Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Diễn tả kiểu NAM KỲ

Chợ Mỹ Tho 1969 (market). Photo by Lance & Cromwell. Fresh produce vendor at Mỹ Tho's market in 1969. Bán rau cải các loại. 
Vài nét đặc biệt của miền Tây trong một tấm hình :
- Trang phục ''áo bà ba'' của người phụ nữ miền Nam.
- Phụ nử đội nón lá hoặc quấn khăn trên đầu.
- Quần '''lãnh Mỹ A''' nổi tiếng một thời, giờ nó biến mất.

- Dưa hấu thời điểm này chỉ gần Tết người ta mới trồng. Bây giờ muốn ăn lúc nào cũng có. Nhưng có dám ăn không ?

MÈN ĐÉT ƠI!...
Diễn tả kiểu người Nam Kỳ.
Người Nam Kỳ có nhiều cách diễn tả biểu cảm rất ngộ. Thí dụ như cần rốt ráo thẳng luôn, dứt khoát, không e ngại, chẳng lòng vòng thì kêu là "nói đại", "làm đại", "nói phứt cho rồi".
Chữ đại trong Hán Việt có nghĩa là to lớn, nhưng qua miệng dân Nam Kỳ thành biến nghĩa qua nhanh, gọn, rốt ráo, không rào đón trước sau.
"Kinh xáng mới đào
Tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại
Đừng nghi đừng ngại
Bớ điệu chung tình"
Thương đại là thương liền đi, thương mau lẹ, thương nhanh đi, đừng chần chờ gì hết.
Đọc Hồ Biểu Chánh thấy hành động nhanh gọn còn diễn tả trong chữ "phứt", phứt hoặc phức là chữ đệm thôi.
Thí dụ: thôi phứt cho rồi, nói phứt cho rồi, lãnh lương nên đem trả phứt cho dì, con đi phứt cho rồi, tôi muốn chết phứt cho rồi, mướn phứt một chiếc xe hơi, gả phứt nó cho rồi, xin từ chức phứt cho rồi,...
Phứt có nghĩa là liền đó đa, gả phứt là gả chồng cho con liền.
Mà nhớ nè, cha nào được gả phứt coi chừng rước đồ mắc dịch về nhà đó nghen.
"Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi
Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm
Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể
Cưới vợ có chừ về thổi lửa queo râu."
Người Nam Kỳ mô tả thơm tho bằng từ “thơm phức”.
Thơm phức là thơm dữ lắm, thơm lừng, thơm thất kinh. Hoa lá thơm phưc, dầu thơm phức, xà bông thơm phức, da thịt đờn bà cũng thơm phức.
Mờ đạo nghĩa, ân tình, ân nghĩa, lòng dạ, tiết tháo cũng thơm phức.
“Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo,thương vì hai chữ thiên dân.
Cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ”
Ông Bình-nguyên Lộc thì cái trân quý nhứt của đời ông là ”thổ ngơi thơm phứt hồn ma cũ” của đất Sài Gòn.
Xin chép vài ba câu thơ của ông Bình-nguyên Lộc cho bà con Nam Kỳ mình ôn cố tri tân, đặng để lòng mà nhớ mà thương, rồi có thương mới có ý thức về xứ sở của mình.
“Ghe ơi, vài bữa ghe về
Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?
Mùi đất nước ruộng bùn phảng phất
Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu
Năm năm, bao cuộc bể dâu?
Phút giây in lại như hầu hôm qua”
Có thơm phức thì phải có đối nghịch nó, là thúi hoắc.
Có những người bề ngoài coi tốt đẹp, còn bề trong thì thúi hoắc. Nhơn cách mờ bị gán cho hai chữ “thúi hoắc” thì tiêu tán đường.
Lâu lâu về xóm, đụng ngay mấy bà “Tám”, ta nghe mấy bả la lên những tiếng vầy nè: “Mèn đét ơi! Mày trổ giò lớn xộn, giống thằng cha mày quá, cưới vợ được rồi đa”
Thống kê những tiếng “ngộ” đó như sau:
- Chèn đét ơi!
- Mèn đét ơi !
- Trèn đét ơi!
- Mèn ơi!
- Chèn ơi!
Chèn đéc quỷ thần thiên địa ôn hoàng hột vịt lộn ơi!
Bạn biết mèn đét hay chèn đét là chữ có nghĩa gì không? Đó là câu “Trời đất ơi!” đó.
Hiểu một cách nôm na thì những câu”chèn đét ơi!” là nói trại từ “Trời đất ơi !”, là một cách nói trại từ, nói kiêng, kỵ húy ông Trời, không dám kêu đích danh ông Trời.
Tim trong thư tịch Nam Kỳ xưa thời Phan Thanh Giản thì không thấy những chữ chèn ơi đó, trong văn Hồ Biểu Chánh cũng không thấy, ông Hồ Biểu Chánh viết câu kêu lên là “Trời ơi!”, thí dụ đoạn văn sau trong “Ông Cử”:
(Trích đoạn): “Cách một lát, một đứa trẻ ở dưới mé sông đi lên, tay lắc chuông leng keng, vai vác một tấm băng đỏ lói. Ði tới cái băng chỗ ông Cử và Ba Sang ngồi, đứa nhỏ ấy dựng tấm bảng một bên, rồi ngồi gần Ba Sang mà nghỉ chơn.
Ba Sang không biết chữ, không hiểu tờ giấy đỏ dán trên tấm bảng ấy nói chuyện gì, kêu vỗ vai thằng nhỏ mà hỏi: "Em rao bán giống gì vậy em?“
Thằng nhỏ cười đáp: "Trời ơi! Anh này quê quá! Bảng rao hát cải lương, chớ bảng giống gì! Anh không thấy hình đó sao? Hình đó là hình cô đào nhứt trong gánh, tối nay thủ vai Bàng Quý Phi cụp lắm“.
Ba Sang với lấy tấm bảng, cầm coi cái hình, khen cô đào xinh đẹp, rồi kêu ông Cử mượn đọc, coi những hàng chữ in trên đó nói cái giống gì vậy“. (Ông Cử, 1936)
Những câu “chèn ơi”, ”mèng đét ơi” xuất hiện ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ những năm 1960, xuất phát từ những người Nam Kỳ miệt Lục Tỉnh Miền Tây bình dân chạy giặc về Sài Gòn, nó là tiếng lóng.
Trong văn Bình Nguyên Lộc ta không thấy những từ mèn đét ơi.
Bình Nguyên Lộc là nhà văn Nam Kỳ nhưng không rặc Nam kỳ như Hồ Biểu Chánh, trong văn ông này vẫn lộn chữ kiểu Bắc Kỳ, trong “Đò dọc” của Bình Nguyên Lộc ta tìm ra từ “gầy khô đét” kiểu Bắc, đáng lẽ ra là “Ốm khô queo khô quắt”.
Hồ Trường An là nhà văn xài “mèn đét ơi” nhiều nhứt.

Xin hãy đọc hai đoạn trích sau:
(Trích) “Mèn đéc ơi, thằng nhỏ coi giống hịt thằng Bảy Huỳnh Kim Báu quá trời quá đất!... Chèn ơi, nụ cười nó giống nụ cười tía nó quá chừng chừng!”
(Trích)” Trong những thửa ruộng sâm sấp nước, ốc bươu, ốc lác bắt đầu giao hoan, cua đồng bắt đầu sanh sản. Chèn ơi, giữa mùa mưa, chẳng những loại nghêu, sò, ốc, hến, cua, còng mài miệt giao hoan, xôn xao sanh sản mà lũ cá chài, cá úc, cá mè vinh trong sông cũng mê tơi kết trứng thụ tinh”
Miệng thì "mèng đéc ơi?" thì tay phải quơ, tay vỗ đùi đen đét, mắt phải biểu cảm mới ra cái nghĩa nha hôn, các bạn đạo diễn nhớ cái khúc này làm cho trúng à, không thì chớ có ra Nam Kỳ à.
Túm lại, mèn đét ơi đã thành di sản đặc trưng Nam Kỳ, nghe riết thành quen, nó để lại trong lòng người Nam Kỳ bao nhiêu cảm xúc, nghe thấy vui, xa thấy buồn.

NGUYỄN GIA VIỆT

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...