Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

TÌNH THẦY TRÒ- Kim Oanh

Nhớ hoài lần tôi đi thi “Trung học Đệ nhất cấp”, từ Tây Ninh đến Sài Gòn trời mưa dầm 

dề suốt mấy ngày. Địa điểm thi là trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Tôi cẩn thận đến sớm hơn hai ngày để biết trước nơi thi và chỗ ngồi theo số báo danh. Cho đến hôm nay tôi cũng không hiểu sao mình không thi tại tỉnh mà phải lên tận Sài Gòn. Phải chăng do sự sắp xếp của nhà trường? 

Tôi học môn Âm nhạc, thầy Đan Hùng dạy hai năm đệ lục và đệ ngũ. Đến năm đệ tứ, trường đổi thầy khác. Năm ấy, cứ đến giờ học nhạc là tụi tôi cúp cua, rủ nhau đi chơi ở “lầu Ông Hoàng”. 

Thời đó, bên cạnh động mả đạo Công Giáo (thiên hạ gọi là “đất thánh”) có một con đường mòn nhỏ, đi vô vài chục mét có ngã ba quẹo trái. Một đoạn sau, nhìn bên phải có một ngôi chùa xây dở dang, bỏ hoang, không có cửa nẻo, trống trơn. 

Trên vách tường chánh điện có khắc hình Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt vẫn còn màu xi-măng chưa sơn phết. Trước mặt Bồ Tát khoảng ba mét có hai tượng đúc bằng xi-măng đứng hai bên hầu Bồ Tát. Tôi chắc là Ông Thiện, Ông Ác vì ông bên phải có gương 

mặt hiền, còn ông bên trái le lưỡi dài trông thật dữ tợn. Đi đến cửa chánh điện khoảng bốn mét, hai bên hông cửa chánh có hai gác chuông chưa có cầu thang. Bọn tôi, đứa nào leo lên được lôi đứa không biết leo lên. Đứng trên đó nhìn ra ngoài trước có mấy con bò đang ăn cỏ, phong cảnh thật ngoạn mục. Bên trái có một cây "say” thật to, dưới thấp hơn cách khoảng vài mét có một bụi mai già. Xung quanh ranh đất được trồng trúc và vài bụi bông trang đỏ, bên phải có mấy ngôi mộ xây. Học sinh vô đây chơi thật an toàn, không bị người nhà bắt gặp. Bọn tôi, bốn đứa con gái, khi cao hứng rống lên bài hát “Hàn Mạc Tử”, nô đùa thỏa thích được một giờ, rồi rủ nhau ra về cho đúng giờ tan trường... Đó là lý do chúng tôi đặt tên lầu chuông ngôi chùa này là “lầu Ông Hoàng”. 

 Năm ấy, tôi lần lượt thi qua các môn học, đến môn Âm nhạc (một môn phụ, điểm hệ số 

1), tôi gặp lại thầy Đan Hùng và bất ngờ thay, thầy là giám khảo phòng thi của tôi. Thầy gọi vài bạn lên thi theo thứ tự trong danh sách.  Khi đến phiên tôi, thầy gọi, tôi vội vàng đứng lên đi tới bàn thầy như mọi người, rồi bước lên bục phía tay phải của thầy. Thầy nhìn tôi, nghiêm nghị nói: 

“Em hãy ca một bài hát mà em ưa thích.” làm tôi vừa hồi hộp vừa mắc cỡ, cất giọng ca: 

“Biết nói gì khi xa mái trường...” 

Đó là bài “Giã Biệt” của nhạc sĩ Đoàn Thái Trung, tôi thường nghe cô ca sĩ Giáng Thu ca trên đài Phát Thanh Sài Gòn. Tôi vừa ca xong câu hát đầu bài đó, thầy bỗng nói: 

“Được rồi, em về chỗ!” làm tôi phân vân, ngập ngừng nhìn thầy vì tôi nghĩ mình đã ca sai rồi. Tuy nhiên, khi thấy thầy chấm 20 điểm, tôi vội vàng bước xuống, trở về chỗ ngồi mà tim mình đập mạnh, lòng dâng lên một cảm xúc khó tả. Khi ấy, tôi chợt cảm nhận được cái “Tình thầy trò” trong cơn hoạn nạn. Vì sao? Vì tôi nào có biết ca, chỉ biết rống ở “lầu Ông Hoàng” mà thôi! Rồi tôi cảm thấy hối hận, và tự nhủ lòng mình, nếu sau này có dịp học âm nhạc với thầy nữa, tôi sẽ không bao giờ cúp cua. 

Nhưng tôi đâu có dịp may nào học Âm nhạc với thầy Đan Hùng. Thầy nhập ngũ hay đổi đi trường khác, tôi không rõ. Mấy chục năm qua, mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm thời cắp sách đến trường là tôi nhớ đến thầy và mong sao có dịp gặp lại thầy để nói lời cảm ơn và tạ lỗi. Mong thay! 
Kim Oanh.
(cựu HS.Văn Thanh và Văn học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...