Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Hy Lạp - ( từ Nghiên cứu Quốc Tế.net)



Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “The Endgame in Greece”, Project Syndicate, 16/06/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sau nhiều tháng tranh cãi, những tranh chấp giữa Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu đã đi vào thế bế tắc, chủ yếu về lương hưu và thuế. Hy Lạp đã từ chối những đòi hỏi mà các chủ nợ đã đặt ra, rằng Hy Lạp phải cắt giảm các khoản trợ cấp cho người cao tuổi và tăng thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng thuốc và điện.

Các yêu sách của châu Âu – được cho là nhằm đảm bảo rằng Hy Lạp có khả năng trả nợ – thiếu khôn ngoan, ngây thơ và tự hại mình. Khi từ chối các yêu sách này, người Hy Lạp không phải đang làm trò, họ đang cố gắng sống còn.

Bất chấp những gì người ta đã nói về các chính sách kinh tế trong quá khứ của Hy Lạp, về nền kinh tế cạnh tranh kém, về quyết định gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hay những sai lầm của các ngân hàng châu Âu khi cho phép Hy Lạp vay quá mức, tình hình kinh tế của Hy Lạp là rất bi đát. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25%, trong đó tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp lên đến 50%.

GDP của Hy Lạp đã giảm 25% từ khi khủng hoảng bắt đầu vào năm 2009. Chính phủ Hy Lạp không còn khả năng chi trả, và nhiều người dân đang bị đói.

Tình trạng của Hy Lạp ngày hôm nay có sự tương đồng với tình hình của nước Đức năm 1933. Chắc chắn rằng Liên minh Châu Âu (EU) không phải lo sợ sự trỗi dậy của một Hitler người Hy Lạp, không chỉ vì họ có thể dễ dàng đập tan một chế độ như thế, mà quan trọng hơn là nền dân chủ Hy Lạp đã chứng minh sự trưởng thành một cách mạnh mẽ xuyên suốt cuộc khủng hoảng.

Dù vậy, có một điều khác mà EU phải dè chừng, đó là sự khốn cùng trong lãnh thổ của mình và những hệ quả nghiêm trọng đối với nền chính trị và xã hội của châu lục.

Đáng tiếc thay, châu Âu vẫn bị phân cách giữa các sắc tộc. Người Đức, Phần Lan, Slovakia, Hà Lan, và nhiều nước khác nữa, không có thời gian lo cho sự thống khổ của Hy Lạp. Lãnh đạo các nước này lo cho dân mình hơn là lo cho toàn châu Âu. Việc cứu trợ cho Hy Lạp là một vấn đề khó khăn cho các nước nơi các đảng cực hữu đang trỗi dậy, hay các nước nơi các chính phủ trung hữu đang phải đối mặt với các đảng phái cánh tả được người dân ủng hộ rộng rãi.

Chắc chắn là các chính trị gia châu Âu không phải là không biết về tình hình ở Hy Lạp. Và họ cũng không hề thụ động. Khi khủng hoảng bắt đầu, các chủ nợ châu Âu của Hy Lạp né tránh giải pháp giảm nợ và áp dụng lãi suất mang tính trừng phạt lên các gói ngân sách giải cứu. Nhưng khi người Hy Lạp phải chịu thêm nhiều khó khăn, các nhà hoạch định chính sách đã ép các ngân hàng tư nhân và các cá nhân nắm giữ trái phiếu phải xóa những yêu sách này. Tại mỗi giai đoạn của cuộc khủng hoảng, họ chỉ làm những điều mà họ nghĩ là môi trường chính trị trong nước của họ có thể chịu đựng được, chứ không thể gì hơn.

Đặc biệt, các chính trị gia châu Âu đang ngăn cản những giải pháp nào có ảnh hưởng trực tiếp đến người đóng thuế. Chính phủ Hy Lạp đã xin châu Âu hoán đổi những khoản nợ hiện hữu thành những khoản nợ mới để chốt lãi suất thấp và ngày đáo hạn lâu hơn. Hy Lạp cũng yêu cầu rằng mức lãi phải trả sẽ được gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế (tức tăng trưởng kinh tế càng cao thì mức lãi sẽ càng cao – NHĐ). Đáng chú ý là Hy Lạp không hề xin giảm giá trị bề mặt của các khoản nợ.

Những hỗ trợ giảm nợ theo cách này đã không được các chính phủ và ngân hàng trung ương châu Âu xem xét. Vì những giải pháp trên cần được thông qua bởi quốc hội của các quốc gia Eurozone, và một số chính phủ sẽ phải đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ từ dư luận, cho dù những biện pháp đó có cần thiết đến đâu.

Thay vì đối mặt với những chướng ngại chính trị, các lãnh đạo châu Âu đang nấp sau những luận điệu nghe cao đạo nhưng vô nghĩa. Một số nằng nặc đòi Hy Lạp phải trả nợ đầy đủ, bất chấp những hậu quả nhân đạo và kinh tế – đó là chưa nhắc đến việc tất cả chính phủ Hy Lạp trước kia đều không thể thực hiện được các yêu cầu đó. Một số khác thì giả vờ lo lắng về những rủi ro đạo đức của việc giúp giảm nợ, mặc dù thực tế là nợ tư nhân của Hy Lạp đã được xóa nhờ sự đốc thúc của EU, và trước kia đã có hàng tá, hàng trăm tiền lệ về việc tái cấu trúc nợ cho những quốc gia không còn khả năng thanh toán.

Gần một thế kỷ trước, khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, John Maynard Keynes đưa ra một cảnh báo vẫn còn rất phù hợp đến ngày hôm nay. Hồi ấy, cũng như bây giờ, các quốc gia chủ nợ (chủ yếu là Mỹ) đòi hỏi các quốc gia mắc nợ phải trả nợ đầy đủ. Keynes nhận thức được điều đó sẽ làm hình thành nên một thảm kịch.

“Liệu rằng những người dân châu Âu bất mãn có sẵn lòng chấp nhận để thế hệ tiếp theo sắp xếp cuộc sống của họ theo cách để một phần đáng kể của những sản phẩm họ làm ra được dùng để trả nợ nước ngoài?” Keynes đã hỏi câu hỏi này trong cuốn “Những hệ quả kinh tế của nền hòa bình” (The Economic Consequences of the Peace) “Nói gọn lại, tôi không tin rằng sự cống nạp này sẽ tiếp tục lâu dài được, tốt lắm thì cũng chỉ được một vài năm.”

Một số quốc gia châu Âu giờ hài lòng với giải pháp ép buộc Hy Lạp phải tuyên bố vỡ nợ và hối thúc nước này phải rút khỏi Eurozone. Các quốc gia đó tin rằng các hậu quả có thể được hạn chế mà không gây nên sự hoảng loạn hay làm khủng hoảng lây lan. Điều này là sự mơ tưởng hão huyền của các chính trị gia. Chính sự bất cẩn kiểu này đã khiến Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson để Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008, nhầm dạy cho thị trường một “bài học”. Đúng là bài học! Và chúng ta vẫn đang phải cố thoát ra khỏi sai lầm tai hại của ông Paulson.

Tương tự như thế, Keynes đã theo dõi trong kinh hoàng khi các nhà chính sách kinh tế phạm từ sai lầm này đến sai lầm khác trong những năm sau Thế chiến thứ nhất, qua những biến động của thập niên 1920 đến cuộc Đại Suy Thoái thập niên 1930. Vào năm 1925, Keynes chỉ trích sự vô lo của những kẻ “yên vị trên bậc cao nhất của bộ máy.” Ông lập luận rằng “họ vô cùng dại dột trong sự bất cẩn của họ, trong sự lạc quan mơ hồ và trong niềm tin rằng không có gì nghiêm trọng sẽ xảy ra. Chín trên mười lần thì đúng là không có gì nghiêm trọng xảy ra, chỉ là một chút lo âu cho một số cá nhân hoặc nhóm. Nhưng vẫn có rủi ro là sẽ có lần thứ mười.”

Lúc này, các chủ nợ châu Âu dường như đã sẵn sàng từ bỏ lời hứa về việc đồng Euro không thể hủy bỏ được (irrevocability) để có thể vắt một vài đồng bạc lẻ từ những người hưu trí Hy Lạp. Nếu họ tiếp tục thúc ép, buộc Hy Lạp phải từ bỏ đồng Euro thì niềm tin của thế giới về sự lâu bền của đồng Euro sẽ không còn nữa. Ít nhất thì các thành viên yếu thế hơn của Eurozone sẽ phải chịu đựng sức ép thị trường ngày càng tăng. Tệ nhất thì họ sẽ bị cuốn vào vòng xoáy hoảng loạn và những đợt rút tiền gửi đột biến, và điều này sẽ hủy hoại quá trình hồi phục kinh tế vừa mới bắt đầu ở châu Âu. Với việc nước Nga đang thử thách quyết tâm của châu Âu ở phía Đông, đây là thời điểm quá tệ để đánh cược tương lai của châu Âu.

Chính phủ Hy Lạp đã đúng khi đặt ra giới hạn. Họ có trách nhiệm với người dân của họ. Nhưng lựa chọn thật sự không thuộc về Hy Lạp, mà thuộc về Châu Âu.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả của các cuốn sách The End of



- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/06/30/van-bai-cuoi-trong-cuoc-khung-hoang-no-hy-lap/#sthash.83BINF5w.dpuf.
(đồi Acropolis,thủ đô Athens-HL)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...