Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

SÀI GÒN MỘT SÁNG BA MƯƠI.


Lận mãi cuối cùng Sài Gòn đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.

Không gì hãnh diện hơn khi được làm con dân của Sài Gòn. Tôi yêu thành phố này. Sài Gòn đã cho tôi quá nhiều thứ không biết khi nào tôi mới trả hết ân tình này.

Gần 50 năm ngày đất nước thống nhất, với những biến đổi từng ngày, tôi luôn tự hỏi: Có khi nào Vương Cung Thánh Đường, chợ Bến Thành, Bưu điện Sài Gòn, bến Bạch Đằng..., sẽ đổi thành cái gì đó lạ hoắc không? Có khi nào một sớm mai thức dậy tôi và nhiều người Sài Gòn ngơ ngác hay tin chỗ nọ chỗ kia sẽ phá đi xây lại đổi tên...

Trên thực tế những biểu tượng của Sài Gòn cũng dần bị người ta xoá đi như Thương xá Tax, Tượng Trần Nguyên Hãn, Bùng binh Cây Liễu, Tháp đồng hồ vòng xoay Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, vòng xoay Bến Thành...,nay không còn nữa.

Nhớ buổi sáng hôm nọ, lên Facebook, thấy dân tình sửng sốt chuyện cái Bến Bạch Đằng có từ trăm năm nay tự nhiên đổi thành "Ga tàu thuỷ".

Người ta ngỡ ngàng không hiểu vì lý do gì. Nhưng rất may ngay sau đó không lâu, cái tên "Bến Bạch Đằng" được trả về như cũ.

Sau bao năm sống ở Sài Gòn, tôi nhận ra rằng nền văn hóa của Sài Gòn không phải là không gian kiến trúc, cũng không phải văn hóa tượng đài. Văn hóa Sài Gòn chính là tư duy rộng mở hội nhập và dung nạp tất cả.

Ở đâu mở cửa ở đó sẽ phát triển. Sài Gòn đang phát triển lớn mạnh và trở thành bầu sữa ngọt để nuôi nấng cả nước. Vì mở cửa đón nhận nên nền văn hóa Sài Gòn cứ mãi đầy lên đa dạng phong phú nhưng văn hoá gốc của Sài Gòn vẫn tồn tại mãi không bao giờ mất đi.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, kỷ niệm chỉ là những điều giản dị chứa đầy ngăn ký ức của một thằng tỉnh lẻ đến Sài Gòn làm nghề viết lách kiếm cơm.

Đó là những tối tôi lên dọc kênh Thị Nghè nghe hát bolero đệm guitar, rồi đi đường khát nước ghé vào uống ly trà đá mát lạnh, tối về nhà trọ nghe lốc cốc tiếng hủ tiếu gõ từ xa tới gần trong con hẻm dài...

Không biết từ bao giờ tôi "bị Sài Gòn hóa" rồi yêu luôn cả cái ồn ào sống động của vùng đất và con người ở đây. Nhớ cái cảm giác mỗi lần rời thành phố đi đâu đó cứ về đến cầu Sài Gòn là coi như về đến nhà, dù nhà tôi ở tận bên quận 7.

Sài Gòn bao dung và nhân hậu dang rộng vòng tay che chở cho bao nhiêu cuộc đời đến trú ngụ nơi đây. Dẫu ồn ào, bụi bặm nhưng Sài Gòn nồng đượm chan chứa tình người. Có người đến Sài Gòn rồi lại ra đi, ồn ào lúc đến và lặng lẽ lúc rời xa---Nhưng tất cả đều không ai hờn trách Sài Gòn...

Theo năm tháng Sài Gòn có những cái mất đi, nhưng nó lại được lấp đầy lại bởi tình người và ký ức về Sài Gòn luôn vĩnh viễn trong trái tim của ai từng sống nơi đây.

Tiểu Vũ.

AChi st.  


 Mời Xem :

KHU PHỐ XƯA  

Sơ lược nguồn gốc 1 số địa danh miền Nam VN 

 

TẠI SAO PHỤ NỮ SAIGON XƯA HAY NGỒI MỘT BÊN Ở SAU XE MÁY, XE ĐẠP? (FB Dat Tran Van )

 

  

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Kính chiếu yêu bất đắc dĩ: THÍCH MINH TUỆ (Đỗ Chiêu Đức)

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                     Kính chiếu yêu bất đắc dĩ                THÍCHMINH TUỆ                                          ...