Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

TRUNG QUỐC BÓP NGHẸT DÒNG CHẢY MÊ KÔNG. CÁC NƯỚC KHÁC CHỊU HẠN HÁN.

Hannah Beech, The New York Times ngày 13, tháng Tư, 2020


Hiếu Tân dịch
Nghiên cứu mới cho thấy hóa ra các kỹ sư Bắc Kinh đã trực tiếp gây ra mực nước thấp kỉ lục ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
 Hình 1. Một giải nước hẹp chảy qua lòng sông khô kiệt của Mêkông gần Sangkhom, Thái Lan, tháng Giêng January. Adam Dean gửi cho The New York Times
BANGKOK — Khi Trung Quốc mắc coronavirus vào cuối tháng Hai, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này nói với một đám đông lo âu ở Lào, nơi những nông dân và ngư dân trên khắp lưu vực sông Mê Kông đang vật vã với đợt hạn hán tồi tệ nhất có trong trí nhớ của họ.
Thông điệp của ông ta: Chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của các bạn. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói Trung Quốc cũng chịu tình trạng khô cằn đang hút kiệt nước từ con sông có sức sinh sôi nhất thế giới.
Nhưng nghiên cứu mới từ các nhà khí hậu học Hoa Kỳ lần đầu tiên cho thấy Trung Quốc, nơi các ngọn nguồn của sông Mê Kông xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, hoàn toàn không gặp phải khó khăn tương tự. Trái lại, hóa ra các kỹ sư của Bắc Kinh đã trực tiếp gây ra mực nước thấp kỷ lục bằng cách hạn chế dòng chảy của sông.
“Dữ liệu vệ tinh không nói dối, và trên Cao nguyên Tây Tạng có rất nhiều nước, ngay cả khi các nước như Campuchia và Thái Lan đang trong tình trạng cực kì ngặt nghèo”, ông Alan Basist, một trong các tác giả bản báo cáo cho Eyes on Earth, một trạm theo dõi các nguồn nước, công bố hôm thứ Hai.
clip_image003
Hình 2. Một làng nổi ở Campuchia năm 2018. Mười triệu người sống phụ thuộc sông Mê Kông. Sergey Ponomarev gửi cho The New York Times
“Đơn giản là có một khối nước khổng lồ đã bị giữ lại ở Trung Quốc,” ông Basist nói thêm.
Sông Mê Kông là một trong những con sông màu mỡ nhất trái đất, nuôi sống mười triệu người bằng dòng nước giàu dưỡng chất và nhiều tôm cá của nó. Nhưng một loạt đập chắn, chủ yếu ở Trung Quốc, đã cướp đi sự giàu có của dòng sông.
Những người sống bằng nghề cá trong đất liền nói sản lượng đánh bắt của họ đã giảm khốc liệt. Hạn hạn triền miên và những trận lụt đột ngột đã làm nông dân điêu đứng.
Việc Bắc Kinh kiểm soát thượng nguồn sông Mê Kông, con sông cung cấp đến 70 phần trăm nước cho hạ lưu trong mùa khô, đã gây phẫn nộ mặc dù các nước Đông Nam Á vẫn đang phụ thuộc Trung Quốc về thương mại. Trong khi chính phủ Trung Quốc đưa ra chương trình phát triển toàn cầu mà nó nói sẽ có lợi cho những đối tác thương mại nghèo hơn, một phản ứng dữ dội đang gia tăng trong các nước cảm thấy họ đang thua thiệt.
“Vấn đề là giới thượng lưu Trung Quốc coi nước là thứ để họ sử dụng chứ không phải là hàng hóa dùng chung”, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson và là tác giả của “Những ngày cuối cùng của dòng Mê Kông hùng vĩ.” nói.
Hình 3. Đập Nam Ou 1 ở bắc Lào đang xây, năm 2018. Nó do công ty thủy điện lớn nhất Trung Quốc xây. Sergey Ponomarev gửi cho The New York Times.
Khi trọng lượng địa chính trị của Trung Quốc tăng lên, các lãnh đạo của nó đã biến nước này thành một loại siêu cường khác, một siêu cường đáng ngại, như lối nói của người Tàu, trong mối quan hệ của “đôi bên cùng thắng” với các quốc gia khác.
Nhưng một số nước, như Sri Lanka và Djibouti, đã rơi vào điều mà các nhà bình luận lo ngại là bẫy nợ, vì các dự án chiến lược cuối cùng rơi vào tay Trung Quốc. Các nước châu Phi và châu Á khác lo lắng rằng Trung Quốc chỉ đơn giản là một cường quốc đế quốc khác khao khát hút sạch các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không cần quan tâm đến dân chúng địa phương.
“Đây là một phần của sự phát triển kinh doanh của Trung Quốc,” Chainarong Setthachua, một giảng viên và chuyên gia về Mê Kông tại Đại học Mahasarakham ở đông bắc Thái Lan nói. Những người dân sống dựa vào những nguồn tài nguyên của sông Mê Kông để kiếm sống và thu nhập của họ sẽ tự động bị gạt ra ngoài.
Mô hình dữ liệu do ông Basist và đồng nghiệp Claude Williams tạo ra đo đạc các thành phần khác nhau của dòng chảy sông, từ tuyết và băng tan đến mưa và độ ẩm của đất. Các nhà khoa học thấy rằng trong phần lớn các năm, dòng chảy tự nhiên, không bị trở ngại của thượng nguồn sông Mê Kông đã gần như theo sát mực nước đo được ở hạ lưu tại một trạm đo ở Thái Lan, chỉ có một ít trường hợp ngoại lệ khi các hồ chứa đập ở Trung Quốc đầy hoặc xả.
Khi ở Trung Quốc có vụ hạn hán, thì năm nước ở hạ lưu: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam – cũng sẽ chịu. Khi ở Trung Quốc nước thừa ứ, lụt lội ắt xảy ra ở lưu vực sông Mê Kông.
Hình 4. Chuẩn bị sạ lúa gần Hồng Ngự, Việt Nam. Sergey Ponomarev gửi cho The New York Times
Nhưng trong mùa mưa năm ngoái, may rủi hai đầu sông khác nhau một cách kì lạ. Khi phần sông Mê Kông trên đất Trung Quốc chào đón một khối nước trên trung bình, thì các nước ở dưới hạ lưu bị một đợt hạn hán đánh cho một đòn trí mạng, đến mức có những chỗ dòng sông khô cạn hoàn toàn, để lộ ra lòng sông nứt nẻ vào đúng cái mùa mà trước kia tôm cá đầy ắp.
Tại một trạm đo ở Chiang Saen, miền bắc Thái lan, những mức nước thấp đến thế này trước đây chưa bao giờ đo được.
Tổng cộng, trong thời gian 28 năm họ nghiên cứu trạm đo này, Basist và đồng nghiệp của ông tính toán rằng các đập nước ở Trung Quốc đã giữ lại hơn 410 feet [khoảng 125m] mực nước sông.
Trong khi nói chuyện với các Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong khu vực hồi tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng cả Trung Quốc cũng phải chịu (hạn hán). Ông ta tỏ ý rằng lãnh đạo Trung Quốc đã hào phóng gửi nước xuống hạ lưu, đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự bùng phát nghiêm trọng của coronavirus.
“Mặc dù bản thân Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và thiếu mưa trầm trọng ở vùng thượng nguồn, nhưng nó đã vượt qua những khó khăn khác nhau để tăng lưu lượng nước xả ra,” ông ta nói.
Basist bác lại luận điệu này.
Hình 5. Vết chân để lại trên bờ cát bọc lớp tảo gần Sangkhom, Thái Lan, vào tháng Giêng. Adam Dean gửi cho The New York Times
“Ông hãy nhìn lên bản đồ của chúng tôi, màu xanh sáng đầy nước của nó ớ Trung Quốc và màu đỏ sáng từ một vùng cực kì thiếu nước ở Thái Lan và Campuchia”, ông nói. Trung Quốc có thể điều tiết lưu lượng của dòng sông này qua các đập, và đây cho thấy rõ ràng nó đang làm thế.”
Thên vào nỗi đau của hạ lưu là những đợt xả nước đột ngột từ Trung Quốc thường không báo trước và làm ngập lụt hoa màu phải trồng gần bờ sông để tránh hạn.
“Việc xả nước của Trung Quốc có ý đồ chính trị ” ông Chainarong, của Đại học Mahasarakham nói. “Nó được làm để cho họ ban ơn. Họ gây ra thiệt hại, nhưng họ đòi người ta biết ơn.”
Trong khi sông Mê Kông là nguồn sống cho cư dân của các nước ở hạ nguồn, dòng sông chảy xiết qua các hẻm núi hẹp ở Trung Quốc, về hoạt động kinh tế không có gì hoạt động được ngoài thủy điện. Vào đầu thế kỷ này, chính phủ Trung Quốc, lúc đó trong thành phần lãnh đạo có nhiều kỹ sư, bắt đầu đẩy nhanh các kế hoạch ngăn dòng sông Lancang, tên gọi sông Mê Kông ở Trung Quốc.
Ngày nay, đoạn Trung Quốc của dòng sông ở Tây Nam nước này bị chặt ngang bởi 11 con đập lớn, sản xuất ra nhiều điện năng hơn nhiều so với nhu cầu của khu vực. Những con sông lớn khác bắt nguồn từ những vùng băng giá của Cao nguyên Tây Tạng, như Brahmaputra, một dòng sông linh thiêng đối với người Hindu ở Ấn Độ, cũng đã bị đập ngăn lại ở Trung Quốc.
 Hình 6. Một chợ nổi ở Châu Đốc, Việt Nam, năm 2018. Sergey Ponomarev gửi cho The New York Times
Sự thừa thãi năng lượng hiện nay là một lý do khiến các nhà môi trường Trung Quốc thành công trong việc thuyết phục chính phủ từ bỏ kế hoạch xây những con đập trên con sông khác trong khu vực, sông Nu, mang tên Salween khi vào Myanmar.
Ngay khi Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh làm thủy điện trên sông Mê Kông, nó đã từ chối tham gia cùng Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Lào trong một nhóm khu vực nhằm khai thác lợi ích của dòng sông. Trong một cuộc khảo sát do nhóm này ủy thác thực hiện, Ủy ban sông Mê Kông, các nhà khoa học cảnh báo rằng một đập ngăn trên sông Mê Kông có thể lấy đi khỏi dòng sông 97% phù sa chảy vào cửa sông ở Việt Nam.
“Dòng sông này sẽ chết”, một nhà tổ chức cộng đồng và là nhà bảo thủ ở bắc Thái Lan nói.
Trái lại, Bắc Kinh đã tạo ra sáng kiến ​​Hợp tác Lancang-Mê Kông của riêng mình và cấp một tòa nhà xa hoa cho tập đoàn tại Campuchia, nơi Thủ tướng Hun Sen đã chắc chắn đưa đất nước này vào quỹ đạo Bắc Kinh. Các nhà bình luận cáo buộc rằng cái sáng kiến ​​do Bắc Kinh tài trợ này là không phải một cơ chế bảo vệ dòng sông mà đúng hơn là cái loa phát ngôn cho cuộc vận động của Trung Quốc về sông Mê Kông.
Hình 7. Bên dòng Mê Kông ở Phnom Penh, Campuchia. Sergey Ponomarev gửi cho The New York Times
Nhưng ngay cả Hun Sen, tay chuyên quyền tại vị lâu nhất châu Á, dường như đã bị chấn động bởi tình trạng thiếu nước tai hại ở sông Mê Kông, đã tăng tốc vào tháng 7 năm ngoái. Tháng trước Bộ Năng lượng đã tuyên bố Campuchia đang đình hoãn các kế hoạch xây đập trên sông Mê Kông, chủ yếu do Trung Quốc cấp vốn.
Trong khi đó, dự trữ nước ở Trung Quốc căng tràn, khi các hồ chứa chất đầy nước từ băng tan, đây là nguồn nước vẫn dồn xuống dòng sông Mê Kông trong nhiều thiên niên kỷ.
“Những dòng sông băng là những tài khoản ngân hàng bằng nước, nhưng với biến đổi khí hậu, chúng đang tan chảy rất nhanh,” ông Basist nói. “Người Trung Quốc đang đóng các két tiền gửi an toàn ở thượng nguồn sông Mê Kông vì họ biết rằng tài khoản ngân hàng cuối cùng sẽ bị cạn kiệt và họ muốn giữ nó để dự trữ.”
Xem Thêm :CUỘC LY HƯƠNG NƠI HẠ NGUỒN MEKONG (Văn Việt )

1 nhận xét:

  1. Việc Trung Quốc chặn dòng sông Mê Kông làm thuỷ điện đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước ở hạ lưu sông Mê Kông

    Trả lờiXóa

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...