Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Sự trùng hợp kỳ dị giữa dịch Covid-19 và tiểu thuyết "Hoả ngục" của Dan Brown


Tôi tình cờ đọc được một bài tiểu luận sâu sắc của một cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ nhắc đến việc virus Covid-19 có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán Trung Quốc do điều kiện bảo quản thiếu an toàn. Bài viết khiến tôi liên tưởng tới nhiều điều trùng hợp kỳ lạ giữa câu chuyện đại dịch hôm nay với câu chuyện đại dịch trong tiểu thuyết Hoả ngục (Inferno) của nhà văn Dan Brown bắt nguồn từ một con virus.
Thế là cả thế giới, hầu như nước nào cũng trải qua thảm trạng kinh hoàng của cơn đại dịch gây ra bởi con virus Covid-19. Tên của virus này tạo nên bởi chữ “Co”, viết tắt từ chữ Corona, là tên ban đầu của nó. “Vi” là Virus và “D” là Disease tức bệnh dịch. “19″ là 2019, năm dịch khởi đầu bộc phát. Việt Nam mình hay gọi con virus này là Cô Vy và tôi xin phép gọi nó là Cô Vy trong bài này cho gọn và hài hước. Cơn đại dịch đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người. Đến hôm tôi viết bài này đã có trên 170 ngàn người chết và gần 2 triệu rưỡi người bị lây nhiễm trên toàn thế giới. Ai cũng có thể nghĩ đến và xem Cô Vy là đại diện của tử thần. Sự gieo rắc lây nhiễm với tốc độ nhanh vô tả của virus vô hình Cô Vy giống hệt con virus do một nhà di truyền học Bertrand Zobrist trong truyện Hoả ngục tạo ra.
Dan Brown là một nhà văn Mỹ chuyên viết tiểu thuyết hư cấu, nổi tiếng với tác phẩm gây tranh cãi Mật mã Da Vinci xuất bản năm 2003. Tác phẩm Hoả ngục là một tác phẩm trinh thám hư cấu nổi tiếng của ông được xuất bản năm 2013. Truyện được lấy bối cảnh từ thành phố Florence, Venice của Ý. Biến cố Đại Dịch Hạch “Cái chết Đen” có thật đã được đề cập tới và lặp đi lặp lại như một viễn cảnh sẽ xảy ra cho một đại dịch trong tương lai không thể ngăn chặn. Đại dịch đã tung hoành và giết hơn nửa dân số vào thời kì đen tối nhất của nước Ý.
Nội dung câu chuyện phiêu lưu xoay quanh một nhân vật chính là Robert Langdon – Giáo sư biểu tượng học của Đại học Havard, Hoa Kỳ. Ông bị theo dõi và hãm hại khi vô tình dính líu vào một kế hoạch diệt chủng của một tổ chức đang cố gắng làm giảm đi nạn nhân mãn của thế giới bằng cách giết người hàng loạt. Đứng đầu tổ chức là một nhà di truyền học vô cùng thông minh đã tạo được một virus có khả năng lây nhiễm nhanh chóng và gây ra cơn đại dịch diệt chủng. Với một kiến thức uyên bác và đầy nghệ sĩ tính, Dan Brown đã lấy cảm hứng từ những hoạ phẩm của Botticelli về thiên đàng và địa ngục cùng thi phẩm trường thiên Thần khúc của Dante để viết lên Hoả ngục. Ngoài mục đích dẫn dắt người đọc đi vào cuộc phiêu lưu có tính bí ẩn, thu hút, tác giả còn có những thông điệp nhân bản về tính thiện và ác của con người. Ranh giới giữa đạo đức – nhân cách – nhân phẩm cũng được đặt ra trong khi hậu quả của các việc làm xấu hay tốt cũng hiển lộ ở cuối con đường “Thiên đàng” hay “Địa Ngục”.
Một tháng sau khi phát hành, quyển tiểu thuyết Hỏa ngục của nhà văn Dan Brown đã bán được chín triệu bản tại 13 nước trên thế giới. Nó cũng được dựng thành phim năm 2015 quay tại Venice, Ý; diễn viên chính là Tom Hanks. Vậy mà 5 năm sau, ngày 11 tháng 3, 2020 Tom Hanks và vợ đã chính thức tuyên bố cả hai bị lây nhiễm bởi nàng Cô Vy và tới hôm nay hai người đã may mắn hồi phục sau khi cách ly và điều trị. Đúng là virus chẳng trừ một ai, cả trong phim và ngoài đời Tom Hanks đều dính tới virus giết người.
Một vấn đề sâu xa khá nhức nhối của nhân loại hiện nay đã được tác giả khéo léo đưa vào với sự hiện diện của nhân vật nữ Sinskey, đại diện cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO. Đó chính là sự gia tăng đột ngột dân số toàn cầu. Con số đưa ra là năm 2050, dân số thế giới sẽ chạm mốc 9 tỷ rưỡi. Nguồn tài nguyên hiện nay không thể đáp ứng đủ cho sự sống của ngần ấy con người. Nhân vật phản diện của câu chuyện là nhà di truyền học Bertrand Zobrist đã lo ngại về tương lai xa và đã hao tổn công sức để có thể đưa ra phương án ngăn chặn, thậm chí phương án đó có dã man và vô nhân tính đến thế nào đi chăng nữa: bằng một cách nào đó, giết chết bớt một nửa dân số thế giới. Nếu không thực hiện phương án này, thì loài người sẽ bị diệt vong trong vòng 100 năm tới. Một nhân vật nữ đẹp, thông minh xuất chúng, luôn đi sát với Langdon là bác sĩ Sienna Brooks. Cô này vừa giúp đỡ vừa dắt Langdon đi trốn kẻ săn đuổi giết ông, lại chính là người yêu và là đồng phạm của Zobrist cố gắng làm nổ chiếc túi đựng virus cài dưới nước để virus phát tán đi khắp nơi hầu gây lây nhiễm với kế hoạch giết người hàng loạt. Trong những ngày đầu của đại dịch Cô Vy phát tán ra ngoài Á Châu, Ý là quốc gia dẫn đầu trong con số người tử vong vì nàng Cô Vy. Giờ đứng thứ nhì sau Mỹ với con số tử vong gần 25 ngàn người và lây nhiễm gần 200 ngàn. Con số vẫn tiếp tục gia tăng.
Sự tưởng tượng của Dan Brown, 5 năm sau, tôi thấy được qua một buổi độc diễn trực tuyến trên mạng của một danh ca Ý. Andrea Bocelli đứng một mình giữa thánh đường trống không người Duomo ở Milan, Ý, hát “Music of Hope” để cầu nguyện cho nước Ý và toàn thế giới được qua cơn đại dịch. Giọng hát Tenor đượm buồn trên gương mặt đầy cảm xúc trong đôi mắt nhắm của Bocelli khiến tôi rưng rưng. Cả thế giới lắng nghe trực tuyến lời ông cầu nguyện. Ánh sáng và niềm tin từ đôi mắt tắt ánh sáng từ lâu của ông là tia nắng nhen lên và khơi dậy mối hy vọng và an yên cho hàng tỉ con người.
Bối cảnh câu chuyện hầu hết trong các cuộc trốn chạy và tìm kiếm dấu tích Thần Chết của Langdon đều ở Ý. Những nơi chốn trong truyện, viện bảo tàng, giáo đường, tu viện, quảng trường, đều quanh quẩn ở Ý. Ấy là những nơi tuyệt đẹp, cổ kính, đầy màu sắc của nghệ thuật hội hoạ, điêu khắc, thơ ca, âm nhạc và cũng là cái nôi văn hoá lâu đời của một xứ sở lừng danh ở Âu Châu. Những Cung điện Duomo, Tháp chuông Giotto, Thánh đường Santa Maria del Fiore, Bức Phán xét cuối cùng của Vasari, Những ô cửa sổ kính hoa Donatello và Ghiberti, Chiếc đồng hồ của Uccello, v.v., tất cả những nơi tác giả đi qua và từng chiêm ngưỡng đã được thể hiện lại dưới ngòi bút của Dan Brown và nét huyền bí của bức tranh tường huyền thoại Michelino khắc họa cảnh đại thi hào Dante đứng trước núi Luyện ngục, tay cầm kiệt tác Thần khúc của mình xoay ra ngoài, như thể đang kính cẩn dâng lên.
Bà Sinskey, đại diện cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO trong truyện, xuất hiện với chiếc mạng che mặt giữa những xác chết dưới chân là một sự trùng hợp ly kỳ với thực tại của Cô Vy đại dịch đã khiến tôi nổi gai ốc khi liên tưởng hai sự kiện với nhau,
Một phụ nữ che mạng. Robert Langdon đăm đăm nhìn người phụ nữ phía bên kia con sông nước đỏ sánh như máu. Ở bờ bên đó, người phụ nữ đứng đối diện anh, bất động, trang nghiêm, gương mặt ẩn dưới tấm mạng che. Tay cô giữ chặt một mảnh vải tainia màu lam, đang được cô giơ cao lên để tỏ lòng tôn kính với cả biển xác chết dưới chân mình. Mùi tử khí nồng nặc khắp nơi… Khi Langdon ngước mắt nhìn lại người phụ nữ che mạng, thì những xác người dưới chân cô đã nhân lên vô khối. Giờ có đến cả trăm, có khi hàng nghìn, một số vẫn còn sống, đang quằn quại trong đau đớn, chịu đựng những cái chết không dễ gì nghĩ ra được…?” (trích Hỏa ngục)
Trong truyện của Dan Brown, WHO đã thất bại trong việc kiểm soát sự gia tăng dân số và ban đầu cũng thất bại trong việc ngăn chặn âm mưu giết người của Zobrist. Tuy nhiên để kết cuộc có hậu, tác giả đã cho WHO ngăn chặn kịp thời, lấy được túi virus chưa phát tán. Trong cuộc đại dịch Cô Vy hôm nay WHO cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc báo trước, ngăn ngừa và hướng dẫn thế giới về những mầm dịch sẽ xảy ra, ngõ hầu các quốc gia có thể dự trữ sẵn các dụng cụ y tế hay có các sách lược chống đối lại đại dịch. Nhìn vào cuộc diện toàn thế giới hôm nay số người nhiễm và chết vì Cô Vy là một con số khổng lồ tăng vọt mỗi ngày. Không một nước nào có dự trữ sẵn thiết bị y tế phòng ngừa, đến nỗi các nhân viên y tế chiến đấu với virus mà không có gì bảo vệ đủ an toàn. Khi Đại Dịch bộc phát ở Vũ Hán, toàn thế giới nhìn dịch bệnh như “bệnh lạ” chỉ xảy ra ở Á Châu xa xôi chẳng liên quan gì tới mình. Đến khi nó lan rộng thì quá muộn, trở tay không kịp. WHO có cảnh báo thế giới hay không ? Nếu có cảnh báo thì sớm hay muộn? Các quốc gia có xem lời cảnh báo làm trọng mà thi hành chính sách phòng ngừa hay không? Lỗi ở đâu và tại ai và vì sao là một câu hỏi tế nhị lớn, bạn đọc có thể tự suy ngẫm.
Cái thần hồn chính của câu chuyện mà Dan Brown tinh tế đặt vào chính là ý nghĩa của bức danh hoạ “Vực Địa Ngục” (Chart of Hell) của Botticelli. Ông đưa ra các vấn đề nhức nhối của thiện và ác, đạo đức hay vô nhân, xảo quyệt hay chân thật trong cái cõi con người phải tranh sống từng ngày để có miếng ăn.
Bạn thử ngẫm nghĩ, trước, trong và sau cơn đại dịch Cô Vy, có những sự thật đằng sau những hành động xảo trá của con người đã xảy ra và bị phơi bày dưới ánh mặt trời. Ngược lại, nhiều hành động có tính nhân ái hay dũng cảm hy sinh xả thân cho nhân loại cũng đã khiến chúng ta cảm khái. Đó là các bác sĩ và nhân viên y tế, những người đứng đầu trong phòng tuyến chống dịch đã can đảm hy sinh thân mình lăn xả vào chiến trận ngày đêm đến kiệt sức. Kết quả là họ bị lây nhiễm và qua đời vì thiếu thiết bị y tế che chắn. Kéo theo là những người phục vụ cho các dịch vụ giao thông, chuyên chở, giao hàng thực phẩm và những nhu yếu phẩm cho những người phải cách ly tại nhà. Họ từ từ bị lây nhiễm rồi chết. Trong hoạn nạn lại có những tấm lòng nhân ái được thể hiện thật là ý nghĩa và quý báu.
Cái ác dần hiển lộ qua việc các con buôn đầu cơ tích trữ thiết bị y tế, làm giả, bán đồ dởm, tăng giá hàng và các vật dụng cần thiết liên quan tới dịch bệnh. Cả những bọn lưu manh và lừa lọc nhân cơ hội này phao tin giả, bán hàng giả, thuốc giả hoặc đưa tin giả để gạt tiền nhiều người vì quá sợ dịch bệnh đã liều mua bán với chúng mà thiếu thăm dò hay tra xét thật giả. Các dịch vụ mướn người làm ở nhà qua mạng giả cũng mở ra để gạt người. Con người ngày hôm nay đang như đứng gần bờ vực của “Hỏa Ngục” của cái chết để ngẫm nghĩ và chọn lựa giữa “chết vì Đại Dịch” hay “Chết vì đói” trong cơn khủng hoảng kinh tế và không biết chọn cái nào.
Khúc dạo đầu
Ta là vong linh. Qua thành phố buồn đau, ta lẩn tránh. Qua nỗi thống khổ vĩnh hằng, ta trốn chạy. Ta lê bước dọc bờ sông Arno, thở không ra hơi… rẽ trái vào Via dei Castellani, lần lên phía bắc, lẩn vào bóng râm của tòa nhà Uffizi. Và chúng vẫn truy lùng ta. Giờ thì đã nghe rõ bước chân của chúng hơn khi mà chúng quyết tâm săn đuổi đến cùng. Chúng săn lùng ta đã nhiều năm ròng. Sự đeo bám dai dẳng của chúng khiến ta phải ở dưới hầm… buộc ta phải sống trong cõi luyện hồn… quằn quại bên dưới mặt đất như một con quái vật âm phủ. Ta là vong linh. Ở trên mặt đất lúc này, ta nhướng mắt nhìn về phương bắc, nhưng không thể tìm thấy con đường thẳng tới sự cứu rỗi… vì dãy núi Apennine che lấy tia sáng đầu tiên của buổi bình minh. Ta đi qua phía sau tòa nhà có ngọn tháp với những lỗ châu mai và đồng hồ chỉ có một kim… lách qua những người bán hàng rong buổi sớm ở Quảng trường San Firenze, tiếng rao khàn khàn của họ còn nồng nặc mùi lampredotto và ô liu nướng…
(trích Hoả ngục)
Tài liệu tham khảo
- Tiểu thuyết Hoả ngục của Dan Brown. Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng
- Các quan chức tình báo cân nhắc khả năng coronavirus đã trốn thoát khỏi một phòng thí nghiệm Trung Quốc

- Intelligence officials weigh possibility coronavirus escaped from a Chinese lab


1 nhận xét:

  1. Đây là sự trùng hợp đến kỳ lạ và rất ngẫu nhiên giữa dịch covid 19 với tiểu thuyết "hỏa ngục"

    Trả lờiXóa

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...