Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Tiểu Lục Thần Phong: PHƯỚC PHẦN NHƯ THẾ (Trang T.VấN Và BẠN HỬU )

      

                                            Sen – Tranh: MAI TÂM

Nhác thấy bóng Thomas Le, nhiều người đang tíu tít ở sân chùa bỗng giạt ra. Nếu ai tinh ý một tí sẽ thấy cảnh tượng giống hệt như mặt nước có váng dầu, bỗng nhiên có giọt xà bông rơi vào. Nhiều người biết rõ thằng Thomas Le nhưng mắt ngó lơ, tưởng chừng như đang ngắm cảnh mà không thấy. Một nhóm khác túm tụm bàn tán xì xào vừa chỉ chỏ và liếc ngang liếc dọc. Bà Tư Hồng liếc xéo, nhướng mắt về hướng Thomas Le rồi xí một tiếng sắc như dao cạo:

 – Đồ bê đê, đồ biến thái!

 Nhiều tiếng cười khúc khích hưởng ứng, những người xung quanh thêm mắm dặm muối cho câu chuyện thêm phần quái đản và nhiều phần gây nên ác cảm. Bà Bảy Hường chỉ Thomas:

 – Đồ lại cái, đã vậy còn cặp với Mỹ đen nữa chứ! tụi đó dơ dáy, lười biếng thấy mồ! Thằng này chắc thích cảm giác mạnh?

 Một tràng cười khả ố tán thưởng bà Bảy Hường. Bà Hai Bông đang lặt rau cũng góp lời:

 – Ai đời lại cặp Mỹ đen, tụi nó nghèo mạt rệp, trên răng dưới dái. Tụi bê đê Việt, Mỹ trắng thiếu gì, sao hổng cặp lại cặp Mỹ đen?

 Chị Tammy Le đang cắm hoa gần đấy, chị nghe tất cả, lòng buồn nhưng chẳng biết làm sao, đây cũng chẳng phải là lần đầu chị nghe người ta xỏ xiên con trai chị. Tuy cùng bổn đạo, cùng đi chùa, bình thường gặp mặt thì cũng chào hỏi nhưng quay lưng đi là xoi bói, bươi móc không tha. Chị nhiều lần khóc thầm vì những lời  ác ý dù là vô tâm hay hữu tâm ấy. Chị tập làm lơ nhưng không khỏi xót xa khi nghĩ đến con. Người ta bảo “Cha mẹ sanh con trời sanh tánh”. Ai cũng muốn con mình khoẻ mạnh, thông minh, phát triển tốt. Đâu có ai mong con mình phải khác người, để rồi nhận lấy sự chê bai, kỳ thị. Phước phần mỗi người mỗi khác, cái nhân quá khứ khác nhau thì làm sao có cái quả đồng nhau được! Từ khi thằng Thomas dậy thì, chị đã phát hiện ra những dấu hiệu khác thường của nó, càng lớn thì càng lộ rõ. Chị chưa hề thấy nó có bạn gái hay cặp với cô nào, toàn là chơi với bọn con trai, thậm chí có lần chị còn thấy nó ôm bạn nó ngủ ở dưới basement, lúc đầu chị cũng tưởng là bạn bè thân thiết, nhưng sau đó thì chị biết rõ nó là gay. Chị bắt gặp nó hôn môi với thằng Andrew J. Chị đứng như trời trồng, không biết nói năng gì, cũng chẳng biết phải nên làm gì nữa. Những ngày sau đó không khí trong nhà nặng như đông đặc lại, nước mắt chị chảy ra không buồn lau. Tánh chị xưa nay hiền, lặng lẽ giờ càng lặng lẽ hơn. Chị thương con đứt ruột, không hề la hét nó bao giờ, giờ biết sự thật vậy thì lòng càng lo lắng cho tương lai của nó. Chị cố gắng tìm hiểu và tham vấn các bác sỹ tâm lý, tất cả đều khuyên chị nên chấp nhận sự thật như thế. Chị cũng có đôi lần khóc với Thomas:

 – Sống vậy sao được hả con? Con phải lấy vợ, sanh con, mẹ muốn có cháu để bồng.

 Thomas L. qùy xuống ôm chân chị:

 – Mẹ thương con, làm sao con có thể lấy vợ được? con không có cảm xúc gì với con gái.

 Thế rồi hai mẹ con ôm nhau khóc, nước mắt không làm vơi được nỗi đau nhưng không khóc thì biết làm gì bây giờ? Thomas biết mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Thằng William N khi thố lộ với ba mẹ nó, nó đã bị ba mẹ nó chửi rủa té tát vào mặt, ba nó từ mặt nó. Con Hellen P thú nhận với ba nó, ba nó tát vào mặt. Hellen đau đớn ôm mặt khóc mà không nỡ gọi cảnh sát, sau đó thì bỏ nhà đi luôn. Nhiều đứa bạn của Thomas thì bị chính người thân trong gia đình khi dễ, ghẻ lạnh và chối bỏ. Thomas từng tâm sự với thằng bồ của nó, tụi mình tuy khác người nhưng may mắn sinh ra và lớn lên ở xứ sở tự do, được luật pháp bảo vệ, nhân quyền được tôn trọng. Nếu tụi mình mà sinh ra ở châu Phi hay những xứ Hồi giáo Ả Rập thì chỉ có chết thảm, chắc chắn sẽ bị truy sát đến cùng.

  Mẹ Thomas rất hiền và thương con, từ nhỏ đến giờ Thomas chưa bao giờ chị la mắng hay đối xử thô bạo với con. Thomas là tất cả tình thương và hy vọng của chị, khi biết rõ sự thật, chị tưởng chừng như sụp đổ nhưng rồi chị phải đứng lên và tiếp tục sống vì con . Chị cũng như bao người khác, cũng lo sợ bị người ta đánh giá này nọ, sợ ảnh hưởng đến uy tín danh giá vì có con như thế nhưng chị dũng cảm đương đầu để chấp nhận sự thật của con mình. Chị không thể buộc con mình sống giả tạo, che dấu thân phận để bảo vệ danh giá. Nhiều người vì lo cho cái danh vọng và địa vị của mình mà không chấp nhận những đứa con như thế. Chính họ đã tạo ra thêm nhiều bi kịch khổ đau cho chính đứa con mà họ đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng bao nhiêu năm dài. Không ít trường hợp quá cay nghiệt khiến đứa con quẫn trí phải tự vẫn. Thomas thấy mẹ nó chấp nhận giới tính thật của nó. Nó sung sướng và cảm ơn mẹ. Nó cảm nhận đó là cả một sự hy sinh to lớn biết bao, ấy là chưa nói đến công lao sinh thành dưỡng dục hai mươi mấy năm nay. Bởi vậy Thomas thương mẹ vô cùng, thấy mẹ  buồn, lòng nó cũng đau buồn lắm nhưng nó không thể sống khác được, sinh ra như thế thì làm sao có thể thay đổi được bây giờ? thấy mẹ nó đau khổ, nó cũng dằn vặt trong lòng lắm. Nó đâu có muốn thế, nó hoàn toàn không có cảm xúc gì với con gái, từ khi dậy thì nó chỉ rung động với con trai mà thôi. Nó vật vã mấy năm trời, cố che giấu thân phận, sợ bạn bè trong trường trêu chọc, sợ bị kỳ thị và bao nhiêu nỗi sợ không tên khác. Nó phải gồng lên, cố tỏ ra nam tính nhưng càng gồng, càng che dấu thì nỗi khao khát của tính dục thật sự lại càng cháy bỏng hơn. Cây kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, mọi người phát hiện nó là gay, ban đầu nó cũng từ chối, dùng lý lẽ để biện minh nhưng cuối cùng nó phải đầu hàng và chấp nhận sự thật. Nó đã yêu một bạn trai cùng lớp, thằng đó cũng thương nó, khổ nỗi anh ta lại là Mỹ đen. Số phận thật trớ trêu, đã gay lại còn yêu Mỹ đen, Thomas phải chịu sự kỳ thị gấp hai lần từ những người cùng màu da và văn hoá với mình. Nhiều lúc Thomas muốn rủ Andrew J đi đến những tiểu bang ít người Việt để sinh sống, khổ nỗi nó thương mẹ, nó không muốn bỏ mẹ nó bơ vơ một mình. Mẹ nó đã hy sinh cả đời cho nó rồi, nó muốn sống gần mẹ nó trong những năm tháng về già.

 Chị Tammy ở vậy nuôi Thomas từ khi nó mới lên năm. Năm ấy anh Henry Le về Việt Nam đầu tư làm ăn gì đấy, rồi cặp bồ và ở luôn ở bển không quay lại Mỹ nữa. Chị Tammy còn trẻ đẹp, nhiều người ngấp nghé muốn cặp bồ hay kết hôn nhưng chị từ chối cả. Chị sợ hôn nhân rồi, chị thương Thomas, dồn hết tình cảm cho nó nên không có hứng thú để đi bước nữa. Lúc rảnh rỗi chị lên chùa Hải Lượng để phụ giúp, chị là một trong những người có công lớn với chùa, kể từ khi mới tạo lập. Mỗi cuối tuần chị đều chở Thomas lên chùa để học tiếng Việt, tính sơ sơ mới mà đã hai mươi lăm năm rồi. Tuy cùng làm công quả nhưng cũng có người tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, thấy chị siêng năng và gần gũi với thầy trụ trì nên phao tin chị có tình ý với thầy. Vụ việc gây đàm tiếu, thiếu điều chị muốn bỏ chùa luôn, cũng may sự việc sớm xẹp đi, lời nói vu vơ vô căn cứ ấy đã bị nhiều người thiện tâm bác bỏ .

 Phải nói là nhà bếp là nơi mệt nhất, nhiều lúc thầy cũng nhức đầu với các bà, phải phân giải, giảng hoà để giữ hoà khí. Chốn ấy luôn có lời qua tiếng lại, nói bóng gió, khen chê… đủ cả. Có khi mới tụng kinh xong, vừa hồi hướng ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, tứ hoằng thệ nguyện thuộc lòng như cháo chảy, ấy vậy mà vừa rời Phật điện, xuống đến bếp là lập tức có chuyện ngay: bà này nấu vụng, bà kia làm rối kế hoạch dự trù, bà nọ ăn rồi còn tham đùm túm mang về…

 Một hôm sau khoá lễ, Thomas quỳ thưa:

 – Bạch thầy, con sinh ra vốn đã vậy rồi, tất nhiên chẳng có ai muốn mình như thế cả! con vẫn sống tốt, chẳng hại ai bao giờ, thế mà mọi người vẫn kỳ thị, chê cười. Có người còn lịch sự, chỉ nói bóng gió sau lưng, nhưng cũng có người thô lỗ sỗ sàng lắm. Con có thể chịu đựng được nhưng họ làm cho mẹ con đau lòng, tuy cùng đi chùa nhưng lòng dạ lại nhỏ nhen, kỳ thị, phân biệt nặng nề. Thầy có phương cách gì giúp được chăng?

 Cả Phật điện như ngưng đọng lại, mọi người hết sức ngạc nhiên, không ngờ thằng Thomas đi thẳng vào vấn đề mà không chút e dè sợ sệt như mọi ngày. Hoà thượng Thông Lý hơi ngần ngừ giây lát, sau đó từ tốn:

 – Phàm đã làm người là qúy lắm, còn việc mang thân nam, nữ hay gay ấy là do nghiệp lực và cái nhân trong quá khứ của mỗi người. Hiện tại là người nam, người nữ nhưng một mai hết số thì có chắc được lại thân người nữa không? Thân người còn chưa chắc được thì nói chi đến thân nam, nữ hay giới tính thứ ba. Con người ta sanh ra, có ai muốn mình là gay hay lesbian đâu? nhưng phước phần như thế thì phải chịu thế. Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận ấy là tự nhiên, chẳng phải bệnh. Đức giáo hoàng John Paul II cũng từng tuyên bố: “Tôi là ai mà có quyền phán xét” khi những thế lực cực đoan bảo thủ đòi ngài phải lên tiếng hay trừng phạt những người thuộc giới LGBT. Đương kim giáo hoàng Francicus cũng mới phát biểu cách đây không lâu, ngài kêu gọi: “Hãy yêu thương con cái của những người đồng tính”. Những lời trên không làm hài lòng giới bảo thủ cực đoan nhưng đã đem lại sự cởi mở hơn và đối xử nhân đạo hơn với những người thuộc LGBT. Con người ta thường có thói quen hùa theo số đông, hễ ai khác với số đông thì lập tức kỳ thị, kỳ thị giới tính, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị giai cấp, kỳ thị quan điểm này nọ, kỳ thị cả những người không chịu kỳ thị như mình… Bây giờ giả sử đồng tính chiếm số đông, lúc bây giờ sẽ có kỳ thị ngược lại. Đây đích thực là một vấn đề vô minh của con. Chúng ta là những người tin Phật, học Phật, tu Phật hãy dùng từ bi, hiểu biết mà đối xử với nhau, đừng hành xử theo thói quen đám đông, hay theo cảm tính. Đức Phật từng dạy “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” vậy thì đàn ông, đàn bà, đồng tính, đen, trắng, Tây, Tàu… cũng đều bình đẳng với nhau cả! Mình kỳ thị, nói lời thô ác thì chính mình đang gây khẩu nghiệp xấu vậy.

 Đại chúng im phăng phắc, chị Tammy cúi gằm mặt, không dám nhìn ai, tay lần tràng hạt. Thằng Thomas vẫn quỳ đấy, khi hoà thượng ngưng nghỉ một lát, nó lại thưa:

 – Bạch thầy, con biết mình là gay, dù con chẳng đụng chạm ai, vậy mà vẫn bị chửi, cả bạn trai của con cũng bị chửi lây. Con yêu ai là do trái tim con sai xử, bạn trai con da đen nhưng cái tâm sáng. Những người kỳ thị kia chắc gì họ ngon lành hơn những người da đen?

 Hoà thượng Thông Lý ôn tồn:

 – Vấn đề này có đã lâu, khá phổ biến chứ không chỉ mỗi trường hợp của con. Người Việt mình vốn có tánh kỳ thị nặng, vừa tự tôn (kiểu Tàu, ta là văn minh còn xung quanh là man di mọi rợ, Chà, Chiêm, Miên, Chiệc, mọi, thượng) vừa tự ti nhược tiểu, xun xoe với Mỹ trắng, kỳ thị với Mỹ đen… quả thật vô lý hết sức! hàng tuần đi chùa, đi nhà thờ, đọc kinh làu làu vậy mà chẳng áp dụng được giáo lý vào thực tế. Chúng ta con nhà Phật, ắt ai cũng biết câu: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành” ấy vậy mà lại kỳ thị, xúc phạm nói lời thô ác với người da đen. Mình đến xứ này, ít nhiều cũng bị sự kỳ thị của người da trắng, lẽ ra mình phải thông cảm với người da đen mới phải, đằng này lại kỳ thị họ. Chính người da đen đã đấu tranh đòi bình đẳng, chúng ta đã hưởng lợi dù là trực tiếp hay gián tiếp từ những phong trào đấu tranh vì nhân quyền ấy. Người da đen cũng như mọi sắc dân khác, ai cũng có những tính xấu của mình. Người Việt mình cũng khôn lỏi, tàn hại nhau có kém ai. Hai mươi lăm thế kỷ trước, đức Phật đã không chấp nhận sự kỳ thị, phân biệt. Ngài từng nói: “Không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Hôm nay đã là thế kỷ hai mươi mốt rồi, lẽ nào chúng ta lại kỳ thị, phân biệt, chúng ta lạc hậu quá! Mọi người cũng nên cẩn thận, ở xứ sở này luật chống kỳ thị rất hữu hiệu, không chừng sẽ rắc rối với pháp luật! thực tình mà nói, chúng ta hưởng lợi lớn từ những phong trào đấu tranh đòi bình đẳng, nhân quyền của người da đen, giả sử không có sự dấn thân của Martin Luther King và các phong trào đấu tranh ấy, liệu ta có sống dễ dàng với những thành phần da trắng tự xưng thượng đẳng hay những thành phần cực đoan khác?

 Đại chúng lao xao, nhiều tiếng xì xào nho nhỏ, có người tỏ vẻ không đồng tình với thầy. Chị Betty T giơ tay phát biểu:

 – Thầy ơi, tuị con làm nails phải chịu cay đắng với tụi nó lắm, tụi nó tham lam, khó chịu, làm xong quỵt tiền, ăn vạ… rồi cướp giật bóp xách…

 Hoà thượng gật đầu:

 – Đúng thế, đúng là có những việc đó, nhưng không phải tất cả, đó cũng là một đặc tính xấu. Đôi khi mình có thiệt hại một chút nhưng cơ bản là tất cả mọi người bình đẳng với nhau. Mình là Phật tử đi chùa, thờ Phật, lễ Phật thì phải biết áp dụng giáo lý vào cuộc sống, nếu chỉ đọc kinh suông thì chẳng ích gì. Bản tánh vốn khó thay đổi nhưng mỗi ngày mình phải sửa một chút, hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn ngày nay ấy chính là biết tu, biết học vậy! Mình đừng kỳ thị, đừng nói những lời gây ác cảm hay đau khổ cho kẻ khác. Đức Dalai Lama dạy: “Nếu mình không giúp được ai thì chí ít mình cũng đừng gây tổn thương cho người khác”. Mình làm tốt, nói tốt, nghĩ tốt cho người khác cũng chính là tạo tác hậu phước tốt cho chính bản thân mình. Thưa đại chúng thân thương của chùa Hải Lượng, chúng ta gắn bó với nhau hơn mấy mươi năm nay rồi, có không ít người đã ra đi vĩnh viễn, rồi mai đây ai còn ai mất cũng khó mà biết trước được, điều biết chắc chắn là ai rồi cũng phải ra đi. Trước khi mình ra đi thì hãy chuẩn bị chút ít tư lương, nếu ra đi mà không có chút thiện nghiệp nào thì nguy lắm! Các vị có dám hứa với thầy từ bây giờ không nói những lời kỳ thị gây chia rẽ hay đau lòng người?

 Thầy dứt lời thì đại chúng đồng loạt giơ tay. Hoà thượng nhìn Thomas với ánh mắt từ bi thông cảm, thầy nói với Thomas mà hình như cũng nhắn nhủ chung với mọi người:

 – Thầy là người xuất gia nên không có phương pháp hay lời khuyên gì với việc thế sự. Thầy chỉ có thể bảo con là cứ sống tự tin ở bản thân mình, không việc gì phải mặc cảm, nghiệp của con thì con chịu nhưng con có thể sửa và chuyển đổi nghiệp, hãy tạo thiện nghiệp để dần dần chuyển hoá nghiệp xấu, biết chuyển nghiệp thì nghiệp xấu sẽ dần dần thành tốt, nghiệp ác sẽ dần dần thành thiện, chuyển bằng cách nào? Mình phải giữ những giới cấm của người Phật tử, làm việc thiện lành. Việc này giống như mình cứ thêm nước tinh khiết vào ly nước mặn, đến một lúc nào đó thì ly nước mặn kia sẽ bớt mặn hoặc hết mặn. Con cứ sống thật với bản thân con, thầy biết có nhiều người trong xã hội che giấu thân phận bằng cách lấy vợ, lấy chồng nhưng vẫn lén lút quan hệ với những người đàn ông hay đàn bà khác. Họ đang tự làm khổ chính họ và làm khổ những người thân chung quanh, điều đó quả thật tệ.

 Chị Tammy như cởi bỏ được cái gánh nặng u uất trong lòng bấy lâu nay, vẻ mặt dường như tươi sáng hơn, những nét u ám tan bớt, vẻ u sầu cũng vơi đi rất nhiều. Thằng Thomas lạy tạ ơn thầy.

 Trai đường im lặng trong lúc thọ thực đầy không khí chánh niệm, dường như mọi người chăm chú vào món ăn hơn mọi ngày. Thằng Andrew J, bạn trai của Thomas cũng tập ăn bằng đũa, thỉnh thoảng nó theo Thomas đến chùa, nó không biết gì về đạo Phật nhưng vì thương thằng Thomas nên lẽo đẽo theo. Thomas cũng giải thích cho nó biết chút ít về đạo Phật, điều nó phấn khởi và tin tưởng nhất ở điểm: Đạo Phật không có lên án, kết tội hay nguyền rủa trừng phạt ai cả, kể cả vấn đề LGBT. Đạo Phật dạy nhân quả, gieo gì gặt nấy, nhân nào quả nấy, tâm tưởng sự thành… điều này cũng có điểm tương ứng với văn hoá Mỹ. Văn hoá Mỹ có những câu như: “What goes around come around”, “ Karma is the corner”, “ You are what you think”… Andrew J càng tâm đắc hơn khi thầy nói với nó:” Quá khứ, hiện tại và tương lai kết nối bằng những tác ý thiện hay bất thiện”. Ông Phật không phải là thần thánh, không có quyền ban phước hay giáng hoạ cho ai cả. Mọi người phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Sau bữa ăn trưa, thằng Andrew J hỏi Thomas:

 – Honey, sao mày lạy ông thầy tu ấy? ông ấy cũng chỉ là thầy tu chứ có phải thượng đế hay thánh thần!

 Thomas nhìn nó trìu mến:

 – Lạy ở đây là lạy cái bản thể thanh tịnh, từ bi, trí huệ, tỉnh thức của ông thầy chứ không phải lạy cái xác thịt! lạy là thể hiện sự tôn kính nhất vừa buông bỏ cái tôi vốn to như núi của mình.

 Thằng Andrew J theo Thomas đến chùa, giờ nó cũng ghiền phở chay và chả giò rán giòn, nó còn biết ăn đậu hũ chiên và cả tương chao. Mấy người ngồi cạnh Andrew J trêu:

 – Mày cưới thằng Thomas đi, nó sẽ làm chả giò, phở chay cho mày ăn thả giàn luôn!

 Nó cười mỉm nhìn Thomas nồng nàn, tỏ vẻ thích thú với lời trêu đùa đó. Dường như lời pháp của hoà thượng đã có tác động đến mọi người, hôm nay ai cũng tỏ vẻ thân thiện hơn với Thomas và bạn trai của nó. Cô Ba Bụng, chị Chín Cải đến ôm nó và thằng Andrew J:

 – Vui vẻ sống nha em, mạnh mẽ và tự tin!

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...