Hồi nhỏ có học nhưng chỉ nhớ loáng thoáng về thí nghiệm Pavlov. Thay vì cứ tới giờ ăn thì cho chó ăn, nhưng trước khi cho ăn, ông lắc chuông leng keng cho con chó của ông nghe rồi mới cho ăn. Kết quả thu được sau một thời gian là nghe tiếng chuông lắc leng keng, dịch vị trong bao tử con chó tiết ra để sẵn sàng tiêu hoá thức ăn. Tôi cũng nhớ từng đọc báo, con người sau khi ăn tám phút thì dịch vị trong bao tử tiết ra để tiêu hoá thức ăn. Nhớ hồi nhỏ ngồi ghế nhà trường hơi khó hiểu về thí nghiệm Pavlov, lớn hơn chút biết đọc báo thêm khó hiểu người ta ăn vào, tám phút sau dịch vị trong bao tử mới tiết ra để tiêu hoá thức ăn. Sao con chó chưa ăn thì bao tử đã tiết ra dịch vị khi nghe tiếng chuông leng keng chứ không phải sau khi ăn tám phút như con người. Thầy cô giải thích đó là hiện tượng tâm lý. Con chó nghe tiếng chuông leng keng thì biết sắp được ăn nên dịch vị tiết ra trong bao tử để sẵn sàng tiêu hoá thức ăn. Tôi tự suy ra con người không ngu như chó vì chắc ăn là đã được ăn thì bao tử mới tiết ra dịch vị sau tám phút bởi cõi người với nhau lắc chuông thì cứ lắc nhưng chưa chắc cho ăn, tiết ra dịch vị trước khi ăn như chó thì đau bao tử có ngày với một bao tử toàn hoá chất vì thức ăn chỉ là bánh vẽ.
Tâm lý là gì trong cái hộp sọ trẻ con chỉ biết bắt dế, thả diều, tắm sông, đá banh, được đạp xe đi học sẽ thích hơn cha đưa mẹ đón. Nhưng đời người chết đi sống lại cũng thường thôi mới biết tháng năm về, trường liên tưởng hay nghĩ tới thí nghiệm Pavlov học hồi nhỏ. Ở Mỹ và riêng tôi không quan tâm tới cuốn lịch trên tường vì ngày nào mở mắt ra cũng đi cày như mọi ngày, đêm nào về cũng thoáng nhớ quê xưa trước khi chìm vào giấc ngủ với những đời thường tới không ngờ, đơn giản tới trong mơ với mớ rau dền cơm mọc dại lẫn trong cỏ, trái mướp nhà bên vượt rào trái phép mang thông điệp tặng nhau tô canh ăn chiều. Thấm thía tiền nhân dạy, “của cho không bằng cách cho”. Tôi quý người cho nên chưa bán nhà, càng quý khi đi ngủ thấy nhẹ bụng hơn ăn cơm đường cháo chợ, ngon ngọt lời mời chứ đêm về lạnh bụng mình ên.
Lòng biết ơn hàng xóm làm cho ký ức xa xưa hiện về mùi hương canh rau dền, mồng tơi, mướp hương nấu với cua đồng; hôm chỉ bắt được mớ còng về giã nấu canh rau mướp cũng ăn quên thôi bởi vị ngọt của nước canh trong veo như nước mưa, hương vị rau mướp và sự ngọt béo của của miếng gạch cua thì hết đời không quên nên thèm nhỏ dãi đi vào giấc ngủ bởi chẳng có hương vị thực phẩm nào ngọt, mềm, và thơm như pho mai đồng ở quê nhà. Tại sao là quê nhà mà không phải quê tôi vì quê tôi nhà ai cũng có thể ăn món dân dã ấy, người quê thì tự ra đồng bắt về ăn, người thị thành nghèo nhất thành thị cũng có tiền mua món dân dã ấy vì rẻ lắm. Chính vì rẻ mà ngon nên chịu thèm chứ có tiền mua tiên thì cũng không mua được miếng gạch cua đồng trong tô canh rau mướp ở Mỹ. Trường liên tưởng ta bà tới câu cà khịa ngoài quán cà phê, “được voi đòi Hai Bà Trưng”. Được ăn canh rau dền hoang với mướp vượt rào ở Mỹ đã là diễm phúc thì mơ hàng xóm nấu cho ăn luôn chăng? Nhưng ký ức tháng năm vào hè với miếng gạch cua trong tô canh bún bỏ bạn rau mướp bếp mẹ đi theo hàng gánh. Trưa hè trốn ngủ đi thọc ổ kiến câu cá rô, cá sặc. Bỗng tiếng rao dì Mười canh bún theo gió văng vẳng xóm làng yên giấc ngủ trưa, “canh bún đây… canh bún cua đồng… đây.” Nghe thôi là nước bọt tứa ra trong miệng như con chó của ông Pavlov nghe tiếng chuông leng keng vì vị nước lèo canh bún ăn một lần là nhớ mãi như tiếng chuông gọi hồn ai của con chó tội nghiệp bị làm thí nghiệm. Dì Mười không phải nhà khoa học, nhà tâm lý học nhưng đã làm thí nghiệm với tôi bằng tiếng rao trưa hè của dì.
Nhưng con người bị hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi thì hương vị quê nhà như mùi nước lèo canh bún màu cam cam, trong trong; chan lên tô bún hơi to sợi như bún ăn bún bò huế, dì Mười gắp cho một gắp rau nhút lợp lên mặt tô bún bốc khói, khói thở hương bay thơm lừng mùi cua đồng, miếng gạch cua hấp dẫn hơn bất cứ thứ gì trên đời. Thứ chết người, chết đi sống lại vẫn muốn ăn là một chút mắm tôm, chút ớt xay dì múc lên tô bún như thứ cho thêm, mà cái gì cho thêm cũng ngon bởi không phải trả tiền. Thôi, đêm đã cạn mà sao thèm chưa dứt. Rau nhút đầy đồng sao không ăn mà ăn tô canh bún thì trước sau cũng xin thêm gắp rau bởi nó giòn ngọt hơn trong tô canh bún thì phải. Gắp những sợi bún nóng nên vừa thổi vừa ăn, gắp chút rau càng nhai càng khoái khẩu, húp nước lèo ngọt cua đồng là trúng kế gây nghiện của mắm tôm, vị cay cay của ớt xay làm ngây ngất linh hồn; ăn vã mồ hôi mờ mắt nhưng vẫn chừa miếng gạch khêu gợi, hấp dẫn tới khó cưỡng vì ăn canh bún cũng phải có bản lãnh là chừa lại miếng gạch tới cuối cùng. Tô bún hết nóng rồi nên đặt miếng gạch vào lưỡi, ép nó lên nóc họng là trời xập cũng cam lòng không né để tận hưởng hương quê. Hồi nóc họng chê lưỡi gạt xuống vì còn gì đâu mà úm hoài thì húp hết nước lèo một hơi là biểu hiện lòng biết ơn trời đất ban tặng, ơn dì Mười bán gánh mưu sinh là chuyện nhỏ, chuyện lớn dì làm được cho con cháu trong xóm làng là đi xa tới đâu cũng không quên nơi chốn quê nhà.
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, nằm nhớ hôm nào rủnh rỉnh tiền thưởng nhờ có giấy khen trong lớp như chó ngáp phải ruồi, hay từ bi bất ngờ trong lòng mẹ hiền sau trận đòn đánh thằng con quá tay. Thôi cho nó chút tiền ăn vặt coi như đền bù… Thì canh bún thường quá! Chơi với dì Năm bún riêu một tô cho đã đời vì đậu hũ chiên ngon hơn trong chùa khi nó nằm trong tô bún riêu. Cái ngon chỉ một miếng đậu hũ hình tam giác trong tô bún riêu làm cho nó ngon hơn ăn no thì thôi ngoài chùa; ngon tiếp ngon hơn đậu hũ chấm nước tương ngoài chùa vì miếng đậu trong tô bún riêu thấm nước lèo cua nên ngọt quyến rũ, cắn vào cái phập thì nó tứa ra tinh túy đậu nành béo ngậy và ngọt thơm mùi cua thành hỗn hợp mê li. Tới miếng da heo trong món thịt kho trứng ở nhà thì lè bỏ vì ngán chết người ăn, nhưng miếng da heo trong tô bún riêu thì chớ có lơ là, đứa khác nó gắp mất là tức chết luôn vì đâu có miếng thứ hai. Đến miếng huyết luộc tuy cũng chỉ một thì có gì ngon mà trân qúy, giữ gìn? Thì cứ ăn thử huyết xào giá hẹ sẽ biết món ngon dân dã, ăn thử miếng huyết trong tô bún riêu sẽ thử lại vì ngon. Đến trái cà chua chỉ thua cà chớn là đứa không ăn cà chua, “con không ăn cà chua, dì đừng múc cho con cà chua nha dì Năm…” Cà chớn thì làm sao biết trái cà chua chưa bao giờ hài lòng hơn được góp mặt trong tô bún riêu, nhưng nó là trái cây lành tính nên không trách đứa cà chớn húp nước cà chua vô tư, nước lèo bún riêu mà không nhiều cà thì hỏng bét. Và trên hết của món rau ăn bún riêu là tình bắc duyên nam khi rau muống bào trộn chung với giá sống. Đâu ai nói chồng bắc vợ nam thì không thương nhau, nhưng không có sự kết hợp nghịch vùng miền nào trọn vẹn hơn rau muống ăn chung với giá sống trong món bún riêu thành món rau nam bắc một nhà là dấu ấn của món ăn dân dã suốt đời không quên, là còn chưa kể đến chút mắm tôm xứ bắc hoà quyện với nước me đặc sản trong nam thành hương vị đặc biệt của món bún riêu khi vị chua thanh nhẹ của me át đi mùi thum thủm của mắm tôm thành huyền thoại. Lại còn rau kinh giới là linh hồn của món gỏi cá sống ngoài bắc, nhưng nó hợp với bún riêu trong nam tới khó tả; rau kinh giới có vị cay nồng để át đi mùi tanh trong gỏi cá sống thì nó át đi mùi tanh của giá sống trong tô bún riêu, như đa số người bắc không ăn được giá sống và rau dấp cá trong nam bởi không quen với vị tanh của giá sống và rau dấp cá, nhưng ăn kèm với rau kinh giới lại đề huề như người nam ít ai ăn rau kinh giới nhưng ăn bún riêu thì xin thêm…
…Tháng năm, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt. Tháng năm lưu lạc làm sao quên tháng năm quê nhà. Đã bao giờ chúng ta trở về hàn huyên cùng sỏi đá, bưng tô canh bún, bún riêu một trưa hè để quên đi quãng đời phiêu bạt. Quê không đuổi ai đi, kẻ ở vẫn chờ người về, nhưng khoảng cách không thước đo trong lòng người là tâm lý Pavlov. Con chó nghe tiếng chuông leng keng biết sắp được ăn, người ta nghe tiếng AK 47 là biết Việt cộng về, mau chạy cho xa…
Tôi không xem lịch vì như nói ở trên, đời sống nơi đây thức dậy đi làm. Hết năm là lễ tết của ai – chúc mừng người đó. Với tôi hết năm là đóng thuế nhà trào bảng họng, còn chưa phục hồi nguyên khí trương mục nhà băng thì mười lăm tháng tư đã đến – hạn chót đóng thuế thu nhập cũng từ chết tới bị thương; còn đang ngáp ngáp thì ông bảo hiểm nhà, xe đã gởi thơ đáo hạn tới rồi… cộng ba thứ ra tiền lớn ấy lại với nhau thì thu nhập nguyên năm không đủ đóng nên còn sống mới là khó hiểu vì sao vẫn còn nhà để ở, việc làm và xe để đi làm, đi câu như một phép màu. Tháng năm chưa nằm đã sáng vì ngày dài đêm ngắn theo độ nghiêng trái đất so với mặt trời là chuyện ai không biết! Nhưng tháng năm chuyển tiết xuân sang hạ nên cơ thể con người chưa thích nghi kịp với tự nhiên nên khó ngủ, cứ tin vậy đi để có riêng tư về tháng năm vào hè -đồng nghĩa với chia tay, giã từ… Cuộc đời bước sang một chương mới, bước ngoặt trưởng thành nên khó ai quên thời đẹp nhất trong đời để thời trách trời trách đất cũng như mưa gió tới nhanh thôi, mớ tóc xanh rậm đầu mới đó đã le hoe tóc bạc, nằm trách trời sinh voi sinh cỏ đủ rồi, nhưng trời sinh sự làm chi cho khổ con người, sao trời sinh tôi ra với canh cua đồng nấu rau mướp, tô canh bún, tô bún riêu thật ngon rồi đày tôi đến nơi toàn hamburger với taco, burrito… ngán chết tôi luôn.
Nhưng người ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, sống để tạ ơn đời đã cho thưởng thức món ngon từ khi còn nhỏ để nhớ mãi quê nhà. Sống để tạ ơn trời cho đi xa để kích hoạt giác quan thứ sáu khi tháng năm về với không gian lá mới, con chim bỏ bạn ham vui suốt mùa lạnh nơi đâu đã trở lại vườn sau, cất tiếng hót như lời xin lỗi một hai hôm là đổi giọng như hỏi như hờn… “gạo đâu, cơm nguội đâu, bánh mì cũ đâu… sao không ném ra vườn? Lạm phát thì nhịn xài chứ nhịn đói được sao…?”
Ôi tháng năm đã về, thí nghiệm Pavlov với cái bao tử hồi nhỏ học trường làng có gì đâu không hiểu mà không hiểu? Nhưng không hiểu vẫn là không hiểu khi tháng năm về không giống tháng nào khác trong năm, tháng năm năm nay cũng không giống tháng năm năm ngoái là hiểu sơ sơ… tiếng chuông báo giờ ăn cho con chó như tháng năm báo hè về, ký ức thường sống lại những thân thương ngày cũ, ân oán qua vai thoáng hết đời người. Tâm lý nhớ cố hương kích hoạt người ta buông bỏ…
Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét