Aysha Imtiaz
BBC Travel
Bên ngoài các tiệm tạp hóa ở Karachi, cảnh tượng đáng kinh ngạc đã xuất hiện trong mấy tuần qua.
Thay
vì vội vàng về nhà sau khi mua sắm để tránh bị nhiễm virus corona, rất
nhiều người Pakistan đã dừng lại bên ngoài để cho thức ăn, tiền bạc hay
làm các hành động hảo tâm khác đối với nhiều người trên đường phố không
có nơi nào để "về nhà". Lòng hảo tâm đó thường đi kèm với yêu cầu dành cho người nhận sự giúp đỡ: "Hãy cầu nguyện [để virus corona] sẽ kết thúc sớm."
Giống nhiều quốc gia khác, Pakistan áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt để chống lại đại dịch toàn cầu virus corona, trong đó có các quy định như đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người và đóng cửa tất cả các doanh nghiệp nào không bán thực phẩm hay thuốc men.
Nhưng không giống một số quốc gia khác cũng đưa ra biện pháp tương tự, hệ quả của việc phong tỏa xã hội kéo dài ở nơi này có thể dẫn đến những hệ quả kinh tế khủng khiếp và có thể làm chết người.
Trong bài diễn văn gần đây trước cả nước, liên quan đến virus corona, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết "25% người Pakistan không có tiền để ăn hai bữa mỗi ngày".
Khi quốc gia ban hành các biện pháp phong tỏa hà khắc hơn và buộc mọi người phải ở nhà, rất nhiều người chạy ăn từng bữa ở đây - từ người bán đồ ăn hàng rong đến người đánh giày - giờ đây không thể kiếm nổi một rupee mỗi tuần, và họ sẽ bị đói.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Trong cùng bài diễn văn trên được phát trên TV, ông Khan tóm lại thực tế đen tối mà Pakistan đang trải qua: "Nếu chúng ta đóng cửa các thành phố… một mặt chúng ta có thể cứu họ khỏi [virus] corona, nhưng mặt khác họ sẽ chết đói… Pakistan không có điều kiện như các quốc gia như Hoa Kỳ hay Châu Âu. Đất nước chúng ta cực kỳ nghèo khó."
Nhưng vẫn còn hi vọng.
Giữa đại dịch, người Pakistan đã gắn bó lại gần nhau để giúp đỡ những người kém may mắn theo cách độc đáo và đầy cảm hứng.
Đặc biệt, rất nhiều người quyên góp zakat, một loại thuế từ thiện theo truyền thống Hồi giáo, cho những người chạy ăn từng bữa không có lương khi nghỉ làm, không có bảo hiểm sức khỏe hay mạng lưới tài chính an toàn.
Trong tiếng Ả Rập, "zakat" dịch ra có nghĩa là "điều giúp thanh sạch" và theo Năm Trụ Cột của Hồi giáo thì đó là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của người Hồi giáo.
Khoản bố thí bắt buộc này được tính là khoảng 2,5% sự dư giả của mỗi người hàng năm. Những thông số chi tiết được đưa ra để xác định nisab, hay còn gọi là ngưỡng mà khi thu nhập vượt qua con số đó thì người Hồi giáo sẽ phải đóng thuế zakat, cũng như để xác định ai là người có thể được nhận của bố thí.
Bắt nguồn từ niềm tin rằng đời sống này là ngắn ngủi và mọi thứ đều do lòng từ bi của Đấng Sáng Tạo ban cho, thuế zakat mang theo ý nghĩa rằng những người kém may mắn hơn cũng được phần trong mọi thứ mà cộng đồng tạm thời sở hữu.
Trong khi rất nhiều nơi trên thế giới đang tập trung vào việc vệ sinh trong mùa dịch bệnh, bác sĩ Imtiaz Ahmed Khan, nhà sinh học tế bào tại Đại học Hamdard ở Karachi, mô tả zakat như một hành động dọn dẹp tâm linh, trích dẫn một tục ngữ quen thuộc của người Pakistan "Paisa haath ki meil hai" (nghĩa là, "tiền cũng như bụi bẩn trên bàn tay").
"Zakat loại bỏ những điều không sạch sẽ khỏi sự giàu có," bác sĩ Khan nói thêm. "Tôi sẽ đáp lời nếu như có bất cứ ai trong khu tôi sống phải nhịn đói đi ngủ. Làm sao mà tôi có thể chất đồ ăn đầy bếp trong khi hàng xóm tôi đang thiếu thốn?"
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Tinh thần hảo tâm đã khắc cốt ghi tâm trong DNA của người Pakistan.
Trong thực tế, trong 47 quốc gia với dân cư chủ yếu theo Hồi giáo, thuế zakat thường là tự nguyện, nhưng Pakistan là một trong sáu quốc gia quy định thuế này là bắt buộc và chính phủ truy thu.
Hơn nữa, theo Rizwan Hussain, tác giả quyển Từ điển Bách Khoa Oxford về Thế giới Hồi giáo, thì "Pakistan là quốc gia duy nhất đã thành lập dưới danh xưng Hồi giáo", và tinh thần mộ đạo thể hiện trong luật của họ.
Theo một tường thuật của tạp chí Tổng quan Sáng kiến Xã hội Stanford, Pakistan đóng góp hơn 1% GDP cho hoạt động từ thiện, khiến quốc gia này nằm trong nhóm chung với "các quốc gia giàu có hơn rất nhiều như Anh Quốc (1,3%) và Canada (1,2%), và gấp đôi số mà Ấn Độ đóng góp theo tương quan GDP".
Và một nghiên cứu toàn quốc cho thấy 98% người Pakisan đóng góp từ thiện hoặc tham gia hoạt động tình nguyện - một con số vượt xa hơn hẳn số người theo luật buộc phải đóng thuế zakat.
"Là một quốc gia, chúng tôi có thể không giàu có gì, nhưng chúng tôi có trái tim thiện lành," M Sohail Khan, một người Pakistan sống ở Loughborough, Anh Quốc, cho biết.
"Bạn cứ đến thăm bất cứ ngôi làng nào sẽ thấy họ sẽ mở cửa nhà chào đón bạn. Ưu tiên người khác là văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi đã thấy sự đau khổ. Chúng tôi có lòng cảm thông và lòng trắc ẩn. Chúng tôi thậm chí còn có quá nhiều lòng trắc ẩn, cho nên cần phải giáo dục rộng khắp để thuyết phục mọi người hiểu rằng giãn cách xã hội không đồng nghĩa với việc bỏ rơi hàng xóm của bạn."
Khi virus lây lan rộng, rất nhiều người Pakistan đã và đang cho đi nhiều hơn số 2,5% mà thuế zakat yêu cầu, trong khi những người không kiếm đủ để nộp thuế zakat đã giúp đỡ từ thiện trong khả năng của họ, và đến nay, những khoản đóng góp này đã được phân phát nhanh chóng.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Rất nhiều khoản tiền đóng góp đã được dùng để xây dựng khẩu phần (raashan) hàng tháng, để giúp cho những người chạy ăn từng bữa và người kém may mắn có được các món hàng nhu yếu phẩm cơ bản, như đậu lăng, bơ sữa trâu lỏng, bột, dầu ăn, đường và trà.
Bình thường thì những món này sẽ được phân phát trong mùa lễ Ramadan, nhưng giờ đây chúng được phân phát nhỏ giọt cho những người kiếm sống qua ngày đang bị ảnh hưởng vì tác động kinh tế do dịch bệnh gây ra. Những ngày này, khẩu phần còn có thêm xà bông diệt khuẩn.
Faisal Bukhari đã phân phát các gói khẩu phần trong khu vực người nghèo nơi những người kiếm sống qua ngày cần sự giúp đỡ cấp kỳ. "Tuần này số lượng đóng góp đổ đến cực kỳ nhiều," ông cho biết. "Tôi nhận được khoảng 20-25 lời đề nghị hoặc yêu cầu mỗi ngày. Đôi khi còn nhiều hơn."
Những người khác đang thực hiện nỗ lực tương tự. "Chỉ riêng vài ngày qua, chúng tôi đã thấy rất nhiều nhóm hỗ trợ xuất hiện, đặc biệt là hỗ trợ dành cho người kiếm sống qua ngày và các gói khẩu phần," Ahmad Sajjad, người dạy ở Học viện Quản trị Kinh doanh ở Karachi cho biết.
"Điều này làm tôi nhớ lại trận động đất năm 2005, khi mà người Pakistan cùng nhau đóng góp từ thiện. Lần này, trong suốt những ngày phong tỏa, thay vì tổ chức những trại cứu tế trên đường, mọi người đang tận dụng mạng xã hội để gây quỹ và cung cấp sự hỗ trợ."
Sabiha Akhlaq, người vận hành Quỹ SSARA, một tổ chức thiện nguyện quốc tế, nhấn mạnh sức nặng của tình hình hiện thời tại Pakistan: "Ngoài kia mọi thứ rất tồi tệ. Một người đàn ông bật khóc [khi chúng tôi đi phát khẩu phần] vì gia đình ông ấy gồm bốn người đã không có gì ăn suốt 29 giờ."
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Cũng tương tự như mọi người, Akhalaq cho biết tổ chức SSARA đã nhận được rất nhiều đóng góp nhằm giúp đỡ trong thời gian phong tỏa do dịch bệnh Covid-19.
"Chúng tôi đang phân phát 200 bữa ăn nấu hàng ngày, cùng các khẩu phần thực phẩm. Vào ngày 25/3, chúng tôi đã phát 125 khẩu phần cho thành viên của cộng đồng người chuyển giới," Akhlaq cho biết.
"Họ là nhóm người dễ bị tổn thương và gặp nguy cơ trong xã hội. Thật đau lòng khi chứng kiến sự biết ơn nồng nàn của họ và sự ngạc nhiên đến bất ngờ khi ai đó còn nghĩ đến họ. Họ cũng không còn kế sinh nhai."
Khắp Pakistan, lời kêu gọi đóng góp được lan rộng trên WhatsApp và mạng xã hội. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng khi đề nghị sử dụng nhà họ làm điểm thu gom những món nhu yếu phẩm như bột mì, dầu và đậu lăng. Nhiều người đã lan truyền số điện thoại cá nhân để kêu gọi thêm nhiều đóng góp, một hành động hiếm gặp ở Pakistan trước khi dịch bệnh xảy ra.
Các tổ chức tình nguyện như Robin Hood Army đang rất bận rộn phân phát lượng thức ăn từ các nhà hàng gửi tới và các gói khẩu phần cho người cần chúng.
Những nhóm như Quỹ Edhi và Quỹ Ủy thác Saylani Welfare đã có đường dây gọi đến xin giúp đỡ và số điện thoại qua WhatsApp để mọi người có thể nhắn tin và thông báo cho họ biết về những gia đình đang cần thực phẩm.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Dù tin hay không thì những nỗ lực ban đầu có vẻ như bắt đầu có tác dụng. Saubia Shahid, một giáo viên ở Karachi, cho biết bà đã cố gắng quyên góp thức ăn và được tổ chức Robin Hood Army nói bà nên thử lại trong vài tuần tới.
"Vì quá nhiều lòng hảo tâm của người Karachi, họ đề nghị tôi liên lạc lại với họ vào tháng Tư hoặc tháng Năm. Cho đến lúc đó, họ cho biết họ đã có đủ."
Theo một khảo sát gần đây của chính phủ, các ngân hàng ở Pakistan đã thu được 7.377.678.000 rupees (tương đương 36,8 triệu bảng Anh) từ thuế zakat trong dân chúng vào năm 2018-2019.
Nhưng vì có rất nhiều người Pakistan trực tiếp quyên tặng tiền bố thí zakat cho những người khó khăn, và vì khoản này họ không ghi nhận được cho nên con số thực có thể cao hơn rất nhiều.
Trong tình hình hiện thời, rất nhiều gia đình vẫn trả lương cho người giúp việc nhà dù không gọi họ đi làm để tránh nguy cơ lây nhiễm virus.
Một số cơ quan có khoản tiết kiệm không dự tính trước trong chi phí cho từng nhân viên trong thời gian đóng cửa, đã chuyển khoản tiền này cho những người cần được giúp.
Đó có thể là người bán ngô trước đây thường ngồi bán trước cổng trường để có tiền nuôi con, là người bán rau hàng rong thường rao hàng bằng micro lớn tiếng trong các khu căn hộ, hay người bán đá cây giờ thình lình nhận ra ông đang trong tình cảnh khó khăn.
"Pakistan, một trong số những quốc gia làm thiện nguyện lớn nhất, có ý tưởng về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản một cách khá linh hoạt," Imran Baloch, một chuyên viên ngân hàng cấp tập đoàn từ Pakistan cho biết.
"Những người đủ giàu có để trở thành "người có của" rất ý thức nỗ lực giảm thiểu gánh nặng của "người thiếu thốn" vì họ cho rằng đó là trách nhiệm của họ - một ý tưởng có vẻ cực kỳ đúng đắn trong tình trạng khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19."
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Người Hồi giáo có tục lệ quyên góp tiền bố thí zakat hầu hết trong thời gian tháng chay Ramadan (năm nay tháng chay sẽ bắt đầu vào ngày 23/4), như sự ban phước về tâm linh được nhân lên nhiều lần trong tháng linh thiêng.
Trong một đợt phát sóng toàn quốc vừa rồi ở Pakistan về đại dịch Covid-19, bác sĩ Qibla Ayaz, Chủ tịch Hội đồng Ý thức hệ Hồi giáo ca ngợi hành động quyên góp zakat "sớm" nhằm làm giảm nhẹ cảnh ngộ khốn khó do virus corona gây ra là sáng kiến cao quý.
Có thể nói là thời điểm đại dịch xâm nhập vào Pakistan không thể nào tốt hơn.
Trong vòng hai tháng trước tháng Ramadan, nếu trong hoàn cảnh không có dịch Covid, tục lệ là người nghèo sẽ đến gõ cửa và xin bố thí zakat.
Rất nhiều gia đình nghèo khó sắp xếp lễ cưới hay những hoạt động quan trọng vào thời gian này, với hi vọng sẽ được giúp đỡ về tài chính. Giờ đây họ cũng tràn đầy hi vọng, và người Pakistan đã không ngừng chia sẻ.
Sundus Rasheed, người dẫn chương trình trên một kênh radio ở Karachi, cho biết phản ứng của thành phố trước đại dịch là "người Karachi đã thường quyên tặng rất nhiều, nhiều hơn khoản thuế zakat. Cá nhân tôi không có tiền tiết kiệm, vốn là một phần ngưỡng để đóng zakat, nhưng trước khi dịch corona trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi [đã đóng góp] các gói sản phẩm vệ sinh."
"Tôi sống gần cảng, nơi có rất nhiều người kiếm sống qua ngày. Chúng tôi đã quyên góp 400 phần, chỉ qua những người quen biết. Giờ đây, đã đến lúc không chỉ còn là những gói quà vệ sinh ấm lòng nữa, mà là vấn đề sinh nhai."
Theo cách nào đó, người Pakistan coi sức mạnh của thuế bố thí zakat và hoạt động từ thiện tôn giáo là những lực lượng siêu nhiên. Và khi đối mặt với đại dịch, sức mạnh này được tăng cường với hi vọng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Trong lúc khó khăn này mọi người hãy chia sẻ cùng nhau những khó khăn để cùng vượt qua
Trả lờiXóa