Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Câu chuyện cuộc đời của ‘ông tổ’ gà rán KFC: Từng mất con trai, vợ ly dị, thất bại nhiều lần


Trước khi đi đến thành công, trở thành người sở hữu một trong những nhãn hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng nhất thế giới, Harland Sanders, “ông tổ” của KFC đã trải qua nhiều khó khăn, thất bại.

Tuổi thơ cơ cực

Sanders sinh năm 1890 ở Henryville, bang Indiana, Mỹ. Khi ông 5 tuổi, cha ông đột ngột qua đời, mẹ ông buộc phải ra đồng làm việc kiếm tiền nuôi cả nhà. Dù còn rất nhỏ nhưng cậu bé Sanders phải học cách chăm sóc các em mình và nấu ăn. Một năm sau, Sanders đã thành thạo việc bếp núc, đặc biệt cậu có thể nấu được nhiều món đặc sản của vùng. 

Năm 12 tuổi, mẹ cậu tái hôn. Người cha dượng rất nghiêm khắc và thường đánh đập Sanders khi mẹ cậu ra ngoài. Cũng bởi vậy, Sanders và một người em của mình quyết định chuyển ra ngoài, em cậu đến sống với dì ở bang Alabama, còn Sanders tự tìm cho mình công việc ở nông trại. 
Làm việc ở nông trại giúp cậu có chỗ ngủ, đồ ăn và kiếm 15 đô/tháng. Sanders cân bằng rất tốt việc đi làm và đi học. Sáng cậu dạy sớm cho súc vật, gia cầm ăn, ban ngày đi học, tối về lại cho gà ăn và làm những việc vặt. 

Đến năm 14 tuổi, vì không hứng thú học hành nên cậu bỏ việc và làm toàn thời gian ở nông trại. 16 tuổi, cậu nói dối tuổi để đủ điều kiện nhập ngũ, sau một năm, Sanders bị gửi trở về gia đình.

Công việc không ổn định và hôn nhân tan vỡ


Những năm tiếp theo, Sanders làm rất nhiều việc như lính cứu hỏa, bán bảo hiểm, công nhân đường sắt, lái phà, và cả luật sư (Sau khi bị sa thải ở công ty đường sắt, ông quyết định học lấy tấm bằng để hành nghề luật sư)…

Tuy nhiên những công việc đều không ổn định, khi làm việc ở công ty đường sắt, ông cãi nhau với một công nhân khác và bị sa thải. Tới lúc làm luật sư, ông thậm chí đánh cả khách hàng của mình trên tòa án. Ông cũng từng mở công ty sản xuất đèn acetylene cho nông dân. Nhưng sau đó, sự phát triển của đèn điện và bóng đèn khiến công việc kinh doanh của Sanders thua lỗ và phải phá sản. 

Năm 1908, Sanders kết hôn với người vợ đầu tiên và có 3 người con. Vì trong một thời gian dài, ông không có công việc ổn định nên vợ ông đã ly dị sau gần 30 năm chung sống.
Sanders và người vợ đầu tiên (ảnh: Pinterest).
Tai họa một lần nữa ập đến khi con trai ông, Harland Junior, qua đời ở tuổi 20 do biến chứng sau phẫu thuật cắt amidan. Điều này đã khiến ông rơi vào tình trạng trầm cảm trong một thời gian dài. 

Cuối cùng đến năm 1949, ông kết hôn với Claudia Leddington, người vợ thứ hai cùng ông chung sống đến cuối đời.

Những thành công đầu tiên


Sau đó, ông mở một cửa hàng xăng ở Kentucky. Lúc này, ông bắt đầu nấu và bán những món ăn cho hành khách ghé qua trạm xăng. Mọi người dần biết đến tài năng nấu nướng của Sanders. Vài năm sau đó, ông mở nhà hàng đầu tiên của mình. 
Đến thời điểm này, Sanders đã bắt đầu hoàn thiện công thức nấu món gà rán KFC nổi tiếng. Vào năm 1939, ông còn thành công hơn khi phát triển phương pháp rán gà bằng nồi áp suất giúp giảm dầu mỡ và bảo quản hương vị, độ ẩm và kết cấu mà vẫn tiết kiệm thời gian.

Công thức gà rán KFC nổi tiếng
Món ăn của ông dần trở thành đặc sản của bang Kentucky. Năm 1935, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nền ẩm thực, Thống đốc bang đã phong tặng ông tước hiệu “Kentucky Colonel” (Đại tá Kentucky). 

Trong hơn một thập kỷ, nhà hàng của Sanders đã phát triển thịnh vượng – nhưng một cơn bi kịch khác lại đang chờ đợi ông.  

Từ thành công lại thất bại một lần nữa!


Vào thập kỷ 50, sự thay đổi của dự án đường cao tốc liên bang khiến cho nhà hàng của Sanders trở nên cô lập, không còn nằm ở khu vực giao thông thuận tiện và đông đúc, việc kinh doanh của ông rơi vào nguy cơ phá sản.

Lúc này ông đành nhanh chóng bán đấu giá nhà hàng vào năm 1956. Không có thu nhập, ông buộc phải sống dựa vào tiền tiết kiệm, tiền bán đấu giá nhà hàng và trợ cấp xã hội 105 đô/tháng. 

Sau khi đóng cửa nhà hàng, Sanders tìm ra một phương án kinh doanh khác. Ông đi dọc nước Mỹ, tới thăm các nhà hàng và bán cho họ công thức chiên gà của mình, ông thu về 4 cent/con gà. Cửa hàng nhượng quyền đầu tiên là của ông Pete Harman, một người bạn của Sanders.

Sau khi áp dụng công thức gà rán của Sanders, nhà hàng đã chứng kiến sự bùng nổ về doanh số. 
Tuy nhiên hành trình tìm và liên hệ với các nhà hàng nhượng quyền không hề dễ dàng. Nếu tìm được một nhà hàng phù hợp, Sanders sẽ phải thuyết phục chủ nhà hàng cho ông nấu thử món gà cho nhân viên. Nếu được chấp thuận, ông tiếp tục đề nghị làm món gà rán cho khách hàng thử nghiệm trong vài ngày.

Để đặt nền móng cho công việc kinh doanh, ông cùng vợ đã trải qua những tháng ngày lâu dài, tốn kém và nhiều khi còn bị sỉ nhục để tìm kiếm những đối tác tiềm năng. 

Nhưng cuối cùng nỗ lực của họ được đền đáp xứng đáng. Công chúng ngày càng yêu thích món gà rán của Sanders và tìm đến ông đăng ký nhượng quyền. Tới năm 1964, ông đã nhượng quyền cho 600 nhà hàng sử dụng công thức của mình mặc dù thời điểm đó, ông chưa có một nhà hàng KFC chính thức. 

Những năm tháng cuối đời


Ở tuổi 74, ông sở hữu một công ty với 17 nhân viên, văn phòng và thu nhập tương đối lớn. Sau đó, một luật sư ở Kentucky, anh John Y. Brown và triệu phú Jack Massey đã thuyết phục Sanders bán lại công ty cho họ. Ban đầu ông lưỡng lự nhưng cuối cùng đồng ý với mức giá 2 triệu đô. Họ lập nên lập nên Kentucky Fried Chicken Corporation (KFC Corp) và mời Sanders làm đại sứ thương hiệu. 
Thời gian sau đó, Sanders trải qua nhiều mâu thuẫn với những người quản lý KFC khi họ bắt đầu thay đổi phương hướng kinh doanh bằng cách chuyển trụ sở đến bang Tennessee và yêu cầu phí chuyển nhượng cho toàn bộ nhà hàng thay vì cách làm của Sander là thu phí trên mỗi sản phẩm bán được. Ông và KFC từng kiện nhau qua lại tuy như vậy ông vẫn làm việc cho công ty này suốt cả cuộc đời còn lại. 

Ông tiếp tục đi lưu diễn khắp đất nước để quảng bá cho gà rán KFC với hình ảnh mang tính biểu tượng: Một ông già tóc bạc trắng, mặc bộ quần áo trắng và nụ cười hiền hậu. Những năm cuối đời, ông tìm đến tôn giáo, ông đã quyên góp phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, như Cứu thế quân. 

16/12/1980, ông qua đời vì bệnh bạch cầu ở tuổi 90. 
Ngày nay, KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán lớn nhất với với tổng cộng hơn 23.000 nhà hàng tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triết lý của Harland Sanders về sự chăm chỉ và hoàn hảo trong phục vụ khách hàng luôn là một phần quan trọng trong truyền thống của KFC.  

Ngọc Mai

(Từ Cảnh chuyển)

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...