Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

ĂN CẮP VÀ ĂN CƯỚP - Dạ Ngân

Đó là câu răn dạy phải thuộc lòng rất sớm, tầm năm sáu tuổi gì đó. Ăn cắp quen tay. Lời dạy như mưa dầm, rả rích. Và thấm. Biết ăn cắp là xấu, là tắt mắt, vậy thôi.

Vô tiểu học, sợ thêm cái thước bảng chan chát của thầy. Vậy mà vẫn có cảnh trò nào đó bị tra hỏi về chuyện ăn cắp. Đám học trò nông thôn nghèo với nhau thì có gì để mà ăn cắp? Có đấy. Bạn A ăn cắp cuốn tập mới tinh của bạn B, tập có bìa bao, có nhãn dán hẳn hoi mà vẫn cứ ăn cắp được. Thầy tra hỏi, kẻ bị hoài nghi không thành khẩn, thấy đành làm cái việc xét cặp. Quả tang. Kẻ đó vẫn chưa chừa, bị đổi chỗ ngồi vẫn chưa chừa, lần này là ăn cắp một tờ giấy đôi rứt giữa cuốn tập trắng của bạn ngồi cạnh. Lại tra và xét, lại không thoát được. Cộng đồng trẻ con im lặng xa lánh kẻ ấy.

Gia đình nghiêm ngắn. Tiền thì bà nội cất trong túi áo, mấy lần bọc, dưới cái cây kim băng sáng trắng. Có cái gì để ăn cắp được mà trẻ con cứ bị răn đe? Người cô thủ lĩnh kể đi kể lại chuyện một bữa, cô vẫn còn ngồi bên mớ rau quả vườn nhà ở góc chợ thị trấn quen thuộc. Bỗng một phụ nữ trẻ là khách quen kéo một bé gái chừng bảy tuổi tới bắt nó khoanh tay xin lỗi. Chuyện gì? Thì ra ban nãy trong lúc người mẹ ngồi lựa chanh, đứa con đã lén bỏ vào giỏ của mẹ nó hai trái chanh. Về nhà, nó hí hửng khoe, một chục chanh bữa nay mười sáu trái chớ không phải mười bốn nữa. (Miền Tây trước 1975 có nơi một chục là 12, có nơi một chục 14, cá biệt có nơi môt chục 16). Hai trái chanh, người mẹ bắt con đến xin lỗi và trả lại cho bằng được, tụi con thấy chưa, ở chợ người mua người bán không thân thuộc mà người ta còn hành xử vậy, biết chưa? Là vì dạy con dạy thuở còn thơ, phải biết đứa ăn cắp là thứ bỏ đi, không ai chơi với.

Rồi cũng có một việc gắn với ăn cắp. Một đứa khi đó mười hai tuổi thấy trong hộp thêu may của chị cả nhiều cuộn chỉ màu xanh đỏ tím vàng hấp dẫn. Đang là môn nữ công, đứa bé nhón lấy mấy cuộn chỉ cho hai cô bạn thân ngồi chung bàn dưới chót. Bị phát giác, quá sợ cái uy của người cô thủ lĩnh, không dám thú nhận. Để cho có chứng cứ, cô lôi ba đứa nhỏ ra vườn, đứa mười hai, đứa mười và đứa nhỏ nhất mới tám tuổi. Đốt môt bó lá dừa “Đây, từng đứa bước qua, ngay thẳng thành thật thì không bắt lửa, xếp hàng bước qua, mau!”. Dĩ nhiên cô không cần chờ lâu, thủ phạm thú nhận ngay, chính cái đứa mười hai tuổi mà cô đã nghi! Cô cần đám cháu biết nhớ đời, cần chúng một bài học đáng sợ để có trung thực.

Những đứa trẻ lớn lên vào đời, nghiêm ngặt với các con “Tiền mẹ để trong hộc tủ, các con cần mua gì cứ lấy nhưng phải xin phép”. Những đứa trẻ biết ngay thẳng với chính mẹ mình từ hai trăm đồng, năm trăm đồng lẻ. Chị dắt em đi chợ, bài học của bà cô xưa thấm từ mẹ nó rồi sang nó “Không được táy máy lấy lén khi chị mua bán nghen”. Rồi bọn trẻ ấy đi khắp thế gian với tâm thế, camera chính là sự ngay ngắn của thiên lương mình.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Xã hội quen tai với những từ xoay xở, nhón xén, chộp giật, kết nối, lo lót, chạy chọt… Ăn cắp vặt tràn lan, phổ biến, người yếm thế chép miệng Ta chỉ ăn cắp thời gian. Nhưng thời gian là vàng bạc, người Việt xưa đã bảo thế. Bà cô uy nghi nếu sống lại chắc đành chép miệng “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Lại một kiểu răn dạy đã phải thuộc lòng. Ở đâu tròn ở đâu ống? Người Việt uyển chuyển, đơn giản và ít nhều thực dụng. Cái xóm ngày xưa giờ nhà nhà nuôi chó, chạng vạng đã lùa gà vô chuồng bóp khóa hẳn hoi. Nhà này kêu cá trong ao bị chích điện, nhà kia bảo mít vừa thơm chưa kịp hái thì trộm vác, chuối cũng bị mất nguyên buồng. Vài ba nhà thân thiết mới vồn vã kiểu xưa, to nhỏ mỗi chuyện nhà nọ nhà kia sống bằng ăn cắp vặt. Không đến tai dân chúng chuyện cướp xưa có băng có thuyền có hội, chỉ nghe ti-vi phủ xóm đêm nào ngày nào cũng vụ án và vụ án của các quan to. Phải, những kẻ xộ khám chức vụ ngày mỗi to.

Thế nhưng hai từ ăn cắp chỉ để dành cho đám cắp gà cắp cá cắp mít cắp chuối. Ở thành phố, từ ăn cắp dành cho đám cùng đinh cắp từ cái nắp cống đến cái thùng rác. Ăn cướp để chỉ bọn ăn cướp thật, táo tợn, cướp từ chiếc điện thoại, chiếc túi xách đến chiếc xe máy, chiếc ô tô. Quan chức ăn và bị lộ thì gọi là tham nhũng chứ không gọi là ăn cắp hay ăn cướp.Các ngài quan chức thì chỉ tham nhũng thôi. Có những nhà thơ mô tả đích đáng chuyện đó nhưng thơ chỉ truyền miệng, thơ không được in, vì vậy thơ không đến với dân chúng ấm ức.

Thơ rằng:

Con ơi mẹ dặn câu này

Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan

(……)

Bây giờ mẹ phải dặn thêm

Quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

—————

Thơ Nguyễn Duy.

Nguồn: FB Dạ Ngân 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...