Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Xin Chào Tuổi Không Còn Trẻ- Lê Trung Ngân


Bài này mình viết năm 2019, nay viết lại có chỉnh sửa cho hợp thời.🍮🍮🍮🍮🍮
Số là mình thực sự là tuổi Nhâm thìn, nghe ba má bảo thế và còn nói thêm là năm mình sinh ra cả nhà không có gạo để nấu cơm ăn, mà hầu như cả xóm cũng thế vì năm Thìn 1952 được gọi là năm thìn bão lụt. Sinh mình ra ba má để cho mấy chị lớn chăm nuôi còn hai ông bà phải đi làm mướn xa, lâu lâu về một lần. Nghe mấy chị nói lại là mình lúc đó bụ bẫm lắm và cũng không quấy khóc. Khi khát sữa, mấy chị đi sang hàng xóm xin nước cơm chắt và tí muối rồi đút cho uống, lớn một chút là bưng húp ngon lành. Theo mấy chị chắc tôi “mát sữa nước cơm chắt” nên khỏe mạnh chắc thịt. Còn thực tế ngày tháng sinh vì nhiều con nên ba má không nhớ. Sau này, gần tới tuổi đi học, ba tôi “chống án tòa” để tôi có khai sinh và cho chắc ăn, ba tôi chọn năm sinh trễ một năm (1952 -> 1953) cho đúng tuổi đi học, còn khai đại ngày tháng sinh là 09/04 nên ngày nào là sinh nhật thực sự cũng không ai biết được! Vã lại, vì con nhà nghèo nên có tổ chức sinh nhật lần nào đâu mà phải quan tâm!
Bài viết đề tựa ban đầu là: “Xin Chào Tuổi Già” nhưng bỗng sựt nhớ lại tôi có cô bạn thường hay chat qua lại với nhau. Tôi theo thói quen hay dùng từ “mình già rồi” thì cô bạn tỏ vẻ “giận” và bảo tôi hứa đừng cho rằng tôi “già”. Số tôi có thói quen “dại gái” (nghe lời phụ nữ!) nên hoảng hồn nên đổi tựa bài thành: “Xin Chào Tuổi Không Còn Trẻ”…
Năm nay, sinh nhật lại đến nhưng đúng vào thời điểm “giãn cách xã hội” vì Covid-19, trên facebook, zalo dầy đặc chúc mừng của bạn bè. Tôi cảm động quá không biết đa tạ các bạn cách nào? Thôi thì đem bài viết năm rồi ra chỉnh sửa lại cho các bạn đọc đỡ buồn mùa “trốn dịch” như thay lời cảm tạ…
… Năm 2019:
Tối qua, con dâu âm thầm tổ chức sinh nhật của mình. Tới khi mình hay được thì tụi nó chuẩn bị xong. Làm sau “xù” được vì âu cũng là “tấm lòng” của nó. Thú thật, mãi lu bu với công việc hằng ngày, nên mình cũng không nhớ sinh nhật của mình, đến khi mở Facebook thì bạn bè chúc mừng sinh nhật mình quá xá mới giật mình. Ủa mình gần 70 tuổi rồi à! Nói đến tuổi, mình chợt nhớ, cách đây không bao năm, đứa em vợ đưa bài văn của con nó học lớp 3 để khoe (vì bài văn được chấm điểm 8). Ừ! Mới lớp 3 mà làm văn cũng khá: Có ý tưởng mà viết khá lưu loát. Nhưng cái làm mình bất ngờ không phải là số điểm mà là phần mở bài của bài tập làm văn. Đề bài là tả một người già và cháu tả: “Gần nhà em có một ông lão già nua, râu tóc bạc phơ. Ông ấy trạc chừng …. năm mươi tuổi! …..”
Đọc bài văn trên, bất giác mồ hôi tôi chảy ra như tắm. Len lén nhìn mình trong gương. Bấy lâu nay, sáng sáng soi gương chỉ nhìn sao cho tóc lấy đường ngôi đã ngay hàng chưa? Áo quần, ủi có thẳng thóm chưa? Rồi yên tâm lên đường, chớ đâu có nhòm vào gương mặt làm gì cho … mất thời giờ, vẽ chuyện. Nay nhìn kỹ trong gương chợt thấy như có một “ông già Ba Tri” nào đó ở trỏng lẩm cẩm, khó ưa, đang nhìn mình “kênh kênh”! Ủa mình đó sao? Ủa đâu còn “vầng trán hằn sâu khắc khoải, mái tóc bồng bềnh mộng mị … lộng gió bời bời” của thời hoa niên cũ! Ôi! "Nhìn lại mình, đời đã xanh rêu ,,,, (Tình Xa - Trịnh Công Sơn) "…
Một vài lần họp mặt bàn bè cũ, thời trung học. Lâu lâu có dịp gặp lại đứa nào đứa nấy cười nói hỉ hả, toàn là các cái giọng dao to búa lớn như thời còn cắp sách đến trường! Chừng nhìn kỹ lại đôi mắt, phía trên cái miệng nói cười tía lia của tụi nó, thoáng một màng sương mù của thời gian, của ưu tư kiếp người. Rồi nói chuyện tuổi tác, một bạn nữ kể rằng: Hôm đó, đi bộ trên đường Lê Lợi (Sài Gòn), đang chuẩn bị đi vào vạch kẽ để qua đường thì một cháu gái chừng 20 tuổi đến nắm tay nói: “Cụ ơi! để cháu dẫn qua đường cho”, mới giật mình là mình già. Nhìn kỹ lại sao thấy tụi bạn đi họp lớp… không còn trẻ nửa. Ủa mình trang lứa với tụi nó mà, nghĩa là mình cũng không còn trẻ nửa giống như tụi nó rồi!
Vì sao? Cũng chỉ tại ngày tháng qua mau, Cũng chỉ vì thời gian quá tàn nhẫn. Đôi khi “xì trét”, muốn lôi đầu cái “thằng thời gian” ra đánh một trận tơi bời hoa lá, cho bỏ thói ác gian. Rồi khi bình tĩnh lại thấy thời gian đâu có tội lỗi gì! Cái chính là ta đã sử dụng cái quỹ thời gian sao cho đúng, cho thuận thiên, cho hợp với tuần hoàn của vạn vật, của tạo hóa!
Nhớ lại tuổi trẻ chúng mình sống trong chiến tranh, đứa nào cũng thấy hoang mang quá đổi. Đến khi thành nhân thì đất nước hết chiến tranh nhưng nghèo khó thì lại lo cái ăn cái mặc, cố lo cho đủ, dù tối thiểu, cái vật chất thật tầm thường cho gia đình là mừng, là vui.
Rồi miệt mài làm việc đi đó đi đây, gặp gỡ nhiều, trông thấy nhiều. Lại ngại ngần, do dự. Khi trọng tuổi, thấy mình tiệm cận với hư vô. Mới nhớ ra là mình đã từng đồng hành với hoài nghi và ngộ nhận! Ám ảnh về tính chất phù du của cuộc đời. Hốt hoảng với ngộ nhận: Ngộ nhận tình yêu, ngộ nhận danh vọng, ngộ nhận hận thù, ngộ nhận về những cuộc vui “trốn già” phù phiếm!
Thời gian cứ bình thản và lặng lẽ trôi: Đi tới, đi hoài, không bao giờ trở lại. Thế nên, ai rồi cũng không còn trẻ nửa! Thì cứ chấp nhận là NGƯỜI GIÀ nhé… Có người già buồn bã, tư lự, hụt hẫng, đau bệnh triền miên! Có người già “yamaha” (già mà ham). Ở đây có nhiều kiểu ham: Ham làm vườn, chơi hoa kiểng, bonsai, đánh cờ, chơi đàn, viết lách, vẽ tranh, đi đây đó, làm từ thiện... Nói chung, già mà ham sống, ham vui, vẫn yêu đời. Nhớ lại bài tập làm văn của thằng cháu đã nêu ở trên mà buồn cười. Có thể ngày xưa, năm mươi là đã ... biết được mệnh trời (ngũ thập tri thiên mệnh). Người đàn ông ở độ tuổi nầy đã ổn định sự nghiệp, ổn định sinh kế, ổn định gia đình, đôi khi cháu nội, cháu ngoại đầy đàn! Nên lúc nào cũng đạo mạo nghiêm trang, trông già ... “bà cố”! Còn bây giờ thời buổi khoa học, công nghệ tiến bộ, tuổi thọ được nâng lên thấy rõ. Con người trẻ khỏe hơn, tất nhiên nếu hội đủ điều kiện và biết siêng năng luyện tập.
Có lần dự định đi họp mặt cựu học sinh là học sinh cũ của vợ mình (kể cũng lạ là mấy đứa học trò của vợ mà lại thích chồng của cô!). Hôm trước ngày đi dự, vợ kêu lại, hối nhuộm tóc cho sang, cho trẻ. Để khi ra đường không bị quê vì …. “Chồng già, vợ trẻ”. “Là tiên” đâu chưa thấy, chỉ thấy là tiên mắc đọa.
Trở lại chuyện vợ: Em yêu! khi anh sắp già thì chắc là em cũng không còn trẻ nữa, bởi, nếu hên, thì em sẽ song hành cùng anh đến suốt cuộc đời ngắn ngủi còn lại nầy! Mái tóc óng ả ngày nào nay đã có vài cọng lốm đốm ngã màu! Đuôi mắt long lanh thuở xưa giờ thêm nhiều ngỏ ngách! Nhưng chưa bao giờ anh thấy em xinh đẹp như bây giờ (lúc anh đã bỏ cặp kính lão ra). Em duyên dáng hơn, nền nã hơn, và sang trọng hơn em ngày trước nhiều ….. Sáng nay, trên vầng trán rực rỡ và thanh khiết của em, anh nghe thoang thoảng mùi nước hoa “Channel” làm cho anh cả một trời tiếc nhớ bâng khuâng.
Già ơi, ta không ngán mi, mi đâu có lỗi gì. Lỗi tại ông trời…..!

Lê Trung Ngân (CHS>Tây Ninh )

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...