Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Song Phan: Giới thiệu bài viết bóc mẽ bằng chứng lịch sử của Tàu Cộng


Trong stt trước update về vụ Malaysia nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa Liên Hiệp quốc, tôi có bình về câu thần chú “TQ có….. bằng chứng lịch sử và pháp lí phong phú” là toàn là bịa đặt. Xin giới thiệu với các bạn bài viết của GS Johannes L. Kurz, ĐH Brunei Darussalam, The South China Sea and How It Turned into “Historically” Chinese Territory in 1975.
Bài này vạch trần những gian trá, bịa đặt của Chính phủ lẫn học giả Tàu Cộng trong việc viện dẫn ‘lịch sử’ để làm bằng chứng cho yêu sách của họ trên các vùng biển không phải của mình. Bài viết được Bill Hayton đánh giá là “a forensic account for an international academnic fraud” (tạm dịch là ‘một biên bản điều tra chuyên sâu cho môt vụ lừa đảo học thuật quốc tế’).
Các thủ thuật gian trá của họ cho thấy trong bài viết không có gì lạ lẫm, cũng gồm việc cắt xén các đoạn trích khỏi văn cảnh, ‘quên’ chỉ rõ vị trí đoạn trích… giống như cách mà các sinh viên yếu và kém đạo đức hay các ‘nhà nghiên cứu’ dỏm từng làm.
Lợi dụng ở phương Tây có ít người biết tiếng Tàu, họ thậm chí lôi cả các sách vở xưa thuộc loại truyện fiction (hư cấu để đọc giải trí…) làm bằng chứng lịch sử. Lợi dụng chữ Tàu không có chữ hoa dùng phân biệt danh từ riêng và danh từ chung, cũng như chữ Tàu xưa không có dấu câu, họ tuỳ tiện chọn danh từ trong câu làm danh từ riêng, tuỳ tiện đặt dấu câu, thậm chí có học giả Tàu còn táo tợn hơn, đổi vị trí từ trong câu, thay chữ bằng chữ gần giống để làm khớp với lập luận của họ.
Một ví dụ nổi cộm mà bài viết này mổ xẻ gần như có đủ mọi kiểu gian dối vừa nêu: Chính phủ và các học giả Tàu Cộng dẫn chứng đoạn sau đây trong cuốn Dị vật chí (Ghi chép về những thứ lạ lùng – tức kiểu giống như chuyện liêu trai, chuyện ma quái… không phải là chính sử) của Dương Phu 杨孚 thời nhà Hậu Hán (25 – 220 CE):
涨海崎头,水浅而多磁石,徼外人乘大舶,皆以铁锢之,至此关,以磁石不得过
zhǎng hǎi qí tóu, shuǐ qiǎn ér duō cí shí, jiǎo wài rén chéng dà bó, jiē yǐ tiě gù zhī, zhì cǐ guān, yǐ cí shí bù dé guò
(Trướng hải khi đầu, thủy thiển nhi đa từ thạch, kiếu ngoại nhân thừa đại bạc, giai dĩ thiết cố chi, chí thử quan, dĩ từ thạch bất đắc quá), có nghĩa là:
Có nhiều đá mấp mô trong biển trướng, và ở đó nước cạn và có rất nhiều đá nam châm. Người nước ngoài (kiếu ngoại nhân 徼外人) gia cố thuyền lớn bằng các tấm kim loại. Khi họ đến vùng biển này thì không thể vượt qua được vì thuyền bị đá nam châm hút).
Đoạn này trong cuốn sách có tựa như vậy nên phải hiểu đây nói về một điều kì lạ. Và cái kì lạ ở đây rõ ràng là trong biển có đá, có từ tính mạnh đến nỗi hút thuyền có gia cố sắt dưới đáy không đi được. Các mô tả khác là bình thường.
Dĩ nhiên, khi lấy đoạn này làm bằng chứng Bộ Ngoại giao Tàu Cộng đã xén bớt phần dị thường đó đi (để người đọc nghĩ đây là chuyện thuộc loại non-fiction, sử thứ thiệt) và thêm vào các chữ hoa (khi viết theo lối bính âm) theo ý đồ đen tối của họ thế này:
Zhǎng hǎi Qí tóu, shuǐ qiǎn ér duō cí shí” (Trướng Hải Khi Đầu, thủy thiển nhi đa từ thạch)
Và họ diễn giải ‘Trướng Hải’ chính là tên của biển Đông khi xưa (điều này có thể đúng vì cuốn sách sau này Nam Châu DVC cũng có đoạn tương tự, mà Nam Châu là phần phía Nam Tàu bao gồm cả Việt Nam lúc đó, do đó biển ở đó là biển Đông dù ‘trướng hải’ có nghĩa là biển trương lên/ dâng lên nhưng hiện nay vẫn chưa có sự thông nhất trong giới học thuật về điều này).
Còn ‘Khí Đầu’ được diễn giải là tên chung chỉ tất cả đảo ở biển Đông, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi ‘khí đầu’ có nghĩa ‘các mỏm đá nhấp nhô trên biển’! Từ đó, họ diễn dịch rằng, ít ra từ thời nhà Hậu Hán người Tàu đã biết và đặt tên cho các đảo ở biển Đông, ghê chưa!
Thật ra, dù biết ‘khôn’ giấu giếm, cắt xén, điều chỉnh… nhưng lại không ‘ngoan’ để cắt luôn 3 chữ ‘nhi đa từ thạch’ (nhưng có nhiều đá nam châm) vì các đảo ở biển Đông có chỗ nào có nhiều đá nam châm đến mức phải kể ra, hoặc đến mức hút thuyền sắt không chạy đi được (nếu biết thêm phần bị cắt), tức vẫn lòi ra một phần kì lạ không có trong thưc tế (fiction)!
Còn học giả Tàu Thân Kiến Minh táo tợn hơn, vẫn giữ nguyên đoạn văn giống như trên trong phiên bản Nam châu dị vật chí lưu trong Thái Bình ngự lãm, rồi cũng chính chữ hoa (khi chuyển sang bính âm), và thay một chữ cùng đổi thứ tự của 2 chữ khác: 涨海崎头,水浅而多磁石,徼外人乘大船,皆以铁锢之,至此关,以磁石不得过 Zhǎng hǎi qí tóu, shuǐ qiǎn ér duō cí shí, JIǍO WÀI rén chéng dà CHUÁN, jiē yǐ tiě gù zhī, zhì cǐ guān, yǐ cí shí bù dé guò
(Trướng hải khí đầu, thủy thiển nhi đa từ thạch, NGOẠI KIẾU nhân thừa đại THUYỀN, giai dĩ thiết cố chi, chí thử quan, dĩ từ thạch bất đắc quá). Có nghĩa là:
Có nhiều đảo nhỏ, cồn cát, rạn đá và bãi cát ở biển Đông, ở đó nước cạn và chứa đầy đá nam châm. Các quan đi tuần biển dùng thuyền lớn có bọc sắt; Khi đến khu vực này, họ không thể tiến xa hơn vì đá nam châm.
Giống như Bộ Ngoại giao Tàu Cộng, Thân Kiến Minh đã biến ‘Trướng hải’ thành biển Đông nhưng chỉ biến ‘khí đầu’ thành các ‘đảo nhỏ, cồn cát, rạn đá và bãi cát’ trong biển đó (chứ không phải là tên gọi chung như Bộ Ngoại giao). Với xảo thuật đổi thứ tự 2 chữ ‘kiếu ngoại’ thành ‘ngoại kiếu’, Minh đã biến người nước ngoài ở “bên ngoài biên giới (KIẾU NGOẠI nhân) thành quan “tuần tra biên giới” (NGOẠI KIẾU nhân).
Ngoài ra, Minh đã thay chữ BẠC (thường dùng chỉ ghe thuyền có xuất xứ từ các nước ĐNÁ) thanh chữ THUYỀN (ghe thuyền của Tàu). Với 2 xảo thuật này, Minh đã biến mô tả việc đi thuyền của người nước ngoài thành việc TUẦN TRA của quan Tàu tới khu vực có hiện tượng kì dị đó. Và như vậy có thể diễn dịch rằng Tàu đã biết đặc tính các đảo/đá ở biển Đông và đã thực hiện chủ quyền qua việc tuần tra dù trong câu văn không có từ nào có ý tuần tra.
Bài còn vạch ra nhiều điều gian dối và trí trá khác và cho một loạt tài liệu cùng các đường link tham khảo, bạn nào quan tâm tìm đọc thêm. Tôi đã dịch xong, đang gởi đăng, sẽ cho link cho các bạn sau khi bài được công bố.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...