Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

TẢN CƯ - Hồ Thị Đậm


Năm tôi được 6 tuổi, vì làng tôi ở không an-ninh, nên gia
đình tôi phải rời khỏi căn nhà thân yêu, tản cư lên huyện Tân
châu, cách nhà độ năm cây số ngàn và con sông rộng.
Vì lén tản cư, nên cha tôi cho trẻ con đi trước, cha tôi và
các anh chị lớn của tôi lần lượt trốn đi sau. Tôi nhớ rõ ngày
hôm đó, khi gà chưa gáy sáng, mẹ tôi đánh thức chúng tôi
dậy, mẹ đem theo cho ba chị em chúng tôi quần áo và thức
ăn. Bốn mẹ con xuống một chiếc xuồng, vẻ mặt mẹ buồn tênh.
Mẹ tôi không dám nói với chúng tôi là gia đình phải di tản, mẹ bảo lên Tân châu thăm cô chín chúng tôi..
Rời khỏi nhà độ nửa đường, bỗng chúng tôi thấy một thây ma đã sình,đang nổi lềnh-bềnh kế cụm lục bình,mặt ông ấy đen như than, có lẽ vì ánh nắng mặt trời đốt da thịt ông ta. Thân thể của ông trở nên to lớn lạ thường, trông rất ghê rợn! Chúng tôi sợ quá, ba chị em run cầm cập, ngồi co rút gần nhau. Mẹ tôi nói để trấn an chúng tôi, nhưng nước mắt mẹ đọng trên mi, giọng nói của mẹ run-run:
“Các con đừng sợ, ông ấy sẽ phò hộ cho gia đình chúng ta
được bình yên, may mắn”. Nói xong mẹ tôi cầu nguyện cho
vong linh ông được siêu thóat, cầu xin thượng đế ban lòng
thương, xui khiến cho vợ con sớm tìm được xác ông để đem
về chôn cất, hầu ông được mồ yên mả đẹp.
Khi mặt trời mọc cao khỏi ngọn cây thì chúng tôi tới quận lỵ Tân châu. Mẹ dẫn chúng tôi vào nhà cô tôi. Cô rất mừng, khi
cô và mẹ trò chuyện thì chúng tôi hiểu rõ rằng không phải chúng tôi đi thăm cô như mẹ đã nói, mà chúng tôi đi tản cư và không
biết bao lâu mới được trở về nhà!

Cô dượng tôi ở trong một căn phố lầu, phần trệt, nửa căn
nhà trước cô bày la liệt hàng tạp hóa để bán,nửa căn sau là nhà bếp, nhà tắm và cầu tiêu.
Trên lầu có một phòng vuông-vức khoảng bốn mét mỗi bề, kế phòng nầy là một diện tích lầu ước độ: 4m X 8m. Cô dượng nhường căn phòng cho mẹ con tôi ngủ, cô dượng và
các con cô ngủ ở ngoài.
Mẹ tôi cảm thấy ái-ngại quá. Hôm sau mẹ liên lạc với ông Đầu tộc Đạo Cao Đài, ông cho chúng tôi vào ở một phòng trong dãy nhà của đạo, (lúc bấy giờ Thánh thất Cao Đài ở Tân châu chưa được xây cất, đạo dùng nhà nuôi tằm của một nhà hão tâm trong đạo, bây giờ họ không còn nuôi tằm nữa, nên họ đã hiến cho đạo để có chỗ thờ phượng.
Nhà rất lớn, gồm nhiều phòng, có một phòng rất to, ông Đầu
tộc dùng để thờ Chí Tôn, những phòng khác cho những người
di cư trú tạm). Một số gia đình khác thì ở trong trường Tiểu
học Tân châu, trường bị cháy chỉ còn lại nền gạch tàu (vì
Pháp và Nhựt đánh nhau). Cứ hai gia đình thì ở trong một
phòng học. Họ phải mua gỗ làm cột và lá làm mái nhà để che
nắng, che mưa.
Chúng tôi rất buồn, khóc hoài vì nhớ nhà và ở chỗ lạ. Mẹ
muốn chúng tôi vui, mẹ mua cái lồng và con kéc cho chúng
tôi chơi. Con kéc biết nói mấy câu sau đây:
-Mẹ đi chợ về.
-Chào ông đi chơi, chào bà đi chơi. Cám ơn, vui quá,
thích quá.
Khi mẹ tôi đi chợ về, chúng tôi ra mừng, nó biết nói: “Mẹ
đi chợ về”. Nhưng khi có những trẻ con ở phòng kế cận đến
chơi với chúng tôi, nó cũng nói: “Chào ông đi chơi, chào bà
đi chơi, cám ơn, vui quá, thích quá”
Nhờ có nó chúng tôi cũng khuây-khoả một phần nào.
Muốn khuyến khích người đạo đi cúng thường xuyên, nhất

là trẻ con, ông Đầu tộc Đạo có sáng kiến rất hay, trước thời
cúng, trẻ con chúng tôi để cái sổ con trên bàn của người thơ
ký, sau khi cúng, chúng tôi đến nhận lại sổ, cẩn thận lật sổ ra
xem, chúng tôi thấy ông thơ ký viết như sau: “Có cúng giờ Tí,
Sửu... Phía dưới ông đề ngày, tháng, năm và cuối cùng ông
đóng mộc màu đỏ”.
Nhìn những hàng chữ và cái mộc chúng tôi rất phấn
khởi. Có khi chúng tôi đếm mộc để so sánh coi đứa nào có
mộc nhiều, vì không muốn thua chúng bạn, tôi cố không bỏ
sót thời cúng chiều nào. Hôm nào bệnh phải vắng mặt thời
cúng, tôi tiếc làm sao! Xem vậy sự khen thưởng rất cần thiết
cho mọi người, nhất là cho trẻ nhỏ, cho học sinh biết mấy.
Chúng tôi nghĩ, chỉ ở đỡ vài tuần thì trở về nhà, nào ngờ ở
đó cả mấy tháng, không có dấu hiệu hồi hương.
Ông Đầu tộc liên lạc một ông nhà giàu nọ, là người theo
đạo Cao Đài, gia đình ông làm chủ nhiều máy dệt hàng Mỹ-
A. Ông có phần đất rất lớn ở phía sau trường Tiểu học. Ông
cho khoảng 100 gia đình tản cư cất ở tạm, mỗi nhà được một
phần đất 4m X 12m, gia-đình nào có con đông thì được cất
hai căn. Cất nhà sàn, cột bằng cây và lợp lá. Gia đình tôi
được hai phần đất. Cha tôi muốn có chỗ rộng hơn, nên cất
thêm cái gác lửng bằng cây, lót ván, để chúng tôi ngủ trên đó.
Khu nầy người ta gọi là: “ Chu vi Cao Đài”. Sau nầy, trong
bài thơ “Quê hương Tân châu” của ông Võ văn Nhiệm, có
những câu:
... Chu-vi Cao đài eo-sèo nhà cửa,
Đường về thôn trưa sớm vẫn lao-xao...”
Những tưởng ở tạm vài tháng thì trở về nhà cũ, nào ngờ ở
mãi mấy tháng, không thấy dấu hiệu bình yên. Gia đình tôi
chẳng làm gì để sinh sống, mẹ cứ bán hết chỉ vàng nầy đến
chì vàng nọ...để có tiền tiêu xài. Cuối cùng mẹ nghĩ phải tìm
ra kế sinh-nhai. Mẹ sang một tiệm tạp hóa nhỏ ngoài chợ,
buôn bán để kiếm sống qua ngày và nuôi chúng tôi ăn học.
Ngày tháng qua nhanh, nào ngờ chúng tôi phải ở tạm như
vậy đến chín năm. Khi Tổng thống Ngô đình Diệm lên chấp-
chánh chúng tôi mới trở về nhà cũ, quê xưa! Tuy chúng tôi ở
đó trong một thời gian dài, nhưng ông chủ đất tốt bụng
không bảo người nào phải trả tiền đất, khi hồi hương thì
chúng tôi trả đất lại cho ông chủ.

Chúng tôi rất vui được trở lại quê cũ. Nhưng thật hụt-
hẫng khi mở cửa nhà ra, nhà thay đổi hẳn, mất gần hết,
giường, tủ, bàn, ghế mất sạch, không còn gì...chỉ còn sót lại
cái bàn thờ ông bà, cả những bộ liễn cẩn ốc xà cừ treo trên
những gốc cột họ cũng tha đi! Một lớp bụi dầy phủ lên khắp
nhà, nhện giăng tơ tứ tung, Chỉ có ruộng đất thiên hạ không thể rinh đi thì còn! Ngoài vườn trông xơ xác, dưới mấy gốc cây dừa đầy dẫy vỏ dừa, họ hái dừa ăn và vỏ dừa họ để bừa bãi ùm lum. Cây ăn trái không được chăm sóc, chúng chết rất nhiều, các loại cỏ,lau sậy tự do mọc um tùm, lá cây rơi rụng đầy sân, thật đúng là một cảnh hoang tàn, xơ xác, trông thật ảm-đạm.
Nhìn cảnh tượng hoang-vu giống như cảnh nhà ông
Dương Viên-Ngọại ngày xưa trong truyện Kiều, sau khi gia
đình mắc nạn và Thúy Kiều phải bán mình để lo hối lộ cho
bọn tham quan, để chuộc cha ra khỏi lao tù, cụ Nguyễn Du
đã diễn tả:
“Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
Song trăng quạnh quẻ, vách mưa rã rời.
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Mẹ tôi buồn nhất là trước khi tản cư, mẹ chôn một số
chén, dĩa, tô kiểu và tư trang, bây giờ mất tất cả. Nhưng cha
tôi nói:
“Còn người, còn của, nhiều vùng chưa an bình, người ta
chưa thể hồi hương, mình được trở về là có phúc lắm rồi, bà
còn than phiền gì nữa”.

Gia đình chúng tôi xin cám ơn ông Đầu tộc đạo rất nhiều,
với tài đức của ông, ông đã hết lòng giúp đỡ người trong đạo
thật chu toàn trong cơn hoạn nạn. Chúng tôi luôn luôn nhớ
ơn người chủ nuôi tằm, có lòng cống hiến gian nhà thật to
cho Đạo, hầu có nơi thờ cúng và nhờ đó chúng tôi có nơi tá
túc lúc bơ-vơ khi rời quê hương thân mến. Một ân-nhân thứ
ba là ông chủ đất, người đồng đạo tốt bụng, với lòng nhân từ,
thương người vô bờ bến, ông xứng đáng là một nhà hão tâm
hiếm có trong thời buổi nhiễu nhương nầy.
Ghi chú:
* Vào những năm 1945-1946, có rất nhiều xác chết bị giết
thả trôi trên sông Tiền và sông Hậu, người địa phương
thường gọi xác chết nầy là: “Chồng chổng”.
* Khi thấy xác chết trôi trên sông, dân làng hay cùng nhau
vớt lên chôn cất giùm.
Hồ thị Đậm
(Đ S Tây ninh quê tôi 2020)

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...