Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Vô Số Chất Tạo Ngọt,Chất Tẫy trong Hoa quả Trung Quốc

Các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm ở Trung Quốc rất lỏng lẻo, trong khi chính phủ lại thường xuyên cố gắng che đậy các vụ bê bối về chất lượng thực phẩm trong nước. Điều này đã tạo điều kiện cho phương thức sản xuất chạy theo lợi nhuận của các cơ sở sản xuất và người dân.
Những thông tin từ trong nước
Nông dân Trung Quốc thường sử dụng một lượng lớn đến mức nguy hiểm các loại phân bón, thuốc trừ sâu và các chất bảo quản để khiến rau quả trông có vẻ tươi ngon, bắt mắt. Từ đó hàng hóa trở nên dễ bán hơn.
Theo một bài báo trên cổng thông tin phổ biến Sohu, một số tỏi được trồng tại huyện Vĩnh Niên, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, một trung tâm sản xuất tỏi của Trung Quốc, đã được phun thuốc trừ sâu bất hợp pháp. Một phóng viên của một tạp chí đã bí mật điều tra khu vực này và phát hiện ra rất nhiều nông dân trồng rau sử dụng phorate và parathion để tưới cho các loại cây trồng nhằm tiết kiệm thời gian và công sức lao động. Đây là hai loại thuốc trừ sâu bị cấm.

(Ảnh: Donovan Govan/Wikimedia Commons)
Vào tháng 4/2009, một người đàn ông tên Che ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, vô tình đã phát hiện ra nhiều đậu Hà Lan và đậu nành tươi ở chợ đã được ngâm trong thuốc tẩy và màu thực phẩm để trông tươi mới hơn, theo một bài báo trên Tencent, một cổng thông tin lớn của Trung Quốc.
Theo đó, trong nhà của chủ cửa hàng, ông này đã tìm thấy một căn phòng chứa đầy đậu Hà Lan và đậu nành cũng như những thùng chứa lớn có đầy chất lỏng màu xanh lá cây. Các nhà chức trách sau đó phát hiện ra đậu Hà Lan và đậu nành được ngâm trong nước có chứa một lượng đáng kể sodium metasulfite để tẩy trắng và chất tạo màu. Chủ cửa hàng tiết lộ rằng họ làm vậy là để tăng độ tươi cho sản phẩm. Nấm cũng được tẩy trắng bằng axit citric để tăng thời gian sử dụng. Chất này có thể gây dị ứng và ung thư.

Những bao nấm kim châm bốc mùi chua thiu sau khi được nhúng qua axit citric sẽ bảo quản được tới 1 năm. Điều này làm hạ giá thành sản phẩm. (Ảnh: whatsonxiamen.com)
Để bắp (ngô) có thể giữ được màu vàng tươi và có vị ngọt đậm bất kể thời gian luộc lâu như thế nào, một số người trồng rau ở Trung Quốc đã cho thêm vào một chất gọi là sodium cyclamate – chất tạo ngọt vốn bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm. Theo phó giáo sư Lưu Quân Mỹ tại Đại học Nông nghiệp Cát Lâm cho biết, một lượng nhỏ chất tạo ngọt được phép cho thêm vào các loại nước ép trái cây và nước luộc ngô, nhưng không phải ngô đông lạnh và các sản phẩm tương tự khác. Khi ăn một lượng lớn, nó có thể gây tổn hại cho gan.
Xem thêm:
Việt Nam đang tràn ngập các sản phẩm độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc
Theo số liệu của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong 9 tháng đầu năm 2014 đã có tới 235.000 tấn rau quả các loại nhập từ Trung Quốc, ước tính trung bình mỗi ngày có tới 700 – 1.000 tấn. Các loại rau quả được nhập từ Trung Quốc gồm: quýt, mận, bưởi, tỏi, cà chua, hành tây, cà rốt, nấm tươi, táo v.v…
Theo báo Người lao động, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đó đã phát hiện mẫu lê có xuất xứ Trung Quốc chứa lượng thuốc trừ sâu Endosulfan – một hóa chất độc hại thứ 22 trong danh sách cần loại trừ trên toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Hóa chất này có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người.
Táo cũng là một trong những loại quả có chất lượng khiến người tiêu dùng lo ngại nhất. “Nhiều quả khi bổ ra thì hạt đã mốc xanh hoặc mục thối, trong khi vỏ ngoài vẫn trơn láng, ruột giòn tươi. Không hiểu người ta dùng chất bảo quản gì mà quả táo trông bên ngoài vẫn tươi ngon như phần hạt lại đáng sợ như vậy. Tôi thử để táo ở môi trường tự nhiên cả tuần lễ nhưng chỉ thấy quả thâm hơn, còn khi bổ ra ruột vẫn giòn và ngọt”, báo Người lao động dẫn lời chị Bùi Kim Oanh, người đã mua 2kg táo Trung Quốc.

Những vườn táo được bọc túi hóa chất tại hai thành phố Thê Hà và Chiêu Viễn ở tỉnh Sơn Đông – vùng táo nổi tiếng của Trung Quốc. (Ảnh: chinadaily.com.cn)
Trong khi đó, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Các lô hàng nhập khẩu thông qua chính ngạch chỉ được kiểm tra an toàn thực phẩm bằng phương pháp cảm quan do Giấy chứng nhận chứng minh lô hàng đảm bảo ATTP chỉ nêu rằng “Lô hàng trên có kết quả kiểm tra hồ sơ, ngoại quan đáp ứng yêu cầu về ATTP”, theo báo An ninh thủ đô. Điều này khiến rau quả của Trung Quốc không chỉ xuất hiện trên các chợ dân sinh thông thường, mà còn được đưa vào trong hệ thống siêu thị vốn được tin tưởng là nơi bán và lưu trữ các sản phẩm thực phẩm tươi sạch.
Mỹ cấm nhập hải sản có xuất xứ Trung Quốc
Hiện Trung Quốc là nền kinh tế nông nghiệp lớn nhất trên thế giới và đóng góp một phần đáng kể trong các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày ở Mỹ.
Thực phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã gấp 3 lần thập kỷ trước đó, tổng giá trị lên tới gần 5 tỷ USD. Từ năm 2006 đến năm 2010, FDA đã ngăn chặn hơn 9.000 sản phẩm kém an toàn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên đó chỉ là với ít hơn 2% tỷ lệ kiểm tra đối với các loại thực phẩm nhập khẩu, vô số các sản phẩm kém an toàn khác đã được đưa vào hệ thống thực phẩm của Hoa Kỳ, theo tờ Food and Water Watch.
Vào tháng 6/2007, Mỹ đã cấm nhập khẩu 5 loại cá và tôm từ Trung Quốc do phát hiện thấy dấu hiệu của các hóa chất gây ung thư và chất kháng sinh. Một số cửa hàng ở Mỹ cũng tiến hành dán nhãn nơi xuất xứ của sản phẩm thay vì dán nhãn nơi chế biến và đóng gói sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng chọn lựa, theo CNN.
Hệ quả đối với chính người dân Trung Quốc
Việc lạm dụng các chất hóa học và thuốc trừ sâu trong ngành nông nghiệp cũng góp phần không nhỏ trong vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng đang diễn ra trên toàn Trung Quốc.
Một báo cáo chính thức của chính phủ Trung Quốc năm 2014 cho biết gần 1/5 diện tích đất của Trung Quốc đang bị nhiễm các kim loại nặng như cadmium và thạch tín, cũng như một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón có hại. Các con sông chính của Trung Quốc đã bị hủy hoại nghiêm trọng do ô nhiễm.
Nhiều thành phố ở Trung Quốc hiện đang chìm trong sương khói quang hóa – một dạng kết hợp của khói và sương mù,dẫn đến các bệnh về đường hô hấp và da.
Hoàng Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...