Nguồn: Walter Scheidel, “Why the Wealthy Fear Pandemics”, The New York Times, 09/04/2020.
Biên dịch: Trần Hùng
Tác phẩm “Decameron” của Giovanni Boccaccio ghi lại một cảnh mà ông
chứng kiến tận mắt: “Khi tất cả các huyệt mộ đã kín chỗ, người ta đào
những cái hố khổng lồ ở sân nhà thờ, hàng trăm người mới chết được ném
xuống đó, chen sát nhau thành từng lớp như hàng trên tàu”. Còn theo
Agnolo di Tura đến từ Siena, “quá nhiều người chết đến nỗi tất cả đều
tin rằng ngày tận thế đã tới”.
Và đó chỉ mới là sự khởi đầu. Bệnh dịch đã quay trở lại chỉ một thập
niên sau đó và các đợt bùng phát lâu lâu tiếp diễn trong một thế kỷ
rưỡi, làm dân số nhiều thế hệ giảm liên tiếp. Nhà sử học người Ả Rập Ibn
Khaldun đã viết: “Vì bệnh dịch hạch khủng khiếp này tàn phá các quốc
gia và khiến dân số giảm, toàn bộ thế giới nơi có con người sinh sống đã
thay đổi”.
Những người giàu nhận thấy một số thay đổi này rất đáng báo động.
Theo lời của một nhà biên niên sử người Anh khuyết danh, thì “sự thiếu
hụt lao động xảy ra sau đó khiến người nghèo cũng kén chọn việc làm, và
hiếm khi có thể được thuyết phục làm việc cho các gia đình giàu có với
mức lương cao gấp ba lần bình thường”. Những chủ sử dụng lao động có ảnh
hưởng, chẳng hạn như các địa chủ lớn, đã vận động triều đình Anh thông
qua Pháp lệnh Lao động, qua đó thông báo cho người lao động rằng họ
“phải chấp nhận việc làm được trao” với mức lương khiêm tốn như trước
đây.
Nhưng khi những đợt dịch hạch liên tiếp thu hẹp lực lượng lao động,
những người làm thuê và tá điền “không thèm đoái hoài tới mệnh lệnh của
nhà vua”, như lời phàn nàn của giáo sĩ Augustinian Henry Knighton. “Bất
cứ ai muốn thuê họ cũng đều phải chấp nhận các yêu cầu của họ, nếu không
những vựa trái cây và ngô sẽ không có người thu hoạch và người ta phải
nương theo sự kiêu ngạo và tham lam của người làm thuê”.
Do sự thay đổi trong cán cân giữa người lao động và tư bản, giờ đây
chúng ta biết được qua các nghiên cứu gian khổ của các nhà sử học kinh
tế, rằng thu nhập thực tế của những người lao động không có kỹ năng đã
tăng gấp đôi trên khắp châu Âu trong vài thập niên. Theo hồ sơ thuế còn
tồn tại trong kho lưu trữ của nhiều thành phố ở Ý, tình trạng bất bình
đẳng về tài sản ở hầu hết các nơi này đã giảm mạnh. Ở Anh, các công nhân
đã ăn uống tốt hơn so với trước khi có bệnh dịch hạch và thậm chí còn
mặc những bộ đồ lông thú sang trọng trước thường chỉ dành riêng cho
người giàu. Đồng thời, tiền mướn lao động cao hơn và địa tô thấp hơn đã
vắt kiệt các địa chủ, khiến nhiều người trong số họ không giữ được các
đặc quyền mà họ thừa hưởng. Chẳng bao lâu sau, số lãnh chúa và hiệp sĩ
giảm dần, với số tài sản nhỏ hơn so với trước khi bệnh dịch hạch xảy ra
lần đầu tiên.
Nhưng những kết cục này không phải ngẫu nhiên. Trong nhiều thế kỷ và
thậm chí là thiên niên kỷ, các đại dịch và các cú sốc nghiêm trọng khác
đã định hình các ưu tiên chính trị và quá trình ra quyết định của những
nhà cai trị. Các lựa chọn chính sách diễn ra vì đại dịch đã định hình
việc bất bình đẳng thu nhập tăng hay giảm sau những tai họa đó. Và lịch
sử dạy chúng ta rằng những lựa chọn này có thể thay đổi xã hội theo
những cách rất khác nhau.
Nhìn vào các ghi chép lịch sử trên khắp châu Âu vào cuối thời Trung
cổ, chúng ta thấy rằng giới tinh hoa không dễ dàng từ bỏ đặc quyền, ngay
cả khi đối mặt những áp lực cực độ sau mỗi đại dịch. Trong cuộc Đại nổi
dậy của nông dân Anh năm 1381, một trong những yêu cầu của người làm
công là quyền tự do đàm phán hợp đồng lao động. Giới quý tộc và những
binh lính có vũ trang của họ đã dập tắt cuộc nổi dậy bằng vũ lực nhằm ép
buộc người dân chấp nhận duy trì trật tự cũ. Nhưng các vết tích cuối
cùng của sự ràng buộc phong kiến đã sớm phai mờ. Công nhân có thể đòi
tiền lương cao hơn, và giới địa chủ cùng chủ lao động đã phải cạnh tranh
nhau để tuyển được những lao động khan hiếm.
Tuy nhiên, ở những nơi khác, sự đàn áp vẫn tiếp diễn. Tại Đông Âu vào
cuối thời trung cổ, từ Phổ và Ba Lan cho đến Nga, giới quý tộc đã thông
đồng với nhau để áp đặt chế độ nông nô lên nông dân và kiềm chế một lực
lượng lao động ngày càng suy giảm. Điều này đã thay đổi một viễn cảnh
kinh tế về dài hạn trên toàn khu vực: Lao động tự do và các thành phố
thịnh vượng đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ở Tây Âu, còn khu vực
ngoại vi phía đông tụt hậu lại phía sau.
Xa hơn về phía nam, những chiến binh Mamluk của Ai Cập, một chế độ
cai trị của những kẻ chinh phục đến từ nước ngoài gốc Thổ, đã duy trì
một mặt trận thống nhất để giữ quyền kiểm soát chặt chẽ đối với đất đai
và tiếp tục bóc lột nông dân. Họ buộc những người nông dân ngày càng suy
giảm về số lượng phải trả các khoản địa tô, bằng tiền mặt và hiện vật,
như trước khi xảy ra bệnh dịch. Chiến lược này đã khiến nền kinh tế rơi
vào khó khăn khi nông dân nổi dậy hoặc từ bỏ những cánh đồng của họ.
Nhưng trong đa phần các trường hợp, đàn áp đã thất bại. Đại dịch hạch
được biết đến đầu tiên ở châu Âu và Trung Đông, bắt đầu từ năm 541, là
ví dụ sớm nhất được biết tới. Tương tự như Pháp lệnh Lao động của Anh
800 năm sau, hoàng đế Justinian của đế chế Byzantine đã đàn áp những lao
động khan hiếm, những người “đòi tiền lương gấp đôi, gấp ba, vi phạm
các phong tục cổ xưa” và cấm họ “nuông theo sự tham lam ghê tởm” khi đòi
tiền lương theo giá thị trường cho sức lao động của họ. Tình trạng tăng
gấp đôi hoặc gấp ba tiền lương thực tế được ghi lại trên các tài liệu
bằng giấy cói từ tỉnh Byzantine của Ai Cập cho thấy rõ ràng người ta
không thèm để ý tới sắc lệnh của ông.
Ở châu Mỹ, các thực dân Tây Ban Nha phải đối mặt với những thách thức
tương tự. Trong đại dịch khủng khiếp nhất lịch sử, nổ ra ngay khi
Columbus đổ bộ vào vùng biển Caribbe, bệnh đậu mùa và bệnh sởi đã tàn
phá các xã hội người da đỏ bản địa trên khắp Tây Bán cầu. Sự xâm nhập
của những kẻ chinh phục Tây Ban Nha đã được đẩy nhanh bởi sự tàn phá
này, và họ nhanh chóng giành được những vùng đất khổng lồ và cả làng đầy
nông dân. Trong một thời gian, việc thực thi các biện pháp kiểm soát
tiền lương hà khắc của Phó vương thuộc địa Tân Tây Ban Nha đã khiến
người làm công không gặt hái được bất kỳ lợi ích nào từ tình trạng khan
hiếm lao động ngày càng tăng. Nhưng khi thị trường lao động cuối cùng đã
được mở cửa sau năm 1600, tiền lương thực tế ở miền trung Mexico đã
tăng gấp ba lần.
Không câu chuyện nào trong số này có một kết thúc có hậu cho đông đảo
người dân. Khi số lượng dân số phục hồi sau các đại dịch thời
Justinian, dịch Cái chết đen và trận đại dịch ở châu Mỹ, tiền lương lại
giảm và giới tinh hoa giành lại quyền kiểm soát chặt chẽ. Các thuộc địa
Mỹ Latinh tiếp tục chứng kiến những tình trạng bất bình đẳng lớn nhất
từng được lịch sử ghi nhận. Trong hầu hết các xã hội châu Âu, sự chênh
lệch về thu nhập và tài sản đã tăng lên trong bốn thế kỷ cho đến trước
Thế chiến I. Chỉ đến lúc đó, một làn sóng lớn của những biến động thảm
khốc mới phá hủy trật tự trước đó, và bất bình đẳng kinh tế giảm xuống
mức thấp chưa từng thấy từ sau đại dịch Cái chết đen, nếu không phải là
thời đế chế La Mã sụp đổ.
Nếu tìm kiếm bài học quá khứ cho đại dịch hiện tại của chúng ta,
chúng ta phải cảnh giác với những sự so sánh hời hợt. Ngay cả trong
trường hợp xấu nhất, Covid-19 sẽ giết chết một phần dân số thế giới nhỏ
hơn rất nhiều so với bất kỳ thảm họa nào trước đây, và nó sẽ tác động
tới lực lượng lao động hiện tại và thế hệ tiếp theo thậm chí còn ít hơn.
Lao động sẽ không trở nên khan hiếm đến mức làm tiền lương tăng, và giá
trị bất động sản cũng sẽ không giảm mạnh. Và nền kinh tế của chúng ta
giờ cũng không còn phụ thuộc vào đất nông nghiệp và lao động thủ công.
Tuy nhiên, bài học quan trọng nhất của lịch sử vẫn còn đúng cho đến
ngày nay. Đó là tác động của bất kỳ đại dịch nào cũng vượt ra ngoài số
người chết hay sự suy giảm thương mại. Ngày nay, nước Mỹ phải đối mặt
với sự lựa chọn cơ bản giữa bảo vệ nguyên trạng và tiến hành những thay
đổi tiến bộ. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể thúc đẩy những cải cách về
phân phối lại thu nhập gần giống với những cải cách được kích hoạt bởi
cuộc Đại Suy thoái và Thế chiến II, trừ khi các nhóm lợi ích hiện hữu
quá hùng mạnh không thể vượt qua.
Walter Scheidel, giáo sư lịch sử tại Đại học Stanford, là tác giả của cuốn The Great Leveler: Violence and the History of Inequality From the Stone Age to the Twenty-First Century.
Xem Thêm :Bạo lực và Lịch sử Bất Bình đẳng Kinh tế từ thời Đồ Đá đến TK 21
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2) Như ta đã biết, trong bài trước《T...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Người giàu sợ dịch bệnh nhất vì họ sợ không được hưởng thụ những gì họ có; mặt khác dịch bệnh cũng xoá dần đi khoảng cách giàu nghèo
Trả lờiXóa