đắc dĩ                THÍCHMINH TUỆ                                          ...