Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Cảnh báo năm 2024: Địa cầu nhuốm gam màu xám với loạt thảm họa không thể tránh khỏi? (Khám Phá )

 

Ảnh mang tính minh họa về thảm họa đáng sợ cho con người nếu Trái Đất ngày một nóng lên. Ảnh: Internet

Nếu cứ thờ ơ và cố chấp với hiện thực, đôi khi hậu quả chúng ta phải hứng chịu lại tăng gấp bội.

CẢNH BÁO LO NGẠI CHO NĂM 2024

Một báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo: Giới hạn giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C đến hết thế kỷ 21 - Theo Thỏa thuận Khí hậu chung Paris đề ra - có thể bị vượt ngưỡng vào năm 2024 - và nguy cơ ngày càng lớn [Nghĩa là chỉ khoảng 5 năm nữa, nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt quá 1,5 độ C, thay vì đến năm 2099].

Dù lần vượt quá 1,5 độ C đầu tiên này sẽ chỉ là tạm thời, có thể do nguyên nhân gây "tăng tốc" bởi một hiện tượng khí hậu bất thường lớn như kiểu thời tiết El Niño - Tuy nhiên, cảnh báo của WMO đặt ra nghi ngờ mới về việc liệu khí hậu Trái Đất có thể ổn định vĩnh viễn ở mức ấm lên 1,5 độ C trước khi thế kỷ 21 kết thúc hay không.

Phát hiện này nằm trong số những phát hiện vừa được công bố trong một báo cáo có tiêu đề "United in Science" do 6 cơ quan khoa học hàng đầu, bao gồm cả Dự án Carbon Toàn cầu - Global Carbon Projec, thực hiện.

Báo cáo cũng cho thấy trong khi lượng phát thải khí nhà kính giảm nhẹ vào năm 2020 do đại dịch Covid-19, chúng vẫn ở mức rất cao - có nghĩa là nồng độ Carbon dioxide (CO2, khí gây hiệu ứng nhà kính chính) trong khí quyển tiếp tục tăng.

KHÍ NHÀ KÍNH TIẾP TỤC GIA TĂNG

Nồng độ của 3 loại khí nhà kính chính - Carbon dioxide (CO₂), Mêtan (CH₄) và Nitơ oxit (N₂O), đều tăng trong thập kỷ qua. Nồng độ hiện tại trong khí quyển lần lượt là 147%, 259% và 123% so với nồng độ trước khi kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu vào năm 1750.

Nồng độ 3 loại khí nhà kính được đo tại Đài quan sát Mauna Loa của Hawaii và tại Trạm Cape Grim của Australia ở bang Tasmania cho thấy khí nhà kính trong khí quyển tiếp tục tăng trong các năm 2019 và 2020. Đặc biệt, nồng độ CO₂ lần lượt đạt 414,38 và 410,04 ppm vào tháng 7/2020, tại mỗi trạm.

Sự phát thải CO₂ từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống còn khoảng 1% mỗi năm trong thập kỷ qua, giảm từ 3% trong những năm 2000. Dự kiến ​​sẽ có một sự sụt giảm CO2 chưa từng có vào năm 2020, do suy thoái kinh tế vì đại dịch Covid-19. 

Biểu đồ phát thải CO₂ từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch hàng ngày trên toàn cầu đến tháng 6 năm 2020. Nguồn: Le Quéré et al. 2020; Nature Climate Change

Lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch CO₂ hàng ngày đã giảm 17% vào đầu tháng 4/2020 - thời điểm đỉnh cao của các chính sách hạn chế toàn cầu - so với năm 2019. Nhưng đến đầu tháng 6/2020, con số này lại phục hồi với mức giảm 5%.

Các chuyên gia ước tính mức giảm CO₂ cho năm 2020 khoảng 4-7% so với mức của năm 2019, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch.

Mặc dù lượng khí thải CO₂ có xu hướng giảm nhẹ, nhưng nồng độ CO₂ trong khí quyển vẫn sẽ đạt mức cao kỷ lục khác trong năm nay. Điều này là do chúng ta vẫn đang phát thải một lượng lớn CO₂ vào bầu khí quyển.

KỶ LỤC 5 NĂM: THỜI TIẾT CỰC ĐOAN LIÊN TIẾP XẢY RA

Theo dự đoán của các nhà khoa học hành tinh, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu (gồm nhiệt độ đại dương, nhiệt độ không khí...) giai đoạn 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ là một trong những mức ấm nhất so với bất kỳ thời kỳ tương đương nào được ghi nhận; và ấm hơn khoảng 0,24 độ C so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Khoảng thời gian 5 năm này đang trên đà tạo ra một kỷ lục nhiệt độ mới trên nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Úc, nam Phi, phần lớn châu Âu, Trung Đông và bắc Á, các khu vực Nam Mỹ và một phần của Mỹ.

Cảnh báo năm 2024: Địa cầu nhuốm gam màu xám với loạt thảm họa không thể tránh khỏi? - Ảnh 2.

5 năm qua (2016-2020) cũng đã chứng kiến ​​nhiều sự kiện thời tiết cực đoan. Ảnh: Inverse

Mực nước biển tăng trung bình 3,2 mm mỗi năm trong 27 năm qua. Tốc độ tăng trưởng đang tăng nhanh - mực nước biển tăng 4,8 mm hàng năm trong 5 năm qua (2016-2020), so với 4,1 mm hàng năm trong 5 năm trước đó.

5 năm qua cũng đã chứng kiến ​​nhiều sự kiện thời tiết cực đoan: Bao gồm các đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu; bão Idai ở Mozambique (là trận bão tồi tệ nhất lịch sử Nam Bán cầu); cháy rừng lớn ở Australia, California (Mỹ), rừng Amazon; hạn hán kéo dài ở miền nam châu Phi và 3 cơn bão lớn tại lưu vực Bắc Đại Tây Dương vào 2017.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2030 đến 2050.

Theo dữ liệu năm 2018 của Trung tâm Dự báo Khí hậu, thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) Mỹ thì tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay sẽ kéo dài thời tiết khắc nghiệt và thiên tai, làm tăng số người chết do thời tiết cực đoan trung bình lên 50% từ nay đến năm 2100.

TRÁI ĐẤT VƯỢT NGƯỠNG 1,5 độ C - GÂY THẢM HỌA GÌ?

Báo cáo của WMO dự đoán xu hướng ấm lên tiếp tục của Trái Đất. Có một khả năng cao rằng, ở mọi nơi trên hành tinh, nhiệt độ trung bình trong 5 năm tới sẽ cao hơn mức trung bình 1981-2010. Sự ấm lên ở Bắc Cực dự kiến ​​sẽ cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Có 1/4 khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu sẽ vượt quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm trong vòng 5 năm tới. Nếu có một bất thường khí hậu lớn xảy ra, chẳng hạn như El Niño mạnh diễn ra trong vòng 5 năm tới, thì ngưỡng 1,5 độ C có nhiều khả năng bị vượt qua. Các sự kiện El Niño thường khiến nhiệt độ toàn cầu ấm hơn.

Trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, việc vượt qua ngưỡng 1,5 độ C được đo lường trên mức trung bình 30 năm, không chỉ một năm. Nhưng mỗi năm ấm lên trên 1,5 độ C sẽ đưa chúng ta đến gần việc vượt quá giới hạn đó.

Cụ thể hơn, những thảm họa đến từ trận bão mạnh/siêu bão sẽ hoành hành khắp nơi; mưa lớn, lũ lụt khắp nơi; những đợt nắng nóng/sóng nhiệt kinh hoàng mới sẽ xuất hiện; lượng lương thực giảm; khủng hoảng nước sạch; đa dạng sinh học bị xáo trộn; các thành phố ven biển chịu hậu quả của ngập mặn, ngập lụt; dịch bệnh nổ ra sẽ đi kèm thảm họa, hàng triệu người sẽ lâm nguy...

Nếu chưa hình dung Trái Đất sẽ thế nào nếu mức nhiệt toàn cầu đạt 1,5 độ C và 2 độ C, thì mời bạn xem hình bên dưới: 

Nguồn: CarbonBrief - Việt hóa: Dink

Nói thêm về sự xáo trộn của đa dạng sinh học trên Trái Đất, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, số lượng các loài trên Trái Đất đang bước vào giai đoạn sụt giảm khổng lồ. Sự tuyệt chủng này sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực đối với hoạt động của hệ sinh thái và các thành tố quan trọng duy trì nền văn minh. Giới khoa học gọi sự kiện này là Hủy diệt sinh học hay Sóng thần tuyệt chủng để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 đang diễn ra.

Minh chứng là: Trong 177 loài động vật có vú thì 30% đã tuyệt chủng, hơn 40% đang suy giảm số lượng nghiêm trọng; Gần 200 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng chỉ trong 100 năm qua (trung bình cứ 1 năm có 2 loài tuyệt chủng); 42% trong số 3.623 loài động vật không xương sống trên cạn và 25% trong số 1.306 loài động vật không xương sống biển hiện nay đang nằm trong Sách Đỏ của IUCN, xếp vào nhóm bị đe dọa tuyệt chủng.

Khoảng 40% các loài côn trùng trên thế giới đang suy giảm. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tổng khối lượng của tất cả các loài côn trùng trên hành tinh đang giảm 2,5% mỗi năm. Nếu xu hướng đó tiếp tục gia tăng, Trái Đất có thể không có bất kỳ loài côn trùng nào vào năm 2119.

Một bức tranh gam màu xám đang hiện lên trước mắt chúng ta. Chưa hết...

BĂNG BIỂN BẮC BĂNG DƯƠNG BIẾN MẤT

Dữ liệu vệ tinh từ năm 1979 đến năm 2019 cho thấy băng biển vào mùa hè ở Bắc Cực đã giảm khoảng 13% mỗi thập kỷ và đạt mức thấp nhất trong tháng 7/2020.

Tại Nam Cực, băng biển mùa hè đạt mức thấp nhất và thấp thứ hai vào năm 2017 và 2018, và năm 2018 cũng là mức thấp thứ hai trong mùa đông.


Ảnh: Irishtimes

Hầu hết các mô phỏng cho thấy vào mùa hè năm 2050, Bắc Băng Dương sẽ không còn băng biển

Trong lịch sử 40 năm kể từ ngày lần đầu tiên giới khoa học theo dõi băng biển ở Nam Cực và Bắc Cực qua vệ tinh, đây là lần đầu tiên họ buộc phải đánh dấu một tình trạng bước ngoặt cho một hành tinh bị tàn phá không thể tránh khỏi: Dự báo một mùa hè không có băng ở Bắc Băng Dương. 

HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP

Các hoạt động của con người đã thải ra 42 tỷ tấn CO₂ chỉ trong năm 2019. Theo Thỏa thuận Khí hậu Paris, các quốc gia cam kết giảm lượng khí thải vào năm 2030.

Báo cáo của WMO cho thấy sự thiếu hụt khoảng 15 tỷ tấn CO₂ giữa các cam kết này và các lộ trình phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên xuống dưới 2 độ C (mục tiêu ít tham vọng hơn của Thỏa thuận Khí hậu Paris). Khoảng cách tăng lên 32 tỷ tấn cho mục tiêu 1,5 độ C tham vọng hơn.

Điều này cho thấy nếu mức giảm phát khí nhà kính lớn và được duy trì, chúng ta vẫn có thể đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris và tránh được những thiệt hại nặng nề nhất đối với thế giới tự nhiên, nền kinh tế và con người. 

Một điều đáng lo ngại là, chúng ta cũng có thời gian để làm cho nó tồi tệ hơn nhiều!

Nếu càng trì hoãn hành động, chính chúng ta sẽ đẩy những người dân sống tại các vùng "dễ bị tổn thương" vào nguy khó. Càng trì hoãn - Chúng ta càng mất đi hạnh phúc!

Bài báo này được xuất bản trên The Conversation, các tác giả: Pep Canadianell tại CSIRO (Australia); và Rob Jackson tại Đại học Stanford (Mỹ).

Bài viết sử dụng nguồn: Inverse

Trang Ly

🍃🍃🍃🍃🍃🍃🍃

Xem Thêm :Làn sóng tuyệt chủng động vật đang tăng tốc

1 nhận xét:

Chúng ta cần chủ nghĩa tư bản có đạo đức (DĐKP )

                                          Giáo sư, triết gia Markus Gabriel Chúng ta cần những triết gia   ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp...