Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Đổ rác sang nhà hàng xóm - Nguyễn Thị Nhuận


Nhà bạn tôi ở Sài Gòn. Mỗi lần về nước đến chơi, tôi rất ngạc nhiên về đống rác luôn thường trực cạnh tường phía trước nhà bạn. Bạn kể: “Nhà đóng cửa suốt ngày, hàng xóm cứ mang rác ra đó thả, dù mình đã đến từng nhà đề nghị họ để trong nhà chờ xe thu gom. Có lẽ họ muốn tiết kiệm tiền đổ rác...”.
Nghe mà tôi muốn khóc cho bạn. Không lẽ vì tiết kiệm nên họ chỉ nghĩ làm sao cho nhà mình sạch, còn hàng xóm, cộng đồng thì kệ?
Tôi đang sống Adelaide, một trong những thành phố sạch nhất nước Australia. 80% rác được thu gom và tái chế. Những nhà có vườn rộng thường mua thùng rác tự hủy đặt ngoài vườn để chôn những loại rác có thể hủy làm phân bón cho cây, vừa đỡ gây ô nhiễm chung. Mua hàng siêu thị không được dùng túi nilon nên chúng tôi phải mang theo túi lớn dùng nhiều lần. Bạn dắt chó đi dạo cũng phải mang theo bao nilon để nhặt phân rơi.
Australia, mọi người luôn coi môi trường là vấn đề quan trọng. Nhà nước có trách nhiệm làm luật bảo vệ môi trường và chi tiền để thực hiện các chương trình bảo vệ và làm đẹp môi sinh. Họ có cơ quan kiểm tra và giải quyết vi phạm luật môi trường (Environment Protection Authority). Bất kể một khu dân cư nào cũng phải làm hệ thống hạ tầng xử lý rác thải trước rồi mới chia lô, bán đất xây nhà. Các cơ sở kinh doanh, sản xuất phải tuân thủ nghiêm túc từ chất lượng nước thải, chất thải, khí thải đến tiếng ồn. Chuyện vi phạm lớn đã đành, chuyện nhỏ như máy điều hòa của hàng xóm ồn quá làm bạn khó chịu, bạn phản ánh, nếu hàng xóm không chịu sửa thì phải kêu ra cơ quan này vì hàng xóm làm ô nhiễm tiếng ồn.
Chính quyền cơ sở (local council, tương đương với cấp quận ở Việt Nam) là nơi quản lý trực tiếp về môi sinh. Một trong các nhiệm vụ cơ bản của họ là giữ cho khu vực sạch, đẹp và an toàn. Khác với Việt Nam, các chính quyền cơ sở này nhỏ gọn, không có chức năng quản lý các ngành chuyên môn như  cảnh sát, pháp lý, giáo dục, giao thông, y tế... Các chức năng  chuyên môn nói trên chỉ có ở cấp tiểu bang và liên bang. Để gom rác hiệu quả, chính quyền cơ sở cung cấp cho mỗi nhà 3 thùng rác to, cỡ 500 lít để đựng rác thường, rác tái sinh và rác xanh (cỏ, cây xanh cắt từ vườn). Một tuần một lần gom rác thường, vài tuần một lần gom rác khác, theo lịch. Rác được gom theo loại bằng  xe cơ giới chuyên dụng riêng biệt. Rác chung thì được chở ra bãi rác để chôn. Rác tái chế được chở vào các xưởng tái chế. Rác xanh được chở đến bãi chế biến phân. Việc đi gom rác, chế biến rác thành các sản phẩm thương mại... cũng là một hoạt động kinh doanh. Chính quyền cơ sở nhỏ gọn, không có chức năng làm  kinh tế, vì vậy các công việc kể trên được giao cho các nhà thầu. Chính quyền cơ sở xét duyệt thiết kế đô thị, nhà ở... để cho khu vực hài hòa, đồng bộ.
Chính quyền cơ sở còn có trách nhiệm cọ rửa các lò BBQ và vệ sinh toilet trong các công viên. Đến Australia, bạn sẽ thấy  hệ thống toilet công cộng tiện lợi, sạch, luôn có giấy vệ sinh và không mất tiền. Trong thành phố, ngoài các toilet công cộng lớn trong khu mua bán và vui chơi, các trạm bán xăng đều có toilet cho khách đi đường. Biển báo nhắc nhở và thùng rác còn được đặt ở mọi chỗ công cộng có thể có rác. Tiền để làm việc này lấy từ thuế nhà (council rate) được tính theo giá trị nhà. 
Ý thức về môi trường được nhà nước Australia đặc biệt chú trọng từ trong giáp dục nhà trường, được người lớn nhắc nhở và làm gương trong gia đình và ngoài xã hội. Những gì trải qua trên đất nước này, tôi có thể nói rằng bạn chỉ cảm thấy thoải mái và an toàn khi sống trong một cộng đồng tốt, biết quan tâm giúp đỡ nhau và cùng đóng góp cho môi trường sống tốt hơn.
Câu chuyện thả bịch rác sang nhà hàng xóm ở Việt Nam không mới nhưng tôi cho rằng là vấn đề rất quan trọng. Nó cho thấy tâm lý “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi” đã và đang tạo ra những sản phẩm độc hại, những sự thờ ơ vô cảm mà mỗi người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Đừng nói với tôi là đất nước người ta giàu nên người ta làm được như vậy. Giàu hay nghèo, bạn không thể sống tách rời cộng đồng. Bạn và người thân phải ra đường, phải uống nước, phải hít thở không khí, phải ăn thực phẩm và dùng dịch vụ từ cộng đồng. Ta không có quyền xả rác ra đường, ra mương, ra sông, ra ruộng hay sang cửa nhà hàng xóm.
Để có môi trường xanh, sạch, “thơm” và an toàn, tôi cho rằng, cần có sự kết hợp đồng bộ của tất cả, từ nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và cơ bản nhất là ý thức người dân. Đây thực sự là công việc lâu dài và khó khăn.
Nguyễn Thị Nhuận


(ảnh minh họa; Google)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...