Tôi
đã mất một bịnh nhân ngày hôm nay. Ông ấy không phải là người đầu tiên,
và thật không may, ông ấy chắc chắn không phải là người cuối cùng.
Nhưng ông ấy thì khác. Tôi là một y tá cấp cứu trong toàn bộ sự nghiệp
của mình, nhưng ở New York, tôi đang làm trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Tại thời điểm này, thực sự không có nơi nào trong bịnh viện mà không
phải là phòng chăm sóc đặc biệt, khi mà xung quanh toàn là những bịnh
nhân dương tính với coronavirus. Họ đang tuyệt vọng, trong khi các y tá
phải lo chuẩn độ từng liều lượng thuốc quan trọng và khắc phục sự cố các
máy trợ thở.
Tôi
đã chăm sóc người đàn ông này ba đêm qua, lần đầu tiên đối với tôi.
Trong phòng cấp cứu, tôi hiếm khi phải giữ lại bịnh nhân trong một ca
làm việc 12 tiếng. Hai tuần nằm viện là khoảng thời gian khó khăn đối
với ông ta, nhưng đêm qua là đêm tồi tệ nhứt. Tôi đã dành 6 tiếng đầu
của ca làm việc để hầu như ở suốt trong phòng cùng ông ấy. Cuối cùng,
sau rất nhiều loại thuốc truyền đến mức tối đa, tôi đã cầu xin bác sỹ
gọi cho gia đình ông và cho họ biết. "Ông ấy sẽ không qua khỏi nữa rồi",
tôi nói. Các bác sỹ tội nghiệp tất bật chạy từ chỗ này sang chỗ khác,
bị níu kéo bởi những bịnh nhân cấp cứu mới từng phút một. Tất cả những
gì tôi có thể nghĩ tới là giọng nói của mẹ tôi trong đầu, bà khóc khi
tôi lên phi cơ để tới nơi này: "Những người đó đang cô đơn, con hãy chăm
sóc họ thật tốt". Tôi là người duy nhất ở trong căn phòng đó ba đêm
liên tiếp, chiến đấu hết sức có thể để giữ cho người đàn ông này sống
sót. Bác sỹ đã liên lạc được với gia đình, cập nhật tình hình cho họ.
Tất cả quyết định rằng khi trái tim ông ấy chắc chắn ngừng đập, chúng
tôi sẽ không thực hiện hồi sức tim. Không còn làm gì được nữa rồi.
Cuối
cùng, ông ấy bỏ cuộc. Chỉ có ông ấy và tôi và bịnh nhân cùng phòng đang
đặt nội khí quản ở giường bên cạnh. Cánh cửa gỗ dẫn tới phòng bị đóng
lại, cách ly lây nhiễm và chia cắt chúng tôi với phần còn lại của thế
giới. Tôi gọi bác sỹ đến và đánh dấu thời điểm tử vong. Tôi ước rất
nhiều là tôi có thể nói cho gia đình ông ấy biết rằng trong khi họ đã
không thể ở cạnh ông trong phút lâm chung, tôi đã ở đó cùng ông.
Tôi
tắt máy bơm, ngắt kết nối máy trợ thở, đưa ông ta ra khỏi máy đo. Phòng
hô hấp lấy máy trợ thở ngay khi tôi gọi. Nó chỉ là một thiết bị di động
nhỏ, nhưng là cả cuộc sống với một người ở tầng dưới. Nhân viên điều
dưỡng đã giúp tôi làm vệ sinh cho ông ấy rồi đặt anh vào một chiếc túi
đựng tử thi. Ở dưới đó, các cơ thể đang chồng chất trên cáng, đơn độc,
trong khi các bịnh nhân thở máy đang chờ đợi giường trống, mà bịnh nhân
của tôi vừa rời đi. Bịnh nhân của tôi rõ ràng là đã từng rất khỏe mạnh
trong cuộc sống thường nhựt. Tôi nhìn vào tấm hình chân dung ông ấy, tôi
thấy ông của ai đó, cha của ai đó, chồng của ai đó. Họ đã không ở đây
với ông. Trái tim tôi tan vỡ vì họ.
Tôi
xếp chiếc áo len dễ thương của ông ấy và đặt nó trong một cái túi cùng
với đôi giày, đồ đạc của ông. Tôi hỏi nơi để cất những thứ này. Một đồng
nghiệp mở cửa dẫn vào một căn phòng bị khóa; những cái túi dán nhãn
được xếp chồng lên tới trần nhà. Trái tim tôi tan nát. Đó là tất cả đồ
đạc của những người cha, người mẹ đã qua đời, chờ đợi một thành viên gia
đình sẽ tới lấy vào một ngày nào đó. Vài đêm trước họ có 17 người chết
trong một ca trực. Toàn bộ đơn vị chỉ có 17 giường.
Những
bịnh nhân này rất mong manh. Đó là một sự cố gắng cân bằng của hơi thở,
huyết áp, và các cơ quan chức năng. Một chuyển động hoặc thay đổi nhỏ
nhứt của chúng có thể khiến họ chống chọi với tử thần hàng tiếng đồng
hồ. Các bịnh nhân đều giống nhau. Bất kể tuổi tác, tình trạng sức khỏe,
hoàn cảnh sang hèn, gia thế hay quyền lực, các chẩn đoán là như nhau,
quá trình bịnh là như nhau, và sự cô độc là như nhau. Tầng của chúng tôi
có một anh chàng hồi phục tốt. Anh ấy 30 tuổi. Tôi xem anh ấy như bảo
bối của chúng tôi, tia hy vọng của chúng tôi rằng không phải tất cả mọi
người ở đây chỉ chờ đợi để chết. Tôi biết rằng hầu hết mọi người có thể
hồi phục và sống sót, nhưng đó không phải là cảm giác ở nơi này. Hầu hết
các nhân viên bịnh viện đều hết bịnh. Chúng tôi, những nhân viên cứu
trợ khẩn cấp, giữ khẩu trang N95 dán chặt vào mặt. Tất cả chúng tôi đều
nghĩ rằng chúng tôi bất khả chiến bại, nhưng tôi thấy mình đang quan tâm
đến đồng nghiệp của mình, tự hỏi ai là kẻ yếu đuối, từ sâu thẳm tôi
biết rằng không phải tất cả chúng tôi sẽ khỏe mạnh rời khỏi đây.
Một
chiếc xe buýt đưa chúng tôi trở về khách sạn, nơi các nhân viên cứu trợ
khẩn cấp trú ngụ, đi qua khu Manhattan vắng vẻ. Chúng tôi ở cách vài
tòa nhà từ Công viên Trung tâm. Chúng tôi lướt qua Nhà hát nghệ thuật
thành phố, phòng thu NBC, quảng trường Thời đại. Không có giao thông.
Vỉa hè vắng tanh. Phòng tôi ở tầng 12. Vào lúc 7 giờ tối, bạn có thể
nghe thấy tiếng mọi người vỗ tay và đập chảo để động viên các nhân viên y
tế thay ca. Thành phố này đang làm tan vỡ và đánh cắp trái tim tôi đồng
thời. Tôi đã không biết những gì chờ đợi tôi ở đây, nhưng giờ thì tôi
đã biết khá nhiều.
(Jennifer Cole)
Đại dịch bệnh đã để hậu quả khôn lường và rất khủng khiếp; ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực; vì vậy chúng ta phải cố gắng tránh khi có thể
Trả lờiXóa