Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Con Trai Người Thợ Rèn - Eliécer Almaguer

 Eliécer Almaguer là nhà thơ, nhà văn người Cuba. Ông sinh năm 1982 ở một ngôi làng nhỏ mang tên San Rafael. Ông là hội viên của Hiệp Hội Văn Nghệ Sĩ Cuba (Unión Nacional de Escritores y Artistas de Cuba). Một số giải thưởng về thi ca ông nhận được bao gồm “Nuevas Voces”, “San Arnoldo Janssen” và “Premio Nacional Adelaida del Mármol”. Các thi phẩm đã xuất bản của ông là Canción para despertar al forastero (2011), Si Dios voltease el rostro (2011), La flauta del solitario (2013) và Distorsiones del shamisen (2017). Tiểu thuyết đầu tay của ông dự định được xuất bản vào cuối năm nay. Hiện tại, ông đang theo học chương trình cao học Văn Chương và Ngôn Ngữ gốc La-tinh tại California State University, Long Beach, nơi ông đồng thời giảng dạy một số lớp tiếng Tây Ban Nha. Truyện ngắn được chuyển ngữ dưới đây, “El hijo del herrero,” là một trong những truyện mang nhan đề chung Dios está mirando (Thượng Đế Đang Cúi Nhìn).

 Thượng Đế ban phát rồi lại lấy đi. Ngài là thế: Ngài mang ruồi bọ đến những vết thương

lẽ ra phải được sớm lành lặn.

Người thợ rèn đang lom khom bên lò lửa. Tôi nghe những tiếng đập chát chúa vang đến tận tai. Tôi nhìn đôi tay của anh. Bàn tay phải chằng chịt những vết sẹo. Anh mang sẹo đã khá lâu, lúc anh còn chưa biết cách vuốt những ngón tay của mình qua lưỡi dao sắc như một tấm lụa. Lần đó, anh bị thương nặng, khiến anh nguyền rủa cái nghề của mình, mà trước đây cũng là nghề của cha anh. Anh bị một mảnh kim loại ghim vào mắt. Người thiếu phụ đắp một cái khăn tẩm sữa cừu lên mí mắt cho anh.

Người thợ rèn biết được nhiệt độ chính xác để cho ra những tấm kim loại với độ nóng hoàn hảo. Anh biết cách ấn mạnh tay của mình vào những chỗ nào và nương nhẹ tay ở những chỗ nào khác. Anh cũng biết cách chạm tay vào thân thể của vợ mình sao cho cô thốt ra những âm thanh tựa như lúc những thanh sắt chạm vào nhau. Anh vuốt ve da thịt cô một cách khéo léo lạ thường. Hai vợ chồng tin rằng sự vật nào cũng có chỗ riêng của nó. Anh là một người thợ rèn, vì tôi đã sắp đặt như thế, như những người đi trước anh cũng đã từng là thế. Hai vợ chồng cùng yêu thích bầu trời. Họ nhìn lên phía mà họ tin rằng tôi vẫn ẩn nấp hằng đêm.

“Anh phải làm cho xong lô hàng mà vị lãnh chúa đã đặt,” anh thủ thỉ vào tai người vợ trẻ.

Hôm qua, có người lính đến đặt hàng. Theo đó, người thợ rèn sẽ làm ba trăm con dao găm. Người lính giao tờ đơn đặt hàng rồi nhìn về phía những cánh cửa sổ của xưởng rèn. Từng đôi mắt nằm trong những trái banh lửa trông như các khẩu súng bắn đá sẽ bị hất tung lên trên những bức tường. Người thợ rèn trước đây chuyên về đúc vũ khí. Nhưng hiện giờ anh cũng làm thêm nông cụ và móng ngựa. Những con ngựa giống Sắc-xông với lồng ngực vạm vỡ và những cái móng lớn làm xoáy thành những vũng nước nhỏ lúc chúng tung vó trên con đường lầy lội.

Người thợ rèn và cô vợ thôi vuốt ve nhau. Trước khi cô dắt bầy cừu ra đồng ăn cỏ, tôi nghe tiếng cô cho lũ gà ăn. Tiếng chúng kêu cục tác nghe thật dễ thương. Một lúc sau, khi đàn cừu đã ở ngoài đồng, cô nằm xoải người trên cỏ, để mặc cho thân thể lẩn hút vào những ngọn cỏ cao, trong lúc lũ cừu thi nhau gặm cỏ và kêu be be. Sau đó, tôi sẽ thấy người thợ rèn rời lò để đi đến ngôi nhà thờ có những cây cột cao lớn. Anh cầu xin được một mụn con trai để phụ anh rèn sắt, còn con gái thì sẽ giúp mẹ may vá, nấu nướng và chăn đàn cừu. Anh đã làm phận sự của mình, đã gieo hạt giống vào bụng của người thiếu phụ biết bao nhiêu bận. Anh yêu cô bằng nhiệt huyết và sức mạnh mà anh vẫn dùng để rèn kim loại.

Thời gian trôi qua. Người thợ rèn hoàn tất đơn đặt hàng. Người lính đến lấy chỗ dao găm đã đặt. Người thợ rèn làm dư ra một con dao găm để cất riêng. Anh vuốt ve lưỡi dao, các đầu ngón tay của anh chai sần nên cũng khó mà bị đứt. Người lính nhận các con dao găm. Hắn quay nhìn cái xưởng rèn. Cánh cửa trước để ngỏ. Người thiếu phụ cũng vừa cho cừu ăn ngoài đồng trở về. Người lính ngắm nghía cái áo đầm bằng loại len tầm thường của cô, mà trong nỗi thèm muốn của hắn đã hoá thành một bộ cánh trong suốt và sang trọng. Hắn dán mắt vào những nếp nhún trên chiếc áo ấy. Hắn nghĩ rằng cô còn đẹp hơn tất thảy những kiều nữ trong lâu đài của vị lãnh chúa, cho dù các ả đã khoác lên vô số dải lụa hay đính vào y phục nhiều món trang sức lấp lánh. Người thợ rèn siết tay mạnh vào cán dao găm. Người lính vô tình không để ý đến cử chỉ đó, hắn chỉ hấp tấp ra về.

Hai vợ chồng ngồi ăn nơi chiếc bàn nhỏ. Họ chậm rãi nhai nuốt trong im lặng. Người thiếu phụ cúi nhìn như thể có một con sâu vừa rớt vào cái chén gỗ. Hai người chỉ ăn vỏn vẹn có món xúp, lõng chõng vài miếng thịt. Cô báo với anh rằng hai người sắp có con. Cô nói điều đó như thể đang tiết lộ một trong những đại hoạ của tôi, chẳng khác nào như cô báo tin đồng cỏ đang bị thiêu cháy. Anh nhìn cô với gương mặt rạng rỡ. Tôi biết rằng cuối cùng tôi đã chấp thuận lời cầu xin của anh. Người vợ tiếp tục chống hai tay lên mặt bàn, giấu mặt vào trong đó.

Đêm đến, người thợ rèn nằm mơ. Hình bóng của một cậu bé đang gõ búa bên bếp rèn. Cậu hãy còn nhỏ lắm nên anh phải kê một khúc gỗ trên nền đất cho con trai mình đứng lên đó mà gõ búa. Cậu bé bắt đầu học nghề. Cậu tập đúc những thanh gươm đầu tiên. Cậu để cho lưỡi dao bị cùn nên chẳng may bị đứt tay. Vết sẹo trên ngón tay cái của cậu trông như một con rắn nhỏ xíu.

Câu chuyện đã có thể kết thúc ở cao trào này, nhưng lắm khi tôi cũng đành bó tay, hay vì tôi đang ở trên thập giá cũng nên. Người thợ rèn thấy người lính quay lại với nhiều kỵ binh tháp tùng. Anh tưởng người lính lại đến đặt hàng. Hoá ra vị lãnh chúa đang cần người hầu trong lâu đài; người lính đến để mang vợ anh đi. Người thợ rèn cương quyết bảo rằng không được. Anh rèn đúc nông cụ và vũ khí để bảo vệ biên giới ở những vùng đất có các bộ lạc đã nhiều phen gây rối. Vợ anh lo cho đàn cừu ăn cỏ. Món sữa ít chất béo là để cho vị lãnh chúa điểm tâm khi thức dậy với dạ dày còn lạnh ngắt, và loại len hảo hạng là để cho ngài dùng làm những tấm chăn cho da thịt ấm áp như đang ngồi bên lò sưởi. Người lính tuốt gươm ra; lưỡi gươm tử thần loang loáng trước mắt người thợ rèn. Anh nhận ra dấu hiệu của mình trên thanh gươm thép đó. Anh muốn kháng cự, nhưng cảm thấy bất lực trước tốp lính đó. Có thể anh đã từng đối mặt với cả trăm người lính như vậy, nhưng anh đã quen cúi đầu thật thấp như để hôn mặt đất, kinh sợ những bộ áo giáp lấp lánh. Người vợ đành gom góp áo quần rồi đi theo đám lính.

Ngày lại nối ngày. Người thợ rèn đứng van vỉ trước những cánh cửa của vị lãnh chúa, cũng với những lời cầu xin mà anh đã kêu rêu với tôi trong ngôi nhà thờ có những cây cột cao lớn. Vợ anh sẽ cho ra đời một đứa bé trai. Đã bao nhiêu năm trời anh nằm kề bên cô mà không khiến nổi cho cô hoài thai, rồi đột nhiên chuyện đó lại xảy ra như bằng một đặc ân siêu phàm. Người thợ rèn không thể nào hiểu được vì sao từ một cú gõ búa này qua cú khác bên bếp rèn, cuộc đời của anh lại bị đảo lộn như vậy, chẳng khác gì một mảnh sắt nhất định không chịu uốn mình theo khuôn đúc.

Nửa năm trời trôi qua. Người lính quay lại cùng chục người kỵ binh. Người thợ rèn bất giác nhìn lên trời, và khi thấy vợ mình từ trên ngựa bước xuống, anh nghĩ rằng tôi rất công bằng và đầy lòng thương xót, đã xui khiến cho tâm hồn của vị lãnh chúa trở nên nhân từ. Người lính cho biết, vợ anh không làm được nhiều việc trong tình trạng thai nghén, nhưng nếu muốn vợ mình trở về, anh phải chấp nhận một số điều kiện. Trước hết, anh phải đúc một nghìn thanh gươm trong vòng một tháng. Vương quốc láng giềng vừa tuyên chiến nên mọi người phải chiến đấu để tự vệ. Người thợ rèn bằng lòng ngay. Dường như anh đang vùi đầu xuống cát trong lúc chấp thuận từng lời từng chữ của người lính. Đoạn người lính đưa ra yêu sách thứ nhì: nếu hai vợ chồng có con trai, anh sẽ phải giao đứa bé lúc nó tròn mười tuổi để được huấn luyện trong quân ngũ nhằm bảo vệ vị lãnh chúa và biên thuỳ.

Lần này, người thợ rèn lại nắm chặt chuôi dao. Con dao nằm ẩn trong tay anh như một con bò cạp. Người vợ gỡ tay anh ra, lấy con dao giấu vào trong áo của cô. Cái đụng chạm đầu tiên đó, người thợ rèn thấy lại với tất cả cảm giác mới mẻ ngày nào của mảnh khăn tẩm sữa cừu đắp trên đôi mắt bị thương của anh bên bếp rèn. Những người lính ra về. Sáng hôm sau, người thợ rèn bắt đầu gõ búa. Tôi lại nghe tiếng cục tác của đàn gà. Người thiếu phụ lại về nhà trong bộ váy xếp nếp và ê hề lúa gạo. Trong vòng một tháng, người thợ rèn đã thực hiện xong giao kèo thứ nhất để được đoàn tụ với vợ. Chẳng bao lâu, đứa bé trai ra đời, đứa bé mà anh đã ngày đêm khấn xin trong ngôi nhà thờ có những cây cột cao lớn.

Chuyện xảy ra vào buổi chiều của thời điểm giao kèo thứ nhất vừa hoàn tất. Cô vợ của người thợ rèn đang cho đàn cừu ăn ngoài đồng. Xác của cô nằm khuất trong đám cỏ, hai tay cô buông thõng hai bên thân người. Mọi sự đã xảy ra ở đó. Ngay nơi đó, người lính đã thay tôi làm công việc đáp ứng những lời cầu xin của người thợ rèn, hắn chơi trò chơi thay thế tôi, trò chơi của tất cả những người lính tự thuở ban đầu.

Trên cổ của người thiếu phụ có một vết cắt thật sâu. Chính con dao của người thợ rèn làm ra đã đâm vào đó.

Còn lại người thợ rèn và đứa con trai. Anh bắt đầu truyền nghề của mình cho con, hệt như anh đã từng mơ ước. Đứa bé đứng trên một khúc gỗ để với được đến cái bếp rèn. Nó mới tròn năm tuổi. Người thợ rèn biết rằng mình vẫn chưa hoàn tất giao kèo thứ nhì, nhưng vẫn còn nhiều thời gian. Sẽ có chuyện gì đó xảy ra cho anh. Anh sẽ đúc một nghìn thanh gươm, không, hai nghìn thanh gươm, để tỏ lòng biết ơn vị lãnh chúa đã ban cho mình cơ hội được sống già bên đứa con trai. Người thợ rèn ngắm con mình. Anh thấy nó chẳng giống anh tí nào cả. Thằng bé và mẹ nó chẳng khác gì hai giọt nước.

 

Trần C. Trí chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha “El hijo del herrero.”

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...