Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Tình cảnh khó xử của Y học cổ truyền Trung Quốc ( Nghiên Cứu Quốc Tế )


 Người dịch: Nguyễn Hải Hoành

Y học dân tộc cổ truyền Trung Quốc (gọi tắt là Trung Y) đang đứng trước tình trạng khó xử. Dù Trung Y đã có hàng nghìn năm lịch sử và được gọi là “quốc thuật” của Trung Quốc, song bao thế hệ người Trung Quốc từng được Trung Y điều trị cứu chữa thì lại không hiểu gì mấy về nó và càng ngày càng xa lạ với nó, thậm chí không ít người cho nó là y thuật phù thủy hoặc y thuật của thánh thần, có người gọi Trung Y là “thuật chữa khỏi bệnh một cách vớ vẩn”.

“Khoa học” đã bóp méo và cắt xén y học cổ truyền Trung Quốc

Từ lâu Lỗ Tấn đã phán cho Trung Y một tên gọi là “kẻ bịp bợm cố ý hoặc không cố ý”. Dĩ nhiên, sau khi Lỗ Tấn học các sách Tây Y về sinh lý, giải phẫu ông mới nói thế.

Điều thú vị là chính phong trào “Ngũ Tứ” đã giáng đòn chết người vào số phận của Trung Y –– ngày ấy, “khoa học” mà các nhà phát động phong trào này như ông Trần Độc Tú (sau làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc) gọi là “ông S” (science), bắt đầu cất bước tiến mạnh mẽ tại Trung Quốc. Khoa học đồng nghĩa với tiến bộ, là có lý trí, là hiện đại. Lý thuyết Trung Y không dung hòa với hệ thống luận chứng, vì thế dĩ nhiên Trung Y bị coi là “không khoa học” rồi. Lẽ tự nhiên, Trung Y trở thành “khoa học giả hiệu” và bị phê phán.

Nhà duy tân Lương Khải Siêu nói: Cho dù Trung Y có thể chữa được bệnh, thế nhưng chẳng ai có thể nói rõ được cái lý lẽ tại sao nó có thể chữa được bệnh. Trần Độc Tú thì phát biểu:  Vì y học Trung Quốc không biết đến khoa học cho nên nó không trả lời được lý lẽ đó. Sau đấy học giả Hồ Thích nói: Tây Y có thể nói rõ bệnh nhân mắc bệnh gì, cho nên dù nó không chữa khỏi bệnh thì nó vẫn là khoa học; Trung Y tuy có thể chữa được bệnh nhưng lại chẳng nói rõ bệnh nhân mắc bệnh gì, cho nên Trung Y không khoa học.

Tóm lại các vị đại sư sáng lập nền văn minh khoa học cận đại của Trung Quốc ấy đồng thời cũng sáng lập lịch sử trách cứ Trung Y phi khoa học, Trung Y là khoa học giả hiệu. Cũng chính vì thế mà những người ủng hộ Trung Y luôn luôn muốn chứng minh họ có tính khoa học, đáng tiếc rằng khi làm việc đó họ lại sử dụng mớ lý thuyết của Tây y, vì thế càng chứng minh tính khoa học của Trung Y thì lại càng làm cho hình ảnh của nó trở nên xấu đi.

Trong một cuộc hội thảo về Trung Y, giáo sư Lục Quảng Tân, nghiên cứu viên cấp cao ở Viện Khoa học Trung Y Trung Quốc nói: “Trong 100 năm qua, Trung Y bị người ta cắt xén và xuyên tạc”.

Vậy nó bị cắt xén và xuyên tạc ở điểm nào? Giám đốc Viện Bảo tàng Y dược dân gian Trung Quốc kiêm phó nghiên cứu viên Trung Y Lưu Quang Thụy có kể một chuyện như sau: Ông và cha mình là Lưu Thiếu Lâm có viết cuốn sách “Thuật chích huyết của dân gian Trung Quốc”, trước khi xuất bản, người biên tập dùng quan điểm Tây Y đọc sách ấy và đưa ra nhiều thắc mắc. Lưu Quang Thụy nói nếu dùng tiêu chuẩn và quan điểm của Tây Y để xem xét Trung Y thì thật là không công bằng.

Chuyện trên chẳng khác gì việc một người đàn ông đẹp trai khỏe mạnh, bỗng dưng có người dùng tiêu chuẩn cơ thể của phụ nữ để xem xét anh ta và nhận xét vú không nở này, không có cơ quan sinh đẻ này, rồi kết luận anh ta không thể sinh ra thế hệ nối tiếp, không thể gọi là người được, là “người giả hiệu”. Người đàn ông ấy lại không kiên trì nói mình có đặc trưng “tinh hoàn” mà chỉ phân bua mình có cơ bắp phát triển, cũng có hậu môn …
Ngày nay, với tư cách là thứ nhãn mác có hiệu lực nhất của hình thái ý thức, khoa học ngày càng có vai trò quan trọng trong thể chế của Trung y. Những người hành nghề Trung Y giờ đây không thể không diễn tả mối quan hệ giữa Trung Y bằng lời lẽ khoa học hóa, hiện đại hóa trong cái môi trường phát ngôn như thế. Người ta rất ít nêu thắc mắc về cường quyền khoa học kỹ thuật của tiến trình toàn cầu hóa.

Và thế là Trung Y cũng bắt đầu cải cách đi theo kiểu hiện đại hóa của Tây Y. Nói cho đúng ra, tức là bóp méo nó lựa ý chiều theo Tây Y, chủ động tiếp nhận sự cắt xén.

Những bệnh viện Tây Y giả hiệu bán khái niệm bổ âm tráng dương

Khi “văn hóa phương Tây” và “khoa học hiện đại” trở thành thước đo đánh giá Trung Y thì lẽ tự nhiên nó cũng trở thành công cụ cải tạo Trung Y.

Trung Y đã đi trên con đường hiện đại hóa rất lâu. Điều đáng tiếc là trong quá trình ấy ta thấy Trung Y đang mất dần truyền thống và các tinh hoa của mình. Y học cổ truyền Trung Quốc là nền y học kinh nghiệm đã tư nhân hóa rất cao, người ngoài nhìn vào thấy không thể nào hiểu nổi; phương thức hành y của Trung Y là mối quan hệ một – một giữa thầy thuốc với người bệnh, phương thức giảng dạy của nó theo kiểu thầy kèm cặp trò truyền nghề. Thế nhưng ngày nay người ta thay đổi mối quan hệ thầy kèm cặp trò ấy thành Đại học Trung Y, tuy có dạy được kiến thức nhưng lại không truyền được những ý hiểu ngầm; phương thức hành nghề y kiểu tọa đường [ngồi nhà bên giường bệnh] lấy cá nhân thầy thuốc là chủ thể, nay thay đổi thành bệnh viện Trung Y cỡ lớn chia thành các phân khoa theo hệ thống Tây Y; việc điều trị không còn là sự hiểu biết một – một nữa, không còn là sự theo dõi nắm vững toàn bộ con người bệnh nhân và các thay đổi của bệnh nhân mà đã trở thành phương án điều trị kiểu dây chuyền, trình tự hóa. Việc kê đơn thuốc trước kia là bệnh nào thuốc ấy, cho thuốc tùy theo tình hình cụ thể của bệnh nhân, thậm chí còn xét tới cả thời tiết hôm đó thế nào, khí sắc của bệnh nhân thay đổi ra sao mà tăng giảm vị (thuốc) này vị kia…, nay tất cả đều diễn biến ra thành đơn thuốc có sẵn, thuốc bào chế sẵn, kê đơn theo tên bệnh. Tại một số bệnh viện Trung Y, thậm chí thuốc tây chiếm 99% thuốc Trung Y.

Hiện nay chúng ta lấy mô hình Tây Y và phương thức tư duy của Tây Y làm mạch suy nghĩ và cái khung để phát triển Trung Y, mà cái khung ấy rõ ràng không hợp với đặc điểm riêng của Trung Y, do đó việc hiện đại hóa Trung Y theo cái khung này liệu còn có thể gọi là Trung Y được nữa không? Những gì ta thấy chỉ là sự vận dụng với số lượng cực ít các thứ thuốc Bắc dưới sự chỉ đạo của Tây Y mà thôi.

Điều đáng tiếc là sau mấy chục năm cải cách hiện đại hóa, Trung Y lại ngày càng sa sút. Người ta chỉ còn thấy sự thần kỳ của Trung Y trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Đại trường kim”, nhưng sự kỳ diệu ấy cũng chỉ chủ yếu thể hiện trên mặt dưỡng sinh mà thôi.

Bởi thế hiện nay tại hầu hết các bệnh viện Trung Y, bệnh nhân đến đó không phải là để tìm thầy thuốc Trung Y, cho dù tìm được thầy thuốc Trung Y thì họ cũng chỉ để xin mấy viên thuốc, tiêm mấy mũi. Chỉ có các bệnh mãn tính hoặc yêu cầu về mặt “dưỡng sinh” thì mới xin kê đơn cho một ít thảo dược về nhà sắc lên uống.

Chính là do cuộc tranh cãi ngót 100 năm nay về “Trung Y không khoa học” mà ngay tại mảnh đất xưa kia bao thế hệ tổ tiên đều chữa bệnh bằng Trung Y này, một bộ phận khá lớn các hậu duệ của họ đã không còn tin rằng Trung Y chữa khỏi bệnh nữa. Các bệnh viện Trung Y với tư cách là sự tô điểm thêm cho hệ thống chữa bệnh ở Trung Quốc cũng dần dà biến thành nơi yên tâm mà “bổ âm tráng dương” trong mắt mọi người. Các bệnh viện đó trở thành bệnh viện Tây Y giả hiệu.

Trung Y là cọng rơm của kẻ tuyệt vọng

Một bệnh nhân đau dạ dày kinh niên nói: riêng một việc soi dạ dày ở bệnh viện Tây Y đã mất toi mấy trăm CNY [đồng Nhân dân tệ, 1 CNY tương đương hơn 3400 VNĐ], trường hợp nặng phải tiếp mấy chai nước lại mất thêm mấy trăm tệ nữa; nếu đi khám thầy thuốc Trung Y thì chỉ mất mấy chục tệ là xong, có uống thuốc Bắc thì cũng chỉ mấy tệ một gói thuốc thôi. Cho nên có người bảo bệnh viện Trung Y là bệnh viện của người nghèo.
Một nhà nghiên cứu Trung Y nói: muốn giải quyết vấn đề sức khỏe của 1,3 tỷ người Trung Quốc, nhất là của 900 triệu nông dân Trung Quốc, tất phải phát triển Trung Y. Số liệu cho thấy, chi phí y tế của người Mỹ hằng năm là 1300 tỷ USD mà GDP cả Trung Quốc chỉ có 3500 tỷ USD [năm 2006], vì số dân khác nhau nên giả thử dùng toàn bộ GDP để chữa bệnh cho dân Trung Quốc thì lượng thuốc dùng cho một người dân Trung Quốc cũng chỉ bằng 1/5 lượng thuốc của một người Mỹ dùng. Thành phố Quảng Châu điều trị bệnh SARS khi dùng Trung Y mỗi bệnh nhân chi phí nhiều nhất chỉ có 5000 CNY, dùng Tây Y thì tốn mấy vạn, mấy chục vạn; trường hợp tốn nhất mất 180 vạn CNY.

Ngoài chi phí rẻ ra, Trung Y còn có một số phương pháp chữa bệnh có thể tự học mà tự dùng. Có nhiều phương pháp như vậy, trước hết là ăn uống, dưỡng sinh nhằm giải quyết các thứ “bệnh khi chưa ốm”. Ngoài ra còn có châm cứu (dùng mồi ngải cứu đốt nóng huyệt), đạo dẫn,… Viện nghiên cứu bệnh AIDS của học viện Trung Y Hà Nam dùng biện pháp “cứu” giải quyết được khá nhiều vấn đề của bệnh nhân AIDS, hơn nữa “cứu” là biện pháp ai cũng có thể học được cách dùng. Lại còn xoa bóp là biện pháp điều trị giá thành hạ và rất hữu hiệu, hoàn toàn có thể phổ biến cho nông thôn.
Nhưng do có nhiều hiểu lầm là Trung Y dùng nhân sâm, lộc hươu, trùng thảo, hủ pín hổ … nên Trung Y bị coi là đắt tiền.

Cũng vì Trung Y luôn điều chỉnh đơn thuốc theo bệnh tình, quá trình điều trị cần thời gian điều chỉnh từ từ … cho nên Trung Y bị coi là phiền phức.

Cuối cùng, người ta chọn Trung Y chẳng phải vì nhằm vào tính kinh tế rẻ tiền của nó mà ngược lại là vì khi nào Tây Y đã phán là vô phương cứu chữa thì mới nghĩ đến Trung Y đầy những chuyện thần kỳ, coi như biện pháp duy nhất còn có thể nghĩ tới.
Trong thời kỳ điều trị dịch bệnh SARS, y học cổ truyền Trung Quốc đã “xung trận”, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân giảm xuống rõ ràng; so sánh với Hồng Kông, Đài Loan và Singapore, nơi nào Trung Y được đưa vào càng sớm, càng mạnh thì hiệu quả càng rõ, tác dụng phụ cũng ít, chi phí ít, tử vong ít, di chứng để lại cũng bớt được rất nhiều. Bệnh viện phụ thuộc số 1 trường Đại học Trung Y dược Quảng Châu điều trị 60 ca nhiễm SARS, kết quả không ai chết, không ai phải chuyển viện, không nhân viên y tế nào bị lây nhiễm.

Cho dù Trung Y không “khoa học” từng thể hiện uy lực thần kỳ trong mấy đợt bệnh truyền nhiễm đột xuất như thế, nhưng cũng do sự thần kỳ ấy mà trong nhiều trường hợp khác, Trung Y bị bọn lang băm Hồ Vạn Lâm … lợi dụng để “chữa trị” các bệnh Tây Y bó tay như ung thư, vô sinh, thậm chí viêm gan.

Ta tạm thời chưa nói chuyện lũ người hám lợi ấy làm tổn hại thanh danh của Trung Y, mà tâm lý người bệnh khi tuyệt vọng thì mới tìm đến Trung Y đã trở thành cọng rơm cứu mạng cũng làm cho Trung Y bị tổn hại lần nữa. Nên biết rằng Trung Y cũng chỉ chữa bệnh chứ không cứu mạng, khi cọng rơm cuối cùng đã vô hiệu thì người ta vẫn chẳng trách Tây Y mà cứ trách Trung Y, vì Tây Y chỉ không chữa “bệnh” thôi, còn Trung Y thì làm mất niềm hy vọng tinh thần cuối cùng của bệnh nhân, làm toi cái “mạng” của họ.

Ngày tận số của Trung Y?

Rốt cuộc y học cổ truyền của Trung Quốc sẽ có địa vị ra sao ở chính Trung Quốc – đây là một vấn đề rất đáng suy ngẫm. Vào lúc Trung Y khai hoa kết quả ở phương Tây và các nước khác thì tại Trung Quốc, Trung Y đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nhân tài.

Hãy xem một vài số liệu: vào thời Cách mạng Tân Hợi (1911), Trung Quốc có khoảng 400 triệu dân; hồi ấy Trung Quốc có 800 nghìn thầy thuốc Trung Y đã được kèm cặp dạy nghề. Về sau, do những người như Dư Vân Tú phản đối Trung Y cho nên Quốc Dân Đảng mới diệt Trung Y, đến năm 1949 Trung Quốc chỉ còn khoảng 500 nghìn thầy thuốc Trung Y. Theo thống kê, hiện nay Trung Quốc chỉ còn có 270 nghìn thầy thuốc Trung Y, trong khi số dân là 1,3 tỷ người. Điều tra cho thấy tại một số bệnh viện Trung Y, số thầy thuốc có khả năng kê đơn bốc thuốc nhiều nhất chỉ chiếm 1/10. Nếu tính theo tỷ lệ này thì trong số 270 nghìn thầy thuốc Trung Y của cả Trung Quốc chỉ có 20-30 nghìn người thực sự có thể căn cứ vào tư duy Trung Y để khám bệnh. Sau đây mười mấy năm nữa, khi số này đã nghỉ hưu thì Trung Quốc chẳng còn thầy thuốc Trung Y nữa. Không có thầy thuốc Trung Y nghĩa là Trung Y không còn tồn tại.

Quốc hồn quốc túy mấy nghìn năm của Trung Quốc phát triển tới ngày nay lại đứng trước nguy cơ không có người nối dõi, lẽ nào chúng ta còn sống cả đây mà lại chịu nhìn thấy cái di sản tổ tiên tích lũy mấy nghìn năm ấy tiêu vong ư?

Dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn có lý do để cho nền y học truyền thống có thành tựu to lớn này tiếp tục tồn tại và phát triển. Chúng ta không thể chỉ bảo tồn Trung Y như là một di sản văn hóa phi vật thể cấp thế giới, hoặc chỉ lưu giữ lại trong viện bảo tàng dăm ba cuốn “Thương hàn luận” để giáo dục cho các thế hệ sau biết rằng “nền văn hóa Trung Quốc sâu rộng tinh thâm”, lại càng không thể để cho Trung Y chỉ sống trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Đại trường kim” mà thôi.

Nguyễn Hải Hoành lược lịch theo bài 尴尬的中医  trên tạp chí “Khoa học và văn hóa” Trung Quốc Số 12/2006.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...