Tình cờ đọc lại bài thơ của MT , một nhà thơ hiện ở Italia,
Có lời bình của NT, đã lưu trong blog Ngân Triều.
Xin chuyển đến Thầy quý Bạn đọc cho vui.
*
Đời Cô Lữ
Một thoáng hôm nào qua rất nhanh
Bâng khuâng mơ ước chẳng còn xanh
Vuột tay sóng vỡ tan bèo bọt
Chợt biết đời ta mộng chẳng thành
*
Ơi tóc xanh trở màu dĩ vãng
Ơi dịu dàng không ghép mơ hoang
Ơi triều âm ngàn năm sóng vỗ
Ru giùm ta muôn khúc bẽ bàng
*
Những ân tình ra đi vời vợi
Theo mây bay về cuối chân trời
Chiều sương mờ yêu thương mất dấu
Song thưa tình cô lữ chơi vơi
Mỹ Trinh
*
Ngan Trieu:
Xin quý bạn cùng tôi đọc một khổ thơ, thơ Mỹ Trinh, bài Đời Cô Lữ:
Đời Cô Lữ là cuộc sống cô đơn, lẻ loi, xa cách quê hương của một người nào đó vì một hoàn cảnhriêng phải kiều ngụ nơi xứ lạ quê người.
Bốn câu đầu là những nỗi chạnh lòng:
Một thoáng hôm nào qua rất nhanh
Bâng khuâng mơ ước chẳng còn xanh
Vuột tay sóng vỡ tan bèo bọt
Chợt biết đời ta mộng chẳng thành
*
Chạnh lòng trước hết là thời gian. Thời gian của kiếp nhân sinh là vô cùng ngắn ngủi (như một thoáng, qua rất nhanh)
Cũng như:
Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ (1)
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày
Như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay
Đời người thấm thoát, Cao Bá Quát
(1) Người sinh trong đất trời như đến nhà trọ (ngắn ngủi)
*
Tiếp theo là buồn vì tuổi cao:
Ơi tóc xanh trở màu dĩ vãng
Ơi dịu dàng không ghép mơ hoang
Ơi triều âm ngàn năm sóng vỗ
Ru giùm ta muôn khúc bẽ bàng
Ước mơ hoài bảo còn đó nhưng tóc chẳng còn xanh nữa rồi; tuổi đã qua cái dốc bên kia của cuộc đời; lực bất tòng tâm, thì còn mong mỏi được gì! Như hai câu thơ khảng khái của Đặng Dung, vị anh hùng mạt lộ, bất phùng thời:
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma
國讎未報頭先白
幾度龍泉戴月磨
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
Bản dịch của Tản Đà
*
Cái gì mà "Vuột tay sóng vỡ tan bèo bọt" ? Phải chăng là thời thế, dâu bể, tang thương? Một biến cố vô cùng trọng đại, khó lường mà những người trong cuộc phải bó tay, phải để sự việc cho sóng cuốn đi, vỡ tan tành. Một cách thể hiện bóng bẩy nhưng người đọc cảm nhận văn chương phản ánh thời thế, phản ánhlịch sử của những người sống tại MN VN sau cái ngày 30/4 dâu bể đó.
*
Để cái buồn cuối cùng là cái buồn tổng hợp những lý do trên.
Những ân tình ra đi vời vợi
Theo mây bay về cuối chân trời
Chiều sương mờ yêu thương mất dấu
Song thưa tình cô lữ chơi vơi
Đúng vậy! Không phải riêng tư, mà một tâm tình chung, một tâm tình của cả một thế hệ như tác giả, bấy giờ.
Trong cái riêng có điển hình của cái chung, chi tiết và tổng hợp. Cái ý thơ hay là ở chỗ đó vậy.
Thân mến, Ngân Triều
25 Tháng 3 năm 2019,
bài rất hay
Trả lờiXóa