Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Vai Phụ - Thanh Nam

Bây giờ, mỗi lần đi coi hát, nhìn thấy những diễn viên thủ những vai phụ, tôi lại chợt nhớ đến Liêm. Tôi nhìn lên những diễn viên đó (những diễn viên mà suốt một vở tuồng chỉ xuất hiện vào khoảng độ mười phút trở lại) lòng se sắt một nỗi buồn. Hình ảnh của họ là hình ảnh của Liêm mười năm về trước. Cũng những vai trò tầm thường ấy, cũng những câu nói ngắn ngủi ấy, có khi là một vai lính hầu suốt buổi hát chỉ chờ để “Dạ” một tiếng thật lớn, có khi là một vai tướng cướp, một tên côn đồ hung dữ mà vở tuồng chưa qua khỏi màn đầu đã bị giết chết. Tôi nhìn họ, nghĩ đến những chiếc tàu nằm ở những ga hẻo lánh, suốt đời chỉ giữ có mỗi một nhiệm vụ là đẩy giúp những con tàu chính lên khỏi một đoạn đèo dốc. Ngày xưa, đã có lần tôi ví Liêm là chiếc đầu tàu xe lửa đó.

Liêm với tôi quen nhau hết sức tình cờ. Ngày ấy tôi đi theo một đoàn hát cải lương lưu diễn quanh năm tại các tỉnh miền Bắc. Tôi giữ vai trò cũng không lấy gì làm quan trọng lắm trong đoàn hát này. Suốt ngày, tôi chỉ có một nhiệm vụ là cùng với một anh soạn giả chính trong đoàn, sáng tác những vở mới. Công việc thật nhàn hạ. Cốt tuồng thì đã có anh soạn giả nhà nghề nghĩ ra, cả đến lớp lang và những bản ca trong vở, tôi càng không phải nghĩ đến. Tôi chỉ có việc viết đối thoại hoặc sửa lại những bản ca cho nó có vẻ… văn chương một chút. Những lúc rảnh rang, tôi thường la cà đi thăm những diễn viên trong đoàn. Phần nhiều tất cả đều ở ngay rạp hát. Bên dưới các bục gỗ dùng làm sân khấu của rạp là những gia đình tài tử hạng trung. Còn những người phụ diễn, những tài tử chỉ cần có mặt mười phút trong một đêm thì ở ngay trên sân khấu. Khi khán giả đã về hết rồi và những chiếc đề-co đã được dỡ đi thì họ kê lên đó những chiếc ghế bố.

Cứ như vậy mà ngủ, không mùng, không chăn. Vào những tháng lạnh, họ ngủ chung với nhau, ba bốn người đắp chung một chiếc chăn. Cuộc sống của họ không hơn gì những người phu sân khấu, những công nhân khuân dọn đề-co. Còn đào kép chính lẽ dĩ nhiên là đời sống sáng sủa hơn. Họ được ở trong những phòng riêng, ăn uống cũng riêng biệt. Liêm thuộc vào hạng tài tử phụ, bởi vì anh chuyên môn đóng những vai lính hầu, người ở và đôi khi trong một vài vở tuồng huyền bí anh được thủ những vai quái vật. Cả bộ mặt đẹp trai của anh bị vẽ xanh đỏ lòe loẹt và phần nhiều bị che giấu sau những chiếc đầu ác thú gớm ghê. Sở dĩ tôi chú ý tới Liêm giữa số hàng chục diễn viên phụ của ban hát là vì anh không giống như những người kép hát khác.

Cuộc sống của anh không hùa theo đa số. Có nhiều người sau khi vãn hát là kéo nhau đi ăn uống hoặc sà vào một tiệm hút nào đó nằm cho tới sáng, buông trôi cái đời mà họ cho là nghệ sĩ, song Liêm thì thật là khác hẳn. Tôi đã để ý nhiều lần và thấy ở Liêm có nhiều nét đặc biệt, nổi bật lên giữa đám người sống trà trộn đó. Ngay cả từ dáng dấp đến cách nói năng, mỗi thứ ở người Liêm đều biểu lộ ra sức sống phong phú mãnh liệt. Khi được nói chuyện với Liêm rồi, tôi lại càng thấy sự nhận xét của tôi là đúng và không khỏi ngạc nhiên về sự có mặt của anh ở trong đoàn hát này. Nhất là sự có mặt ấy lại chẳng có vinh dự gì. Tôi nghĩ, một người như anh với trình độ học thức tương đối khá, anh có thể dễ dàng kiếm được một chân thư ký ở ngoài, vừa có tiền vừa đỡ cực nhọc, mà tại sao anh lại lao đầu vào đi theo đoàn hát để tự đày đọa, rẻ rúng cái thân mình như vậy? Cũng vì sự thắc mắc đó mà chúng tôi chóng trở nên thân thiết với nhau, Liêm cho tôi biết qua về gia cảnh của anh.

Cha mẹ buôn bán, những người anh của Liêm đều có một địa vị xứng đáng trong xã hội. Nghĩa là gia đình anh thuộc vào hạng trung lưu nếu không muốn gọi là giàu có. Tôi biết là khi nói về gia đình mình Liêm đã hết sức thành thật. Tôi hỏi tại sao anh không trở về với gia đình hoặc là theo đuổi việc học, hoặc là tìm một việc làm gì hợp với khả năng hơn thì anh chỉ im lặng rồi nói lảng sang chuyện khác. Từ khi biết Liêm, tôi bao trùm lấy con người anh. Có lúc, tôi đoán là Liêm đã thi trượt mảnh bằng Tú tài nên phẫn chí mà tự làm hư hỏng cuộc đời, hoặc giả anh là một người có tâm hồn phiêu đãng thích cuộc sống giang hồ nay đây mai đó. Cũng có khi tôi lại khoác cho anh một bộ mặt si tình. Tôi nghĩ đến câu chuyện một anh học sinh vì mê một cô đào hát mà bỏ gia đình để đi theo đoàn hát làm một chân khuân vác đề-co và thấy rằng rất có thể Liêm đang đóng vai trò của anh học sinh kia.

Song, bằng ấy giả thuyết đưa ra, tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Cuộc sống của Liêm ví như những con sóng ngầm ở dưới đáy đại dương, sự luân lưu của nó không bao giờ hiện lên mặt. Liêm vẫn có vẻ mãi mãi là một con người bí mật đối với tôi, nếu câu chuyện mà tôi sắp kể lại dưới đây không xảy ra.

Cuối năm đó, đoàn hát của chúng tôi về diễn ở một tỉnh duyên hải miền Bắc. Bà chủ gánh có yêu cầu chúng tôi viết cấp tốc một vở tuồng mới để kịp diễn trong buổi đầu năm. Đây là một dịp để cho đoàn hát thâu tiền mạnh nhất trong năm, nếu có được một vở tuồng mới ăn khách.

Anh soạn giả chính của đoàn đã bàn luận với tôi suốt cả một đêm về cốt truyện để viết. Tuồng La Mã, Nghìn Lẻ Một Đêm, loại ca vũ nhạc diễm huyền, loại phiêu lưu, loại xã hội v.v… được nêu lên để thảo luận. Sau cùng, chúng tôi đồng ý đưa ra một vở tuồng “xã hội, tâm lý, ái tình” thuộc các loại “Lan và Điệp.” Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng các loại đó bao gồm đủ cả ái tình và nước mắt cũng như những trận cười hoan hỉ, rất hợp với thị hiếu của đa số khán giả. Công việc bắt đầu. Lần này, nhiệm vụ của tôi nặng hơn. Tôi vừa phải nghĩ cốt truyện lại vừa phân cảnh, soạn lớp và viết luôn đối thoại. Anh bạn soạn giả chính vì còn mắc viết tiếp vở tuồng mới khác nên chỉ giúp tôi công việc soạn lời ca. Trong thời gian tôi viết vở tuồng mới này không lúc nào là Liêm không có mặt bên cạnh tôi.

Về sau, anh ta biến thành một thư ký riêng của tôi. Viết xong trang nào tôi lại giao cho Liêm đánh máy thành nhiều bản để tiện kiểm duyệt và trao cho các tài tử tập dượt. Để cho vở tuồng có được kết quả chắc chắn về mặt diễn xuất, tôi yêu cầu họ tập luôn từng màn đã xong trong khi tôi đang viết màn tiếp. Lẽ dĩ nhiên, cũng như bao nhiêu vở trước, hai vai chính đều giao cho hai tài tử chính của đoàn. Hai người này tôi phải nói rằng, đối với họ tôi không có cảm tình cho lắm, mặc dù họ là những cây tiền của đoàn hát. Vở tuồng của tôi nếu có thành công hay không một phần lớn trông cậy vào họ. Nhưng nói về diễn xuất thì họ là những kẻ bừa bãi nhất. Những giờ tập dượt ít khi được họ tôn trọng.

Đã vậy, họ lại ỷ vào cái tài “cương” của họ mà không chịu học vở đến nơi đến chốn. Chỉ có bài hát là họ bắt buộc phải học kỹ vì họ biết khán giả thích nghe họ hát hơn là xem tài diễn xuất của họ. Tuy biết vậy, song tôi cũng đành chịu, không dám động đến họ. Có một điều lạ là trong vở tuồng, Liêm chỉ đóng một vai rất nhỏ trong màn đầu, nhưng tất cả những buổi tập anh đều có mặt và rất chăm chú theo dõi cách thức của các tài tử. Những lúc đó tôi thấy anh như một nhà đạo diễn ngồi coi các tài tử diễn thử. Anh ngồi vào hàng ghế góc rạp trong làn ánh sáng nửa vời, nét mặt linh động lạ thường. Tôi nghĩ đến giấc mơ của tất cả những diễn viên phụ. Chắc Liêm cũng đang ước mơ một ngày nào đó sẽ được thủ những vai như tài tử chính trong đoàn.

Nghĩ vậy tôi càng thấy thương Liêm hơn. Buổi tối, hôm tập xong màn chót vở tuồng, tôi rủ anh sang một tiệm cà-phê gần đó và muốn cho anh thấy rằng dù anh chỉ là một kép phụ, rất phụ, trong đoàn tôi vẫn coi anh như một nghệ sĩ, tôi liền ngỏ ý muốn anh cho ý kiến về vở tuồng. Lúc đầu thì tôi nghĩ rằng hỏi anh là để cho có chuyện mà thôi, nhưng sau tôi đã vô cùng kinh ngạc khi thấy anh đưa ra những nhận xét xác đáng lạ thường. Ngoài một vài chỗ yếu của vở tuồng mà tôi đã phải đồng ý với anh, anh lại còn có những nhận xét thật là tế nhị về sự diễn xuất của các vai. Anh không hề bỏ qua một cử chỉ nào của mỗi diễn viên. Anh phê bình cặn kẽ đến nỗi mà trong một lúc, tôi thấy vở tuồng hoàn toàn hỏng về mặt diễn xuất. Tôi không hiểu Liêm đã học những kinh nghiệm diễn xuất ấy ở đâu. Trong sách vở hay qua kinh nghiệm của những năm tháng đi theo đoàn hát?

Sau buổi nói chuyện đó tôi càng thấy quý mến Liêm hơn. Và dù không thể nào làm theo ý kiến của anh để sửa đổi lại hoàn toàn vở tuồng, tôi cũng đã cố gắng can thiệp để cho các tài tử phải sửa đổi vài đoạn diễn xuất trong vở.

Thế rồi, ngày diễn vở tuồng đó tới. Một việc không may xảy ra. Trước hôm diễn một ngày, Lộc vai chính trong vở bị khản đặc tiếng. Cả đoàn chỉ trông cậy vào vở này. Nếu Lộc khản tiếng thì vở tuồng coi như phải bỏ vì không có một nam diễn viên nào có thể thay Lộc được. Bà chủ gánh cuống quýt. Chúng tôi thi nhau đi tìm thuốc cho Lộc. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Lộc vẫn không thể nào nói được thành tiếng chứ đừng tính đến chuyện hát nữa. Chết một nỗi là đoàn hát đã quảng cáo rùm beng từ một tháng trước vở tuồng này và lại là dịp đầu năm không thể nào tìm vở khác thay được.

Sau cùng, tôi chợt nghĩ đến Liêm, không hiểu tại sao lúc đó tôi lại cho là Liêm có thể thay Lộc được và, táo bạo hơn nữa, tôi lại đem ngay ý kiến đó đề nghị với bà chủ gánh và anh bạn soạn giả kiêm đạo diễn của đoàn. Lúc đó thì mọi người cùng tưởng là tôi nói đùa, về sau thấy bộ mặt quả quyết của tôi thì mọi người lại nghĩ là tôi điên. Nhưng, dù muốn dù không cũng là một cách giải quyết cuối cùng.

Mọi người cho gọi Liêm tới. Như tôi đã nói, mặc dù chỉ là một kép phụ, nhưng Liêm là một tài tử đẹp trai nhất đoàn, nên cái khuôn mặt của anh cũng đã gây được một phần tin cậy cho bà chủ gánh hát. Đến lúc tôi bảo anh đọc thử một đoạn trong vở thì đề nghị của tôi được chấp thuận ngay. Thế là cả ngày hôm sau mọi người lại bắt đầu tập dượt lại vở tuồng cho ăn khớp với nhau.

Điều mà không ai ngờ tới là Liêm thuộc vở một cách nhanh chóng lạ lùng. Chỉ có một đêm mà anh đã thuộc gần hết đối thoại trong vở. Bà chủ gánh bấy giờ mới thấy yên tâm và chỉ còn tiếc là giọng ca của Liêm bị yếu quá, không thể nào làm cho khán giả quên Lộc được. Buổi tập hôm đó, tôi thấy Liêm sung sướng ra mặt. Chưa bao giờ tôi thấy nét mặt của anh tươi sáng như thế. Chỉ có một điều đáng buồn là cô đào chính khi thấy mình bị đóng với Liêm, một kép phụ tầm thường, thì liền biểu lộ sự bất mãn ra bằng cách thờ ơ trong việc tập dượt. Chúng tôi phải dùng đủ mọi cách để khuyến khích nàng song tình thế chẳng thay đổi được một chút nào. Trong khi tập, nàng không chịu đứng cạnh Liêm lấy cớ bị mệt, ngồi trên chiếc bàn nhỏ và nói:

– Tôi quen quá rồi, khỏi cần dượt thêm cho tốn công. Chỉ ngại anh Liêm chưa đóng vai chính bây giờ mới cần phải tập thôi.

Rồi tới những đoạn hai người tình tự với nhau, trong khi Liêm để hết tinh thần vào sự diễn tả từ điệu bộ cho đến lời nói thì nàng… vừa… ăn nho vừa diễn một cách gượng gạo. Tôi thấy mặt Liêm tái đi. Mồ hôi lấm tấm trên trán vì tức giận. Ngay đến tôi cũng thấy khó chịu và chướng mắt vì cử chỉ đó. Tôi biết là Phượng – cô đào chính – đã mang sẵn một thành kiến không tốt đẹp đối những anh kép phụ như Liêm. Có lẽ nàng nghĩ rằng đóng với một diễn viên không có tên tuổi như Liêm thì cái danh tiếng của nàng sẽ bị mất hết.

Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, vở tuồng cũng được khai diễn. Người coi đông như nêm cối. Mới tám giờ mà vé đã bán hết phải bán lố tới vé ngày hôm sau. Trước giờ mở màn, Liêm gọi tôi ra một góc sân khấu, nói khẽ:

– Bao nhiêu năm trời tôi chờ đợi phút này.

– Liêm có cảm động không?

– Có, nhưng ít thôi. Anh nên đứng nhắc vở giúp tôi. Tôi sợ một vài đoạn chưa được thuộc lắm.

Tiếng chuông reo báo hiệu giờ khai diễn. Nhạc bắt đầu nổi. Tôi thấy Liêm đứng sau một tấm cánh gà, nhẩm lại vở. Trông anh lúc bấy giờ thật là đẹp. Chưa bao giờ tôi thấy một diễn viên nào tôn trọng vở tuồng bằng anh. Còn Phượng thì hình như không để ý gì tới buổi diễn cả. Nét mặt nàng buồn như đến nhà có tang. Nàng đủng đỉnh thay áo, vẽ mặt và hầu như không hề chú ý – dù chỉ một giây ngắn ngủi – tới Liêm. Tới lúc vở tuồng bắt đầu, Phượng bước ra sân khấu như một cái máy. Nàng đã đóng sai lạc hết cả ý nghĩa vai trò của nàng nhưng khán giả vẫn cứ hoan nghênh như thường. Tôi đặt hết tin tưởng vào Liêm và hy vọng nhờ vở tuồng này, anh sẽ bước lên một địa vị khá hơn trong làng sân khấu.

Giờ phút nghiêm trọng đã tới. Liêm xuất hiện trên sân khấu giữa tiếng ồn ào của khán giả từ dưới vọng lên:

– Kép mới, kép mới!

Tôi nghe tim mình như ngừng đập và không ngớt cầu mong cho Liêm trấn áp được những tiếng ồn ào kia. Đúng như ý tôi muốn, Liêm tỏ ra bình tĩnh. Đứng trong hậu trường nhìn ra, tôi không khỏi khen thầm cho tài diễn xuất già dặn của anh.

Hết màn thứ nhất. Tôi thở ra một hơi dài như vừa trút được gánh nặng. Liêm chạy đến nắm tay tôi:

– Tất cả sự thành công của tôi đêm nay là nhờ anh.

Tôi khuyến khích Liêm mấy câu rồi chạy lại chỗ Phượng gợi chuyện:

– Chị thấy Liêm đóng sao? Khá đấy chứ?

Giọng Phượng lạnh lùng đến tàn nhẫn:

– Khá? Tôi mong khán giả cũng nghĩ như anh.

Biết nàng không bao giờ có thể đồng ý với mình được, tôi bỏ đi chỗ khác. Ít nhất, trong tôi lúc đó cũng chớm nở một niềm kiêu hãnh vì đã khám phá ra một tài năng mới của sân khấu. Và tôi yên tâm chờ đợi màn thứ hai. Lần này cũng như màn trước, theo sự nhận xét của tôi, Liêm vẫn đóng trọn vai trò của mình. Tôi nhìn thấy tương lai của anh bắt đầu mở rộng từ phút này. Và, tôi nghĩ đến những vở tuồng sắp viết để cho Liêm có thể trổ được hết tài nghệ diễn xuất. Từ trong sân khấu, tôi ném cho Liêm một cái nhìn trìu mến. Liêm cũng trả lời tôi bằng một nụ cười tin tưởng.

Nhưng, bỗng nhiên từ dưới sân khấu, tiếng rì rầm mỗi lúc một lớn và chuyển thành những lời phê bình ầm ỹ mà đến nỗi đứng trong hậu trường, tôi cũng nghe thấy rõ hết:

– Diễn gì mà chỉ toàn thấy nói từ đầu tới cuối thế này! Sao không thấy hát gì cả.

– Văn Lộc đâu? Văn Lộc? Kép chánh đâu?

Những tiếng “Văn Lộc”, “kép chánh” được truyền từ miệng người nọ sang người kia, phút chốc vang lên như một lời đòi hỏi cương quyết. Tôi thấy Liêm bắt đầu bối rối không còn tự nhiên như trước nữa. Anh đã cố gắng để trấn áp những tiếng ồn ào kia, nhưng lần này thì hoàn toàn thất bại.

Một vài tiếng huýt sáo nổi lên.

Rồi đến tiếng ghế lọc xọc báo hiệu một vài khán giả đứng dậy bỏ về. Bà chủ gánh mặt cắt không còn hột máu chạy lại cạnh tôi:

– Làm thế nào bây giờ hả ông? Họ mà đòi vé bây giờ thì thật chết hết!

Tôi cố tìm một vài câu nói để cho bà vững dạ nhưng chính tôi lúc bấy giờ, tôi cũng đã bắt đầu lo sợ. Cũng may là màn hai đã hết. Liêm bước xuống. Liêm bước vào, ngã ngồi ngay xuống một chiếc ghế gần đó, không nói không rằng. Còn Phượng thì nét mặt sa sầm, nặng trĩu, nói một câu còn đau đớn hơn cả những tiếng ồn ào của khán giả:

– Thật các người đã giết tôi. Tôi đã nói ngay từ đầu mà không ai chịu nghe tôi cả, đi bắt tôi đóng chung với một anh kép không có tên tuổi như thế thì khán giả hoan nghênh làm sao được.

Liêm bỗng chồm dậy nhìn Phượng định nói một câu gì đó, song không hiểu nghĩ sao, anh lại ngồi xuống ghế rũ ra như tàu lá héo.

Chúng tôi không còn biết làm thế nào hơn là ra xin lỗi khán giả và hứa sẽ diễn lại vở tuồng này khi nào kép Văn Lộc khỏi bệnh.

Màn thứ ba mở lên. Bên dưới, khán giả chỉ còn một nửa. Và cứ thế khán giả lần lượt bỏ về gần hết khi biết tin là kép Văn Lộc bị khản tiếng. Khi vở tuồng chấm dứt, một không khí nặng nề bao phủ hậu trường. Tôi biết là nếu có mặt ở đó thì chắc chắn sẽ phải nghe một câu nói không đẹp đẽ gì của bà chủ gánh hát, bèn bỏ ra ngoài và có ý định rủ Liêm đi chơi đêm đó để an ủi anh. Nhưng, cả đêm hôm đó, tôi không thấy mặt Liêm ở đâu.

Ngày hôm sau, chương trình bắt buộc phải đổi lại. Chúng tôi phải diễn một vở tuồng Tàu để chờ cho Văn Lộc khỏe lại mới có thể diễn tiếp được vở mới. Và, như vậy có nghĩa là Liêm lại trở về vai trò cũ của mình trong đoàn hát, anh không hề có một ý kiến gì về chuyện này. Nét mặt anh già hẳn đi sau đêm diễn xuất thất bại. Tôi ít gặp anh và có cảm tưởng rằng anh muốn trốn tránh tất cả mọi người, ngay cả tôi nữa.

Một tuần sau, Văn Lộc khỏi bệnh, chúng tôi lại bắt đầu chương trình quảng cáo cho vở tuồng được diễn tiếp. Đêm đầu tiên của buổi trình diễn lại này, khán giả vẫn đông nghẹt rạp. Và khi Văn Lộc bước ra sân khấu, từng hồi vỗ tay nổi lên. Tôi nhìn sang phía Liêm. Lúc ấy anh đang ngồi phụ với người kéo màn. Mặt anh gục lên hai bàn tay. Toàn thân anh rúm ró lại như chiếu bị rách, mỗi lần từ dưới sân khấu vọng lên những tràng vỗ tay khen thưởng Văn Lộc.

Hết màn hai, tôi không thấy Liêm đâu nữa. Vì còn vướng nhắc tuồng nên tôi không thể đi tìm Liêm ngay lúc đó được. Tôi biết mỗi một tiếng vỗ tay khen thưởng Văn Lộc lúc đó là một nhát dao chém vào người Liêm. Tôi thấy anh bỏ đi như vậy là hợp lý. Vì nếu còn ngồi lại, Liêm sẽ còn khổ tâm hơn nữa khi thấy từng xấp bạc từ dưới ném lên sân khấu để thưởng cho tài diễn xuất của Văn Lộc và nghe thấy từng tiếng xuýt xoa, rên rỉ của khán giả vẳng lên khi Văn Lộc vào sáu câu vọng cổ quá mùi.

Thấy vở tuồng ăn khách, bà chủ quyết định cho diễn mười đêm liền. Và quả nhiên như dự tính của bà, chín đêm sau đêm nào cũng chật rạp!

Một tháng sau khi xảy ra câu chuyện trên thì Liêm đã rời khỏi đoàn hát. Anh bỏ đi một cách hết sức kín đáo đến nỗi hai ngày sau người ta mới khám phá ra sự vắng mặt của anh.

Người kép phụ đó như bao nhiêu người kép phụ khác đều chịu chung một số phận hẩm hiu: có mặt hay không, ở sân khấu hay ở trong hậu trường, chẳng ai cần để ý tới. Thiếu Liêm, đoàn hát vẫn không có một chuyện gì thay đổi. Một anh công nhân đề-co được chọn vào thay thế cho Liêm.

Người ta làm việc bình thản như khi ta thay bức ảnh cũ trên tường. Tất cả mọi người không còn một ai nhớ đến Liêm nữa. Chỉ có tôi. Tôi không sao quên được Liêm. Hình ảnh của anh đè nặng trong tôi. Cho mãi tới bây giờ, tôi đã rời xa đoàn hát cũ, không còn làm cái nghề soạn tuồng cải lương nữa, và đã mười năm rồi, mỗi lần đi coi hát nhìn những vai trò không quá mười phút trong một vở tuồng, tôi lại nhớ tới Liêm, nhớ đến những con tàu suốt đời làm cái việc đẩy những con tàu khác vượt khỏi những đoạn đèo dốc…


Thanh Nam

*Nhà văn Thanh Nam tên thật là Trần Đại Việt, sinh ngày 26-8-1931 tại Nam Định, phụ thân của ông làm Tổng giám thị trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội trước 1954. Khi mới 15 tuổi, Thanh Nam đã có thơ đăng trên tuần báo Thiếu Nhi tại Hà Nội và viết sách dành cho tuổi hoa niên của nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh. Năm 1953 ông vào Sàigòn, làm Tổng thư ký báo Thẩm Mỹ.

Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài, bình thơ… cũng như ký nhiều bút hiệu khác nhau. Năm 1960, Thanh Nam hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên Sa và Thái Thủy chủ trương, và làm Tổng thư ký tuần báo Nghệ Thuật, cùng viết bài trên tuần báo Kịch Ảnh mà chủ bút cả hai là Mai Thảo. Sau đó ông kết hôn với nhà văn Túy Hồng, rồi di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, định cư tại Seattle, tiểu bang Washington. Tại đây ông cộng tác với tờ Đất Mới là một trong vài tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Hoa Kỳ.

Ông có 10 tác phẩm đã xuất bản ở miền Nam trước 1975, và tác phẩm “Đất Khách” được xuất bản tại hải ngoại vào năm 1983.

Nhà văn Thanh Nam mất ngày 2 tháng 6 năm 1985 vì ung thư thanh quản, hưởng dương 54 tuổi.

1 nhận xét:

  1. Những vai phụ rất quan trọng; nó ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của vai chính

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...