Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Bắt Sách Vở Chịu Trách Nhiêm Đời Mình ?N.Minh Nhât Bảo

"Cái được của loại sách Self-help là giới thiệu khá nhiều khái niệm, ý tưởng mới lạ mà ta khó bắt gặp nếu chỉ đọc các loại sách thông thường"...
Tuổi Trẻ Online xin tiếp tục trích đăng những ý kiến xoay quanh bài viết Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Bạn bè mình có một số người không thích thể loại sách "self-help" - tên gọi chung cho nhiều loại sách dạy tư duy, dạy làm giàu, hạt giống tâm hồn...
Một số bạn khác thì lại quá "cuồng nhiệt" với thể loại sách này và luôn mang chúng đi rao giảng, áp dụng những lời khuyên trong sách theo kiểu nghĩ mình đã là triệu phú đến nơi rồi. Một ít bạn cực kỳ căm thù, và một ít bạn chưa bao giờ đọc qua.
Cái được của loại sách self-help này là giới thiệu khá nhiều khái niệm, ý tưởng mới lạ mà ta khó bắt gặp nếu chỉ đọc các loại sách thông thường. Thường thì người đọc sẽ có thêm động lực, hăng hái hơn... trong một thời gian ngắn sau khi đọc sách.
Trong mỗi quyển đều có một vài ý tưởng rất hay và có thể dùng làm công thức, triết lý hay “kim chỉ nam” cho những hoạt động hàng ngày hay sự nghiệp của người đọc.
Tôi học được từ Robert Kiyosaki khái niệm chịu trách nhiệm cho tất cả mọi vấn đề xảy ra đối với bản thân mình: mọi việc xảy ra đều có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên lúc nào trong đó cũng có một phần trách nhiệm của bản thân mình, nếu mình đổ hoàn toàn trách nhiệm lên một nhân tố ngoại cảnh nào đó thì vấn đề của mình sẽ không bao giờ có thể giải quyết; hoặc khái niệm về "rat race", khái niệm về đầu tư, tự do tài chính, quản lý tiền….
Học từ Brian Tracy khái niệm thứ tự ưu tiên cho từng công việc và cách lập kế hoạch tránh trì hoãn. Được biết về cái gọi là "luật hấp dẫn" và tư duy tích cực. Biết về quy luật 80-20 và nhiều thứ hay ho khác mà tôi có thể ứng dụng vào cuộc sống, công việc của mình.
Tuy nhiên, điểm hại của loại sách này là đem lại sự hưng phấn trong thời gian ngắn. Người đọc sau một thời gian nếu không ứng dụng, hoặc ứng dụng mà chưa thành công sẽ chán nản, rơi vào cảm giác trì trệ giống như trong cơn nghiện, và họ sẽ lại tìm kiếm một quyển sách khác để "lên tinh thần"...
Có lẽ nhiều người ghét loại sách này chính vì họ từng là “nạn nhân”, từng rơi vào tình trạng nói trên sau khi đọc sách. Một số người khác ghét vì họ nhìn thấy bạn bè, người thân hoặc một ai đó lên mạng khoe khoang khoác lác kiểu "5 năm nữa tôi sẽ thành triệu phú" hoặc suốt ngày cập nhật facebook về những "kế hoạch thành công" với đầy những từ ngữ đao to búa lớn... Điều này có thể hiểu được, nhưng đó là lỗi ứng dụng của người đọc.
Có một điều thú vị mình nhận thấy là: nhiều người sau khi đọc sách self-help đã trở nên thành công, giàu có bằng cách... viết sách self-help hoặc mở trung tâm huấn luyện, hoặc làm diễn giả nói lại những gì họ đã học cho những ai có nhu cầu "lên tinh thần cấp tốc".
"Giận" sách là vì lầm tưởng
Sách self-help tập trung vào phát triển bản thân nên đôi khi có một số sách viết sai lệch, hoặc do người đọc hiểu sai lệch thành việc phát triển bản ngã.
Thay vì hiểu rõ chính mình, giữ vững niềm tin và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trong công việc, người đọc lại chọn “đường tắt” là “xem như mình đã đạt được những điều đó rồi”. Điều này dẫn đến những tuyên bố ngông cuồng, thái độ ngạo mạn của những người trẻ.
Một số hình thức lệch lạc hơn là những lớp dạy làm giàu và các công ty đa cấp biến chất. Rất nhiều tiền của và công sức, tâm huyết tuổi trẻ đã đổ vào những nơi này với một hi vọng hão huyền “đổi đời đơn giản”. Suy cho cùng cũng chỉ vì lòng tham mù quáng mà thôi.
Sách self-help nói riêng và sách vở nói chung cung cấp cho ta kiến thức, công thức, gợi mở những ý tưởng, những con đường... đến đó là xong nhiệm vụ.
Phần gian nan và quan trọng nhất vẫn là người đọc áp dụng nó như thế nào cho sự thành công của mình. Đây mới là phần khó nhất, phần quyết định người nào thành công và người nào thất bại.
Người ta “giận” sách có lẽ bởi vì nó nói lên những điều khó khăn một cách quá dễ dàng, phần nào làm cho độc giả lầm tưởng rằng khi đọc xong một vài quyển là họ trở thành thiên tài thật, hoặc đơn giản là “tin” theo sách là được hết.
Tôi không phải là “tín đồ self help” nhưng tôi cũng đọc khá nhiều sách thể loại này, tôi dùng những công thức, triết lý, bài học... trong sách để suy ngẫm, để quan sát cuộc sống và áp dụng cho bản thân mình để quản lý công việc, quản lý tài chính và đôi khi cho lời khuyên giúp đỡ những người xung quanh khi cần thiết.
Tôi cảm thấy cuộc sống thanh thản, thú vị và lý giải được nhiều điều hơn. Nếu đọc sách với một tâm trí bình thản thì đây là một thể loại sách đầy thú vị.
Với self help, quan trọng nhất vẫn là phần thực hành, như tên gọi của nó “tự giúp mình”. Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: "Nếu bạn tin vào những gì bạn đọc, thà đừng đọc còn hơn".
Thành công không có đường tắt, những gì bạn thấy ở người thành công là thành quả của họ, không phải là tất cả những gì họ đã trải qua.

Đọc sách cần phải hiểu đúng, và ứng dụng đúng, và kiên trì thử nghiệm, chấp nhận thất bại mới có thể đi đến thành công đúng nghĩa của nó.
Nguyễn Minh Nhật Bảo.
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-hoa-nghe-thuat/20150601/su-khon-cung-cua-tu-duy-trieu-phu/755328.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...