Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

ĐỀN BAYON - Campuchia

Thế kỷ 12 thường được nhắc đến như một thời kỳ suy thoái ở Châu Âu. Nhưng tại Đông Nam Á khi đó, vương quốc Khmer đang tận hưởng thời đại hoàng kim của mình.
Khmer được mở mang bờ cõi đến hầu khắp khu vực Đông Nam Á dưới quyền trị vì của các vị vua. Hơn nữa, sự giàu có và trù phú đã cho phép các vị vua Khmer xây dựng nhiều công trình đền thờ để biểu thị tín ngưỡng trên khắp mảnh đất của họ. Nổi tiếng nhất trong đó có lẽ là Angkor Wat, di chỉ tín ngưỡng lớn nhất trên thế giới. Tuy vậy, những đền thờ Khmer khác cũng xứng đáng được đề cập, và một trong số đó là đền Bayon.
Đền Bayon cổ phác, trang nghiêm. (Ảnh: Wikimedia, CC)
Đền Bayon được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 hoặc đầu thế kỷ 13 dưới sự giám sát của quốc vương Jayavarman VII, một trong những vị vua vĩ đại nhất của Đế quốc Khmer. Bayon là đền thờ quốc gia của Angkor Thom, kinh đô mới của vua Jayavarman. Đóng vai trò là trung tâm Phật giáo tại Đế quốc Khmer, đền Bayon được đặt tại chính giữa thành phố này.
Bayon không giống các ngôi chùa khác được Khmer xây dựng, điểm đặc thù của đền nằm ở chỗ: đây là đền thờ quốc gia duy nhất thuộc trường phái Đại Thừa (các nước Đông Nam Á chủ yếu theo trường phái Tiểu Thừa). Sau khi vua Jayavarman qua đời, các đặc điểm của đền Bayon dần dần thay đổi dựa theo tín ngưỡng tôn giáo của những người kế tục ông; vậy nên đền thờ cũng có thêm nhiều yếu tố của Ấn Độ giáo và Phật giáo nguyên thủy vốn không nằm trong kế hoạch xây dựng lúc ban đầu.
Gương mặt an tĩnh của các bức tượng Phật bằng đá tạc trên rất nhiều tòa tháp tại đền Bayon, Campuchia (Ảnh: Wikimedia, CC)
Trong số những đặc điểm nguyên gốc của đền Bayon, có lẽ điểm nổi bật nhất chính là 200 khuôn mặt đá khổng lồ. Những khuôn mặt này được mệnh danh là ‘Mona Lisa của Đông Nam Á’, với tổng cộng 4 loại, mỗi loại lại có nét đặc thù riêng chỉ sang bốn hướng chính Đông Tây Nam Bắc.
Vị trí của các gương mặt, trên 50 tòa tháp kỳ dị của đền Bayon, tượng trưng cho sự hiện hữu ở khắp mọi nơi của người mà khuôn mặt ấy mô tả. Theo một số học giả, các bức tượng miêu tả khuôn mặt của Bồ tát Quán Thế Âm. Nhận định này dựa theo các đường nét khuôn mặt, đặc biệt là cặp mắt nhắm khẽ và nụ cười bí ẩn – thể hiện sự Giác Ngộ.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại lý luận rằng những khuôn mặt ấy khắc họa chính nhà vua Jayavarman, vì chúng có một điểm tương đồng kỳ lạ với các bức chân dung của nhà vua. Những bức tượng này cũng có thể đồng thời mang hàm ý miêu tả Bồ tát Quán Thế Âm và vua Jayavarman, với dụng ý rằng nhà vua có các đặc điểm của một vị Bồ tát.
Các học giả cho rằng Vua Jayavarman VII có nét tương đồng rõ rệt với những gương mặt trên các tòa tháp ở đền Bayon. (Ảnh: Wikimedia)
Không kém phần thú vị là các bức chạm nổi trên tường của hai phòng tranh xung quanh ngôi đền. Trên bức tường phía ngoài phòng tranh, có những khung cảnh trong lịch sử và cuộc sống hàng ngày ở đế quốc Khmer.
bayon-bas-relief-of-daily-life-siem-reapBức chạm nổi miêu tả cuộc sống hàng ngày ở vương quốc Khmer. (Ảnh: 0km.jp)
imgp2836Bức chạm nổi miêu tả cuộc sống hàng ngày ở vương quốc Khmer. (Ảnh: Alamy.com)
Có rất nhiều bức chạm nổi miêu tả cảnh tượng quân Khmer chiến đấu với các dân tộc láng giềng, tộc người Chăm. Có lẽ những cảnh tượng này muốn nhấn mạnh việc bại trận của quân Khmer trước người Chăm, và việc đòi lại chủ quyền vùng đất của người Khmer từ tay quân xâm lược dưới sự chỉ huy của vua Jayavarman. Mặc dù rất nhiều bức chạm khắc trên hành lang bên ngoài có liên quan đến chiến tranh, nhưng cũng có các khung cảnh mô tả cuộc sống hàng ngày của Đế quốc Khmer.
Ngược lại, các bức chạm nổi trên dãy tường hành lang bên trong miêu tả những vị thần trong Ấn Độ giáo, bao gồm Brahma, Vishnu và Shiva, cũng như các cảnh tượng trong thần thoại Ấn Độ giáo, như truyền thuyết ‘Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh’. Tuy nhiên bức chạm nổi này không được tạo bởi nhà vua Jayavarman, mà là do một trong những người kế tục ông, vua Jayavarman VIII, thực hiện. Tính tổng cộng, có hơn 11.000 bức chạm khắc trên chiều dài 1,2 km tường.
Ngày nay, đền Bayon là một phần của Công viên Khảo cổ Angkor và là Di sản Thế giới  được UNESCO công nhận. Cùng với các ngôi đền khác trong công viên, bao gồm đền Angkor Wat nổi tiếng, đền Preah Khan và Ta Prohm, đền Bayon cung cấp một cái nhìn đặc biệt vào nền văn minh huy hoàng và lịch sử tôn giáo, chính trị và văn hóa của Campuchia.
Bức chạm nổi từ hành lang phía đông cho thấy một đội quân Khmer đang hành quân. (Ảnh: Wikimedia)
Tác giả: ḎḥwtyAncient Origins
Quý Khải biên dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...