Lê Học Lãnh Vân
Niên khóa 1972-1973, lớp 11B1 trường Petrus Ký
chúng tôi học môn Sử với thầy Nguyễn Minh Nhựt. Trước khi học, được nghe
nói thầy trẻ, mới từ Côn Đảo về đất liền.
Ngầu thiệt! Ăn mặc mốt. Áo sơ-mi bó, tay dài xắn
lên. Diện kính mát đen. Da cũng còn sậm màu nắng! Tui còn nhớ, bước vô
lớp, tháo cặp kính mát, nhìn chúng tôi đứng chào, ông cũng đứng nghiêm
kiểu lính đưa tay chào lại rồi rộng miệng cười nói các em ngồi xuống đi,
các em ngồi, tui đứng. Tui không đứng làm sao dạy được, nghề tui phải
đứng nhiều, ngồi ít. Nhiệm vụ của tui là phải đứng cho các em ngồi!
Rất nhanh, ông bước tới bàn lấy viên phấn viết
lên bảng: Chương Trình. Rồi quay lại hỏi: có em nào biết chương trình
năm nay mình học gì không?
Cả lớp nhìn nhau. Vài bạn lên tiếng. Ông viết
theo các bạn. Người này bổ túc ý của người kia, một loáng sau chương
trình trọn năm được viết đầy đủ trên chiếc bảng xanh rộng.
Tôi còn nhớ, thầy Nguyễn Minh Nhựt sau đó nói
rằng, các em thấy không, các em biết hết rồi, tui chưa chắc viết rõ được
như các em. Tui dạy các em là tui đi cùng với các em tới kho kiến thức, các em sẽ tự lấy kiến thức!
Ông nói thêm: trong lớp này, các em là trò, tui là thầy. Ngoài đời, các em là trò, tui cũng là trò.
Nói sao làm vậy, ông dạy rất thoáng. Cho biết
trước bài sẽ học tuần sau, dặn đọc trong sách gì, chương nào… Tới giờ,
giới thiệu bài học xong, hỏi một số câu đào sâu, rồi quăng viên phấn,
xoa tay nói mình xong hết rồi, bây giờ thảo luận. Mục tiêu là thảo luận
sâu vào bài học, nhưng thời đó chiến cuộc đang khốc liệt và một số nơi
súng đạn lan vào thành phố, các thảo luận rồi cũng liên hệ tới Quốc Gia
hay Cộng Sản, Hòa Bình hay Chiến Tranh, Xây Dựng đất nước hay Thống Nhất
đất nước…
Tại lớp tôi, các cuộc thảo luận xảy ra rất thường
trong giờ dạy của thầy Nhựt. Các bạn cùng lớp LT Phương, PT Dũng, NN
Thụ, NV Thành, VT Trung, LT Trực, PT Oai… chắc còn nhớ những cuộc thảo
luận rất nóng. Nóng là nói về nội dung, chớ rất cầu thị, lắng nghe nhau
nếu nói về thái độ. Chỉ có lớp của thầy Nhựt mới có thảo luận nhiều với
các đề tài thẳng thắn như vậy.
Thầy Nhựt để dấu ấn trong tôi bằng hai quan điểm.
Quan điểm về ông Trương Vĩnh Ký, người mà ngôi trường Thầy đang dạy,
nổi tiếng là trường số một của Sài Gòn lúc đó, mang tên. Thầy nêu lên
rằng ông Trương Vĩnh Ký là nhà bác học, nhà nghiên cứu, rất có công phát
triển chữ Quốc Ngữ, có tâm với nền văn hóa dân tộc. Những điều đó đã
rõ. Tuy nhiên, trong thời Pháp mới chiếm Việt Nam, vua Hàm Nghi vì chống
Pháp phải bôn ba Tân Sở, ngai vàng được Pháp giao cho vua Đổng Khánh,
mà Trương Vĩnh Ký nhận làm thầy dạy cho vua Đồng Khánh thì có tổn hại
cho công cuộc kháng Pháp không? Lúc đó tôi hỏi biết đâu ông Trương Vĩnh
Ký nhận lời vì thấy thời cơ chống Pháp đã qua, ông muốn cùng triều đình,
cùng vua Đồng Khánh, cùng người bạn là toàn quyền Paul Bert xây dựng
nước Việt Nam tân học, phát triển kinh tế! Tầm kiến thức của Trương Vĩnh
Ký có thể cho ông nhận thức đó. Thầy Nhựt nói đó là những đề tài Sử học
cần nghiên cứu thâm sâu với cứ liệu thuyết phục. Quan điểm này cũng là
quan điểm của thầy Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn, giáo sư Triết.
Quan điểm thứ hai được ông diễn tả rõ ràng: không
ai muốn Việt Nam bị chia cắt, nhưng khi bị đặt trong tình thế phân đôi
đã rồi, Việt Nam nên hòa bình để phát triển kinh tế. Các em nên nhớ, sử Việt toàn viết về chiến tranh, nhưng cuộc sống thiệt là kinh tế và kỹ thuật.
Nêu lên hai quan điểm trên, tôi không có ý thảo
luận về quan điểm đó nơi đây. Mục tiêu của đoạn viết là nói lên tinh
thần phê bình, cách suy nghĩ độc lập, “out of the box” của các
nhà trí thức cùng môi trường thông tin đa nguyên và khai phóng thời đó.
Những vị này, với cá tình độc lập, tư tưởng phóng khoáng, chuộng công
bằng, trung thực… đã dạy tôi nhiều điều ngoài những bài học trong chương
trình.
Sau khi thi đậu Tú Tài IBM, kỳ thi Tú Tài trắc
nghiệm chấm điểm bằng máy tính IBM, trong một chuyến về thăm trường
Petrus Ký, tình cờ tôi gặp Thầy và hai thầy trò ngồi góc đường Nguyễn
Hoàng – Cộng Hòa (nay là Trần Phú – Nguyễn Văn Cừ) gặm bánh mì thịt uống
cà phê. Lúc đó hai thầy trò hẹn sẽ gặp nhau tại Paris: tôi đang chuẩn
bị đi Pháp, còn ông đang chờ quyết định cho chuyến đi. Chuyến đi tiếp
nối công trình nghiên cứu cao học về ngục tù Côn Đảo được ông tiến hành
trong thời gian làm Hiệu Trưởng ngoài đó.
Biến chuyển tháng tư năm 1975 như cơn bão. Nó
thay đổi nhiều thứ, và sức càn quét của nó được hợp lực thêm bởi những
cơn bão tiếp theo sau ngày thống nhất. Học tập cải tạo, đánh tư sản,
đánh văn hóa trước 1975… Mỗi cá nhân như chiếc lá trong cơn lốc dạt về
nơi xa lắc nhau dù vẫn còn sống chung trong thành phố.
Năm 1994, chân ướt chân ráo về Việt Nam, tôi cộng
tác với một công ty tư nhân, do một người xuất thân kháng chiến lập
nên. Thật tình cờ, ông đang làm việc trong đó, chuyên dịch văn bản tiếng
Pháp. Thầy Nguyễn Minh Nhựt vốn xuất thân trường Pháp, thủa xưa từng kể
về một cô đầm đẹp mà kiêu sa không hợp tính tự do chân phương của thầy.
Lần gặp đó, chính ông là người kêu tôi trước, và phải đôi phút ngỡ
ngàng tôi mới nhận ra thầy cũ. Ông đã quá thay đổi. Không chỉ bạc trên
tóc mai, các nét rắn rỏi, tươi vui ngày trước biến mất, tác phong nhanh
nhẹn, vốn là hình ảnh của ông trong tôi, cũng không còn. Ông thầy gốc
trường Pháp hào hoa xông xáo đã thành phong trần cam chịu!
Tình thân lại gặp tình thân, ông biểu tôi kêu
bằng anh, tôi quen rồi vẫn kêu ông là Thầy, ông xưng Anh với tôi. Dù bị
cuộc sống vùi dập, ông vẫn giữ vẹn lòng tự trọng, cứng cỏi và tốt bụng.
Tính bạt mạng ngày xưa nay chuyển thành bất cần đời. Bất cần theo nghĩa
không ai dùng tiền bạc uy hiếp hay dụ dỗ được ông. Trong nhiệm vụ chuyên
môn dịch thuật của mình, ông làm việc cẩn mật. Ngày kia, đứng trên lan
can lầu hai của công ty, nhìn mấy xe tải chở khoảng chục chậu kiểng to
và quí về chất trong sân, ông nói người nghèo còn nhiều quá, ngó họ xài
tiền mà đứt ruột. Mình làm trong công ty, mình biết có lời đâu, toàn lỗ.
Tiền không nguồn gốc rõ ràng, mình lãnh lương từ đó cũng bực bội! Chiều
hôm đó, ông kéo tôi về căn nhà ở tạm bên quận tư, trong con hẻm đường
Tôn Đản, kể về tình đời. Em biết anh mà, anh chỉ thích làm ngành giáo
dục thôi, mà không theo được, phải bỏ. Buồn lắm em, làm công ty này là
chuyện chẳng đặng đừng. Em à, anh từ ngày đi dạy sống chân thật, lo làm
việc có ích lợi cho học sinh, tiếp đỡ người khốn khó, lỡ bước, mà sao
gặp toàn chuyện phụ bạc, đắng cay? Con người thời buổi này, kiến thức
thiệt, tình nghĩa thiệt lòng không quí, chỉ quí lập trường môi miếng.
Chuyện đời anh không hiểu nổi, không hiểu họ nghĩ cái gì! Thôi, đừng
nghĩ tới nữa, từ đây anh quên hết…
Vài tuần sau đó thầy Nhựt nghỉ việc công ty. Dù rất cần đồng lương, ông dứt khoát nghỉ khi bị coi thường.
Năm năm trước, gặp lại Thầy. Ông vui vì hai con
đã có chỗ làm. Tụi nó cực, nhưng thôi, có chỗ làm là được rồi. Tôi nói
sẽ chuyển ông các tài liệu về Sử và xã hội cho ông đọc đỡ buồn. Ông nói:
Thôi em. Anh bây giờ sống vui, khỏe, lo làm việc lặt vặt giúp cô, tâp
thể dục đều. Anh không nhớ Sử, không nhớ tiếng Pháp. Quên hết, quên hết rồi, em à! Thời này muốn mình quên thì mình quên cho nó khỏe.
Tôi nhìn kỹ, quả thật, ông mập mạp hơn, nhiều nét nông dân và lao động,
không chỉ trên gương mặt mà cả trong tác phong, cách nói chuyện. Trong
hình thức nông dân quê mùa đó, nói chuyện nhiều mới thấy bật ra từ một
góc khuất: Em nói anh nghe coi, nước mình giàu hơn, có kỹ thuật hơn, mà trí thức thứ thiệt còn bao nhiêu?
Buổi sáng nhận được tin ông mất đột ngột, tôi gọi
cho người bạn hỏi cách tổ chức tiễn Thầy, thì biết anh bạn đang trên
đường ra Bà Rịa dự hỏa táng rồi thả tro xuống sông ngay trong ngày! Có
bạn nói tội nghiệp Thầy, đám tang tổ chức gấp quá. Tôi thì tiếc, cho
riêng cuộc đời ông, và cho xã hội nữa, bởi vì ai biết được bao nhiêu con
người được đào tạo đầy đủ, có lòng, lương thiện đã bị phung phí.
Ông ra đi không bệnh tật đau đớn là có phước rồi!
Thầy Nhựt của tôi chắc không màng đám tang to hay nhỏ. Còn có nghĩa gì
đâu trước đất trời sông nước cỏ cây, khi ông đã vào chu kỳ tuần hoàn vật
chất vĩnh hằng…
Ngày 01 tháng 4 năm 2020
Thật tiếc nuối cho sự ra đi của người thầy vừa có tâm vừa có tầm; chúc thầy yên nghỉ nơi chín suối
Trả lờiXóa