Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Kể chuyện khai trường làng (Blog Hiệu Minh )

Ngày xưa (1955-1976) xóm Tụ An có khoảng 100 nóc nhà, vì cỡ xóm nên có lớp vỡ lòng và lớp Một. Có thầy giáo làng hẳn hoi, chả biết các bố có bằng cấp gì không nhưng được đứng lớp gõ đầu trẻ, oai lắm.

Thầy giáo làng cũng buồn cười, đi trong xóm biết ngay, tiếng chào vang từ đầu xóm đến cuối xóm. Từ người già đến trẻ, ai cũng lễ phép, chào thầy giáo, bác giáo, anh giáo. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, thầy giáo nhất làng, to hơn cả chủ tịch xã.

Thầy đứng đái ở bụi cúc tần, trò đi qua lại cứ thản nhiên, chào thầy giáo ạ. Thầy vung sang trái cũng có đứa đợi, vung sang phải gặp mấy em gái đứng khoanh tay. Có bà đi chợ về đầu đội thúng, tay vén quần đứng tồ tồ bên đường, cũng vồn vã, chào anh giáo, mời anh giáo vào nhà xơi nước.

Nhớ năm 1960, thầy Tam dạy vỡ lòng cho trẻ Tụ An, chả biết khai trường là gì. Gọi là lớp cho oai, thực ra, đó là nhà chú Quyền, con ông Trà, em trai ông nội mình, ngay cạnh nhà. Nhà ông Trà khá rộng, có hai bộ cánh cửa bằng gỗ, loại giầu trong xóm.

Có buổi học, chú Quyền hạ mấy cánh cửa xuống, một đầu kê vào bậu cửa, đầu kia kê mấy viên gạch. Học trò thò lò mũi xanh ngồi bệt xuống đất. Nhiều đứa đến lớp vẫn cởi truồng, ỉa đùn, đái dầm trong lớp là thường.

Không có bút chì, trẻ con bé tý chưa biết gì đã viết bút tre, mực tím, tô theo chữ thầy Tam viết bằng bút chì. Mực đổ ra bàn nên cánh cửa nhà chú có hoa hòe hoa sói như tranh Picasso. Sau buổi học quần áo đầy mực đa sắc mầu. Sau có bảng đen vẽ chữ và giơ lên cho thầy xem.

Trong lớp lũ trò phải khoanh tay để trên …cánh cửa, cấm ngọ nguậy. Lão thầy cầm cái thước lim to tướng, trò nào không nghe là bố vụt một cái vào tay rất đau. Hoặc phạt tường cả buổi học. Có đứa xin đi đái cũng không cho, thế là đái luôn vào xó nhà, khai mù. Ông Trà chửi cả thầy lẫn trò, dạy học mà ngu, rồi gọi bố mẹ sang dọn.

Hai ông anh và bà chị của mình được học thầy Tam trước. Mình thích đi học nhưng lớp đông, không đủ chỗ, phải chầu rìa. Lớp đang học mà người ngoài xúm đen xúm đỏ, ngó qua cửa sổ, ngồi trong buồng nhìn ra. Các cụ ngồi hút thuốc lào, các bà nhai trầu bỏm bẻm, vừa nói chuyện vừa nghe xem lão thầy dạy gì.

Thầy Tam vụt thước lên bảng, ê a dạy trò. A, Bê, C (xê), lợn sề bánh đúc, một cục mắm tôm, một ôm rau muống. Mình thích quá lẩm bẩm đọc theo, thuộc luôn đến giờ.

Trẻ con trong làng có biết lễ phép gì đâu. Người lớn văng đéo, chúng bắt chước, coi đó là ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Thầy chỉ chữ Đ, hỏi trong lớp, chữ này là chữ gì. Chỉ một đứa, em đéo biết. Quất một phát vào đít, phạt tường. Chỉ đứa nữa. Thưa thầy giáo, em cũng đéo biết. Lại ra đứng góc nhà. Chả hiểu bị phạt vì học dốt hay vì nói bậy.

Mình cõng thằng em, đứng ngoài ngứa mồm nhắc anh trai tên là Kế về vụ nhận mặt chữ, anh ơi chữ D (dê) có cái dấu ngang là chữ Đê (Đ). Lão Tam gật gù, thằng cu này giỏi. Bọn chầu rìa thuộc bài hơn trong lớp, không bị ức chế thuộc bài và đòn thù.

Chiều đó thầy Tam sang nhà nói chuyện với ông bà già, nên cho thằng Cua đi học sớm, bé tý đã biết chữ Dê. Thế là mình vào vỡ lòng với nhiều anh chị lớn tuổi khác trong làng.

Thời vỡ lòng làm gì có học phí. Bà già “hối lộ” thầy Tam khi nải chuối, vài quả táo dái dê, toàn cây nhà lá vườn, ngày mùa có vài bơ gạo nếp là sang lắm.

Vào lớp Một mình học tại nhà thầy Nơn cũng trong xóm nhưng phải đi xa thêm cỡ 1km, không có khai lớp. Lụt lội đi thuyền tới lớp. Đôi lúc người nhà không đến đón, cả bọn cởi truồng, đội sách vở quần áo lên đầu và cứ thế lội ruộng lụt về nhà. Thỉnh thoảng bị cá mương đớp nên xóm ấy của đàn ông hơi bị ngắn.

Một lần đi qua cái mương Đồng Sòi, mò mẫm qua cái cầu, mình trượt chân và chìm nghỉm. Đang uống nước sắp chết thì anh Thu, con trai bà Tộp, nhìn thấy, vội nhảy xuống vớt lên. Bụng đã no nước, may không theo Hà Bá, thế giới mất một blogger.

Cụ Nơn cùng kiểu thầy Tam, hắc xì dầu, dạy thì ít, đánh trẻ thì nhiều. Ông có mỗi cái quần nâu sồng, áo cháo lòng, ngày nào cũng diện và cái khăn đen xì vắt vai, thỉnh thoảng xì mũi vào đó. Ngồi trên giường hút thuốc lào sòng sọc phun khói và dạy ê a tập đọc bọn trẻ với cái giọng khàn của người ho lao “Trong đầm gì đẹp bằng sen//Tụ An đẹp nhất có sen xóm mình”.

Học phí có vài đồng mà quí nào thầy cũng hò hét đóng tiền. Vợ thầy gặp mẹ mình ở chợ Hối cũng nhắc. Cuối cùng thống nhất đóng gạo thay tiền. Thỉnh thoảng mình khoác ruột tượng gạo và mang đến lớp.

Quà cáp cho thầy cũng vậy. Chỉ là hoa quả, chuối, ngày tết có cái bánh chưng. Thế mà mình cũng lên lớp như thường, chả bao giờ bị thầy cho vào sổ đen hay lưu ban. Thầy Nơn quí trò Cua nhất lớp vì ngoan, viết chữ đẹp, làm toán tính khá, đến lớp mặc quần, không đái dầm bao giờ.

Mãi khi vào lớp 2 ở xã, xa nhà 5 km, mình mới biết khai trường là tập trung, xếp hàng trong sân bùn ở trường Yên Hạ, nghe ai đó nói oang oang vì không có loa.

Về nhà bố hỏi khai trường ra sao, mình bảo khai lắm vì bọn con đái đầu lớp, khai khai bỏ bu ý. Trẻ con hiểu khai trường là trường có mùi khai, thế mà đúng phết.

HM Cua không khai 

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...