Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Tản Mạn Nhân Ngày Của Mẹ Năm 2024 - Le Trung Ngân


Năm nay, trên Facebook của tôi có thông báo một bài viết ngắn của con dâu tôi nêu rằng hai đứa cháu nội 12 tuổi, 8 tuổi cùng nhau đứa lớn đặt cho mẹ một chiếc áo mới, đứa nhỏ thì viết thiệp chúc mẹ. Chuyện đó làm cho mẹ chúng cảm động trước “tấm lòng” hai đứa con tức cháu nội tôi. Tôi cũng rất cảm kích việc của hai đứa cháu biết yêu thương và nhớ ơn mẹ chúng nó. Tôi chợt nhớ cách đây không lâu chừng 5,6 năm, trong buổi tiệc sinh nhật một cô bạn thời trung học, một người bạn ngồi cạnh quay sang tôi hỏi: “Sinh nhật của ông là ngày nào? Ông thường tổ chức sinh nhật như thế nào?”
“Tôi cũng… chả biết ngày nào, số là tôi chỉ biết tôi sinh năm Nhâm Thìn 1952 bão lụt. Tôi hỏi ba má ngày tháng sinh thì không ai nhớ. Có lẽ do nhà nghèo, con đông nên ba má tôi không có tâm trí đâu nhớ ngày sinh từng đứa con! Còn trên giấy tờ cũng là do nhu cầu cho con đi học nên ba tôi phải “chống án” toà để chúng tôi có bản thế vì khai sinh mới được đi học”. Tôi trả lời, rồi tiếp tục làm ra vẻ dửng dưng: “Tôi chẳng thiết tha gì đến sinh nhật, sinh nhạt gì cả. Nhiều sinh nhật đi qua âm thầm, lặng lẽ trong đời tôi. Vã lại, tánh tôi không thích bày vẽ kiểu cọ, trình diễn màu mè, hơn nữa cuộc đời mình cũng chả có thành tích vẻ vang nào để mà tự hào, để ‘vinh danh’ hay để ăn mừng.”
“Ông nói vậy là sai rồi,” người bạn nói, lắc lắc cái đầu.
“Sai chỗ nào?” tôi hỏi, hơi khựng lại.
“Nói như ông là biết một mà không biết hai, là không hiểu được ý nghĩa của ngày sinh nhật của mình”. Tôi trố mắt còn người bạn tiếp tục nói chậm rãi: “Ngày sinh nhật không phải là ngày ông bày vẽ ra cho có chuyện để mà vui chơi hay ăn mừng, mà đấy là ngày để ông tưởng nhớ tới đấng sinh thành; nói rõ hơn, tưởng nhớ đến bà má của ông, người đã phải mang nặng đẻ đau để cho ông được mở mắt chào đời, người đã phải nhọc nhằn cưu mang ông chin tháng mười ngày, nuôi dạy ông nên người. Ngày sinh nhật cũng không phải là ngày để ông ăn mừng hay ‘vinh danh’ ông mà là ngày để ông vinh danh… bà má của ông. Nếu má ông lúc còn sống mà ở gần thì ông cần phải có món quà gì đặc biệt cho má mình. Và khoe với má rằng: ‘Má ơi, hôm nay là ngày sinh nhật của con, là ngày Má sanh con ra, Má nhớ nghen? Con luôn ghi nhớ ngày này và con cám ơn Má nhiều lắm!’ Những lời thăm hỏi và cám ơn ấy là món quà ý nghĩa nhất và làm cho má ông vui nhất. Cần phải biết ơn và nói lời cám ơn má mình, người đã trao tặng cho mình cuộc sống quý giá trên thế gian này. Còn chuyện cuộc đời ông chẳng ra chi, ‘chả có thành tích vẻ vang nào để mà tự hào’ là do lỗi của ông chứ không phải của má ông. Má ông không thể nào sống giùm ông cuộc đời của ông được.”
Người bạn tuôn ra một tràng. Tôi sững người. Trời đất!… Tôi phải cám ơn người bạn ấy biết là chừng nào. Người đã làm tôi tỉnh ngộ, đã làm “vỡ oà” khối óc ngu muội của tôi. Và, kể từ ngày ấy, tôi hết sức trân trọng ngày sinh nhật của mình. Và cũng kể từ ngày ấy, với riêng tôi, ngoài ngày lễ gọi là Ngày Của Mẹ cho tất cả những ai có được một người phụ nữ yêu quý trên đời này để gọi là “Mẹ”, tôi còn có thêm một Ngày Của Mẹ khác nữa cần được cử hành thật trang trọng, hoặc đơn sơ nhưng trang trọng, đấy là ngày sinh nhật của tôi, ngày Mẹ sinh ra tôi, ngày Mẹ cho tôi cuộc sống đáng yêu, đáng quý trên thế gian này.
Tôi thì muốn đặt một cái tên khác cho ngày sinh nhật của mình, “Ngày Của Con”. Có Ngày Của Mẹ thì cũng phải có “Ngày Của Con” chứ!”. Tôi nghĩ: “Gọi như thế để nhớ cái ngày Mẹ sinh ra mình.”
Ngày sinh nhật của con cái mang ý nghĩa như thế thì ngày sinh nhật của các bà mẹ lại càng phải được trân trọng hơn để nhớ về người mẹ yêu quý ở gần bên con hoặc ở xa con, hoặc đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác. Không có ngày sinh nhật mẹ thì làm sao có… ngày sinh nhật con được. Nhưng những ai mất mẹ thì còn có ngày giỗ mẹ để tưởng nhớ.
***
Có khá nhiều câu “danh ngôn” nói về tấm lòng, trái tim người mẹ, trong số ấy tôi nhớ mãi nhớ hoài câu của nhà ngụ ngôn Aesop, “Trên đời này tôi biết có hai dạng đàn bà, một làm ta đau khổ; một đau khổ vì ta. Về dạng thứ hai, tôi biết có một người: Mẹ tôi.”
Tôi nhớ khi tôi 18 tuổi, tôi đã biền biệt xa Má những năm đi học xa nhà, rồi khi tôi ra trường về làm gần má thì má đi xa mãi mãi. Riêng tôi vẫn ân hận một điều, từ bé cho đến khi lớn khôn, hầu như tôi chưa bao giờ nói với má tôi ba tiếng “Con yêu Má”, mặc dầu nhiều lúc tôi rất muốn. Khi ra đời, nhiều năm xa nhà, tôi không được ở gần Má để nói với Mẹ câu ấy, thế nhưng những lúc quay về bên Má tôi vẫn… không sao thốt nên lời. Có thể vì tôi không có thói quen tỏ bày tình cảm riêng tư bằng lời nói, tôi cảm thấy ngường ngượng thế nào khi thốt lên câu nói ngắn ngủi ấy. Tôi chắc là bà mẹ nào cũng muốn được nghe câu ấy từ cửa miệng con mình ngày nào mẹ còn ở bên con.
Bây giờ, mỗi lần nghe bài hát Mẹ Tôi của Nhị Hà, tôi vẫn không cầm được nước mắt:
Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai
Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân
Chiều chiều, bên liếp lều tranh
Mẹ tôi đứng đợi đàn con
Trước gió tóc trắng loa xòa
Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương
Lòng người mong ước ngày sau
Đàn con xứng thành người dân
Nhưng nay con đã nên người
Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa
Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên
Một Ngày Của Mẹ thôi thì chưa đủ, tôi nghĩ thế. Cần phải có thêm những Ngày Của Mẹ khác nữa, những ngày làm ta nhớ đến Mẹ, như ngày sinh nhật Mẹ, ngày sinh nhật con và ngày giỗ Mẹ nữa, của những đứa con không còn Mẹ.

Mời Xem :

Những Cặp Từ Dễ Nhầm Lẫn Trong Tiếng Việt (tiếp theo) - Lê Trung Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NGẮM HOA : Thơ Hưng Quốc Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẮM HOA ( Độc vận hoa) Hôm nay Phương Trượng dẫn xem hoa Đệ tử theo thầy ngoạn thưởng hoa Bước đến vườn hoa trông lắm cội Lại gần chậu kiển...