Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Kệ và Biệt Kệ

 Trần Văn Tích


Nữ đồng nghiệp Cấn thị Bích Ngọc ở Canda đưa bài viết của một tăng sĩ Phật giáo đăng trên một tập san Phật học lên mạng lưới. Nội dung của bài viết bàn về bài Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác. Nương vào sự kiện đó, tôi viết những dòng ngẫu tác sau đây.

Bài Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác là một bài kệ. Chỉ có văn học Phật giáo mới có thể loại kệ. Đó thông thường là những bài thơ tóm tắt tư tưởng của bài thuyết pháp nhằm mục đích giáo dục đệ tử. Kệ có khi còn được gọi là thi kệ, kệ biệt, kệ tụng, kệ tha, già đà. Già đà là phiên âm từ chữ Phạn. Cho nên trong các tài liệu văn học Âu Mỹ, kệ được gọi là gàthà. Độ dài ngắn của kệ không nhất định. Có bài rất ngắn, như một câu tục ngữ, ví dụ câu kệ của sư Huệ Năng : Hạ hạ nhân hữu thượng thượng trí. Lại có bài kệ dài như Bồ Tát từ bi mặc nghi lự trong Trì thế vấn tật (Đôn Hoàng linh thập) gồm đến bốn mươi tám dòng.

Nhưng thông thường kệ được trình bày theo thể thơ bốn câu, mỗi câu bảy chữ và nhất là năm chữ, gọi là thất ngôn hay ngũ ngôn tứ tuyệt, gọi chung là tuyệt cú. Loại thơ bốn câu năm chữ là ngũ ngôn tuyệt cú hay ngũ tuyệt, loại thơ bốn câu bảy chữ là thất ngôn tuyệt cú hay thất tuyệt.Tuyệt cú ngắn gọn súc tích, chặt chẽ cô đọng, đậm đặc bảo hoà rất phù hợp với chủ đích ghi lại một cách nhanh chóng nhất giây phút đốn ngộ, thời điểm xuất thần của nhà tu hành. Tuyệt cú chứa đựng những năng lượng trí tuệ tích tụ đến độ căng thẳng, có tác dụng to lớn nhằm khai ngộ cho những tâm hồn khát khao chân lý Thích giáo. Cho nên kệ thuở ban đầu được gọi dựa vào chính hình thức bố trí ngôn ngữ của nó, tứ cú kệ (kệ bốn câu). Đó cũng là lý do tại sao khi Mộ Dung Bác “đốn ngộ“ trong Lục mạch thần kiếm để chợt nhận ra rằng thứ dân, đế vương cũng đều là cát bụi, nước Đại Yên khôi phục được cũng là không mà chẳng khôi phục được cũng là không thì nhà sư già trong chùa Thiếu Lâm liền đọc lên mấy câu kệ để khai ngộ cho cả họ Mộ Dung lẫn Tiêu Viễn Sơn.

Tương tự như vậy và trong Thiên long bát bộ - thiên long và bát bộ đều là thuật ngữ Phật học và được dịch sang Anh ngữ thành semi-gods, semi-devils - Kim Dung để cho Đại luân Minh vương Cưu Ma Trí đọc tại chùa Thiên long nước Đại lý một bài tứ cú kệ nói lên lẽ hữu thường mà hoá vô thường, đã hình như giả lại hình như không. Kệ là hình thức cấu trúc ngôn ngữ đặc thù để nói lên, trong một tích tắc và vào một đỉnh điểm, tư tưởng Phật học hay Thiền học. Chính khả năng hiểu biết sâu sắc về vũ trụ, về nhân sinh của đệ tử nhà Phật là động cơ thúc đẩy sự thịnh hành của kệ, nó là kết quả của nhận thức duy lý. Kệ chủ yếu là thi ca duy lý. Thiền học là lối thoát cho nhiều người lạc đường, cho chúng sinh mất hướng. Thiền tông vốn phản đối tiệm tu, chú trương kiến tánh thành Phật, đốn ngộ thành Phật, thậm chí không cần toạ thiền.

Sư Mãn Giác nhân bàn về lẽ hoá sinh ở đời trong bài kệ sáng tác trước khi viên tịch đã bảo đệ tử hãy tin tưởng ở ngày mai, hãy đón chào một mùa xuân đang tới theo qui luật tuần hoàn tất yếu của tự nhiên giới. Bậc tu hành giác ngộ lẽ đạo đã có thể vượt khỏi vòng luân hồi của pháp tướng, thoát được sự chi phối của thế giới hữu hình, khác nào như nhánh mai kỳ diệu kia vẫn cứ nở trong khi muôn hoa đà rụng hết vào buổi xuân tàn. Nhà sư viên tịch nhưng chân thân thì vượt khỏi vòng sinh tử để khai hoa vĩnh cửu. Ý thơ được trao gửi cho môn sinh qua cung cách thể hiện tứ thơ thật tươi mát và linh hoạt. Bài thơ dùng ba mươi bốn chữ để phu diễn diệu lý của đạo Thiền đồng thời ký thác lòng thơ lai láng của thi nhân. Thi phẩm tiết kiệm âm tiết đến tối đa, nó kín đáo, âm thầm, ít nói. Nó vận dụng nghệ thuật lược văn lược từ một cách tinh luyện nhưng nó cũng biểu hiện tuyệt kỷ gợi ý dẫn khởi siêu đẳng.

Phật học, Thiền học là hai lĩnh vực tưởng chứng rất xa lạ với văn chương. Vì đó là những lĩnh vực hết sức tiết kiệm tư duy bằng ngôn ngữ để lấy sự giác ngộ bằng phương pháp trực quan làm cơ sở (truyền tâm); trong khi văn chương chính là và chỉ là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Nhưng thực là kỳ diệu : trong phạm vi ít ỏi của những từ ngữ, khái niệm được phép dùng - lắm khi là những lời trối trăn vào lúc hấp hối - các nhà sư đã từng trầm mặc suốt một đời, trước khi tử giã thế giới sắc tướng mà sang bến bờ không tịch cũng đã dùng tiếng nói thế tục nhằm nói lên chân lý thoát trần; đôi khi lai còn dùng tiếng nói thế tục để sáng tạo nên những vần thơ hoa lệ. Lúc vĩnh biệt trần gian, bằng cách nào đi nữa, con người vẫn có nhu cầu bày tỏ mối liên hệ giữa mình với đời. Chính vì thế mà tuy không phải là một bậc chân tu, nhà thơ Lý Thương Ẩn trên giường bệnh, lúc lâm chung, cũng viết một bài kệ. Thể kệ đó mang tên riêng là biệt kệ, kệ làm khi vĩnh biệt, khi thị tịch và được giới nghiên cứu thi pháp Trung Hoa chuyển thành gàthà léguée (Paul Jacob)(1) hay mot de la fin (Paul Démiéville)(2)

Theo cách thức kết hợp các thành tố trong nội bộ từ ghép của Hán văn thì một cành mai phải là nhất mai chi nhưng do âm vận của thi phẩm mà tác giả đã viết đảo ngược lại thành nhất chi mai, do bởi bài thơ hạ vần khai, lai, mai. Một số bài thơ của người Trung Hoa hay người Việt Nam cũng sử dụng kết cấu ngôn ngữ nhất chi mai này; trong câu đối quen thuộc của Hồ Quý Ly cũng thế : Quảng hàn cung lý nhất chi mai (để đối với Thanh thử điện tiền thiên thụ quế). Thực tế sáng tác hằng tỏ ra uyển chuyển mềm dẻo như vậy và thỉnh thoảng thi nghệ vẫn châm chước cho hồn thơ như thế. Tương tự như vậy, Lục Khải tác giả bài thơ tặng bạn rất hay, viết Chiết mai phùng dịch sứ / Ký dữ Lủng đầu nhân / Giang nam vô sở hữu / Liêu tặng nhất chi xuân mà đáng lẽ thì phải là nhất xuân chi (một cành xuân).

Cuối cùng, khi tác giả Thích Chân Tuệ viết “nhánh mai vàng rực rỡ trong tâm thức con người“ thì màu hoa đã được tiếp nhận sai lạc. Cành mai của thiền sư Mãn Giác màu trắng, không hề là màu vàng; nhất định như thế, chắc chắn như vậy. Tất cả những cành mai trong Đường thi Trung Hoa, trong thơ cổ Việt Nam là cành mơ trong rừng mơ rừng mận, không phải cành mai vàng ngày Tết bán trên đường Nguyễn Huệ Sàigòn trước 1975. Cây mai làm cảnh ngày Tết trong Nam là Ochna Harmandii L. Cây mai trong thi ca Mãn Giác, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Mai Am Công chúa, Lục Du, Dương Vạn Lý; cây mai trong Nhị độ mai, trong Mai đình mộng ký v.v..có tên khoa học là Prunus mume (Sieb.) Sieb. et Zucc. Nó có những đặc tính thực vật học, sinh thái học, dược liệu học mà cây mai ngày Tết của chúng ta ở Miền Nam không hề có.

Cây mai trong thi ca Hán Nôm nở hoa màu trắng. Bài Tảo mai, thơ Nôm đời Hồng Đức : Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết (Hoa mai trắng phau, trắng hơn cả tuyết). Cũng như bài Lại vịnh hoa mai vẽ : Sương chẳng phau tung, tuyết chẳng dời và bài Lão mai: Tuyết giúp tinh thần ngọc hãy còn. Nụ hoa mai tất nhiên cũng trắng, vì vậy Trần Nguyên Đán bảo rằng nó ngậm ngọc : Mai hàm ngọc lạp truyền thiên tín (Mai ngậm hạt ngọc, đưa tin thời tiết của trời). Trong bài từ mang đầu đề Sơ xuân viết theo điệu Ức Tần Nga của Dương Vạn Lý đời Tống cũng có câu tả hoa mai màu trắng như tuyết : Lạc mai như tuyết / Dã đào hồng tiểu (Hoa mai rụng như tuyết / Hoa đào rụng màu đỏ, nhỏ bé). Trương Duyệt đời Đường, bài U châu tân tuế (Năm mới ở U châu) : Khứ tuế Kim Nam mai tự tuyết / Kim niên Kế Bắc tuyết như mai (Năm ngoái ở Kim Nam hoa mai trắng như tuyết / Năm nay ở Kế Bắc tuyết trắng như hoa mai).

Cây mai trong thơ Hán Nôm có hoa thơm. Như qua thơ Nôm Nguyễn Trãi : Ngày tuy gió chẳng bay hương (Lão mai); Lịm đưa hương một nguyệt hay (Mai thi); hay thơ đời Hồng Đức : Xuân thêm cốt cách hương càng bội (Lão mai); Mùi hương ngậm thế khôn hay (Lại vịnh hoa mai vẽ); và thơ Nhị độ mai : Hương đâu phưng phức tứ bề / Hoa đâu san sát đầy khê một vườn.

Cây mai trong thơ Hán Nôm kết trái. Trái nó khi non thì xanh và chua, khi chín thì sắc vàng và ăn được. Người thanh niên trong Trường can hành của Lý Bạch, đùa với người thương, chạy quanh giếng, vừa chạy vừa tung những trái mơ xanh (nhiễu sàng lộng thanh mai). Qua thơ Lục Du, trái mơ chín vàng trong mưa, bài Tự thương : Triều vũ mộ vũ mai tử hoàng (Mưa sáng mưa chiều trái mơ nhuốm vàng).

Cây mai trong thơ Hán Nôm là một biểu tượng thời tiết. Ở vùng sông Dương tử, sông Tương, khi xuân xắp chuyển sang hè, khoảng tháng tư tháng năm thì lúc đó mơ cũng vừa chín, thường hay có mưa; do đó mùa ấy gọi là mai tiết, mưa ấy gọi là mai vũ. Đó là cảnh trong Nhị độ mai : Hoá nhi khen khéo thờ ơ / Bởi đâu một trận gió mưa đêm trường / Sáng mai trông lọt bốn tường / Cành hoa dưới đất, mùi hương trên trời. Đó cũng là cảnh trong thơ Nguyễn Phi Khanh, bài Quán xá : Bán thấp tiêu phong hoà ngọ mộng / Nhất liêm mai vũ trợ thanh ngâm (Nửa giường gió chuối, giấc trưa êm đềm / Một rèm mưa mai, hồn thơ gợi hứng).

Cây mai trong thơ Hán Nôm cung cấp một số vị thuốc. Nếu muối quả mơ phơi héo như muối cà thì chúng ta có diêm mai. Nếu đồ quả mai rồi phơi rồi đồ nhiều lần thì chúng ta có ô mai. Hạt khô cho khổ hạnh nhân. v.v..

(2) Paul Démiéville.- Poèmes chinois d'avant la mort (Thi ca Trung Hoa lúc lâm chung). L'Asiathèque. Paris. 1984. Mot de la fin : nét chữ cuối đời.

(1) Paul Jacob.- Poètes bouddhiques des Tang (Các nhà thơ Phật học đời Đường). Gallimard (nrf). Paris. 1987. Gàthà léguée : già đà để lại.

Trần Văn Tích
  

1 nhận xét:

Chúng ta cần chủ nghĩa tư bản có đạo đức (DĐKP )

                                          Giáo sư, triết gia Markus Gabriel Chúng ta cần những triết gia   ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp...