Vào năm 1964 Anh Việt Thu từ Sài Gòn lên Tây Ninh dạy học ở trường Nam
(nay là trường THPT Trần Hưng Đạo). Có thể nói ông là người đầu tiên đưa
âm nhạc vào học đường thời ấy. Lớp học trò bây giờ ở tuổi ngũ thập tri
thiên mệnh còn nhớ bài hát valse ngọt ngào thầy Thu dạy: ”Giòng An Giang
sông sâu nước biếc, Giòng An Giang cây xanh lá thắm, lá lướt về qua
Thất Sơn… Giòng An Giang đáy nước in sâu, nhịp cầu tre ngắm bóng say
sưa, nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô… Đây những người thôn nữ xinh
duyên dáng chuyền tay dắt nhau múc mấy vầng trăng đổ đi…”.
Ông dạy nhạc có những nét độc đáo khó quên, lúc ngẫu hứng cùng thầy
đi bộ từ chợ cũ – thị xã (nơi ông thuê nhà luật sư Định) xuống dốc sương
mù Mít Một vào khu vườn sầu riêng của hai người bạn tên Muông-Trâm để
vui chơi ca hát. Lương bổng thời đó rất khá (tương đương một chiếc xe
Honda Nhật) nhưng do tánh nghệ sỹ nên cũng túng thiếu dài dài, có lần
ông phải bán chiếc radio 3 band để trả tiền thuê nhà. (Nêu nhớ thời đó
có cái radio là quý, nghệ sỹ càng quý hơn vì để nghe nhạc của mình.) Đời
nghệ sĩ là vậy, xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử từng than: “Gió trăng có sẵn làm
sao ăn?”.
Ông là một trong những người đưa âm điệu nhẹ nhàng bình dân vào nhạc
cùng với các nhạc sĩ Trúc Phương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Lam Phương… (như
điệu boléro, ballade, habanera…) và đã từng đỗ hạng ưu khóa I Trường
Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn.
Anh Việt Thu sinh năm 1939 có tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang quê ở An
Hữu – Cái Bè (Tiền Giang). Nghệ danh này theo lời của Vũ Anh Sương (làm
thơ – bạn Anh Việt Thu) xuất phát từ câu chuyện gia đình: tên Việt Thu
là em trai của ổng, do ổng phải bảo bọc người em nên đặt tên như thế để
nhớ trách nhiệm của mình: anh của Việt Thu. Ông hoạt động văn nghệ ở Sài
Gòn vào những năm 60 cho tới phút lân chung.
Những bài hát của ông đã quá quen với quần chúng: Đa Tạ, Người Ngoài
Phố, Tám Điệp Khúc, Hai Vì Sao Lạc… Và sau này khá nhiều bài thơ của
người bạn thân – nhà thơ Thiên Hà rất thịnh hành quen thuộc với người
yêu nhạc như bài: Nhớ Nhau Hoài (Duy Khánh ca): “…Em ở nơi nào có còn
mùa xuân không em, rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm. Nắng ở
trên đầu nắng trong lòng phố, gió ở trên non gió cuốn mây về…”. Hay bài
Gió Về Miền Xuôi: “Gió về miền xuôi anh đưa em cuối nẻo cuối đường, gió
đầu non gió lọt đầu ghềnh, đường em đi đường nở hoa khắp luống cày…”
hoặc bài “Xa Dấu Ngựa Hồng” Thanh Lan ca: ”…xin kỷ niệm làm hoa dưới
bước chân đi – xin kỷ niệm làm hoa nến thắp trên mi…”. Đến giờ vẫn còn
nhiều người hát, trình diễn, thu đĩa…
Âm nhạc Anh Việt Thu mang đậm tình quê hương dân tộc, khát vọng hòa
bình rất chân thành: ”Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải lạnh lùng nắng hạ
vàng rơi phủ bờ vai, lời ai ru gió hiu hiu buồn… Tôi xin đa tạ lời ca
tiếng ru êm đềm ôi lời ca đã xua chinh chiến. Xin đa tạ mẹ quê vất vả
thật thà…” (Đa Tạ)
Trong một dịp xuống Cẩm Giang chơi (năm 2005), tôi được Vũ Anh Sương
cho xem bức thư Anh Việt Thu gửi khi sáng tác xong bài này, lời thư rất
cảm động: “Mình vừa sáng tác xong 2 bài, độ trung tuần tháng tư trở đi
cậu đón nghe đó là Chân dung và Đa Tạ. Hiện mình chưa in ronéo, cuối
tháng tới mình in luôn, cậu nhớ mua cái radio nho nhỏ nghe nhạc mình xem
sao? Mình vẫn sống vất vưởng cù bất cù bơ…” (thư đề ngày 31-03-1966).
Cũng vào thời ấy, ông phổ một bài thơ của thi sĩ Trường Anh (một nhà giáo ở Gò Dầu). Bài Mưa Đêm Nay:
“Thăm thẳm đường trường tôi người cô độc/ Mòn gót giầy trọ quán đêm
nay/ Mưa Cẩm giang như niềm đau ai khóc/ Đường sụt sùi qua mấy nẻo
truồng lầy…/ Cho cốc cà phê cô hành xanh tóc/ Miệng em cười nhạt đắng
chở màu cay/ Cẩm Giang ơi đây ngày xưa trách móc/ Xiềng khua chân rổn
rảng kiếp đi đầy/ Lớp hưng phế xô nghiêng nhà tróc nóc/ Mồ của ai nằm
trăng lạnh gió lay…”.
Bài này đa số lớp cựu học sinh tuổi U50 Tây Ninh đều thuộc qua tiếng
hát của nữa ca sĩ Hoàng Oanh làm mê đắm long người, đưa sông nước Cẩm
Giang đi vào huyền thoại.
Năm 1972 ông là một trong 12 nhạc sĩ du ca Việt Nam có mặt trong
tuyển tập nhạc hát cho những người sống sót – (Bút Nhạc XB 1973) ông đã
viết: “Một ngày Việt Nam thơm lừng hòa bình, một ngày Việt Nam bay tràn
thế giới…”.
Đến năm 1975 ông qua đời trước buổi bình-minh-đang-rạng trên đất
nước. Hiện còn người vợ là bà Trần Nữ Hiệp và hai con trai Việt Bằng và
Việt Thanh sống tại phường 12, quận Bình Thạnh – Sài Gòn. Khi xưa ông đã
từng viết: “Như áng bụi mờ trong cơn lốc trên đối dốc đỏ, như lá xanh
ngàn, như áng may dị thường bềnh bồng thênh thang” (Thư gửi cho vị
thiên-thần-mặt-trời vàng rực rỡ 1973).
Bao nhiêu năm qua tôi vẫn mong ông như lá áng mây rực rỡ bay mãi vào không gian.
Nguyễn Quốc Đông (Trích trong : Sài Gòn Xanh Ký Ức)
Mời nghe 1 bản nhạc khác của Anh Việt Thu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
SOI GƯƠNG - Lê Trung Ngân
Soi Gương Hình như dù là ai đi nữa thì một ngày cũng soi gương ít nhất là một lần. Tôi cũng vậy, nhưng tôi có suy nghĩ riêng mình là: Soi ...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Nhạc phẩm này do ca sỹ Như Quỳnh thể hiện rất hay, tôi rất thích
Trả lờiXóa