Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

Góc Việt Thi : Thơ PHAN THANH GIẢN

Góc Việt Thi :
                                   Thơ PHAN THANH GIẢN

                 
                  

     PHAN THANH GIẢN 潘清僩 (1796-1867) là danh sĩ, đại thần triều Nguyễn, tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê 梁溪 và Ước Phu, biệt hiệu Mai Xuyên. Quê làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phan Thanh Giản đậu cử nhân năm 1825, năm 1826 đậu tiến sĩ, ông là  vị Tiên Sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ. Năm 1862, ông cùng với Lâm Duy Hiệp đại diện cho triều đình Tự Đức ký Hoà ước năm Nhâm Tuất (05-06-1862) giao 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Năm 1863, ông được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Nguỵ Khắc Đản) sang Pháp thương nghị chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Năm 1867, quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ trong lúc ông đang nhậm chức Kinh Lược Sứ. Thấy tình thế không chống cự nổi, ông nộp thành Vĩnh Long cho Pháp, rồi nhịn ăn 17 ngày, kế đó uống thuốc độc tự tử vào ngày 4-8-1867, thọ 71 tuổi.
     Phan Thanh Giản sáng tác khá nhiều. Hầu hết các sáng tác của ông được tập hợp lại trong hai bộ sách Lương Khê Thi Thảo (in 1876) có 103 bài. Xin được giới thiệu một số bài dưới đây.

1. Bài thơ CỔ MAI LÂM CƯ 古梅林居 :

       Đây là một trong 20 bài vịnh cảnh Mai Lâm, nơi cha ông Phan Thanh Giản lớn lên và quay về sống phần đời còn lại.

      古梅林居                 CỔ MAI LÂM CƯ
       


   寒香依約合成墟,     Hàn hương y ước hợp thành khư,
   沙磧依然太古餘.     Sa tích y nhiên thái cổ dư.
   定識春花秋葉外,     Định thức xuân hoa thu diệp ngoại,
   菊溪桃徑又何如?     Cúc khê đào kính hựu hà như ?

  * Chú Thích :
      - Y Ước 依約 : là Chập chờn, thoang thoảng, khi có khi không.
      - Khư 墟 : là Gò đất lớn.
      - Sa Tích 沙磧 : Những cồn cát tụ lại.
      - Y Nhiên 依然 : là Vẫn cứ thế, vẫn như cũ.
      - Xuân Hoa Thu Diệp 春花秋葉 : là Hoa của mùa xuân và lá của mùa thu.
      - Cúc Khê Đào Kính 菊溪桃徑 : là Hoa cúc nở theo dòng khe nước và hoa đào nở dọc theo lối mòn.

  * Nghĩa Bài Thơ :
                         MAI LÂM Nơi Ở Cũ
        Hơi lạnh đưa hương thoang thoảng kết thành trên gò đất lớn. Những cồn cát từ ngàn xưa vẫn cứ trơ gan như cũ. Biết chắc là hoa nở vào mùa xuân và lá rụng lúc thu sang, còn những hoa cúc nở bên dòng khe nước và hoa đào nở dọc theo lối mòn thì hiện giờ ra sao ?!

  * Diễn Nôm :
                       MAI LÂM NƠI CŨ
           
               Hương thơm thoang thoảng chốn gò cao,
               Cồn cát y nhiên tự thuở nào.
               Vẫn biết hoa xuân thu lá rụng,
               Lối đào đường cúc đã ra sao ?!
     Lục bát :
               Gò cao hương lạnh chập chờn;
               Im lìm cồn cát chờn vờn xưa nay.
               Xuân hoa thu lá rụng bay,
               Đường đào lối cúc giờ rày ra sao ?!
                                           

2. Bài thơ HOÀNH KIỀU 橫橋 :

       Cảnh cầu tre lắt lẻo bắt ngang sông rạch ở Nam Bộ được cụ Phan Thanh Giản miêu tả lại như sau :

         橫橋                        HOÀNH KIỀU

    野人村塢隔林溪,    Dã nhân thôn ổ cách lâm khê,
    野徑沙頭略彴低。    Dã kính sa đầu lược chước đê.
    幽鳥一聲林際起,    U điểu nhất thanh lâm tế khởi,
    行人已渡夕陽西。    Hành nhân dĩ độ tịch dương tê (tây).
     
    * Chú Thích :
      - Hoành Kiều 橫橋 : Cầu bắt ngang qua sông ngòi kênh rạch.
      - Thôn Ổ 村塢 : Xóm nhà ở trên cao xung quanh bao bọc bởi sông nước.
      - Chước 彴 : Cầu độc mộc, cầu khỉ.
      - U Điểu 幽鳥 : Những con chim trong rừng thâm u vắng lặng.
      - Độ 渡 : là Đi ngang qua sông ngòi kênh rạch, thường thì đi bằng đò, còn trong bài là đi ngang qua cầu.
      - Tê 西 : là chữ Tây, đọc trại đi cho ăn vận. TỊCH DƯƠNG TÊ 夕陽西 là Nắng chiều ở phía trời tây.

  * Nghĩa Bài Thơ :
                             CẨU NGANG

         Người sống nơi thôn dã với sông ngòi rừng hoang bao quanh, con đường quê đưa đến bến cát đầu sông làm cho chiếc cầu khỉ như thấp hẵn xuống. Một tiếng chim chiều kêu làm dậy cả rừng vắng thâm u, trong khi người bộ hành cũng đã đi ngang qua sông trong nắng chiều nghiêng chiếu phía trời tây.
         Qủa là cảnh thôn quê nên thơ vắng lặng dưới ánh nắng chiều chiếu nghiêng chiếc cầu khỉ bắt qua sông với người bộ hành đang vội vả quay về nhà trước khi trời sụp tối.

  * Diễn Nôm :
                             CẦU NGANG
                              Thôn dã sông ngòi bủa tứ giăng,
                 Đường quê cầu khỉ bắt ngang sông.
                 Chim kêu rừng vắng người ngơ ngẩn,
                 Nắng chiếu trời chiều vội bước chân.
     Lục bát :
                 Sông ngòi rừng lẫn làng quê,
                 Đường mòn cầu khỉ nhiêu khê ngại ngùng.
                 Chim kêu rừng vắng mông lung,
                 Nắng chiều nghiêng chiếu qua sông bộ hành.


3. Bài thơ THUẬN PHAN :

      Bình Thuận Phan Rang với những bãi cát trắng, đất đỏ, con sông ở Bình Thuận xuất hiện trong thơ Phan Thanh Giản và trong đó thoáng hiện đời sống của ngư dân, nông dân, kẻ bán rau người bán cá tấp nập nhộn nhịp bên bến sông.

        順蕃                 THUẬN PHAN
     



    歷盡沙崖與水隈,    Lịch tận sa nhai dữ thủy ôi,
    此間風物洞然開.    Thử gian phong vật đỗng nhiên khai.
    閭閻撲地成居聚,    Lư diêm phác địa thành cư tụ,
    舸艦迷津任溯洄.    Kha hạm mê tân nhậm tố hồi.
    賣菜兒童青洞出,    Mại thái nhi đồng thanh động xuất,
    沽魚婦女綠濱囬.    Cô ngư phụ nữ lục tân hồi.


* Chú Thích :
    - Lịch Tận 歷盡 : là Trải qua hết, là Xuyên suốt, là Vượt qua hết.
    - Sa Nhai 沙崖 : là Vách núi cát (ven sông).
    - Thủy Ôi 水隈 : là Những khúc quanh trên dòng sông.
    - Đỗng Nhiên 洞然 :là Một cách rõ rệt.
    - Lư Diêm Phác Địa 閭閻撲地 : là Nhà cửa ở chen chút đầy cả mặt đất.
    - Kha Hạm Mê Tân 舸艦迷津 : là Thuyền bè chen chút đậu chật cả bến sông.
    - Mại Thái 賣菜 : là Bán cải bán rau.
    - Cô Ngư 沽魚 : là Mua cá mua tôm.

* Nghĩa Bài Thơ :
                               THUẬN  PHAN
     Lướt qua hết các vách núi cát và các khúc quanh của dòng sông, thì phong cảnh trước mắt hiện ra một cách rõ rệt ở nơi nầy. Nhà cửa chen chút nhau đầy cả mặt đất tạo thành một quần cư ở nơi đây, dưới bến thì thuyền bè chen chút nhau đậu chật cả bến sông mặc tình xuôi ngược. Những đứa bé bán rau cải đi ra từ các hang động xanh, và các chị bạn hàng mua bán cá trở về từ bến nước xanh lơ.

     Hai thành ngữ "Lư Diêm Phác Địa 閭閻撲地" và "Kha Hạm Mê Tân 舸艦迷津" có xuất xứ từ bài "Đằng Vương Các Tự 滕王閣" của Vương Bột, một trong Tứ Kiệt của buổi sơ Đường. Nguyên văn như sau :

        閭閻撲地,鐘鳴鼎食之家;Lư diêm phác địa, chung minh đĩnh thực chi gia;
        舸艦彌津,青雀黃龍之舳。Kha hạm mê tân, thanh tước hoàng long chi trục.
Có nghĩa :
              Nhà xây chật đất, đều là hàng quyền qúy cao sang;
              Thuyền đậu đầy sông, toàn được vẽ rồng vàng thanh tước.
               (Thanh Tước : Tước là Khổng tước, con công màu xanh).

      Đó là hai câu tả cảnh trí và địa thế của Đằng Vương Các ở Nam Xương ( thuộc tỉnh Giang Tây) đời Đường, được cụ Phan mượn dùng để tả lại cảnh trí bến sông của Bình Thuận Phan Rang lúc bấy giờ đã rất phát triển và sầm uất.

* Diễn Nôm :
                         THUẬN PHAN

                

               Xuyên suốt vượt khúc sông vách đá,
               Cảnh nơi đây tất cả hiện ra.
               Ven sông chen chút những nhà,
               Bến sông tấp nập thuyền qua theo dòng.
               Bán rau cải, đồng xanh lũ trẻ,
               Bạn hàng mua tôm cá bờ xanh,
               Phồn vinh cảnh đẹp dường tranh !
    Lục bát :
               Vượt qua vách đá quanh sông,
               Bỗng như sáng rực cánh đồng mở ra.
               Bờ sông chen chút là nhà,
               Ghe thuyền chật bến lại qua theo dòng.
               Trên bờ bán cải nhi đồng,
               Dưới sông tôm cá mặc lòng bán buôn !


4. Bài thơ GIAO HÀNH (2) 郊行 (2) :

       Cảnh đồng bằng bao la của Bắc bộ, lau sậy chen chúc với vườn dâu tằm. Cảnh nông dân thu hoạch vụ lúa mạch. Cảnh hàng tre xanh lả ngọn ở góc làng, chén nước chè trong quán chè quê toả ngát hương... đều được cụ Phan Thanh Giản miêu tả lại tỉ mỉ trong bài thơ sau đây :

           郊行 (2)                   GIAO HÀNH (2)

       渺渺平蕪一望茫,     Diểu diểu bình vu nhất vọng mang,
       茅柴雜遝對麻桑.     Mao sài tạp đạp đối ma tang.
       田家幾處收新麥,     Điền gia kỷ xứ thu tân mạch.
       邨落數緣長嫩篁.     Thôn lạc sổ duyên trưởng nộn hoàng.
       熱茗店蒸溪水净,     Nhiệt mính điếm chưng khê thủy tịnh,
       逺途客苦夏炎長.     Viễn đồ khách khổ hạ viêm tràng.
   
    


* Chú Thích :
    - Giao Hành 郊行 : GIAO là Giao Ngoại 郊外, là vùng ngoại ô; nên Giao Hành là đi dạo ở vùng ngoại ô đồng nội. Hoặc "Đi Ngang Vùng Ngoại Ô" của nơi nào đó.
    - Bình Vu 平蕪 : là Cánh đồng trống.
    - Mao Sài 茅柴 : MAO là loại cỏ dài lá sắc lỏi cứng có thể phơi khô để lợp nhà, ta gọi là MAO ỐC 茅屋 là Nhà lá, nhà cỏ. SÀI là Những loại cây tạp có thể dùng làm củi, như lau sậy; Nên MAO SÀI nói chung là Cây cỏ hoang.
    - Ma Tang 麻桑 : hay Tang Ma cũng thế. MA là cây đay (Miền Nam gọi là cây Bố) dùng để kéo sợi. TANG là cây Dâu tằm ăn, dùng để nuôi tằm lấy tơ.
    - Tân Mạch 新麥 : MẠCH là Lúa Mì, nên TÂN MẠCH là Lúa mì mới chín.
    - Nộn Hoàng 嫩篁 : NỘN là còn non, HOÀNG là Cây tre, nên NỘN HOÀNG là Măng tre mới mọc còn non.
    - Mính 茗 : còn đọc là MINH : là Trà, nên NHIỆT MÍNH là Trà nóng.

* Nghĩa Bài Thơ :
                         ĐI DẠO VÙNG NGOẠI Ô (2)

       Cánh đồng trống mênh mông nhìn mút mắt, cỏ cây tạp nhạp mọc đối diện với ruộng dâu, ruộng đay. Có mấy chỗ nhà nông đang thu hoạch lúa mạch mới, mấy con đường trong xóm đưa tới lũy tre làng đang lúc trổ măng non. Quán trà nóng bên đường được nấu bằng nước trong trong khe chảy ra, người khách đường xa đang khổ vì cái nóng của mùa hè đang kéo dài ra.

* Diễn Nôm :
                             GIAO HÀNH (2)

                                       Đồng hoang cỏ mọc ngút chân mây,
                     Lau sậy dâu tằm lẫn ruộng đay.
                     Lúa mạch mấy nơi thu hoạch sớm,
                     Măng non đầu xóm lũy tre gai.
                     Hàng chè khói tỏa trong khe nước,
                     Lữ khách than thân hạ nóng dài.
    Lục bát :
                     Mênh mông đồng cỏ mịt mờ,
                     Sậy lau tạp nhạp ngang bờ dâu đay.
                     Lúa mì thu hoạch đầu tay,
                     Bụi tre làng xóm đã nhoài măng non.
                     Vệ đường quán nước chè thơm,
                     Hạ nung lữ khách dặm trường than thân.

        (Hai bài thơ THUẬN PHAN và GIAO HÀNH (2) trích theo tài liệu trên mạng :  "Phan Thanh Giản với những đóng góp vào văn học Hán Nôm Nam Bộ" của tác giả LÊ QUANG TRƯỜNG - HÁN NÔM - 26 THÁNG 7 2017. Hình như mỗi bài đều thiếu mất 2 câu kết cuối.)

5. Bài thơ GIAO HÀNH (3) 郊行 (3):
         Bài 3 trong chùm thơ Giao Hành tả lại cảnh mưa chiều tắt nắng với những đứa trẻ chăn trâu đang lùa trâu về băng qua những vũng nước, những người đi đò chiều tranh nhau qua đò, khói mây bay trong gió và tiếng lách tách trong bụi tre, tiếng quạ kêu rộn rã lúc chiều tàn :

      郊行 (3)                   GIAO HÀNH (3)

    牧童驅犢晚還莊,     Mục đồng khu độc vãn hoàn trang,
    迅歩行過水上塘.     Tấn bộ hành qua thủy thượng đường.
    叢笋雨來喧鎧甲,     Tùng duẫn vũ lai huyên khải giáp,
    湖菱波細露鋒鋩.     Hồ lăng ba tế lộ phong mang.
    數團煙逐溪風去,     Sổ đoàn yên trục khê phong khứ,
    一簇人争野渡忙.     Nhất thốc nhân tranh dã độ mang.
    惆悵鄕關何處是?     Trù trướng hương quan hà xứ thị ?
    寒鴉枯樹閙斜陽!     Hàn nha khô thọ náo tà dương !

     

 * Chú Thích :
     - Khu Độc 驅犢 : KHU 驅 có bộ MÃ là Ngựa bên trái, vốn có nghĩa là LÙA NGỰA; sau dùng chung để chỉ "Luà những con vật có bốn chân". ĐỘC 犢 là Con Nghé, chỉ chung các con trâu mới lớn. Nên KHU ĐỘC là Lùa trâu.
     - Tấn Bộ 迅歩 : TẤN là Nhanh nhẹn; BỘ là Bước đi. Nên TẤN BỘ là bước nhanh, chỉ Đi một cách vội vã.
     - Tùng Duẫn 叢笋 : TÙNG là Khóm, là Bụi. DUẪN là Măng non. nên Tùng Duẫn là Bụi tre non.
     - Khải Giáp 鎧甲 : là Áo giáp có dát bạc dát đồng cho cứng. Trong bài thơ cụ Phan Thanh Giản mượn để diễn tả tiếng các cây tre cọ xát vào nhau nghe kẽo kẹt giống như là tiếng áo giáp va chạm nhau vậy.
     - Phong Mang 鋒鋩 : PHONG là cái Chóp, cái Đĩnh, Cái Mũi. MANG là Bén, Nhọn, lắp lánh. Nên Phong Mang là cái mũi nhọn; trong bài thơ chỉ những búp hoa ấu còn chưa kịp nở.
     - Sổ Đoàn Yên 數團煙 : là Mấy đám khói (sóng).
     - Nhất Thốc Nhân 一簇人 : là Một đám người, một toán người.
     - Trù Trướng 惆悵 : là Bồi hồi, Ngơ ngẩn.
     - Náo 閙 : là Náo Loạn, là Ồn ào.
     - Tà Dương 斜陽 : là Ánh nắng xiên; chỉ ánh nắng đã về chiều.

 * Nghĩa Bài Thơ :
                                ĐI NGANG VÙNG NGOẠI Ô (3)

      Mục đồng đang xua lũ trâu con trong buổi chiều tà để trở về thôn xóm, đang bước nhanh qua những vũng nước đọng ở trên đường. Bụi tre non sau cơn mưa đang kẽo kẹt trước gió như những manh áo giáp cọ vào nhau, bên hồ ấu những búp hoa ấu non nhọn và sắc đang nhấp nhô trong sóng nước trước những làn gió nhẹ lướt qua. Trên sông vài cuộn khói sóng lơ lửng theo gió bay đi, một đám người đang nhốn nháo tranh nhau qua đò để về nhà cho kịp tối. Lòng ta cảm thấy bồi hồi ngơ ngẩn tưởng nhớ đến quê hương giờ đang ở nơi đâu ? Tiếng lũ quạ lạnh đang kêu lên rộn rã trên các cành cây khô trong ánh nắng của buổi chiều tà !

     Những hình ảnh hoạt động, những âm thanh sống động quen thuộc của vùng thôn dã Việt Nam được hiễn hiện một cách rõ nét trong thơ của cụ Phan Thanh Giản trong những lần kinh lược từ nam ra bắc, tạo nên một sắc thái đặc biệt Việt Nam của những vần thơ Đường Luật với đầy đủ những âm hưởng và thi vị của những áng thơ Đường nổi tiếng, như câu :

            惆悵鄕關何處是?   Trù trướng hương quan hà xứ thị ?

làm cho ta nhớ tới câu :

            日暮鄕關何處是?   Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?

trong bài thơ nổi tiếng Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đời Đường. Và câu cuối...

            寒鴉枯樹閙斜陽!   Hàn nha khô thọ náo tà dương !

lại làm cho ta nhớ tới bài thơ Thiên Tịnh Sa -Thu Tứ 秋思 nổi tiếng của Mã Trí Viễn đời Nguyên là :

            枯藤老樹昏鴉...    Khô đằng lão thọ hôn nha...
            夕陽西下,          Tịch dương tây hạ,
            斷腸人在天涯。    Đoạn trường nhân tại thiên nha !
  Có nghĩa :
                  Mây khô quạ ám cây già...
                  Nắng chiều ngã bóng tà tà về tây,
                  Chân trời đứt ruột người đây !

     Trong suốt thời gian làm quan của cụ Phan Thanh Giản, trên những chặng đường bôn ba kinh lược, ông đã ghi lại những cảm xúc trong những cuộc hành trình : Gia Định, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thuận Hoá, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên... Những bài thơ làm trong các hành trình đó, cảnh vật con người của từng địa phương,  một phần được phản ánh dưới cái nhìn mới mẻ, thanh tân của ông một cách rất chân thành. 

                    


 * Diễn Nôm :
                                 GIAO HÀNH

                      Đuổi trâu chiều xuống lẹ về làng,
                      Nhanh bước xuyên qua vũng nước ngang.
                      Kẽo kẹt gió lùa tre tiếng vọng,
                      Nhấp nhô sóng nước ấu hoa vàng.
                      Chập chờn khói sóng bay theo gió,
                      Nhốn nháo bến đò tất tả sang.
                      Quê cũ ngẩn ngơ chiều khuất bóng,
                      Cành khô quạ rộn nắng chiều tàn !
    Lục bát :
                     Mục đồng xua lũ trâu về,
                     Chiều hoang nước đọng tư bề bước chân.
                     Tre làng rít tựa giáp ngân,
                     Nhấp nhô hoa ấu chập chờn sóng xao.
                     Trên sông khói sóng dạt dào,
                     Qua đò nhốn nháo tranh nhau những người.
                     Quê hương khuất bóng chiều rơi,
                     Nắng tàn tiếng qụa bồi hồi cây khô !
  

6. Bài thơ ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU :


       Năm 1834, Minh Mạng thứ 15, Cụ PHAN THANH GIẢN được cử đi sứ Trung Quốc. Khi đi ngang qua ngôi lầu nổi tiếng nầy, cũng như tất cả những thi nhân từ ngàn xưa đến nay, ông đã không bỏ lỡ dịp may lên thăm và ngắm ngôi lầu với nhiều huyền thoại nầy, và cũng vì thế mà ta mới có dịp thưởng thức thêm một bài thơ trác tuyệt của ông : ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU sau đây :

    ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU                           登黃鶴樓                         

       









Tích thời hạc dĩ hà niên khứ ?                  昔時鶴已何年去? 
Thiên tải nhân tòng Nam cực lâm.            千載人從南極臨。
Anh vũ châu tiền phương thảo lục,           鸚鵡洲前芳草綠,
Tình Xuyên Các thượng bạch vân thâm.    晴川閣上白雲深。
Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,            半簾落日浮江漢,
Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)      一片寒流送古今。
Mãn mục yên ba chuyển trù trướng,         滿目煙波轉惆悵,
Du du trần mộng thập thu tâm.               悠悠塵夢拾秋心!

Dịch Nghĩa :

       Câu 1 :  Ngày xưa, Hạc đã bay đi mất tự năm nào ?
       Câu 2 : Ngàn năm sau, mới có người từ vùng cực Nam đến đây.( Ngàn năm chỉ là cách nói nhấn, để chỉ rất nhiều năm rồi. Đối với Trung Hoa xưa thì nước ta ở về phía cực Nam. Câu nầy Cụ Phan tự chỉ mình là người đến từ Nước cực Nam, là nước xa tít ở cỏi Nam  ).
      Câu 3 : Cỏ non vẫn còn xanh tươi trên cù lao Anh Vũ ở giữa ngã ba sông. Liên hệ câu : Phương thảo thê thê Anh Vũ Châu 芳草萋萋鸚鵡洲, trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đời Đường ).
      Câu 4 : Mây trắng vẫn còn chập chùng trắng xóa khi ta đứng trên Tình Xuyên Các. ( chữ " Thâm " ở đây không có nghĩa là " sâu " , mà là " Đậm ", dùng để chỉ màu sắc, mây trắng mà " đậm ", là mây " trắng xóa chập chùng " . Chữ THÂM ở đây còn dùng để đối với chữ LỤC ở câu trên.
      Câu 5 : ( Vì đứng trong lầu nhìn ra, nên thấy...) Mặt trời lặn như nổi trên sông nước lung linh xuyên qua Nửa Bức Rèm ( bán liêm ) treo trên lầu .
      Câu 6 : Một dãy nước chảy âm thầm, lạnh lùng xuyên suốt từ ngàn xưa đến nay.
      Câu 7 : Mãn mục là " đầy mắt " , ở đây có nghĩa là khoảng không gian mênh mông trước mắt. Câu nầy có nghĩa : Khói sóng mênh mông khiến cho lòng xúc đông bồi hồi ( trù trướng ).
      Câu 8 : ( Nên chi )...Trong ( giấc mộng trần thế ) cuộc đời mộng ảo nầy cũng chỉ nhặt nhạnh ( thập )  được lòng hoài cảm trong mùa thu mà thôi !. Câu cuối nầy, có thể Cụ PHAN đã chơi chữ đây, vì chữ THU 秋 ở trên, chữ TÂM 心 ở dưới, nếu ghép lại thì ta sẽ có chữ SẦU 愁. Cũng vừa hợp với chủ ý của bài thơ gốc của Thôi Hiệu :

             Nhật mộ hương quan hà xứ thị             日暮鄉関何處是
             Yên ba giang thượng sử nhân SẦU        烟波江上使人愁

mà nhà thơ Tản Đà đã dịch rất xuất sắc là :

               Quê hương khuất bóng hoàng hôn
               Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai  !....


        Mặc dù không sử dụng vần " LÂU...SẦU " như Thôi Hiệu, nhưng âm hưởng của bài Đăng Hoàng Hạc Lâu của cụ Phan Thanh Giản vẫn tạo nên một nỗi niềm hoài cổ sâu xa man mác với hạc vàng mây trắng, với Anh Vũ Châu, với Tình Xuyên Các : Một kiến trúc được xây dựng nên và được đặt tên do câu thơ bất hủ của Thôi Hiệu " Tình xuyên lịch lịch Hán dương thọ ". Bài thơ được kết thúc bằng lối chơi chữ chiết tự tài hoa của cụ Phan để hướng bài thơ về với mối sầu thiên cổ " Du du trần mộng thập thu tâm ! " làm ta nhớ đến câu : " Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm !" của Nữ sĩ Tương Phố trong Thi Ca Tiền Chiến...

      Bài thơ Đăng Hoàng Hoạc Lâu nầy của cụ PHAN đã được Thầy Trò Cựu học sinh PHAN THANH GIẢN & ĐOÀN THỊ ĐIỂM TP. Cần Thơ của chúng tôi cùng " xúm nhau " diễn nôm, xem đây như là một hoài niệm, một chút lòng thành của đám hậu sinh tưởng nhớ về vị Tiến Sĩ đầu tiên của đất Nam K sinh sau đẻ muộn. Mời tất cả cùng đọc cho vui...
 
           
                     
 














                                           Hoàng Hạc lâu xưa và nay

      Trước tiên là bài DIỄN NÔM của Thầy PHAN HUY VIÊN với bút hiệu CHÂN DIỆN MỤC (Tây Đô Cuồng Sĩ) :

     LÊN LẦU HOÀNG HẠC

 Hạc đã bay đi tự thuở nào
 Một người Nam muộn đến lầu cao
 Bãi xa thơm cỏ xanh xanh mắt
 Sông tạnh lầu mây trắng một mầu
 Rèm hắt bóng tà vờn trên sóng
 Nước buồn trôi lạnh một chiều sâu
 Bồi hồi gửi mắt qua sương khói
 Đem mộng ngàn năm ủ nỗi sầu

                                         CDM.

      Lên Lầu Hoàng Hạc
                    cô  Phạm Thảo Nguyên
Chim hạc năm nao đã vút bay
Ngàn sau nam cực tới nơi đây
Cỏ non Anh Vũ xanh xanh ngắt
Lầu vắng lâng lâng trắng những mây
Trời lặn nửa rèm sông Hán rợn
Lạnh trôi một dải tự xưa nay
Bao la khói sóng bồi hồi dạ
Đời mộng lòng thu sầu góp đầy

                                         PTN
Đăng Hoàng Hạc Lâu
                       Thầy Phạm Khắc Trí
Thuở nào xưa hạc đã cao bay ,
Viễn khách trời đưa đẩy đến đây.
Anh Vũ cồn xanh ngàn cỏ biếc ,
Tình Xuyên gác trắng một màu mây.
Nửa rèm kim cổ chiều sông lạnh ,
Một dải giang hà vạt nắng phai.
Khói sóng mênh mang nao tấc dạ ,
Mộng đời lãng đãng nỗi niềm tây.

                                           PKT.
        Lên Lầu Hoàng Hạc
                              Trầm Vân
Hoàng hạc ngày nao đã vút bay
Cực Nam người đến ghé lầu này
Cỏ non Anh Vũ màu xanh mướt
Mây trắng Tình Xuyên gió biếc say
Ác lặn nửa rèm sương lãng đãng
Sông dài một dải nước khoan thai
Ngập trời khói sóng giăng sầu nhớ
Dằng dặc lòng thu nỗi cảm hoài


Bài thứ hai theo thể Lục Bát :
                              Trầm Vân
Ngày xưa hoàng hạc cao bay
Cực Nam  người đến chốn này ngàn sau
Cỏ non Anh Vũ biếc màu
Tình Xuyên mây trắng bên lầu phiêu du
Nửa rèm ác lặn sương mờ
Sông dài một dải gió thơ thẩn luồn
Mênh mông khói sóng sầu buông
Nhớ quê dằng dặc gieo buồn thu tâm

                                                Thầy  Võ Văn Vạn.

    LÊN LẦU  HOÀNG  HẠC
                             Song Quang
Hoàng Hạc ngày xưa đã vút bay
Người Nam đến viếng  ở nơi nầy
Cỏ non Anh Vũ còn xanh thẩm
Mây trắng Tình Xuyên vẫn chẳng phai
Ác lặn nửa rèm chìm sông vắng
Nước dòng cuộn chảy tự xưa nay
Mênh mông khói sóng hồn giao động
Lối mộng thu tâm cảm kích hoài.

                                                 SQ.

   LÊN LẦU HOÀNG HẠC
                                Đỗ Chiêu Đức

Ngàn xưa hoàng hạc đã cao bay,
Người đến ngàn sau, viếng chốn nầy
Anh Vũ cỏ non màu vẫn biếc
Tình Xuyên mây trắng sắc chưa phai
Nửa rèm ác lặn chìm như nổi
Một dãi sông dài xưa đến nay
Khói sóng ngập trời nghe cảm khái
Thu tâm dằng dặc mộng trần ai !


    Lục Bát :

Ngàn xưa hoàng hạc cao bay
Ngàn sau người đến bên trời cực Nam
Vũ Châu cỏ vẫn xanh non
Trên Tình Xuyên Các mây còn trắng bông
Nửa rèm ác lặn bên sông
Cổ kim thế sự theo dòng nước trôi
Mênh mông khói sóng bời bời
Cỏi trần dằng dặc bồi hồi thu tâm !

                                   Đỗ Chiêu Đức

ính kèm theo bài viết nầy là tài liệu về ...

                             晴川阁     TÌNH XUYÊN CÁC

       晴川阁是湖北省重点文物保护单位。位于武汉城内汉阳龟山东麓长江边的禹功矶上。晴川阁始建于明代嘉靖年间,其名取自唐代诗人崔颢诗句"晴川历历汉阳树"。有"楚四名楼"之誉。因与对岸黄鹤楼隔江对峙,相映生辉,被称为"三楚胜境"。

      TÌNH XUYÊN CÁC 晴川阁 là đơn vị trọng điểm bảo vệ những vật phẩm văn hóa. Vị trí nằm ở trên bờ đá Vũ Công Cơ của sông Trường Giang, phía đông của Quy Sơn thuộc địa phận Hán Dương ở trong thành Vũ Hán. Tình Xuyên Các được bắt đầu xây dựng từ năm Gia Tĩnh triều Minh. Tên lầu được đặt theo câu thơ " Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ 晴川历历汉阳树 " của Thôi Hiệu đời Đường. Tình Xuyên Các thuộc một trong bốn lầu các nổi tiếng của đất Sở ( Sở tứ danh lâu 楚四名楼 ), vì nằm đối diện với Hoàng Hạc Lâu ở bên kia sông, nên cùng soi rọi làm đẹp cho nhau, được xưng tụng là " tam Sở thắng cảnh 三楚胜境 " (  một trong ba thắng cảnh của đất Sở ).

                                                                                                        Đỗ Chiêu Đức dịch.               
 * Hình ảnh của Tình Xuyên 晴川阁 Các hiện nay.


1 nhận xét:

  1. Những bài thơ này rất hay và phân tích cũng rất tuyệt vời, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...