Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Truyện ngắn Alice Munro: Cõi Âm” (Dimension) - Từ Diển Đàn Thế Kỷ

 

Sáng Chủ nhật, Doree lấy 3 chuyến xe búyt. Từ nhà đến thị trấn Kincardine, đổi xe đi London, rồi từ London đi đến bệnh viên giam giữ phạm nhân tâm thần. Ngồi trên xe từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều Doree mới đến nơi qua khoảng đường dài hơn 200 km. Nhưng ngồi không phải là vấn đề đối với Doree vì Doree đứng làm việc hằng ngày. Doree là nhân viên phụ dọn phòng cho khách sạn Comfort. Công việc hằng ngày gồm thay drap giường, hút bụi và lau chùi phòng vệ sinh. Cô yêu công việc, nó giúp cô khỏi phải nghĩ ngợi lung tung, và tối đến dễ ngủ. Doree không gặp khó khăn trong công việc, mặc dù các bà bạn cùng Sở  hay kể lại những khó khăn thỉnh thoảng gặp phải nghe thật khó tin. Các bà này đều lớn hơn Doree, và tốt bụng. Họ khuyên Doree vì còn trẻ và có nhan sắc nên xin học làm một việc gì ở văn phòng cho đỡ nhọc nhằn. Doree không muốn thổ lộ tâm tình với các người phụ nữ tốt bụng này tại sao cô yên phận với công việc.

**

Không ai trong các bạn cùng Sở  biết những gì đã xẩy đến cho Doree. Chuyện của cô báo đài đều đăng tải. Báo địa phương đã đăng một tấm hình của cô, tóc nâu dài, lượn sóng chụp với 3 con nhỏ, bồng trên tay là bé mới sinh Dimitri, hai bên là Barbara Ann và Sasha nhìn mẹ và em.

Bây giờ Doree gầy hơn hình trên báo, tóc cắt ngắn, nhuộm đậm hơn và kẹp tóc. Khi xin việc cô dùng tên khác – Fleur là tên mới của cô. Hơn nữa cô làm việc tại một thành phố nhỏ xa chỗ ở, nơi đã xẩy ra thảm trạng.

**

Đây là chuyến thứ ba Doree đến nhà giam thăm Lloyd. Hai lần trước Lloyd không tiếp Doree. Lần này nếu Lloyd còn từ chối không muốn gặp thì Doree nghĩ nàng sẽ không bao giờ đến thăm nữa. Mỗi chuyến đi thăm là một lần tâm sự Doree rối bời. Lần đầu nàng cố gắng bình tĩnh dùng thì giờ trên xe ngắm nhìn phong cảnh chung quanh. Nàng lớn lên, lấy chồng ở thành phố biển có mùa Xuân êm mát dịu dàng. Ở đây sâu trong đất liền, mùa Hạ nối tiếp mùa Đông. Tháng trước còn tuyết, bây giờ trời nóng như đốt. Những vũng nước hai bên đường khô nhanh dưới ánh mặt trời gay gắt chiếu lọt qua rừng cây chưa kịp đâm lá.

Chuyến thứ hai, Doree không còn bình tĩnh để ngắm nhìn phong cảnh. Nàng tự hỏi không biết các bà khác trên xe có cùng đến nhà giam thăm thân nhân như mình không. Đa số các bà lớn tuổi ăn mặc tươm tất như đi lễ nhà thờ với nón, áo khoác và vớ dài. Các bà trẻ hơn mặc quần dài, áo ngắn ngang lưng, đeo bông tai và khăn choàng nhiều màu sắc, tóc được săn sóc cẩn thận theo nhiều kiểu khác nhau. Doree ăn mặc tầm thường. Từ ngày đi làm đến nay nàng chưa sắm một bộ áo quần mới nào. Đi làm việc nàng mặc đồng phục như nhân viên khác của khách sạn. Ngoài giờ làm việc nàng mặc jeans.

Chuyến thứ ba này Doree ngồi gần cửa sổ và không biết làm gì hơn là đọc các tấm bảng trên đường. Ở ngoại ô là các bảng chỉ đường, vào thành phố bảng chỉ đường lẫn lộn với các bảng quảng cáo.

**

Doree không báo cho bà Sands – người của Sở  Xã hội có nhiệm vụ giúp đỡ cô về mặt tâm thần- biết cô đã đi thăm Lloyd hai lần trước, và có lẽ nàng cũng dấu chuyến đi thăm này. Chiều Thứ Hai hằng tuần Doree gặp bà Sands. Bà thường khuyên không nên vội vã trong bất cứ việc gì, thời gian sẽ giải quyết một số vấn đề. Bà nói bà thấy Doree có ý chí, vững vàng chịu đựng và có sức sống.

**

Bảy năm trước, Doree 16 tuổi, mỗi ngày ở trường về Doree ghé thăm mẹ ở bệnh viện. Bà mới mổ xương sống. Lloyd làm y tá ở đó. Lloyd nhỏ hơn Mẹ Doree, nhưng hai người mau chóng trở thành bạn tâm giao vì cả hai đều từng là dân bụi đời. Trong giờ làm việc rành rỗi Lloyd thường đến tán chuyện gẫu với bà. Nhắc lại những ngày lang thang, biểu tình phản đối chương trình này hay chương trình khác của chính phủ, và những lần say thuốc chết lên chết xuống.

Lloyd là một y tá bình dân trong bệnh viện, có óc khôi hài và mát tay khi săn sóc bệnh nhân. Người anh cao to, vai rộng, da ửng đỏ, tóc thưa, đôi mắt tự tin nên nhiều bệnh nhân tưởng Lloyd là bác sĩ. Llyod không lấy đó làm vinh dự. Anh thường cho rằng ngành y khoa có nhiều gian dối và đa số y sĩ rất khó thương. Một hôm Lloyd hôn Doree một cách tự nhiên trong thang máy, cười và nói nhìn cô như một chiếc hoa dại giữa sa mạc. Doree không giận, phản ứng nhẹ nhàng: “Anh ăn nói như một nhà thơ vậy!”

Thình lình mẹ Doree bị nghẽn mạch máu qua đời. Doree tạm thời ở với một người bạn của mẹ, nhưng cô thích ở với Lloyd hơn. Vào sinh nhật thứ 17, Doree có bầu và họ cưới nhau. Lloyd chưa vợ và có hai con riêng, hiện ở đâu anh cũng không rõ. Anh nghĩ chúng đã lớn ít nhất cũng xấp xỉ tuổi của Doree và tự xoay xở được. Có tuổi Lloyd thay đổi quan niệm về cuộc đời. Anh nghĩ lấy vợ là phải, và tuy không sùng đạo Chúa anh là người chống thuốc ngừa thai.

Hai vợ chồng thuê một căn nhà ở bán đảo Sechelt, nơi cả hai đang ở trước khi lập gia đình. Cư dân ở đó đều biết nhau, sùng đạo và bảo thủ. Lloyd thấy không hợp với lối sống phóng khoáng của mình. Hai vợ chồng dọn đến vùng ngoại ô của thành phố Mildmay khá xa.

Lloyd xin được việc làm quản lý cho một hãng làm icecream, dành dụm tậu được một ngôi nhà nhỏ có vườn. Ngoài giờ làm việc Lloyd làm vườn trồng rau trái. Anh khéo tay tự chỉnh trang ngôi nhà ọp ẹp, và biết cách bảo trì giữ cho chiếc xe khá cũ chạy được ngay cả trong mùa Đông đầy tuyết.

Tạm ổn định, Doree sinh Sasha con đầu lòng.

**

Khi nghe Doree kể lại, bà Sands nói: “Mọi việc thuận chiều, êm đẹp quá!”

“Có thật không bà?” Doree hỏi lại một cách luyến tiếc.

Trong những buổi hẹn gặp bà Sands, Doree ngồi trên chiếc ghế trước bàn giấy của bà Sands mà không ngồi trên chiếc chiếc sofa bọc da dù bà Sands mời. Bà Sands thường kéo ghế bà sang một bên để mặt nhìn mặt Doree khi nói chuyện tâm tình.

Khi nghe Doree thuật chuyện đi thăm Lloyd, bà Sands nói: “Tôi nghĩ trước sau cô sẽ đi thăm Lloyd. Ở vào vị trí của cô tôi cũng làm vậy.”

Bà Sands là một nhân viên Sở  Xã hội nhiều kinh nghiệm. Hơn một năm qua, bà không đá động đến việc đi thăm Lloyd. Biết đâu Doree sẽ bực tức. Bây giờ bà thoải mái ủng hộ quyết định đã đi thăm Lloyd của Doree.

Bạo dạn Doree bày tỏ: “Hai lần trước Lloyd không chịu tiếp tôi”

“Nhưng lần này anh ấy ra cho cô thăm phải không?” bà Sands hỏi.

“Vâng. Thoạt nhìn anh tôi ngỡ nhận không ra.”

“Lloyd già lắm sao?”

“Hơi già, gầy nhiều, và nhất là bộ đồng phục. Tôi chưa bao giờ thấy anh ấy mặc đồng phục”

“Anh ấy vốn là y tá?”

“Vâng, nhưng bộ đồng phục này khác”

“Anh ấy khác hẳn sao?”

“Không hẳn vậy.” Doree cắn môi nghĩ xem Lloyd khác như thế nào? Anh mất vẻ tự nhiên của ngày trước. Anh lúng túng không biết có nên ngồi xuống để nói chuyện với Doree không. Doree mời “Anh ngồi xuống đi anh”, và Lloyd trả lời một cách xa vắng như người được uống thuốc an thần “Vậy thì ngồi!”

“Tinh thần anh ấy sụp đổ chăng?” bà Sands hỏi, “Thế hai người có trò chuyện nhiều với nhau không?”

Doree không biết có thể nói đó là một cuộc trò chuyện không. Cô hỏi Lloyd những câu hỏi vô thưởng vô phạt không đâu vào đâu. Anh cảm thấy thế nào? – OK. – Người ta cho ăn uống đầy đủ không? – Ừ cũng đủ – Có chỗ để đi lui đi tới cho thư giãn không? – Đi đứng có người giám sát, và không biết có thể gọi đó là đi thư giãn không – Ít nhất anh cũng được hít thở không khí trong lành hơn chứ? – Cái đó thì có…

Doree nói có lúc định hỏi Lloyd có bạn mới không như bố mẹ thường hỏi con cái khi đổi trường. May cô chưa hỏi. Bà Sands nhanh nhẩu: “Đúng, cô không hỏi là phải”, vừa nói bà vừa lấy một tấm Kleenex đưa cho Doree chấm nước mắt, mặc dù mắt cô khô rốc. Cô thấy bụng thắt lại chỉ muốn nấc lên.

Bà Sands im lặng chờ. Khi cơn xúc động lắng xuống, Doree nói dường như Lloyd đoán được ý nghĩ của nàng và Lloyd nói, thỉnh thoảng có bác sĩ tâm thần đến thăm hỏi. Anh nói “quý vị chỉ mất thì giờ vô ích, tôi biết tôi có vấn đề gì.” Qua câu chuyện, Doree thoáng thấy cá tính vốn bướng bỉnh của anh.

Suốt buổi thăm viếng, trống ngực Doree đập thình thịch, tưởng như có thể ngã lăn ra bất tỉnh bất cứ lúc nào. Nàng cố bình tĩnh để nhận diện người đàn ông vốn yêu đời, dí dỏm, bây giờ là một thanh niên ốm yếu, lạnh lùng xa vắng, cử chỉ lúng ta lúng túng.

Doree không nói cho bà Sands biết sự hồi hộp của mình, ngại bà ta hỏi mình sợ ai, vì thật ra Doree không sợ ai cả.

**

Khi Sasha được một tuổi rưỡi, Doree sinh Barbara Ann. Khi Barbara Ann lên hai, Dimitri ra đời. Shasa là tên hai vợ chồng cùng chọn, sau đó Doree và Lloyd đồng ý, Lloyd đặt tên cho con trai, Doree đặt tên cho con gái.

Vừa lọt lòng Dimitri đau bụng kinh niên. Doree nghĩ là vì sữa của nàng không đủ hoặc thiếu hay quá thừa chất bổ dưỡng. Lloyd mời một bà chuyên viên trong hội La Leche đến trao đổi ý kiến với Doree. Bà ta khuyên làm gì thì làm, tuyệt đối không được cho Dimitri uống thêm sữa bình. Làm vậy Dimitri sẽ bỏ sữa mẹ và chứng đau bụng sẽ khó trị hơn. Không ai biết Doree đã cho Dimitri uống thêm sữa bình và nàng không thể ngưng được. Quả thật uống thêm sữa bình, Dimitri càng chê sữa mẹ, và sau 3 tháng Dimitri chỉ uống sữa bình. Đến lúc đó Doree không thể dấu Lloyd và nói với Lloyd sữa nàng cạn kiệt phải cho Dimitri uống sữa bình. Lloyd nặn đôi vú của Doree và thấy còn có sữa tuy không nhiều. Lloyd giận nói Doree nói láo, hai người cãi lộn và đánh nhau. Trong cơn giận Lloyd nhiếc Doree là con điếm như mẹ của nàng. Lloyd nói những kẻ từng đi cù bơ cù bất đều là điếm.

Cãi nhau rồi làm lành. Nhưng mỗi lúc Dimitri trở chứng khóc nhiều, bị cảm lạnh, hay đi đứng khó khăn vào tuổi Sasha và Barbara đã chạy được, thì câu chuyện không cho con bú sữa mẹ trở thành đề tài bất hòa.

**

Lần đầu tiên khi Doree đến văn phòng gặp bà Sands, một phụ nữ ngồi trước văn phòng đưa cho Doree một tờ quảng cáo tôn giáo in hai măt. Một mặt in hình thánh giá màu vàng rực rỡ với dòng chữ cũng màu vàng rất bắt mắt: “Khi con mất mát ngoài sức chịu đựng ….”. Trang kia in hình Chúa Jesus và mấy dòng chữ Doree không buồn đọc.

Ngồi trước bàn giấy của bà Sands, tay nắm chắc tờ quảng cáo Doree giận run. Bà Sands nắm bàn tay Doree cho hết run và hỏi:

“Có ai đưa cho cô tờ quảng cáo này”

“Cô ấy”, Doree vừa trả lời vừa quay đầu về hướng chiếc cửa đã đóng kín.

“Cô không thích tấm quảng cáo phải không?”

“Khi ai gặp khó khăn là lúc có người lợi dụng lòng tin của mình,” Doree trả lời, nhớ đến lời mỉa mai của mẹ khi còn nằm bệnh viện khi quý bà trong các đoàn thể tôn giáo đến thăm tặng quà và thuyết phục, “Họ tưởng mình chỉ cần quỳ xuống dưới chân Chúa là mọi sự êm đẹp!”

Bà Sands nói: “Tin chưa chắc giải quyết được mọi việc”

“Chắc là chẳng giải quyết được gì!” Doree quả quyết.

“Có thể là vậy”

Trong thời gian mấy tháng đầu, bà Sands và Doree không bao giờ nhắc đến tên Lloyd trong câu chuyện. Doree cố gắng quên Lloyd xem như những gì đã xẩy ra là một tai nạn của trời đất.

Doree nói: “Cho dù tôi tin Chúa cũng chỉ khổ cho tôi thêm…” Doree liên tưởng đến sự trừng phạt của Chuá dành cho Lloyd nhưng không nói với bà Sands. Và mỗi lần nghĩ đến sự đền tội của Lloyd lòng cô xốn xang bứt rứt.

**

Lloyd thích dạy mấy con học ở nhà. Không phải vì lý do tôn giáo không muốn con học những gì ở trường trái với lời Chúa dạy, như thời đại dinosaurs, thời vượn chuyển thành người … lý do đơn giản là Lloyd muốn các con có nhiều thì giờ gần bố mẹ và học theo khả năng hấp thụ chứ không bị nhồi nhét như chương trình trường công. Lloyd nói anh muốn Sasha, Barbara Ann và Dimitri là con của anh chứ không phải là con của Bộ Giáo Dục.

Doree tưởng không kham nổi trách nhiệm dạy con học ở nhà, nhưng rất may Bộ Giáo Dục có tài liệu hướng dẫn. Hơn nữa Sasha sáng dạ học dễ, trong khi hai đứa em còn nhỏ không cần học bao nhiêu. Mỗi tối hay vào cuối tuần, Lloyd dạy Sasha về địa lý, về thái dương hệ, nguyên nhân một số thú vật ngủ mùa Đông, tại sao xe chạy được. Không bao lâu Sasha đã đi trước chương trình của Bộ Giáo dục. Nhưng Doree vẫn để Sasha học theo nhịp của Bộ.

Trong vùng ở cách nhà mấy cây số có gia đình bà Maggie cũng cho con học ở nhà. Bà có một chiếc xe van nhỏ, mỗi tuần Doree đi nhờ xe bà Maggie ra Học khu nộp bài làm của Sasha và lấy bài học mới. Mỗi lần đi bà chở cả bọn nhóc đi theo. Bà Maggie có hai đứa con trai. Đứa lớn bị chứng dị ứng thực phẩm nên bà Maggie phải coi chừng thức ăn, và đó là lý do chính bà cho nó học ở nhà. Đứa nhỏ bị suyễn và muốn ở nhà chơi với anh nên bà Magie cho nó học ở nhà luôn.

So sánh với mấy con bà Maggie, Doree may mắn hơn nhiều. Sasha và Barbara Ann khỏe mạnh, Dimitry có chút vấn đề nhưng không có gì trầm trọng. Lloyd nói nhờ Doree lấy chồng sinh con sớm, trong khi bà Maggie chờ gần tắc kinh mới lấy chồng. Lloyd so sánh hơi quá. Thật ra bà Maggie lấy chồng trễ nhưng không quá già. Bà hành nghề bác sĩ về kiếng đeo mắt với chồng, và sau khi tậu một ngôi nhà khang trang ở miền quê hai người cưới nhau và bà nghỉ làm luôn. Bà Maggie tóc muối tiêu cắt ngắn, người tầm thước, ngực nở, vui tính và ngang bướng một cách dễ thương. Lloyd hay tán chuyện gẫu với Maggie qua điện thoại, và nói với Doree “Maggie đó” mà không bao giờ nói đã cà kê dê ngỗng những gì. Doree không mấy quan tâm vì với ai Lloyd cũng cà khịa một cách thân mật được. Doree chỉ ngại tính nói chuyện dai của Lloyd làm bà Maggie khó chịu và mất thì giờ của Maggie.

Có một lần Doree nghe Lloyd bắt phone có vẻ đùa cợt, bên kia là Maggie “Chị muốn nói chuyện với bà vợ cưng của tôi hả. Đây, cô ta đây. Cô ấy đang ủi quần cho tôi. Chị thấy đó, tôi chỉ có hai cái quần để thay đổi, và việc đó giúp cô ta giặt ủi luôn tay”

Doree và Maggie có thói quen sau khi đến Học khu thì đi chợ. Thỉnh thoảng họ vào tiệm Tim Horton lấy cà phê “to go”, thả mấy đứa nhỏ tại công viên Riverside, ra ngồi ghế đá vừa trông bọn nhỏ vừa nhấm cà phê trò chuyện. Sasha và hai đứa con trai của Maggie leo trèo trên các thang trong công viên, Barbara Ann đong đưa trên xích đu, trong khi Dimitri vọc cát. Gặp trời lạnh hai bà bạn ngồi trong xe tâm sự đủ điều về con cái và bếp núc giúp hai người biết nhau hơn.

Maggie từng du lịch khắp lục địa Châu Âu trước khi vào trường thuốc. Maggie biết Doree lấy chồng khi còn rất trẻ, và tại sao Doree có thai sớm. Doree nói với Maggie sau 3 đứa con nàng bỗng không sinh nữa và Lloyd nghi nàng uống thuốc ngừa thai.

“Thế cô có uống thuốc ngừa thai không?” Maggie hỏi

“Không”, Doree nói “Có muốn tôi cũng không dám”

“Vậy sao?” Maggie trả lời hơi chút ngạc nhiên

Một lần, Maggie đột nhiên hỏi “Cô có tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân không?” Không do dự Doree trả lời “Có”. Doree không biết câu trả lời của mình có thành thật không. Có nhiều việc, nhiều hoàn cảnh mình quen và chấp nhận như vậy nhưng chưa chắc người khác đã nhìn sự việc như mình? Lloyd nói năng hoạt bát nhưng khó tính, và đó là điều đáng yêu cũng như đáng ghét của Lloyd. Tại bệnh viện Lloyd ghét cay ghét đắng bà Y tá trưởng Lloyd cho là loại người kỳ thị. Lloyd gọi bà là con quỷ cái. Hiện nay tại Sở  làm Lloyd cũng ghét một nam công nhân Lloyd cho là nịnh cấp trên và đặt tên là “thằng nịnh”

Doree biết những người đó không tệ như Lloyd thấy, nhưng Doree không nói ra trái ý Lloyd. Đàn ông có nhu cầu có kẻ thù để ghét chăng, cũng như có nhu cầu kể chuyện khôi hài mặc dù nhiều lúc rất vô duyên? Lloyd hay đưa những người mình ghét vào chuyện khôi hài, cũng như hay tự lố bịch hóa mình để cười. Chỉ những lúc đó Doree mới có thể cùng cười với Lloyd mà không sinh chuyện.

Doree không muốn Lloyd ghét bà Maggie. Nếu Lloyd ghét bà Maggie và cấm cô đi chợ chung thì thật là bất tiện. Phải nói sao về Lloyd với Maggie mà không cảm thấy mình nói dối? Nhưng Doree nghĩ Maggie là một phụ nữ sâu sắc, chóng hay chầy bà ấy cũng biết con người thật của Lloyd.

Nghĩ quanh nghĩ quẩn, Doree tự nhủ tại sao mình thắc mắc về ý nghĩ của bà Maggie đối với Lloyd. Mặc bà ấy. Gia đình và quan hệ giữa mình và Lloyd mới quan trọng. Lloyd thường nói vậy, và anh ấy nói đúng. Chất keo kết hợp giữa hai người và nỗ lực của Doree giữ gìn chất keo đó không phải là chuyện của người khác.

Quan hệ giữa Lloyd và Maggie trở nên xấu dần. Lloyd phê phán và đổ lỗi cho Maggie về tình trạng sức khỏe của hai cậu con trai. Lloyd nói, tại bệnh viên anh thấy trẻ con bệnh đều tại mẹ, nhất là những bà mẹ có trình độ học vấn cao vì cưng con mà làm hạn chế sự phát triển tự nhiên của chúng.

Doree nói: “Nhiều đứa bé sinh ra đã có vấn đề. Anh không thể kết luận con hư hay con bệnh khi nào cũng tại mẹ”

“Lloyd cao giọng “Ai cấm tôi”

“Không ai cấm anh cả, nghĩ gì là quyền của anh. Tôi chỉ muốn nói có khi sức khỏe của mỗi người do bẩm sinh chứ không tại ai cả.”

“Chà, cô học y khoa hồi nào mà ăn nói như một bà bác sĩ vậy!”

“Tôi không bao giờ nói tôi là bác sĩ”

“Lẽ dĩ nhiên cô không phải là bác sĩ, và không có thẩm quyền gì bàn về vấn đề sức khỏe.”

Từ chuyện nhỏ kéo ra chuyện lớn, Lloyd hạch sách hỏi Doree bà Maggie và cô thường nói với nhau những gì.

“Nói chuyện tâm phào, và chẳng có gì đáng ghi nhớ cả”, Doree trả lời.

“Người ngu mới tin cô. Hai người đàn bà đi chung xe ngày này qua tháng khác mà không nói gì đáng nhớ với nhau! Tôi biết thế nào mà chẳng có chuyện để chia rẽ tôi với cô”

“Anh nói ai? Bà Maggie hả?”

Lloyd trả lời: “Tôi có kinh nghiệm về loại phụ nữ đó”

“Loại nào?”

“Loại bà ấy chớ còn loại nào”

“Anh chớ nên hồ đồ.”

“Cô nên giữ mồm giữ miệng. Tôi cấm cô nói tôi hồ đồ”

“Thế bà ấy muốn chia rẽ anh với tôi để làm gì?”

“Làm sao tôi biết được lòng dạ bà ấy. Cô cứ chờ đó sẽ biết. Thế nào bà ấy cũng nhét vào tai cô rằng tôi là một người đàn ông chẳng ra gì.”

**

Một hôm sau khi cãi nhau, Doree khóc chạy đến nhà Maggie. 10 giờ đêm, Doree gõ cửa. Chồng bà Maggie chưa từng gặp Doree ra mở cửa. Ông nhìn thẳng vào mặt Doree hỏi không chút thiện cảm “Cái gì vậy? Cô muốn gi?” Doree ấp úng: “Xin lỗi đã làm phiền ông”. Vừa lúc đó Maggie bước ra.

Đêm ấy như một kẻ mất hồn Doree thất thểu đi bộ đến nhà bà Maggie. Bắt đầu một đoạn đường làng rồi ra xa lộ. Vừa đi Doree vừa nhìn xe cộ chạy qua xem thử có xe nào của Lloyd không? Doree không muốn Lloyd nhận ra mình. Nàng muốn để cho Lloyd hoảng hốt một lần cho bõ ghét. Kinh nghiệm cho Doree biết khi nào Lloyd cãi bướng nàng khóc, nàng la, đập đầu vào tường thì Lloyd nhịn “OK, cưng, hãy nín đi, cưng nói đúng! Hãy thương mấy đứa nhỏ và nín đi cưng!”

Đêm nay Doree định giở trò cũ để làm cho Lloyd sợ. Nàng lấy một chiếc áo ấm choàng vào người vừa khóc vừa bước ra đường không nghe tiếng Lloyd de đọa “Tôi cảnh giác cô đừng bỏ đi như vậy!” Linh tính bảo Lloyd rằng những gì anh nghi ngờ về Maggie đang trở thành sự thật.

Sau khi vợ nhận ra Doree, chồng bà Maggie bỏ đi ngủ. Doree khóc nói với Maggie “Tôi xin lỗi đêm hôm đến nhà phiền chị.”

“Lỗi phải gì. Cô cần mới đến đây. Cứ yên tâm. Uống một ly rượu vang cho ấm người nhé?

“Tôi không biết uống rượu”, Maggie nói.

“Vậy để tôi lấy trà nóng cho cô. Trà Raspberry ngon lắm. Mà sao đó? Lại cãi nhau về chuyện mấy đứa nhỏ phải không?”

“Không phải vì mấy đứa nhỏ”

Magie giúp Doree cởi áo khoác, đưa cho Doree một tấm Kleenex và nói: “Khoan nói đã. Hãy nghỉ ngơi cho tỉnh người rồi hẵng hay.”

Khi bắt chuyện lại với Maggie, Doree cũng không muốn nói hết sự thật những gì nàng nghĩ về Lloyd. Doree nói lỗi do nàng. Doree nghĩ dù Lloyd có xấu với nàng, Lloyd vẫn là người thân duy nhất còn lại trong cuộc đời nàng, và nếu nàng nói với Maggie tất cả cảm nghĩ thật của mình đối với Lloyd thì mọi sự sụp đổ hết.

Doree kể với Maggie rằng, cô và Lloyd lại cãi nhau về một chuyện lãng xẹt và cô không còn đủ can đảm để nghe những lời hết sức vô lý của Lloyd mà cô đã nghe hoài, cho nên cô muốn ra khỏi nhà cho đỡ nhức đầu. Doree nghĩ rồi sẽ lại làm lành với nhau.

Có tiếng chuông điện thoại reo, Maggie trả lời

“Vâng, cô ta bình an. Cô ấy chỉ muốn tránh một chuyện bực mình. Cô ta khỏe, OK. Anh yên tâm, sáng mai tôi đưa cô về nhà. Chúc anh ngủ ngon.”

Gác điện thoại xuống, Maggie nói với Doree: “Lloyd. Chắc cô đã đoán ra”

“Giọng anh ấy có bình thường không?” Doree hỏi.

Maggie cười: “Tôi đâu có biết khi bình thường thì giọng anh ấy thế nào mà biết có bình thường hay không. Chỉ biết giọng không có hơi rượu”

“Anh ấy không biết uống rượu. Cà phê cũng không.”

**

Sáng tinh sương, Maggie đưa Doree về nhà. Lloyd chưa đi làm. Maggie có việc cần đi gấp. Bà quày xe, nói với Doree: “Bye bye, cần gì cứ điện thoại cho tôi”, rồi thả thắng nhấn gas.

Đầu xuân, buổi sáng trời lạnh, tuyết còn phủ trên sân, và Doree ngạc nhiên thấy Lloyd ăn mặc mong manh ngồi trên ngưỡng cửa.

Doree nhìn Lloyd, bước vào nhà, nhưng Lloyd ngồi chắn lối đi.

“Cô không được bước vào nhà”

“Sao vậy? Tôi xin anh” Doree nói.

Lloyd không trả lời, hai môi mím vào nhau cười đau khổ.

Cảm thấy có điều bất thường, Doree la lớn:

“Lloyd, Lloyd, anh làm gì kỳ vậy?”

“Tôi nghĩ tốt nhất là cô không nên bước vào nhà”

“Anh đừng hiểu lầm. Tôi không nói gì với Maggie cả. Tôi xin lỗi đã đi ra khỏi nhà. Tôi chỉ muốn tạm có không gian để thở thôi.”

“Tốt hơn cô không nên vào nhà” Lloyd lặp lại.

Doree càng hoảng: “Anh sao thế? Mấy con đâu?”

Lloyd lắc đầu như anh vẫn có thói quen lắc đầu mỗi khi nghe Doree nói điều gì anh không muốn nghe.

Doree thét lên: “Lloyd, các con đâu?” Vừa thét Doree vừa sấn tới. Lloyd nhích sang một bên nhường lối cho Doree. Dimitri nằm chết cứng đơ trong chiếc nôi. Barbara Ann chết trên sàn nhà dưới chân giường ngủ. Sasha nằm sóng soài nơi cửa nhà bếp cho thấy Sasha muốn thoát nhưng không kịp. Cổ Sasha bị bóp tím bầm. Dimitri và Barbara chết ngạt bằng gối đè lên mặt.

Lloyd nói: “Hôm qua khi tôi điện thoại đến nhà bà Maggie, mấy đứa con đều chết cả rồi” Lloyd nói tiếp “Do cô cả.”

Doree mê sảng thất thểu chạy ra khỏi nhà, hai bàn tay ôm bụng như thân hình bị chẻ làm đôi vừa chạy quanh sân nhà vừa rên khóc không thành tiếng. Đó là cảnh tượng bà Maggie thấy khi bà trở lại. Trên đường về linh tính báo cho bà biết có gì đó chẳng lành, bà quày xe về nhà Doree. Maggie tưởng Doree bị Lloyd đá vào bụng. Maggie để yên cho Doree khóc la, bà chạy thẳng vào nhà – Lloyd vẫn còn ngồi trên ngưỡng cửa im lặng tránh chỗ cho Maggie đi qua không nói một lời – Maggie thấy điều chẳng lành bà linh cảm. Bà gọi cảnh sát.

**

Tòa án kết luận, Lloyd hành động vô thức trong cơn điên, và nhốt Lloyd vào một bệnh viện tâm thần.

**

Doree bỏ ăn nhiều ngày. Cô nhét bất cứ gì thấy trước mắt vào miệng, áo quần, vải vóc, ngay cả bùn đất và cỏ rác như thể giúp chận lại tiếng kêu ai oán trong cổ họng phút nào cũng chực tuôn ra và cũng để giúp xóa hình ảnh khủng khiếp ám ảnh ngày đêm. Bác sĩ chích thuốc an thần giúp Doree không tự hủy và nàng dần tỉnh lại trong trạng thái vô cảm với sự vật chung quanh.

Dần dà Doree ổn định, Sở Xã hội tìm cho Doree một chỗ tạm trú khác và ủy thác bà Sands săn sóc Doree. Bà Sands tìm một nơi thật xa cho Doree ở và tìm một việc làm thích hợp cho cô. Hằng tuần mỗi chiều Thứ Hai Doree đến gặp bà Sands ở văn phòng. Maggie ngỏ ý đến thăm Doree nhưng bà Sands khuyên chưa phải lúc. Sự có mặt của bà Maggie sẽ nhắc lại cho Doree hình ảnh của buổi sáng kinh hoàng đó. Riêng Lloyd qua một khoảng thời gian bà Sands nói với Doree muốn đi thăm hay không tùy ý không cần hỏi ý kiến bà. Cảm thấy thoải mái thì đi, không thì thôi, đừng suy nghĩ nhiều.

“Tôi không biết” Doree trả lời.

**

Doree nói cô đã đi thăm Lloyd mà hình như chưa thăm. Không phải Lloyd mà là một con người nào khác. Xanh, gầy, áo quần thùng thình, đôi dép hờ hững nơi đôi chân bước đi như không chạm đất. Đâu là người đàn ông khỏe mạnh, vai rộng, tóc lượn sóng, chiếc ngực rộng mênh mông Doree thường ngả đầu vào khi thân mật trò chuyện. Báo chí tường thuật Lloyd khai với cảnh sát rằng:

“Tôi hành động như vậy để giúp cho các con tôi khỏi khổ”

“Khổ gỉ” Cảnh sát hỏi

“Khổ vì có một bà mẹ hư hỏng, bỏ chồng đi khỏi nhà!”

Điều thúc đẩy Doree đi thăm Lloyd là để nói với Lloyd điều anh ta nghĩ không đúng.

“Anh bảo tôi đừng cãi lại anh, hay đi đâu thì đi, thì tôi đi. Tôi định đến nhà Maggie một đêm cho khuây khỏa rồi về. Tôi không bỏ chồng, bỏ con.”

**

Doree nhớ lại tối hôm ấy cô mua một hộp bún Spaghetti móp một bên với nửa giá và Doree cảm thấy vui vui vì có dịp tiết kiệm. Khi Lloyd hỏi sao mua hộp bún móp, không hiểu sao Doree không trả lời vì rẻ mà nói rằng nàng không thấy. Lloyd nói, vết móp rành rành trước mắt vậy mà không thấy. Hay cô muốn đầu độc cha con tôi?

Doree nói Lloyd đừng nổi điên nói bậy. Lloyd cãi lại anh không điên. Cái thứ đàn bà mua thực phẩm độc về thuốc gia đình mới là điên. Doree thấp thoáng thấy ba đứa nhỏ lấm lét nhìn vào nhà bếp nghe bố mẹ cãi nhau. Đó là lần cuối Doree thấy chúng còn sống.

**

Xe đến cổng bệnh viện Doree bước ra khỏi xe buýt, chuận bị ý tứ sẵn sàng để thuyết phục Lloyd. Nhưng Doree còn do dự. Đi theo đoàn các bà thăm nuôi vào phòng chờ hay băng qua đường đón chuyến buýt quay trở về? Doree từng chứng kiến cảnh đến cổng rồi quay về như vậy nhiều lần.

Như cái máy, Doree đi theo đoàn người vào phòng chờ.

Doree nhớ đã hỏi bà Sands: “Lần trước bà hỏi tôi sau khi thăm Lloyd tôi cảm thấy vui hay buồn, phải không?”

“Đúng vậy” bà Sands nói.

“Để tôi nghĩ xem. Nhưng chắc là buồn nhiều hơn vui, nên tôi quyết định không bao giờ đến thăm Lloyd nữa”

Bà Sands gật đầu tỏ vẻ đồng ý

Thế nên lần này khi quyết định đi thăm Lloyd nữa, Doree không nói cho bà Sands biết. Doree nói với bà Sands cô đi nghỉ hè vài tuần.

**

Thấy Doree, Lloyd ngạc nhiên hỏi: “Cái áo khoác dày mặc tuần trước sao không thấy em mặc”

“Đâu phải tuần trước”

“Vậy hả?”

“Ba tuần rồi. Bây giờ trời nóng. Cái áo này mỏng hơn, nhưng thật ra cũng không cần lắm”

Lloyd hỏi đi có mệt không? Từ Mildway đến đây đổi bao nhiêu chuyến xe. Doree nói cô không ở Mildway nữa. Doree thuật tỉ mỉ chỗ ở mới và 3 chuyến buýt từ nhà đến đây.

“Đường xa quá nhỉ. Chỗ ở mới là đô thị lớn hơn hay sao?”

“Không lớn hơn, nhưng gần chỗ làm”

“Em đi làm rồi hả?”

Doree nhớ lần thăm trước đã nói cho Lloyd biết nàng hiện ở đâu, làm gì, mỗi lần đi thăm đổi bao nhiêu chuyến xe.

“Tôi làm việc lau chùi phòng tại một khách sạn” Doree nhắc lại.

“Tôi nhớ ra rồi. Tôi xin lỗi. Em có ý đi học lớp đêm lại không?”

Doree nói nàng có nghĩ đến việc đi học lại, nhưng không tỉnh trí để quyết định một cái gì dứt khoát. Doree nói cô thích công việc hiện tại tuy có chút nhọc nhằn.

Đến đó cả hai ngưng bặt không biết còn chuyện gì để nói.

Lloyd thở dài: “Tôi xin lỗi. Hình như tôi đã quên cả cách nói chuyện”

“Hằng ngày anh làm gì trong bệnh viện?”

“Đọc sách, đủ loại sách, chẳng hạn loại sách dạy thiền định.”

“Hay quá!”

“Em tới thăm tôi rất mừng. Nhưng tôi nghĩ em không nên buộc mình phải đến thăm tôi. Lúc nào thấy thoải mái thì đến, không thì thôi. Em đến thăm dù chỉ một lần cũng đã là một món qùa quý hiếm đối với tôi.”

Doree nói nàng cũng nghĩ như vậy. Và Lloyd nói anh không muốn làm bận rộn đời sống của Doree.

“Không, anh không làm bận rộn đời sống của em” Doree nói.

“Thật vậy không. Hay em nghĩ một đàng nói một đàng”

Thật ra Doree định nói nàng còn đời sống nào nữa đâu. Nhưng nàng vẫn quả quyết nàng có một đời sống để Lloyd yên tâm.

“Vậy thì tốt.” Lloyd nói

**

Ba tuần sau, bà Sands điện thoại.

“Doree! Cô về rồi hả? Tôi tưởng cô nghỉ hè chưa về”

“Vâng, tôi vừa về” Vừa trả lời Doree vừa nghĩ nếu bà Sands hỏi cô sẽ trả lời cô đi những đâu trong những ngày nghỉ.

“Vậy sao cô điện thoại hẹn gặp?”

“Mới về, tôi chưa định hẹn”

“Không sao. Tôi hỏi cho biết thôi. Cô khỏe mạnh chứ?”

“Vâng, tôi khỏe”

“Vậy thì tốt Khi nào cô thấy có nhu cầu chuyện trò thì cứ hẹn gặp tôi”

“Vâng.”

“Bye …..!”

Bà Sands không nhắc đến Lloyd, cũng không hỏi xem Doree còn đến thăm Lloyd nữa không. Cũng phải. Vì Doree đã nói sẽ không đến thăm nữa. Tuy vậy bà Sands bén nhạy bà có thể đoán Doree đã đi thăm Lloyds, nhưng bà không hỏi nếu biết rằng câu hỏi sẽ làm cho Doree lúng túng. Doree chưa tìm ra cách trả lời nếu bà Sands hỏi. Doree sẽ nói dối là không đi thăm, hay thật cho bà Sands biết? Sự thật là, vào ngày Chủ nhật một tuần sau khi Doree nói với bà Sands cô không tha thiết gì thăm viếng thì cô đã đến thăm Lloyd. Lloyd bị cảm lạnh, không biết lây ở đâu. Lloyd nói có thể lây bởi Doree trong lần thăm trước, hay chỉ là sự “trở chứng” của Lloyd. Bệnh do “trở chứng” là chuyện lạ, nhưng Lloyd ưa dùng chữ như vậy Doree nghe đã quen. Doree ngạc nhiên nghe lại ngôn từ hai người vẫn dùng riêng với nhau.

“Anh khác trước lắm phải không?” Lloyd hỏi

“Vâng, có khác.” Doree thận trọng trả lời, và nói tiếp “Qua thời gian ai không thay đổi. Sắc diện em cũng vậy phải không?”

“Em còn đẹp lắm” Lloyd nói một cách luyến tiếc

Doree cố đè nén sự xúc động.

“Em có cảm thấy em đã thay đổi thành một người khác không?” Lloyd hỏi tiếp.

“Em không biết chắc. Còn anh, anh thấy thế nào?”

“Hai ta đều thay đổi. Những ngày đẹp đã trôi vào quá khứ!” Lloyd kết luận.

**

Vào ngày cuối tuần Doree nhận được một phong thư gồm nhiều tờ giấy mỏng viết hai mặt gởi về Sở làm. Thư của Lloyd. Ngạc nhiên vì Doree tưởng phạm nhân không có quyền viết thư.

Thư không đề ngày tháng và đi thẳng vào đề, ngay cả công thức “Doree thân mến” cũng không. Thư viết:

“Cuộc sống làm ai cũng bận rộn. Em cứ nhìn vào khuôn mặt của mỗi người thì thấy. Tất tả ngược xuôi. Đi chợ, giặt áo quần, hớt tóc, đi làm, đi ra Sở Xã hội lãnh tiền trợ cấp… Nghèo thì vậy, còn nhà giàu thì bận rộn nghĩ cách tiêu tiền. Làm sao xây nhà thật đẹp, xây đâu, ngay cả bận tâm tìm sắm các vòi nước trong nhà sao cho lạ, cho hơn nhà khác, và làm sao trang bị một hệ thống báo động thật hữu hiệu phòng kẻ gian.

Mấy hôm nay đầu anh nặng trĩu, như có tiếng ong vo ve trong đầu. Anh đập đầu vào sàn nhà hy vọng chết đi để chạy trốn hình phạt trời giáng xuống cho anh. Người ta trói anh lại chích thuốc an thần. Anh để yên cho người ta chích, không chống lại, biết chống lại cũng vô ích. Thế giới của con người thật nhiều tai ương. Uống rượu giải khuây, say, giết người để trấn áp những ý nghĩ đen tối trong đầu. Để rồi thấy mình điên hơn hay bình an trong vô cảm.

Bình an! Anh đang cảm thấy phần nào bình an. Đọc tới đây chắc em tưởng anh đã rửa tội theo Chúa hay quy y theo Phật. Không, anh không nhắm mắt để cho thần linh sai bảo. Anh chỉ biết anh đang ở trạng thái “Tự Biết Mình” và “Chỉ Tin Chính Mình”, hai điều hình như đều nằm trong Kinh Thánh. “Tự Biết Mình” không phải là một điều răn về luân lý, mà là một lời khuyên về động thái. Nhưng “động thái” không phải là điều anh quan tâm vì tòa án đã phán quyết một cách đúng đắn rằng anh là người không có khả năng kiểm soát động thái của mình, và đó là lý do tại sao hôm nay anh ở đây cách ly với thế giới con người.

Về chữ “Biết” trong “Tự Biết Mình” anh có thể quả quyết rằng anh biết anh. Anh biết anh có khả năng phạm tội ác đến mức độ nào và biết anh đã làm điều đó. Thế giới xem anh là một quái vật, và anh không có quyền tranh cãi. Không thể tranh cãi. Tuy nhiên buồn cười là kẻ giết hằng trăm ngàn người bằng bom bi, bom lửa, đốt cháy hàng trăm thành phố, tạo nên nạn đói giết hàng chục triệu người thì thường không bị kết tội là “quái vật ” mà còn được huy chương. Trong thế giới chúng ta sống chỉ có tiểu sát thủ bị lên án, đại sát thủ thì không. Em nên hiểu rằng anh không lên án ai, chỉ là đưa ra một nhận xét hiển nhiên.

Chữ “Mình” trong ‘Chỉ Biết Chính Mình” thì anh biết anh là con quỷ của anh. Anh biết thế giới loài người xem con quỷ này dữ hơn những con quỷ dữ của người khác. Biết vậy, anh cảm thấy bình an, vì anh không còn quan tâm đến sự phán đoán của thế giới con người. Anh là anh, anh không là người khác. Anh có thể nói anh điên. Nhưng điên là gì? Tôi là tôi, lúc đó tôi là thế, và bây giờ tôi là vậy tôi không thể thay đổi tôi?

Doree! Đọc tới đây chắc cô chờ đợi một cái gì bí hiểm viễn vông hơn từ ngòi bút của tôi. Nhưng thôi, tôi không thể viết tiếp được. Chừng nào cô đến thăm may ra tôi sẽ nói với cô. Cô đừng cho tôi là ác. Viết được tôi đã viết. Chỉ vì tôi không thể viết được thôi. Tôi gởi thư này đến Sở cô để cô thấy tôi chưa mất trí. Tôi còn có khả năng nhớ địa chỉ cô cho qua điện thoại”

Doree đọc đi đọc lại lá thư, Doree vẫn không hình dung được nếu gặp Lloyd cô sẽ nói gì về lá thư này. Có thể cô sẽ nói Lloyd không nên viết lảm nhảm như vậy.

Nhưng khi gặp Lloyd, anh không nói gì đến lá thư, tuồng như không có lá thư kia. Để bắt chuyện, Doree kể chuyện tại khách sạn cô làm việc vừa có một ca sĩ nổi tiếng hát nhạc bình dân ghé qua ở mấy ngày. Doree ngạc nhiên thấy Lloyd biết khá nhiều về cô ca sĩ nhờ xem truyền hình và đọc báo tại trại giam. Cô cứ tưởng phạm nhân không được xem được biết gì cả. Câu chuyện lòng vòng cho đến khi Doree không nín được.

“Chuyện anh nói anh không viết trong thư được ngoại trừ nói thẳng với tôi là chuyện gì vậy?

Lloyd nói anh ước gì Doree đừng hỏi. Anh không biết đã đến lúc có thể nói chuyện đó với tôi không.

Doree bỗng cảm thấy sợ, sợ rằng điều Lloyd định nói là điều nàng không xử lý được, thí dụ như Lloyd nói Lloyd vẫn còn tha thiết yêu Doree. Yêu là danh từ nàng không thể xử lý nổi.

“Vâng anh” Doree nói “Có lẽ chưa thuận tiện thật!”

Nhưng bỗng đổi ý, Doree nói: “Anh nên nói đi. Biết đâu ra khỏi đây tôi bị xe cán chết thì tôi không bao giờ biết điều anh muốn nói, và khi anh muốn cũng không còn ai để nói với.”

“Em có lý” Lloyd nói

“Vậy nói đi anh”

“Hẹn em lần tới” Lloyd hứa.

**

Chưa đi thăm Lloyd lại, Doree nhận được thư của Lloyd.

“Tôi nghĩ đến cô, ngay cả trong giấc ngủ từ hôm đó và buồn vì đã làm cô thất vọng. Khi cô ngồi trước mặt, tôi rất xúc động dù ngoài mặt làm tỉnh. Thật ra tôi không có quyền xúc động, cô mới là người có quyền xúc động. Nhưng cô biết kềm chế giỏi hơn tôi. Vì vậy tôi thay đổi ý định, thay vì nói thẳng với cô, tôi viết thư”

“Bắt đầu như thế nào nhỉ?

“À, Thiên đường có thật. Bắt đầu bằng ý đó thì dễ vào câu chuyện tôi muốn nói với em, nhưng mâu thuẫn vì tôi vốn không tin có Thiên Đường hay Địa Ngục. Theo tôi đó là những ý niệm viễn vông.”

“Điều tôi muốn nói với em là tôi đã gặp lại các con. Tôi đã được gặp và nói chuyện với chúng”

“Em nghĩ gì? Chắc em lại nghĩ ảo giác đang ngự trị tôi. Hay chỉ là một giấc mộng và tôi không phân biệt nổi đâu là mộng, đâu là thật. Nhưng tôi đoan chắc với em rằng tôi biết phân biệt mộng và thật, và rằng các con chúng ta còn tồn tại. Tôi nói còn “tồn tại” chứ không phải “còn sống”, vì sống là sự hiện hữu của hình hài trong không gian 3 chiều. Không! các con chúng ta không còn sống trong không gian này, nhưng chúng còn tồn tại trong một không gian nhiều chiều khác, và tôi biết rằng tôi đã lọt vào chiều đó và gặp chúng. Có lẽ sự quán tưởng kiên trì của tôi về các con đã cho tôi khả năng lọt vào không gian huyền bí đó, nơi chúng ta gọi là ‘Cõi Âm’.”

“Đọc đến đây mà em chưa xé nát lá thư vất vào sọt rác thì chắc em muốn biết các con bây giờ ra sao. Chúng ngoan và vui. Chúng không nhớ gì chuyện cũ và hình như lớn hơn ngày ấy. Dimitri nói bập bẹ, hồi đó Dimitri chưa biết nói. Tôi loáng thoáng thấy chúng ở chung trong một căn phòng rộng và đẹp hơn phòng khách nhà chúng ta. Tôi hỏi ai săn sóc chúng, chúng cười nói không có ai cả, chúng tự săn sóc lấy. Hình như Sasha nói câu đó. Tôi không phân biệt được đứa nào nói cái gì vì lời và ý của chúng chập lên nhau. Nhưng tôi phân biệt được giọng và hình thù mỗi đứa. Và tôi thấy chúng thoải mái.”

“Em đừng cho tôi điên. Vì sợ em bảo là điên nên tôi đã do dự không dám nói thẳng cho em nghe. Tôi từng điên, nhưng tôi đã lột vỏ để trở về với chính mình và nhờ đó tôi đã tiếp cận được với Sasha, Barbara Ann và Dimitri ở cõi âm. Tôi ước gì em cũng có được ân phước đó. Điều này hoàn toàn có thể vì em tinh khiết hơn tôi về mọi mặt.”

Doree không biết bà Sands sẽ nghĩ gì nếu đọc thư này. Có lẽ bà không nói ngay Lloyd khùng, nhưng có thể bằng một cách gợi ý nhẹ nhàng nào đó bà muốn Doree nghĩ rằng Lloyd không bình thường. Hoặc bà chọn thái độ trung lập, chuyện trò thế nào để Doree tự tìm thấy kết luận. Nghĩ vậy Doree tránh không gặp bà Sands.

Trong thâm tâm Doree nghĩ Lloyd chưa dứt hẳn bệnh tâm thần, và qua lá thư Doree phảng phất thấy tính tự khoe cố hữu của Lloyd. Doree không trả lời thư của Lloyd. Doree cũng không nói với bất cứ ai về lá thư của Lloyd. Ngày tháng trôi qua, Doree vẫn nghĩ Lloyd có vấn đề, nhưng Doree không quên nội dung lá thư. Dần dần Doree cảm thấy bắt đầu biết cảm xúc với thế giới quanh mình. Thỉnh thoảng lúc đang lau kiếng hay kéo chăn phủ giường, Doree cảm thấy một cái gì dịu dàng len lén vào hồn. Trong hai năm qua Doree sống như vô cảm đối với những hiện tượng thiên nhiên trong khi người khác thấy đẹp như khi khí trời trở nên ấm áp, hoa nở rộ vào mùa Xuân hay mùi bánh nướng… Nhưng cái cảm giác êm dịu đang đến với Doree không liên quan gì đến bầu trời đẹp, hoa nở, mùi bánh nướng … mà là cái cõi âm của Lloyd.

Từ biến cố đau thương ấy, Doree không chịu đựng được bất cứ gì liên quan đến các con. Nghe tên của chúng Doree phát điên thét lên như ai cầm dao đâm vào cổ nàng. Ngay cả giọng thỏ thẻ của trẻ em, tiếng chân trẻ con chạy quanh hồ bơi tại khách sạn đều làm cho Doree đau đớn tận cùng. Thế mà bây giờ nhờ lá chắn của “cõi âm” Doree không còn kinh sợ nghe thấy những gì nhắc nhở đến các con.

Ai đã cho Doree món quà vô giá đó? Lloyd! Lloyd – một người điên đang bị giam giữ – chính là người đã cứu nàng ra khỏi bể khổ chứ không phải bà Sands với những giờ ở văn phòng Sở Xã hội để được khuyên răn về ổn định cuộc sống.

Ừ thì cứ cho là điên, nhưng biết đâu những gì anh ấy nói là sự thật, biết đâu anh đã lọt đuợc vào cõi âm, và có nhà thần học nào dám quả quyết những cuộc du hành vào không gian nhiều hơn ba chiều là điều không tưởng? Câu hỏi đó ám ảnh Doree và làm cho cô cảm thấy gần gũi Lloyd hơn. Cuộc đời cô bây giờ còn ai? Và nàng còn sống cũng chỉ để “đòi hỏi” Llyods lý giải hành động tàn ác của mình.

**

Chiếc xe buýt bon bon trên xa lộ đưa Doree đi thăm Lloyd. Nàng hồi tưởng những đêm sau khi mẹ mất nàng nói dối với Laurie – người bạn của mẹ săn sóc cô sau khi mẹ chết – để đi chơi với Lloyd. Ai còn nhớ tên và màu mắt các con ngoài Lloyd? Bà Sands mỗi lần nhắc đến chúng đã không dùng chữ “trẻ em” mà chỉ dùng chữ “gia đình cô” một cách chung chung. Doree nhớ lại nàng không cảm thấy tội lỗi khi nói dối với Laurie để đi chơi với Lloyd. Nàng cho là định mệnh đã buộc nàng với Lloyd, và biết đâu nàng được sinh ra để sống với Lloyd? Dù cho nửa đường đứt gánh!

Doree ngồi ghế trước bên cạnh bác tài. Bác tài và Doree là hai người duy nhất trên xe thấy một xe tải nhỏ tốc độ cao từ một đường ngang phóng băng qua xa lộ, đâm vào cái hố cạnh đường. Người tài xế còn rất trẻ trông như một chú bé bị sức bắn tung ra khỏi đầu xe nằm sóng soài trên một bãi đá bên bờ hố.

Hành khách giật mình hoảng hốt khi bác tài đạp mạnh thắng xe. Sau tiếng kêu ken két, chiếc xe buýt ngừng hẳn. Bác tài bình tĩnh giải thích: “Có một chiếc xe vượt qua xa lộ đâm vào hố trước mắt. Tôi sẽ tiếp tục hành trình sau khi làm những gì cần thiết. Xin quý khách đừng ra khỏi xe”

Nói xong bác mở cửa xuống xe. Doree cũng xuống xe đi sau lưng bác tài. Bác không phản đối. Trên mặt đất đầy đá cuội, chú tài bất tỉnh nằm sóng sượt, tay chân giang ra duỗi thẳng như người đã chết.

“Trên xa lộ 21, độ một mile, phía nam thị trấn Bayfield”. Bác tài nói với cảnh sát qua điện thoại cầm tay.

Dưới đầu chú tài, Doree thấy một vũng bọt màu hồng. Không phải máu, trông như nước trái strawberry khi đánh bằng máy quay để làm mứt. Doree sờ vào ngực chú, ngực bất động. Doree dùng tay uốn vành tai mình để nghe cho rõ cũng không nghe thấy một chút dấu hiệu gì của sự sống. Khi sờ vào mạch máu cổ Doree thấy còn thoi thóp.

Doree nhớ Lloyd dặn rằng khi các con lỡ té tức ngực không thở được cần đế ý cái lưỡi. Cái lưỡi có thể bị thụt vào chận khí quản. Doree đặt một bàn tay lên trán chú tài, hai ngón tay của bàn tay kia chọc dưới cằm. Doree đè trán xuống và đẩy cằm lên giúp cho chú thở. Sau đó Doree làm hô hấp nhân tạo. Một bàn tay bóp mũi chú tài, hít một hơi dài thổi mạnh vào miệng. Thổi hai lần ngưng lại kiểm tra hơi thở rồi tiếp tục. Một thanh niên đi xe hai bánh ngừng lại mang đến một cái chăn hỏi có cần lót đầu cho chú bé không. Doree nói không. Lloyd từng dặn đừng đụng đậy cái đầu có thể gây tổn thương cho cột sống. Doree thổi truyền hơi, chờ, rồi tiếp tục thổi. Mồ hôi ướt đẫm đôi má ửng hồng của nàng. Bác tài đứng sau lưng nói gì Doree không nghe rõ. Bỗng Doree thấy nước da mặt chú tài thay đổi. Doree luồn tay vào ngực chú tài, tay run lên khi cảm thấy ngực chú tài chuyển động lên xuống nhịp nhàng.

“Anh ấy thở được rồi, sống rồi!”. Doree lắp bắp sung sướng báo tin cho người thanh niên cầm chăn, và bảo lấy chăn đắp lên người chú bé.

Cúi mình sau lưng Doree bác tài hỏi: “Thằng nhỏ còn sống hả?”

Doree gật đầu, ngón tay đặt lên cườm tay chú bé. Bọt màu hồng không chảy ra nữa. Chắc không phải là não.

“Tôi không chờ thêm được nữa” Bác tài nói “Trễ quá rồi.”

“Được bác cứ đi, tôi sẽ lo ở đây.” Người thanh niên đi xe hai bánh nói.

Doree muốn nói, quý vị đừng gây tiếng động. Đối với Doree lúc này không có gì quan trọng hơn là một không gian thật yên tĩnh để nuôi dưỡng hơi thở bèo bọt của chú bé.

“Cô nghe chứ” Bác tài nói “Người thanh niên nói anh ta lo được. Chúng ta đi thôi. Hơn nữa xe cứu thương cũng tới ngay bây giờ”

“Bác cứ đi đi” Doree nói, “Tôi sẽ theo xe cứu thương ra London, và chiều nay tôi sẽ đón xe bác trở về”

“Nhưng tôi không ra London”

“Bác cũng cứ đi đi!” Doree không ngước lên thấp giọng trả lời.

Alice Munro

Trích trong tập Truyện ngắn Alice Munro, DTV eBook, dịch giả: Trần Bình Nam.

XEM THÊM :

Giới thiệu về Alice Munro và chuyện ngắn " Thị Trấn Bên Đường " 

Bầy Cáo Bạc -Truyện ngắn Alice Munro

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...