Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Ngày Đó Và Bây Giờ - Chuyện Ngắn của Thuyên Huy

 Ngày Đó Và Bây Giờ

   Có cố đi cho lẹ, từ văn phòng ra, giờ tan sở, Quân cũng không kịp chuyến xe lửa về nhà, không còn ai đứng trên sân ga tuyến đường mình, nắng chập chạp trời chiều như cố nấn ná làm vui cho đám chim hoang rượt đuổi bóng nhau trên thềm gạch nâu vàng nhạt dấu chân người. Nhìn qua sân ga bên kia, có tiếng còi vọng lên dưới phố, tuyến đường ngược ra ngoại ô, đông nghẹt người chờ, nói cười rộn rã, bỏ túi xách xuống đất, hàng ghế trống trơn, chưa kịp ngồi thì phía dưới con đường hầm, cô con gái tay xách túi vải có vẻ nặng, hổn hển  chạy lên, tới thềm sân ga, ngừng lại thở dốc, đếm bước đi tới gần chỗ Quân, ngượng ngập nhìn trời rồi nhìn xuống đường sắt, còn âm ỉ chút hơi nóng của những ngày cuối Hạ. 

   Vừa thấy cùng cảnh ngộ, chắc cũng là người mình, Quân đứng dậy, cười làm quen “thôi trể rồi, tôi cũng như cô, thôi mình chờ chuyến sau, chắc không lâu đâu”, rồi chỉ mấy cái ghế còn trống, cô chắc khoảng hơn hai mươi, dáng người cao, tóc dài đen mượt, khá xinh, hai má lún chút đồng tiền nhỏ, áy náy chào lại, nhè nhẹ đi lại ghế, cười ngồi bên anh ta, sân ga bên kia, chuyến xe lửa ngược ra ngoại ô đến tự nãy giờ vừa rời  nhà ga, bỏ tiếng còi ở lại, cả hai người nhìn theo,  không nói gì. Trên chuyến về cùng đường chiều, hai người quen nhau sau những chuyện hỏi han qua lại, không đầu không đuôi, xứ người quê mình, cả hai không ngờ là ba của Thảo, tên cô gái và Quân cùng làm ở một tỉnh trước ngày miền Nam mất, tháng Tư năm 1975. Quân xuống ga Tottenham, họ chào nhau hẹn có dịp gặp lại đâu đó, cô con gái tiếp tục về phố biển Williamstown. 

    Không đợi cũng đến, tuy không cùng chuyến xe lửa tới chỗ làm, chỗ học, nhưng hai người lại cùng bên nhau chuyến về, dù có người xuống ga trước người xuống ga sau, cứ như vậy mà từ quen tới thân chừng nào không hay không biết. Quân thì làm việc phụ tá cho một văn phòng luật sư, trên lầu đường Collins, trung tâm thủ phủ tiểu bang, Thảo theo học năm thứ ba, ngành y tá tại trường Đại học Công giáo bên hông một bệnh viện lớn, ngoài năm ba lần hẹn ngồi ăn trưa với nhau, chiều nào cũng vậy, hết giờ làm, như một thói quen, Quân đứng chờ Thảo tan trường ra, về ngang, rồi hai người sánh bước bên nhau nói cười mặc cho rừng người tan sở hối hả, rầm rập chân trước chân sau tới nhà ga chính, cho kịp chuyến xe lửa về nhà.

*

    Ra khỏi nhà ga Williamstown, sáng Chủ Nhật, đường phố vắng tanh, băng qua đường, như lời Thảo chỉ, Quân thấy ngay cây Phượng tím lớn trước sân, nhà Thảo, một căn nhà gỗ sơn màu vôi nhạt, nằm cách đường xe lửa ra không bao xa, Quân sửa lại áo chút xíu, tay ôm hộp bánh ngọt mua từ một tiệm bánh khá nổi tiếng người mình, như là món quà nhỏ làm quen với gia đình, thong thả bước, gió nhè nhẹ từ ngoài khơi mang theo chút mùi nước biển lùa về ngang, trời ngấp nghé trưa chợt mát.

    Gần tới cổng nhà, cái cổng sắt thấp, hoen ố màu rĩ sét, lưa thưa ba bốn bụi hoa vàng, không biết tên gọi, ửng tươi dưới nắng lưng lững trưa, lác đác hai bên con đường gạch rộng đủ chân người đi vào nhà, Thảo đứng nhìn trời, thấy Quân, không chờ mà bỏ chạy vụt vô đứng trước cánh cửa mở rộng nói vọng vào gì đó, rồi mới quày quả trở ra, Quân đẩy cái cổng khép hờ đi vào, chưa kịp nói gì thì từ trong nhà, ba mẹ và đứa em gái, chắc cũng sấp sỉ mười sáu mười bảy, bước nhanh ra. Quân đứng khựng lại, trố mắt nhìn, ngạc nhiên cùng lúc chú ba Cần, ba Thảo cũng không khác gì anh, cả hai thốt lên “ông phó, chú tư”, rồi, một già một trẻ ôm nhau rươm rướm mắt, ba người còn lại, đứng chết trân, nắng lùa từng vạt ngẩn ngơ trải dài trong sân, gió hối hả đuổi tiếng còi xe lửa vừa rời ga Williamstown ngược về phố chợ đi mau, chừng như cố giữ cái mát lại cho những người đang đứng đó.

*

    Ba mẹ Thảo, người gốc Tuy Hòa Phú Yên, người có đạo, nhưng qua tận Pleiku lập nghiệp, có cái sạp nhỏ bán rau cải, gia vị nho nhỏ trong chợ, chú tư Cần, ở đây nhưng không biết do đâu, chú lại là lính Địa phương quân tại tiểu khu Kontum, rồi bị thương ở chân trái không nặng lắm nhưng có phần đi đứng hơi khập khễnh chút đỉnh, biết lái xe hơi, chú chuyển qua bên quân xa làm tài xế, rồi được biệt phái lái xe, cái xe Jeep còn khá tốt cho người khóa đàn anh, vừa đổi ra Quảng Nam, đường Kontum Pleiku gần, công việc dễ thở, chú đi về cũng tiện, thiếm vẫn coi sóc sạp bán hàng như từ trước tới nay.

     Quân về thay, và từ ngày đó, chú vẫn tiếp tục việc cũ, thấy Quân còn trẻ quá, xa nhà tội nghiệp nên chú lo lắng cho anh ta chu đáo hơn, không chỉ chuyện xe cộ xăng nhớt mà còn cả chuyện ăn uống, đi lại mỗi lần xuống xã này ấp nọ, cứ như vậy mà tình cảm chú cháu ngày càng thân hơn, chú luôn miệng hy vọng một ngày nào đó, Quân xuống Pleiku thăm gia đình chú một chuyến làm quen, nhà có hai cô con gái, tuổi chưa tới mười lăm mười sáu, vậy mà lần lựa, chưa được. Trước ngày Ban Mê Thược mất vài tuần, tình hình xem ra không yên, nhất là tin chiến trận từ vùng Một, chú xin phép nghỉ mấy ngày, về nhà, hôm chú trở lên, mới biết chú đóng cửa sạp bán rau cải, đã đưa thiếm và hai con về Tuy Hòa.

    *

    Theo liên tỉnh lộ 7 xuôi Nam, qua Phú Bổn lưng chừng một cái đèo nhỏ thấp không lâu, chiếc xe Jeep chở gần mười người, không còn xăng còn nhớt cũng như số phận của hàng trăm chiếc xe đủ loại chen nhau rồi bỏ lại phơi xác trên đường di tản, bọn Quân quyết định gom góp cái gì cần, còn mang theo được, đẩy xe ủi vào khoảnh đất dày đặc cỏ tranh cao quá đầu người, rồi tự động chia tay, nhóm hai ba người, bắt tay chúc may mắn, hẹn gặp lại đâu đó, không lâu sau, họ mất hút trong giòng người rồng rắn giữa cái nắng như thiêu như đốt của trời cao nguyên tháng Ba, cũng giống như đám bạn, Quân và chú tư Cần, nhập vào đoàn người, hai chú cháu lầm lũi lặng thinh đi tới.

    Xế chiều, qua đèo Tuna, cách Hậu Bổn chừng năm sáu cây số, về hướng Tuy Hòa, xuống tời chân đèo, nắng tím dần màu hoàng hôn, cây cầu Le Bac trước mặt, đại pháo quân Bắc Việt một lần nữa như những lần dọc theo đường số 7 những ngày trước đã có, từ xa đâu đó pháo ra, rừng người cả hàng ngàn, hốt hoảng, la hét kéo nhau, người chạy người nằm loạn đả hai bên đường, tản ra cả ngoài đồng khô cỏ cháy tránh, pháo một chập rồi ngưng, đêm chập choạng tối dần, người chết người bị thương rải rác khắp chỗ, tiếng khóc tiếng gào lanh lãnh rợn người. 

    Cũng trong cơn hốt hoảng đó, chú tư Cần không may, nằm cách Quân một khoảng, không xa chỗ cái hố còn khét mùi thuốc súng đạn pháo sâu thẳm, bị mảnh nhỏ trúng vào khuỷu chân trái, chỗ vết thương cũ lúc còn bên lính tiểu khu, đau nhưng ra máu không nhiều, trên người chú chỉ có vỏn vẹn cái áo ka ki lính xanh, Quân xé vội xé vàng áo thun mặc bên trong người, phụ chú cột vết thương, dưới trời mờ mờ vào đêm, hai người nhìn nhau, xót xa cười. 

   Đoàn người tiếp tục đi giữa đêm tối, cũng vẫn dài, đuôi nối đuôi, dài cả mấy cây số, tuy vết thương không nặng nhưng chú tư Cần đi không vửng lắm, Quân dìu chú một bên, đi chậm tuột lại phía sau, rồi cũng về tới Cung Sơn rạng sáng sớm hôm sau, ở đây đã có vô số người di tản đám đi trước tới mấy ngày nay rồi, với một số quân xa và lính đủ binh chủng, cắm lều dựng mái chật cứng mấy cánh đồng khô trơ xác rạ bên ngoài, quanh khu phố quận, không có cầu băng qua sông Ba, dù mùa này nước cạn. 

    Buổi sáng đi lên đi xuống, hỏi qua hỏi lại, làm quen với người lính lái một trong mấy chiếc GMC, đậu gần chỗ bờ ruộng hai chú cháu ngủ, là người từ Kontum, chiếc xe mui trần, chất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, chở theo mấy gia đình con cái, trong lúc đoàn người rục rịch gọi nhau ơi ới qua sông Ba, xe chật nhưng anh vui vẻ nhận lời cho chú tư Cần quá giang về Tuy Hòa khi biết chú bị thương, chú nhất định không chịu bỏ Quân ở lại sau một mình nhưng nói qua nói lại một lúc, xe cũng như người bắt đầu đi, chú cháu bịn rịn từ giã nhau, hẹn gặp lại ngoài đó, ngồi ở một góc gần bửng sau, xe chạy đi rồi, chú tư cố vẫy tay mà rưng rưng nước mắt, xe khuất dần giữa rừng người. 

    Quân đứng trên bờ đê nhìn theo, thở phào đỡ lo, lầm lũi đi, người thưa dần, có chút nắng lên bên này sông, anh sờ lên túi áo, tấm giấy tập học trò, ghi địa chỉ nhà chú tư Cần ngoài Tuy Hòa, còn đó, khô đét, nhàu nát. Xế chiều, súng nổ dữ dội xa xa, phía trên đầu ấp đập Đồng Cam, đoàn người đoạn sau, có Quân khựng lại, ngơ ngác nhìn nhau, không thấy bóng dáng mấy chiếc xe GMC đâu nữa, Quân không gặp lại chú tư Cần từ đó. 

   Cuối cùng, mấy ngày sau, Quân lếch thếch rã rời theo đoàn người lớn nhỏ về tới Hiếu Xương, rồi ra phố chợ Tuy Hòa, đường phố vắng tanh, không mấy người còn đó, tìm đến nhà chú tư Cần, theo địa chỉ ghi trên tấm giấy còn giữ trong túi áo, hy vọng gặp lại chú bình an, ở đó không còn ai, người bên cạnh cho biết, chú có về nhưng cả gia đình đã bỏ đi hôm trước rồi, tuy không gặp nhưng vậy cũng mừng cho họ. Quân nhét tấm giấy nhầu nát dưới ngạch cửa, thở dài, đoàn người di tản vẫn dắt díu nhau, tiếp tục đi trên đường nhựa như đã đi từ mươi ngày trước. 

************ 

     Ba mẹ con Thảo ngồi sát bên nhau, chăm chú nghe chú tư Cần nhắc lại chuyện hơn mấy năm trước nhất là chuyện hôm bị thương vì đạn pháo quân Bắc Việt, chuyện cái vẫy tay bóp bụng chào Quân sáng sớm ở Cung Sơn khi chiếc xe GMC chạy đi, lặng thinh, đôi lúc nhìn Quân chờ, anh thỉnh thoảng thêm chút này chút kia, cười cười, nghe mà cứ nói thầm trong bụng “trái đất tròn thật”. Quân ở lại ăn cơm trưa với gia đình chú, bữa cơm mà hai cô con gái cứ “một anh Quân hai anh Quân” nhưng vợ chồng chú thiếm vẫn một mực hai tiếng “ông phó”. Xế trưa, cả nhà theo nhau đưa Quân ra tới nhà ga, đi bên Quân, chú tư nhắc lại nhiều lần mấy tiếng “cám ơn ông phó”. Chuyến xe lửa đến rồi đi, qua khung cửa sổ nhìn lại phía sân ga, cả gia đình vẫn đứng đó vẫy tay, khuất dần rồi mất hút, tiếng còi thôi kéo dài, bỗng dưng Quân chợt thấy vui hơn mọi ngày. 

    Cuối năm, sau ngày Thảo tốt nghiệp không lâu, Giáng Sinh, đêm thánh lễ mừng Chúa ra đời tại nhà thờ của xứ đạo Williamstown, nằm ở góc phố cuối đường ngó ra biển, trong thánh đường Quân và Thảo đứng sát nhau liền bên cô em út và chú thiếm tư Cần, hai tiếng A Men của họ hình như nghe rõ hơn tiếng A Men của những người xem lễ khác sau khi cha xứ chấm dứt bài giảng mừng Chúa ra đời. Một lần nữa, trên gác cao, có tiếng chuông vang lên rộn rã từng hồi, có tiếng nói tiếng cười chúc nhau “một mùa Giáng Sinh bình an, hạnh phúc”, đứng bên nhau thiếm tư nhìn Thảo rồi nhìn qua chú tư cười nhẹ gật đầu, cái gật đầu tỏ ý mừng vui, cũng lúc đó, Thảo khẻ nắm tay Quân, cả hai cũng nhìn nhau cười giống như nụ cười mà thiếm vừa có. 

   Chuyến xe lửa cuối cùng đón người về nội ô sau lễ nửa đêm, thong thả rời nhà ga, còi vang lên từng chập, kéo dài hơn thường ngày, tiếng còi mừng Chúa giáng sinh trên cao cũng như chúc lành cho hạnh phúc của hai người nguyện bên nhau dưới thế.

Thuyên Huy

Xứ người những ngày sắp vào Xuân 2020

🌿🌿🌿🌿🌿

  Mời Xem   : * Trong Phận Người Quẩn Quanh- Thơ Thuyên Huy

** Mùa Hoa Trâm Bầu Chưa Kịp Nở- Chuyện Ngắn của Thuyên Huy

    

   


1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...