Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Bánh tét Sài Gòn - Duy Thức




Bắt đầu từ chiều cho đến tối mịt, người phụ nữ bán bánh tét dạo đó đi ngang qua khu vực này. Nhìn thấy chị ta đội nón lá, khoác một chiếc áo bà ba dài tay ngoải chiếc áo bà ba bên trong thì chắc đi rong từ lúc trời còn nắng.
Mặc dầu chưa phải là già nua lắm nhưng dáng mập mạp của người người phụ nữ trung niên đó chậm chạp có vẻ mệt mỏi. Chắc tới con hẻm này cũng gần cuối buổi bán và chị ta đã phải đạp xe mấy tiếng đồng hồ rồi 
Chiếc xe đạp đó cũ kỹ, những đòn bánh vắt lơ lửng dọc theo hai bên tay cầm xe và thêm bánh đựng trong một chiếc giỏ nhựa cũ đen ngòm và trầy xướt móc sát bên hầu như đã được dùng từ nhiều năm rồi. Trong giỏ xe lại đặt một ca nước lớn. Trời nóng quá và không muốn tốn tiền mua nước uống nên các người bán hàng rong đều phải mang theo bình nước bên mình. 
Các hàng bán dạo khác nào thùng nào giỏ chất đầy hàng hóa. Chiếc xe đạp này nhìn vào hàng chẳng bao nhiêu, chiếc ca nước lớn lại án trước giỏ, đống bánh lèo tèo nhìn chẳng mấy bắt mắt. 
Bánh tét cũng như bánh chưng, là loại bánh không thể thiếu vào dịp tết âm lịch của người Việt Nam. Thế nhưng vào ngày thường, bánh tét ngày càng ít người ăn. Trước kia, bánh hay bán vào buổi sáng như một loại điểm tâm. Bây giờ, đây chỉ là thứ quà ăn chơi, cũng không được bữa chính khi lỡ. Vì thế vào các ngôi chợ nho nhỏ, có khi chẳng nhìn thấy bánh tét đâu, vốn trước kia là loại bánh quen thuộc mà vào bất cứ chợ búa nào cũng có ít nhất một hàng bán.
Có lẽ chính vì thế mà đòn bánh ở đây, giờ chỉ to bằng cườm tay và dài chưa tới gang. Nếu bóc hết lá thì phần bánh còn lại chẳng bao nhiêu. 
Người mua bánh lẻ tẻ. Thường thì người ta mua bánh ăn liền chứ không để dành sáng mai điểm tâm như thói quen hồi đó. Vì thế chị ta rút chiếc kéo trong giỏ ra cắt dây, lột cắt nửa lá lộ phần bánh nếp ngon lành, để lại một nửa lá lót tay cầm giống như cầm trái chuối bóc vỏ một nửa cầm ăn vậy.
Thông thường hàng bánh tét bao giờ cũng bán kèm bánh ú, bánh ít nhiều loại đi cùng với nhau cho khách hàng dễ lựa chọn nhưng chiếc xe rong này chỉ bán mỗi bánh tét.

Chị ta đáp gọn lỏn:
-Trước kia tôi bán ba bốn loại bánh tét. Nay chỉ còn có hai loại. Một loại nhân chuối chín và thứ kia nhân thịt mỡ.
Thật ra ngày trước bán đắt hàng hơn bây giờ. Đồng thời càng có nhiều loại bánh càng nhiều người mua. Dễ bán nhất là ở các tiệm nước buổi chiều, công nhân làm việc ở công trường hoặc cổng trường, hay cả học sinh thường mua ngồi ăn và uống nước tại chỗ. Giờ ít người mua nên cũng không dám gói nhiều bánh và nhiều loại nữa.

Chắc là đi mãi đã mỏi nên chị bán hàng đứng truyện trò một lúc nghỉ chân. Khi được hỏi về cách làm bánh. Chị trả lời:
– Bánh làm tất nhiên từ nếp thơm chỉ khác nhau ở nhân nhiều hơn. Có nhiều cách chế biến. Mặc dù bánh tét cũng có nhiều cải biên: bánh tét lá cẩm, nhân trứng muối… Vùng Vĩnh Long lại chế ra loại bánh vừa nhân mặn vừa nhân ngọt. Riêng bánh tét ở thành phố dù lễ Tết hay ngày thường, đều chuộng loại truyền thống.
Chị ta đậu xe lại và lấy ra năm đòn bánh trao cho tôi.
-Lúc trước mỗi đòn bánh tét chỉ một ngàn đồng và to hơn. Giờ thì bánh nhỏ hơn nhưng lại tăng giá lên năm ngàn.
Tôi hỏi chị
– Thế bánh này chị lấy ở đâu?
Chị ta mỉm cười:
– Các thứ nếp, đậu và lá đều vào mua sỉ ở chợ Bình Tây. Bánh tét bà ngoại chỉ má tôi gói, má tôi hướng dẫn lại con gái. Các bà già xưa đều bày vẽ con gái làm các thứ bánh trái. Tôi lấy chồng nghèo, không có vốn cũng chẳng biết xoay xở buôn bán. Vì thế món bánh tét ngày Tết, sau này gói ngày thường thành món hàng mang bán vậy.

Chị kể lể tiếp:
– Thoạt tiên việc bán bánh thuận lợi, bánh bán đắt hàng lắm. Tôi nấu bánh tét và bành ít bỏ mối cho vài chợ. Cả nhà: chồng, con trai và con gái đều phụ. Chồng tôi mạnh tay chuyên gói bánh và chạy xe đi giao hàng. Các con vút nếp, đãi đậu. Tôi chuyên canh lửa và cũng có một sạp bánh ở chợ xép gần nhà.
Mặc dù bây giờ bếp điện, bếp ga phổ biến ở gia đình nhưng giá thành đắt. Vì thế hàng mấy chục năm nay, chị vẫn trung thành với việc nấu củi, không dùng ngay cả than tổ ong đang rất thông dụng ở các bếp ăn. Xưa, khi trong thành phố vẫn còn các “chành” củi. chị mua mỗi lần cả một, hai thước củi gộc để dùng từ từ. Giờ không còn các chành củi ấy nữa, phải nhờ mối quen mua củi tạp, thường là cây mé nhánh trên đường, nấu bánh rẻ hơn các nhiên liệu khác nhiều lắm.

Cứ bắt đầu buổi sáng, chị cặm cụi gói bánh, nấu bánh. Trưa xế, vớt nồi bánh nóng hổi ra vắt lên xe đạp đi bán rong. Tùy theo ngày. Có hôm ế, chị cứ dắt chiếc xe len lỏi vào hẻm ngang ngõ dọc đến tối mịt mới về. Hôm kia may mắn đi ngang qua căn nhà đang xây, chủ thầu kêu vào mua một lúc mười mấy đòn bánh cho công nhân ăn nên trời xâm xẩm đã về sớm.
Chị ta nhấc các đòn bánh, dàn ra trước tay xe trông cho có vẻ nhiều nhặn. Năm tháng trôi qua. Chồng đã mất, các con cũng lớn, có công ăn việc làm cả nhưng chị vẫn cần mẫn hàng ngày đi bán bánh, ngày nắng như buổi mưa không bỏ ngày nào. Chị bảo:
– Các con tôi kêu nghỉ bán cho đỡ cực nhưng công việc làm bao nhiêu năm đã quen, nếu ở nhà thì buồn lắm. Với lại đám con cũng chỉ là công nhân, lương lậu chẳng bao nhiêu.. Tôi tự gói bánh đi bán khỏi phải nhờ cậy đến con cái còn gia đình riêng của chúng. Chừng nào già cả bệnh hoạn không đi nổi mới nghỉ. Với lại bánh gói ít hơn trước kia, tôi có thể làm một mình không cần ai phụ. Đôi khi cũng có mấy bà hàng xóm rảnh rỗi qua chơi phụ lau lá, cột dây.
Các loại bánh cổ truyền như bánh tét, bánh ú… bán ở thành phố hiện giờ phần lớn do các lò ở Hóc Môn, Gò Vấp cung cấp giá sỉ. Số người tự gói, tự bán lẻ như chị bán bánh này không nhiều lắm. 

Chị ta mỉm cười khoe:
– Ngày thường bán lai rai. Thế nhưng ngày lễ lạt thì người quen chung quanh lại nhờ tôi gói đặc biệt để ăn hay mang biếu. Nếp, đậu… đều chọn lựa kỹ nên ăn bánh của tôi khác hẳn hàng ngoài chợ.
Nguyên liệu làm bánh tét không phải khó kiếm và cũng không mắc lắm nên thật ra hàng chợ và hàng đặt cũng không chênh nhau mấy. Thị trường cạnh tranh khốc liệt nên để lôi cuốn khách, bánh tét có nhiều cải biên: bánh tét chữ, bánh nhân đậu đò, đậu đen, hải sản… và các lò lớn sản xuất hàng loạt khiến cho các hàng bánh riêng lẻ với lối làm bánh đơn giản cổ truyền thế này ngày càng khó sống.
May mắn cho chị đôi khi ở ven đô, ngoại thành có đám giỗ xưa, vài người vẫn có thói quen bày bánh tét, bánh ít… Thay vì trái cây, người ta có thể “đi” ít bánh tét và sau khi bữa giỗ kết thúc, nhà chủ trao khách một, hai đòn bánh cầm về cho vui chứ trong thành phố thì không có tục này.
Tôi hỏi :
– Sao chị không nấu thêm bánh tét lá cẩm, lá dứa… để đổi khẩu vị. Có khi vì thế lại nhiều người chuộng hơn?
Chị ta lắc đầu :
– Thôi thôi. Làm thử kiểu này kiểu nọ không bán được thì tôi cụt vốn.
Trải bao ngày sống lang thang bụi bặm dường như chị quên cả bản thân mình. Bên cạnh nhà tôi là anh hàng xóm khoảng năm mươi nhưng dáng to ngang và gương mặt sáng rỡ. Anh ta vừa dắt xe ra khỏi nhà, xề ngay lại chỗ chị bán bánh tét đang vịn chiếc xe đạp định đẩy đi.

Anh nói:
– Chị lấy cho tôi hai xâu bánh Tét. Một xâu hai mươi bánh nhân chuối, xâu kia hai mươi bánh nhân mặn.
Chị bán bánh hỏi:
– Bữa nay nhà chú có giỗ hay tiệc gì sao?
Anh ta trả lời:
– Không, chiều nay thợ nghỉ xả hơi một buổi vì công trình xây cất cũng gần hoàn thành và cũng tới ngày trả lương công nhân. Tôi lấy ít bánh đãi công nhân lúc giải lao ăn chơi mà cũng rẻ.
Chị bán bánh tét bảo còn đủ số bánh mà anh ta muốn mua. Chị cũng không mừng hay ngạc nhiên vì khách mua nhiều bánh vì đôi khi may mắn từng gặp trường hợp như thế này. Thường người ta mua một vài bóc lá ăn liền. Nhưng cũng nhiều lần gặp nhà người ta có công có việc, chị bán hết cả thúng bánh. Tôi cũng thấy đỡ ái ngại với chị vì lúc này trời đang chuyển mưa chiều. Bánh ế tất chị phải vất vả đi lâu hơn, rao khản cả cổ mới bán được một hai đòn bánh.

Cái nghề bán bánh tét từ lúc trước 75 đến nay hằng mấy chục năm rồi, vẫn cứ chiếc xe đạp cũ kĩ đó mỗi ngày đeo trên mình nó cả trăm đòn bánh tét lủng củng bán tới khuya. Nếu không hết hàng thì mai lại bán sớm đón giờ điểm tâm.
Thường những buổi hoàng hôn sụp tối nhất là những ngày mưa gió, chiếc xe cọt kẹt rít lên vì sợi dây sên cũ và tiếng rao cuối ngày vọng từ xa ai ăn bánh tét không của chị bán hàng như một tiếng động của thời gian gần nửa thế kỷ qua.
Người bán bánh tét dạo cứ như thế mà sống càng già dặn, lặng lẽ thêm, giống như một món ăn cũ kỹ mà chị bán, như cây khô cằn cỗi giữa dòng đời ào ạt đẩy xô.


Duy Thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...