Một người phụ nữ mất chồng ở bên bờ sông mong muốn tìm đến cái chết, được người lái đò cứu, người lái đò hỏi một câu hỏi mà khiến cô bật cười!
Hãy cùng đọc ba câu chuyện nhỏ dưới đây nhé!
1. Người góa phụ và ông lái đò
Một người góa phụ ở bên bờ sông với mong muốn tìm đến cái chết, may mắn được ông lái đò đi ngang qua cứu vớt. Ông lái đò hỏi người góa phụ: “Tại sao lại muốn tìm đến cái chết?”, người góa phụ nói: “Bởi vì chồng của tôi đột ngột chết nên tôi cũng không thể sống nổi nữa.”
Ông lái đò hỏi: “Cô kết hôn được bao lâu rồi?”
Người góa phụ trả lời: “Được 3 năm.”
Ông lái đò lại hỏi: “Lúc chưa kết hôn, cô làm nghề gì?”
Người góa phụ trả lời: “Tôi làm nghề nhuộm vải trong thôn.”
Ông lái đò lại hỏi: “Khi ấy cuộc sống của cô thế nào?”
Người góa phụ trả lời: “Cũng hài lòng.”
Người lái đò lại hỏi: “Lúc đó cô chưa có chồng, tại sao cũng sống được tiếp vậy?”
Người góa phụ bật cười.
Ông lái đò nói: “Hãy tìm về chính bản thân mình khi chưa kết hôn đi, lúc đó cô có một mình, chẳng phải cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc sao?”
2. Ông chủ khách sạn và kẻ lang thang
Ông chủ khách sạn phát hiện có một kẻ lang thang ngày nào cũng ngồi bất động ở ghế đá công viên mà nhìn chằm chằm vào khách sạn của mình, ông cảm thấy rất tò mò.
Một hôm, ông chủ khách sạn không thể nhịn được nữa, thế là ông đi đến chỗ kẻ lang thang và hỏi: “Xin lỗi, anh bạn, tôi muốn hỏi anh một chút, tại sao ngày nào anh cũng nhìn chằm chằm vào khách sạn của tôi vậy?”
Kẻ lang thang nói: “Bởi vì cái khách sạn này quá đẹp! Mặc dù tôi chỉ có hai bàn tay trắng và ngủ trên ghế đá, nhưng mỗi ngày tôi đều nhìn nó như vậy, đến tối sẽ mơ thấy mình được ngủ ở trong đó”.
Ông chủ khách sạn sau khi nghe xong thấy rất đắc ý, liền nói: “Anh bạn, đêm nay tôi sẽ cho anh được mãn nguyện, anh có thể ở miễn phí tại phòng tốt nhất của khách sạn trong một tháng”.
Sau một tuần lễ, ông chủ khách sạn trở lại và muốn xem xem tình hình của kẻ lang thang thế nào, thì phát hiện người này rõ ràng là đã chuyển khỏi khách sạn rồi và trở lại ghế đá của công viên.
Ông chủ khách sạn hỏi kẻ lang thang: “Rốt cuộc thì đã xảy ra chuyện gì?”
Kẻ lang thang nói: “Lúc trước tôi ngủ trên ghế đá, mơ thấy được ở trong khách sạn, nên thấy rất vui vẻ, thế nhưng khi ngủ trong khách sạn, tôi lại thường mơ thấy mình trở lại với chiếc ghế đá cứng nhắc đó. Thật là đáng sợ, cho nên, tôi không thể chịu đựng được nữa!”
Ông chủ khách sạn nghe xong liền phá lên cười và nói: “Thì ra, đôi khi không có cũng khổ mà có cũng khổ!”
Quả thực là, nỗi khổ của con người thực ra không liên quan gì đến “có” hay “không có”, mà nó có liên quan đến “sự chấp trước” (dính mắc) của con người, nếu như coi đồ vật nào đó là thứ nhất định phải có được, khi không có thì ao ước thèm muốn, mà khi có rồi thì lại sợ mất đi… như thế đều là khổ.
3. Một ngón tay và hai bàn chân
Tôi có một người bạn, là nhân viên trong một cơ sở phúc lợi xã hội, anh ta đã kể cho tôi một câu chuyện như thế này:
Một lần, có một bà mẹ gọi điện đến phòng của anh ấy để xin giúp đỡ, cô ấy nói rằng đứa con trai thiếu niên của cô đã vô tình bị cắt đứt một ngón tay. Bởi vì không có cách nào để nối lại nên cậu ấy rất đau lòng, suốt ngày trốn trong phòng, không muốn đến trường nữa.
Nhận được điện thoại, nhân viên xã hội nói: “Cô có thể đưa cậu ấy tới đây để cùng nói chuyện được không?”
Bà mẹ nói: “Thằng bé cảm thấy mình không còn trọn vẹn nên không muốn gặp ai hết, tôi nghĩ là nó không sẵn sàng đi đến đó đâu”.
Thế là anh ấy sắp xếp một nhân viên tới nhà để hỏi thăm. Hôm đó, người mẹ lo lắng nên từ sáng sớm đã đến cửa phòng con trai gõ cửa và nói có một cô nhân viên xã hội đến thăm, muốn quan tâm một chút đến tâm tư của cậu ấy.
Nhưng bà mẹ chỉ nghe thấy có rất nhiều đồ đạc ném về phía cánh cửa đang đóng chặt, hơn nữa còn nghe thấy một câu nói vô cùng giận dữ: “Mẹ đừng gọi người ta đến, con không muốn ai đến hỏi han gì cả”.
Giờ hẹn đã đến, người mẹ với vẻ mặt rầu rĩ đi ra mở cửa, bà vừa luống cuống vừa thấy có lỗi nói:“Thật sự là rất xin lỗi, lúc nãy tôi có nói qua với con trai là cô tới thăm, nhưng nó rất bướng bỉnh, nói thế nào cũng không chịu gặp cô”.
Cô nhân viên xã hội nói với bà mẹ bằng giọng an ủi: “Không sao đâu ạ, tôi hiểu mà, hay là để tôi thử xem xem thế nào? Phòng của cậu ấy ở đâu?”
Bà mẹ chỉ lên lầu: “Phòng ngay ở trên đầu cầu thang.”
Cô nhân viên xã hội nói: “Tốt rồi, vậy làm phiền chị cầm giúp tôi một cái nạng lên lầu chờ tôi.”
Cô nhân viên này là một người đi tập tễnh, hai chân đeo đôi giày sắt rất nặng, lúc đi lên lầu phải dùng tay vịn vào lan can rồi nhảy từng bậc thang, cho nên cần một người mang giúp cây nạng lên lầu chờ sẵn, chờ đến khi cô ấy lên lầu rồi thì có thể chống nạng vào mà đi.
Cô ấy đi lên lầu giống như đu xà vậy, hoàn toàn dùng lực của hai tay bám vào lan can mà đu, nhấc hai chân khỏi mặt đất, rồi lại rơi xuống bậc cầu thang, bởi vì giày sắt rất nặng nên mỗi lần rơi xuống bậc cầu thang thì phát ra âm thanh rất to.
Vì cô nhân viên đi lên lầu với tốc độ rất chậm, lại phát ra âm thanh thùng thùng rất nặng nề, quả thực là giống như là con rô bốt Mazinger Z đi lên lầu vậy.
Cậu thiếu niên trong phòng nghe thấy âm thanh vừa quái dị lại vừa đáng sợ tới gần, cảm thấy vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, cậu ta không thể nhịn được nữa liền mở cửa phòng ra để xem là cái gì. Nhưng cảnh tượng hiện ra trước mặt càng khiến cậu ta thêm chấn động hơn: “Một người phụ nữ với đôi chân không thể vận động được lại đến an ủi một người chỉ thiếu một ngón tay như mình…!”
Cô nhân viên xã hội không nói một câu nào, cậu bé đã tự cảm thấy rằng một chút thương tích của bản thân hoàn toàn không đáng kể gì.
…
Đọc hết ba câu chuyện này, trong lòng bạn cảm thấy thế nào?
Đau khổ của con người đến từ nỗi sợ bị mất một thứ gì đó, mà sở dĩ người ta sợ là bởi vì họ đã quá quen thuộc đến nỗi trở thành thói quen hay phụ thuộc vào sự tình, sự vật, con người đó… Một khi những thứ đó bị mất đi thì mục tiêu cuộc sống của họ, trọng tâm của họ lập tức bị hút ra, khiến cho họ không cách nào tiếp nhận được sự thật mà rơi vào đau khổ.
Nếu như không có điện thoại, không có internet, không có các cửa hàng tiện lợi… Thì con người sẽ không sống được sao? Con người sẽ không vui vẻ hạnh phúc sao?
Đương nhiên sẽ không như thế.
Nhận ra những thứ mà bạn “nhất định phải có”, đó chính là mấu chốt của tự do. Nói cách khác, một khi “thói quen” đó được cải biến, những điều trước đây “nhất định phải có” đã không còn là nhu cầu phải có nữa, thì bạn sẽ thấy mình được tự do và không còn bị ràng buộc bởi nó.
Đôi khi thay đổi khía cạnh nhìn nhận, thay đổi ý niệm, sẽ phát hiện tương lai phía trước sẽ rộng mở và sáng sủa hơn, bạn thấy có đúng không?
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch .
Mai Trà biên dịch .
(Hokhanhdung chia sẽ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét