Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 109 : THƠ, THU, THUẦN, THÚC, THỤC (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 109 :  

           THƠ, THU, THUẦN, THÚC, THỤC

 

                           參 差 荇 菜,左 右 流 之。
                    Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi.
 
  THƠ HẠNH THÁI là bài thơ trong thiên "Chu Nam. Quan Thư 周 南. 關 雎" trong Kinh Thi đời nhà Chu tả mối tình tương tư giữa chàng trai và cô gái rất chân thực và thiết tha như sau:

參 差 荇 菜,左 右 流 之。  Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi.
窈 窕 淑 女,寤 寐 求 之。  Yểu điệu thục nữ, Ngụ mị cầu chi.
求 之 不 得,寤 寐 思 服。  Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục. 悠哉 悠 哉 ,輾 轉 反 側。  Du tai du tai, Triển chuyển phản trắc
Có nghĩa :
     So le rau Hạnh, phải trái xuôi dòng.
     Yểu điệu thục nữ, đêm nhớ ngày mong.
     Cầu mà chẳng được, thức ngủ nhớ mong.
     Dài thay dài thay, trăn trở mấy vòng ! 
Lục bát :
                      Kìa xem rau hạnh so le,
          Theo nước trong xè phải trái chảy đi.
                     Cô em yểu điệu nhu mì,
          Ngày mong đêm nhớ kể gì thời gian.
                    Cầu mà chưa được chẳng an,
          Thức ngủ mơ màng đêm nhớ ngày mong.
                    Dài ghê đêm tối mông lung,
          Nằm mãi trong mùng trăn trở trở trăn !

       Sau bài thơ nầy thường dùng để chỉ lứa đôi kết hợp một cách tốt đẹp, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng" của ta có câu:

                    Đợi ngày phượng phản vân trung,
                 Ngân THƠ HẠNH THÁI dắng cung sắt cầm.
               
                            
       THƠ TỨ HỶ là bài thơ nói về bốn điều vui mừng nhất của ngày xưa, còn được gọi là bài thơ Tứ Khoái như sau:

                Cửu hạn phùng cam vũ,       久 旱 逢 甘 雨,
                Tha hương ngộ cố tri,           他 鄉 遇 故 知.
                Động phòng hoa chúc dạ,     洞 房 花 燭 夜,
                Kim bảng quải danh thì .      金 板 掛 名 時.
    Có nghĩa :
           - Trời hạn hán lâu ngày, gặp được trận mưa rào (ngọt) đổ xuống.
           - Ở nơi xa quê hương mà gặp được người quen cũ.
           - Đêm động phòng hoa chúc khi ta kết hôn.
           - Khi được treo tên trên bảng vàng, tức là khi thi đậu làm quan.                
                    Hạn lâu, gặp được mưa rào,
                    Xa quê lại được chào người quen xưa,
                    Động phòng hoa chúc đêm mưa,
                    Bảng vàng bia đá cho vừa lòng em. !            
 

      Cũng trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng" có câu:

                     Ngâm THƠ TỨ HỶ ngại ngùng,
               Nghĩ câu kim bảng, động phòng tối nan !   

      Cũng trong truyện trên ta còn đọc được THƠ THẤT BẢO như sau:
                        Vẻ càn giải bóng đông cung,
                Nghĩ THƠ THIÊN BẢO thong dong đời hằng.


      Chương《Tiểu Nhã. Thiên Bảo 小 雅· 天 保》trong Kinh Thi là các lời chúc phúc của bề tôi dành cho vua chúa ngày xưa, như:

  天 保 定 爾,亦 孔 之 固。  Thiên bảo định nhĩ, Diệc khổng chi                                                    cố.
  俾 爾 單 厚,何 福 不 除?  Tỉ nhĩ đan hậu, Hà phước bất trừ ?
  俾 爾 多 益,以 莫 不 庶。  Tỉ nhĩ đa ích, Dĩ mạc bất thứ !

Có nghĩa :
        - Trời bảo hộ ngài bình an ổn định, ngôi vua được củng cố vững chắc.
        - Khiến cho quốc gia hùng hậu, không có cái phước nào mà không có đâu ?
        - Khiến cho quốc khố ngày càng gia tăng, không có gì là không phú túc cả !

                        Trời cao luôn phù hộ vua,
                  Ngôi cao bốn mùa củng cố an khang.
                      Quốc gia hùng hậu vững vàng,
                  Phước nào cũng hưởng còn toan điều gì ?.
                        Khiến cho giàu có kể chi,
                  Mong ước điều gì, điều đó có ngay !
                     
                
      THU BA 秋 波 là Sóng Thu, là những gợn sóng lăn tăn trong veo thật đẹp như cụ Nguyễn khuyến đã tả "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo". Trong văn học cổ ví đôi mắt của các giai nhân trong veo, đẹp lạnh lùng mà se sắt dễ làm rung động và cũng dễ làm tê tái lòng người. Khi nghe chàng Thúc tỏ tình và có ý định "Trăm năm tính cuộc vuông tròn" với mình, Thúy Kiều đã xúc động:

                        Nàng càng ủ dột THU BA,
                 Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh. 

      Còn khi tả sắc đẹp của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã ví đôi mắt đẹp của nàng như là:

                       Làn THU THỦY, nét xuân sơn,
                 Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

      "Làn THU THỦY, nét xuân sơn" là lấy ý trong Lão Tàn Du Ký 老 殘 遊 記 của Lưu Ngạc 劉 鶚 đời Thanh là: Nhỡn như Thu Thủy, My tự Xuân Sơn 眼 如 秋 水,眉 似 春 山。có nghĩa: Mắt long lanh như nước mùa Thu, còn mày thì xanh tốt như là núi của mùa Xuân vậy!
                 
                               
       THUẦN LÔ (LƯ) 蒓 鱸, THUẦN HỨC 蒓 鰔, THUẦN VƯỢC 蒓 䱛. THUẦN 蒓(蓴)là tên một loại rau như rau ngổ, còn gọi là rau Nhút (Rút) có thể trộn gỏi như bông súng của miền Nam. Còn HỨC hay VƯỢC đều là tên một loại cá như cá LÔ là Cá Chép. Theo tích sau đây:
       Trương Hàn 張N翰 tự là Qúy Ưng, văn học gia đời Tây Tấn, là thuộc quan của Tề Vương Tư Mã Quýnh ở Lạc Dương, chức quan nhỏ nhoi lại phải xa quê nhà. Một năm kia, thấy gió Thu thổi bỗng chạnh nhớ đến quê hương, nhớ đến canh rau Thuần cá Vược của quê nhà trong lúc Thu sang mà mẹ của ông thường nấu các món nầy cho ông ăn; bèn tự mình nhủ mình: "Sao ta lại phải vì chức quan phụ tá nhỏ nhoi nầy mà lìa xa quê hương mấy ngàn dặm để rốt cuộc được gì đây?!" Tự nhủ xong, ông bèn đến gặp Tề Vương xin từ chức về quê để phụng dưỡng mẹ già. Ít lâu sau Tê Vương Tư Mã Quýnh làm phản bất thành, cả nhà đều bị tru di, ngay cả những quan viên thuộc cấp cũng bị vạ lây. Mọi người đều khen Trương Hàn là người biết trước thời cơ nên không bị hại.                                                    
       Trong bài thơ "Ký Dương Lục Thị Lang 寄 楊 六 侍 郎" của Bạch Cư Dị có nhắc đến tích của Trương Hàn bằng hai câu thơ sau đây:

 秋 風 一 箸 鱸 魚 鱠, Thu phong nhất trợ lô ngư khoái,
 張 翰 搖 頭 喚 不 回! Trương Hàn dao đầu hoán bất hồi !

Có nghĩa :
       - Một đũa gỏi cá Vược trong gió Thu, làm cho...
       - Trương Hàn lắt đầu, gọi cũng không trở lại !

       Trong bài “Tự thán” thứ 39 trong “Quốc Âm Thi Tập” của Nguyễn Trãi, hai câu 5, 6 có nhắc đến tích trên như sau:

                   Mừng cùng viên hạc quen lòng thắm,
                   Đã kẻo THUẦN LÔ bảo hẹn về.”

       Trong Truyện Kiều, tả lúc Thúc Sinh nghe theo lời khuyên của Thúy Kiều về thăm Hoạn Thư; sau một thời gian chàng Thúc chán cảnh ở quê nhà. Cụ Nguyễn Du cũng đã viết:

                  Thú quê THUẦN HỨC bén mùi,
               Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô !

     Trong truyện thơ Nôm "Hoa Tiên Ký" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng dẫn tích nầy với từ RAU THUẦN như sau:

                         Vạc mai chán nếm tràng danh,
                RAU THUẦN chạnh nhớ mùi canh ngọt ngào !  

     Còn trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải, một danh sĩ dưới thời nhà Mạc thì dùng cả RAU THUẦN GỎI VƯỢC như sau:
                        Hèn nào khách ở Liêu Đông,
                RAU THUẦN GỎI VƯỢC chốc mồng thú quê.   
       
            
      THÚC QÚY 叔 季 là nói gọn lại của THÚC THẾ 叔 世 và QÚY THẾ 季 世 có nghĩa là "Đời suy và Đời cuối", có xuất xứ từ câu nói của một Kinh Học Gia (Như Nhà Kinh Tế Học hiện nay) trong Tả Truyện 左 傳 đời Đông Hán là Phục Kiền 服 虔 như sau: "Chính suy vi THÚC THẾ, Thúc thế du ư QÚY THẾ, Qúy thế bất năng tác TÍCH dã. 政 衰 为 叔 世,叔 世 逾 于 季 世,季世 不 能 作 辟 也" có nghĩa: "Chính trị suy đồi gọi là THÚC THẾ; Thúc Thế đưa đến QÚY THẾ là đời cuối cùng, nên Qúy Thế là không thể làm VUA được nữa". Vì thế THÚC QÚY  thường dùng để chỉ thời buổi loạn lạc suy vi của môt triều đại nào đó.
      Trong truyện thơ Nôm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu:

                      Ghét đời THÚC QÚY phân băng,
                  Sớm đầu tối dánh lằng nhằng rối dân.  

      THỤC ĐẾ 蜀 帝 là Ông vua nước Thục. Theo như tích sau đây:
      Theo sách Sưu Thần Ký thì Đỗ Vũ là tên một vị vua nước Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) thời Chiến Quốc, ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông làm vua chính sự nước Thục không ổn định. Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu là Vọng Đế (望 帝), vì là vua nước Thục, nên còn gọi là Thục Đế. Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc bấy giờ là Biết Linh (鳖 灵), sau chuyện bị lộ, nên Đỗ Vũ thẹn quá bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này, và vì trước đó Biết Linh cũng đã có công trị thủy, cứu nước Thục khỏi cảnh lũ lụt thiên tai. Tuy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ, cấp lương thực không đầy đủ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi, sau khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc" (cuốc cuốc). Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy, và dân gian đặt tên cho giống chim đó là Tử Quy, là Đỗ Quyên, mà ta gọi là con chim Cuốc.
             
                           
      Trong văn học cổ điển người ta thường dùng tích Thục Đế, Vọng Đế, Đỗ Vũ, T  Quy hay Đỗ Quyên để nói lên việc nhớ nhung quê hương đất nước khi phải đi phiêu bạt nơi đất khách quê người. Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều đờn cho Kim Trọng nghe khi Kim Kiều tái hợp có câu:

                       Khúc đâu êm ái xuân tình, 
                 Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên ?

    ...là lấy điển tích từ vị vua nước Thục này qua câu thơ trong bài thơ Cẩm Sắt 錦 瑟 của Lý Thương Ẩn đời Đường là :

 Thục Đế xuân tâm hóa Đỗ Quyên,    蜀 帝 春 心 化 杜 鵑。

      Trong thơ Nôm "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải cũng nhắc đến chim Đỗ Vũ kêu vào đầu mùa Xuân đến cuối mùa Hạ như sau:

                    Cớ chi mày, hỡi con Đỗ Vũ,
                    Quyến Xuân về lại rủ Hè sang.

      Trong tuyện thơ Nôm khuyết danh "Trinh Thử" cũng có câu:

                    Kẻo lòng tơ tưởng mơ màng,
               Khỏi hồn Thục Đế, khỏi lòng Đỗ Quyên.

      Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng nhắc đến Chim Đỗ Quyên bằng tên Chim Quyên với Điệu Thương Xuân khi nàng cung nữ thất sủng nghe tiếng cuốc kêu:

                        Ai ngờ tiếng Quyên kêu ra rả,
                   Điệu Thương Xuân khóc ả sương khuê !       

    ...và trong bài Qua Đèo Ngang bà Huyện Thanh Quan cũng đã hạ một đôi Luận để đời là:

                   Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc,
                   Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

    ...và đến bài "Nghe Cuốc Kêu" của cụ Nguyễn Khuyến thì tiếng cuốc kêu mới thật sự bâng khuâng, khoắc khoải làm ngơ ngẩn lòng người nhất là những ai đang xa quê hương lưu lạc gởi thân nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay:

                  Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, 
                  Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ. 
                  Năm canh máu chảy đêm hè vắng, 
                  Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. 
                  Có phải tiếc xuân mà đứng gọi? 
                  Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ? 
                  Ban đêm róng rã kêu ai đó?
                  Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

                 
                   


       Hẹn bài viết tới.

                THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 110 : THÙY, THUYÊN, THUYỀN, THƯ, THỬ

                                                             杜 紹 德
                                                         Đỗ Chiêu Đức

Mời Xem Lại  :

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 108 : THIẾT, THIẾP, THỎ, THƠ - Đỗ Chiêu Đức  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Kính chiếu yêu bất đắc dĩ: THÍCH MINH TUỆ (Đỗ Chiêu Đức)

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                     Kính chiếu yêu bất đắc dĩ                THÍCHMINH TUỆ                                          ...