Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

độ đường vừa lỡ - Hoàng Chinh

 Kéo cao cổ áo, rụt người cho nhỏ lại, bố bảo, Đi uống cà phê đi, bố giữ chỗ cho.

Một cơn gió lạnh từ mặt sông đen ngòm ùa lên, sỗ sàng vuốt tóc anh. Anh nhùng nhằng trong cái đám chen lấn, chèn ép tưởng chừng muốn vỡ tan lồng ngực. Cánh tay nào đó thúc vào cạnh sườn. Hơi thở nồng mùi thuốc lá thổi vào sau gáy.

Bố uống cà phê không? Anh hỏi nhỏ, cố không nghĩ tới cái mùi xốc nổi của khói thuốc người đàn ông đứng sau lưng phà lên tóc anh.

Bố nghểnh cổ, nhìn đám đông rồng rắn, trước khung kính tối mù cái nhá nhem của đêm còn say giấc.

Giờ này có nước chè xanh là nhất.

Bố chép miệng. Giọng của bố khô và trầm lẫn vào cái xào xáo của đám đông, như âm thanh từ một góc khuất lan vào vùng không khí loãng. Hình ảnh nồi nước sóng sánh những lá chè xanh sủi tăm trên bếp củi hiện ra trong đầu anh. Khuỷu tay nhọn nào đó lại thọc vào lưng anh. Tiếng chửi thề lốm đốm khung tranh không gian chỉ có một bệt mầu xám tối. Tiếng đứa trẻ nào đó khóc ngằn ngặt, rồi vỡ tung thành cơn ho. Cái thúc khuỷu tay làm anh đau nhói. Anh cắn răng để cái đau khỏi vỡ thành tiếng kêu lọt ra cửa miệng.

Bố chợt thúng thắng ho. Giờ này có một ly nước chè xanh cho bố thì tuyệt. Những quán ăn ở đây thường có trà đá. Nước trà của họ, dù không thêm đá, cũng không có được cái vị chát đậm đà ở đầu lưỡi của ly nước chè xanh bốc khói. Khói thuốc vật vờ bám lấy tóc anh. Mùi hôi mốc có lẫn ít nhiều chút gì đó như mùi hương làm lâng lâng khứu giác. Chắc đó là cái “hậu” trong những chất gây nghiện mà người ta hay mô tả. Cái chất làm cho người ta nhớ, làm cho người ta ghiền.

Rét đến run cả người ấy nhỉ. Bố nói.

Tại gió ở dưới sông thổi vào. Anh tiếp lời bố. Và anh nhìn cái bóng nhòe nhoẹt của bố trong vũng tối. Từ chỗ đứng của mình, anh chỉ nhìn được một phần khuôn mặt bố. Pho tượng chân dung bị thời gian và cuộc sống tạc lên những đường nét sắc cạnh. Hàng người phía sau xô đẩy, ép sát vào người anh. Đám đông như sinh vật kỳ quái. Như thân loài rắn thần phập phồng sự sống; cái thân rắn ấy không ngừng mọc ra những cái đầu méo mó hay những nhánh đuôi dị dạng. Ngọn đèn nê ông gắn trước quầy vé chợt lóe lên tia sáng èo uột rồi lịm tắt, như hơi thở hắt ra từ cái miệng há hốc của bệnh nhân hấp hối.

Sắp bán vé rồi đó. Lấy sẵn tiền ra đi. Coi chừng móc túi nghe mày.

Giọng nói nào đó sắc như mảnh chai vỡ. Anh lọt vào giữa cái khối thân thể nặng mùi mồ hôi, thuốc lá và thức ăn chua vữa của những thân người có chết cũng bám chặt lấy chỗ đã chiếm được trên nền gạch lở lói.

Mở cửa rồi đấy à. Chẳng có đâu. Còn sớm mà. Giờ này mở cửa có mà điên.

Những câu hỏi vu vơ lẫn vào những câu trả lời cũng vu vơ không kém. Ánh đèn xanh leo lắt còn cố lóe lên vài lần trước khi tắt ngúm. Bóng đêm lại ùa về. Những đầu người chụm vào nhau. Đầu điếu thuốc rực đỏ. Khói bay lãng đãng.

Mẹ nó. Cái bóng đèn mát điện. Ai đó rủa.

Cứ tưởng giờ này đã mở cửa rồi chứ. Anh nói.

Giờ này người ta còn ngủ. Bố đáp lời anh. Bốn giờ sáng chẳng có đứa nào siêng năng mà mở cửa bán vé cho bố con mình.

Anh uốn éo thân mình, luồn lách cánh tay, cố tuốt ra khỏi cái khung chen lấn khít khao để đưa lên che miệng ngáp. Hai mắt cay như dính ớt.

Bố cười, Đi uống cà phê đi. Bố giữ chỗ cho.

Anh gồng cái sống lưng cho bớt mỏi, ngần ngừ, Sợ quán chưa mở cửa bố à.

Mở rồi, ở đằng phố chợ.

Anh tin bố nói đúng. Tuyến đường này bố đã rong ruổi bao nhiêu năm tháng. Nhưng chắc bố quen thuộc nhiều hơn với bến xe đò Lục Tỉnh nơi không biết bao nhiêu lần mòn lưng chen chúc với thiên hạ, cố mua cho được tấm vé xe từ Sài Gòn về miền Tây. Nhưng bến xe này nằm ở nửa đường lên xuống; từ đây ngược về thành phố hay xuôi xuống miền Tây cũng phải vật vã cả ngày trời trên chiếc xe đò cọc cạch, phía sau nặng nề một cái lò than, khói đen mịt mù, và phải đứng suốt đoạn đường giằn sóc đến bã người. Bến xe lẻ loi; bến xe cho những kẻ lỡ độ đường; đôi khi xe bể bánh hay hư máy, phải chật vật đón xe khác, phải ngủ đường ngủ chợ, ở cái bến xa xôi này.

Đi mua cà phê uống đi. Bố lại nhắc.

Anh ngập ngừng nghĩ tới cái phố chợ bố vừa nhắc đến, nơi vài ba cái quán lùi xùi mọc lên gần bờ sông. Anh gật đầu với bố, Để con đi thử xem sao, và nhúc nhích xoay người nhìn cái thân hình mềm mại đang ép sát vào lưng anh. Gã đàn ông vẫn thổi khói thuốc lên tóc anh đã đi đâu mất, thay vào đó là một người đàn bà.

Chị cho tôi gửi chỗ chút nhé.

Tròng trắng con mắt người đàn bà sáng rực trên cái nền nhá nhem của khuôn mặt gẫy khúc. Hai tròng đen trơn trượt ném lên mặt anh cái nhìn nghi hoặc. Rồi giọng nói khàn khàn bò ra từ chiếc cổ họng gà ác xương xẩu.

Đi lâu quá mất chỗ rán chịu à nghen.

Ô, không lâu đâu. Anh mừng rỡ nói, rồi gồng mình, quay qua bố. Bố chờ đây nhé.

Anh hít đầy không khí mát lạnh của đêm vào lồng ngực rồi nín thở lấy sức, và tách mình ra khỏi đám đông hừng hực hơi người. Hơi lạnh bám lấy thân thể, anh lại hít một hơi dài như đứa bé tập bơi đuối sức, vừa ngoi được lên mặt nước. Trước khi tuông chạy, anh thấy nụ cười nở ra trên khuôn mặt nhòe bóng đêm của bố. Những gian truân của cuộc sống mài mòn khuôn mặt bố, khiến gò má hóp lại hai bên sống mũi thẳng và cao. Bố thành pho tượng tạc từ những vất vả của trần gian. Anh cẩn thận luồn giữa những thân người nằm ngồi ngả ngớn. Những viên gạch vỡ lạo xạo dưới chân. Một làn gió nhẹ vét từ mặt nước lăn tăn của dòng sông phía bên phải, phả lên mặt anh cái lạnh trái mùa. Những sợi tóc lòa xòa rũ xuống trán gây cảm giác ngứa ngáy. Anh đưa tay vuốt tóc và kéo sợi dây chiếc túi vải đã tuột xuống một bên vai. Những cuốn sách trong túi thúc vào lưng anh. Anh nhẩy xuống khỏi bậc xi măng. Cỏ ướt thấm lạnh những đầu ngón chân. Quai dép nhựa cứa vào lưng bàn chân lúc anh nhón những đầu ngón xuống mặt đất ẩm lùi xùi cỏ dại. Vài bóng người lố nhố trong khoảng tranh tối tranh sáng của ngọn đèn dầu phía trước mặt. Quán ăn ở phía đó. Anh hếch mũi lên đón mùi thức ăn. Những chiếc ghế lùn tịt như loài bò sát dán cái mai bằng gỗ xuống nền đất sần sùi. Mùi nước mắm thoang thoảng trong gió.

Ăn hủ tíu không chú. Người đàn bà phía sau cái tủ gỗ ló đầu ra mời. Ánh lửa bập bùng in chiếc bóng dài ngoằng lên vách gỗ. Ngồi đi chú. Anh ngập ngừng nhìn những chiếc ghế đẩu xương xẩu. Vào đây ngồi chờ chút xíu là có hủ tíu à.

Anh cảm ơn và bước qua gian hàng kế bên nơi những chiếc ghế lỏng chỏng vây quanh bốn cái bàn gỗ nâu nhập nhòe dưới vạt ánh sáng mỏng dính của ngọn đèn nê ông nhập nhoạng bắt vào góc cây cột giữa chái nhà vênh vẹo. Con chó nằm co bên chân cột chợt chồm lên sủa rộ. Anh thụt lùi một bước, bàn chân lọt vào khoảng trũng trật nghiêng, đau nhói. Coi chừng đứt mất cái quai dép. Ý nghĩ bật sáng trong đầu như ngọn đèn. Cả gia tài chỉ còn một đôi dép. Lắc cổ chân, thấy quai dép vẫn ôm chật bàn chân, anh mới yên lòng nghĩ tới cơn đau đang nhoi nhói ở khớp xương cổ chân. Cố nén cơn đau, anh lắc cổ chân qua bên này, rồi qua bên kia. Vẫn được. Nghĩa là không trật khớp hoặc gẫy xương. Nhưng mà trật khớp hay gẫy xương thì rồi cũng lành, còn dép đứt quai lấy gì mà đi làm mỗi ngày chứ.

Có cà phê không chị. Anh nghểnh cổ hỏi vọng qua khung cửa, mắt liếc chừng con chó đang hậm hực nhìn anh.

Người đàn bà lúi húi bên bếp lửa. Tóc xõa rối bù như mụ phù thủy đang say sưa luyện bùa chú. Chưa có đâu cậu hai. Còn sớm quá mà. Chút xíu nữa trở lại đi. Tiếng người đàn bà lẫn vào tiếng trẻ khóc và cơn ho ngằn ngặt trong đám người xếp hàng chờ mua vé.

Anh lủi thủi bước lui. Anh đi rồi, con chó còn gầm gừ bên trong khung cửa. Anh xoa hai bàn tay lên cánh tay như vuốt cho rụng bớt cái lạnh gió vớt từ mặt sông đen ngòm hắt lên người anh. Rồi như phản xạ tự nhiên, anh đưa tay nắn cái túi đeo lủng lẳng bên hông. Những hộp thuốc còn nằm nguyên trong đó. Anh yên lòng, lững thững bước đi như oan hồn lạc lõng cõi âm. Anh vạch mắt nhìn những túp nhà vây quanh bến xe. Tất cả đang say ngủ mặc cho tiếng lao xao của đám người nhùng nhằng xếp hàng chờ đến phiên mình mua vé.

Anh quay lại con đường mòn gập ghềnh dẫn về bến xe. Những đầu ngón chân chải vào cỏ ướt lạnh ê. Anh rón rén từng bước giữa những chiếc chiếu vụn trải vung vãi trên nền xi măng lở lói. Trên đó có những thân người co quắp. Những thân người quấn vào nhau chia sẻ hơi ấm. Những thân người trùm bằng những mảnh chăn rách hơn xơ mướp. Vài đốm lửa đầu điếu thuốc đỏ rực sau những cái rít hả hê. Anh nhìn đăm đăm từng mặt người. Bức tranh quen thuộc thấy hoài ở bến xe, trong công viên, bên lề đường. Hình chụp những trạm ngừng của đoàn xe bít bùng. Bầy xe như lũ quái vật ham hố cố nuốt trôi những con người khẳng khiu, lơ láo. Đoàn xe như những con vật ăn không tiêu, ngừng lại dọc tuyến đường gập ghềnh, ói ra những xác người không thể tiêu hóa. Những mặt người ở bến xe đò tỉnh lỵ heo hút, nửa đường lên phố nửa đường về quê, lúc đêm đang ngả dần qua buổi sáng ngày hôm nay sẽ có bao giờ anh quên được không nhỉ.

Đứa bé nào đó lại khóc ré lên như bị kiến cắn. Tiếng người đàn bà dỗ con nghe thảm não cùng cực. Rán đi con. Rán đi con. Ầu ơ, ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi, bậu ra. Câu ru xé lòng. Trời ơi sao tui khổ vậy nè. Kêu rán chút xíu mà nó cũng hổng chịu nữa. Người mẹ trách móc. Đứa bé vẫn khóc ngằn ngặt. Đám người trong cái khối chen chúc vẫn lầm lì gỗ đá. Họ đã quen với những lời than van đứt ruột, với những tiếng khóc ngặt nghèo.

Chắc thằng nhỏ đói bụng. Ai đó nói vu vơ. Không có tiếng trả lời. Tiếng trẻ khóc anh nghe đã quen. Từ dạo còn tất tả ở bệnh viện Nhi Đồng. Tiếng khóc trẻ con hòa vào nhau thành khúc hợp xướng trăm ngàn âm sắc khác nhau. Dàn hợp xướng đã khiến anh quen với những con mắt đỏ sọng, những khóe miệng trào đầy nước rãi, những cánh mũi sủi bong bóng phập phồng. Cảm xúc mòn dần. Cõi lòng lạnh tanh. Thế nhưng ở đây tiếng khóc lẻ loi của một đứa bé giữa đêm lạnh quay quắt làm lòng anh xoắn lại.

Anh trở về chỗ của mình trong cái hàng người lếch thếch. Anh cảm ơn người đàn bà giữ chỗ dùm và lách vào cái khoảng hở sau lưng bố. Người đàn bà trả lời Không có chi mà cái cổ thì nghểnh cao, con mắt nhướng lên nhìn về phía quầy vé tối đen.

Anh đứng sát vào lưng bố, Chưa có cà phê, bố à.

Bố cười, Thì đành vậy chứ biết sao.

Anh đặt bàn tay lên vai bố. Chỗ gồ cao cánh xương bả vai của bố cấn lên bàn tay làm anh bâng khuâng, chút xót xa mỏng mềm tan vào niềm hân hoan được đi cùng với bố một đoạn đường, trên chuyến xe về bệnh viện tỉnh lẻ.

Hai bố con chờ dài người ra ở cái bến xe lắt léo khoảng giữa con đường từ Sài Gòn xuống Kiên Giang. Khởi hành cùng chuyến từ xa cảng miền Tây, bố về Cái Sắn làm ruộng theo kế hoạch “hồi hương” của nhà cầm quyền, còn anh trở về chỗ làm. Dọc đường, chiếc xe đò đuối sức, thở hắt ra những luồng khói mịt mù rồi nằm ỳ ra đấy.

Suốt buổi chiều, hai bố con không có chút gì bỏ bụng ngoài mấy miếng khoai. Củ khoai sùng khoét bỏ chỗ hư chỉ còn bé tí tẹo, bẻ làm đôi, hai bố con mỗi người một nửa. Suốt đêm ngồi dựa lưng nhau trên nền xi măng lở loét, trong cái hàng người rồng rắn vằn vèo, hai bố con vừa trệu trạo nhai vừa vung tay đập muỗi.

Rồi anh cũng mua được ly cà phê lúc tảng sáng. Chị chủ quán dễ dãi cho anh đem cái ly ra khỏi túp nhà lụp sụp, với đống bàn ghế ngổn ngang, về chỗ xếp hàng cho bố nhâm nhi một ngụm.

Suốt đêm, đứa bé con nhà ai kia vẫn khóc và ho ngằn ngặt.

Tội nghiệp đứa nhỏ, ho muốn vỡ tung lồng ngực. Anh nghe giọng thì thầm của bố.

Anh bỏ chỗ xếp hàng, đến bên người đàn bà. Dưới ánh đèn nê ông chớp tắp nhập nhòe, anh nhận ra người đàn bà còn rất trẻ.

Cháu bệnh lâu chưa vậy.

Hồi đầu tuần chú à.

Chỉ có sốt với ho, còn bị gì khác nữa không? Anh hỏi và đặt tay lên trán đứa nhỏ. Anh giật mình ngỡ mình chạm tay vào cái vỉ lò than đang rực lửa. Chị đưa cháu đi đâu đây?

Lên bệnh viện tỉnh khám bịnh.

Bệnh viện có xa lắm không? Chắc cháu nó bị ho gà; cứ từng cơn thế này.

Những cơn ho và hai con mắt trợn trừng làm anh rối trí. Bác sĩ mới ra trường, không ống nghe, không nhiệt kế, không thuốc nước, thuốc viên, không ống chích, không nước biển trắng, nước biển vàng… anh hoang mang như người lính ra trận với hai bàn tay trơ trọi.

Đám đông ném về phía tiếng khóc ngặt nghèo và những cơn ho xé họng những cái nhìn ái ngại.

Bố cũng bỏ chỗ xếp hàng, đến bên anh. Anh giật mình quay đầu nhìn cái hàng người dài thườn thượt trước quầy vé. Hiểu ý anh, bố nói, Bố gửi chỗ người ta giữ hộ. Rồi bố bảo Tìm cái khăn, nhúng nước ấp đỡ lên đầu thằng bé cho hạ bớt cơn sốt.

Anh nhớ cái khăn tay nhỏ xíu cô bạn thêu chữ đầu hai cái tên, trao tặng trước lúc lên đường đi nhận nhiệm sở ở nơi xa. Anh đặt tay lên túi áo ngực. Cái khăn bé tí nằm gọn trong đó. Đứa bé ngừng cơn ho và lại khóc. Anh đứng bật dậy, chạy xuống mé sông. Thôn xóm le lói ánh đèn bên kia sông. Tiếng nước ọc ạch vỗ vào bờ. Gió nhẹ quyện chút mùi tanh của bùn đất. Tiếng giun dế kêu ran. Anh rút cái khăn tay chỉ lớn hơn lòng bàn tay một chút, đưa sát lên mắt, nhìn. Trong cái nhá nhem của đêm còn sót lại, anh thấy thật rõ chữ tắt hai cái tên thêu chỉ đỏ quấn vào nhau. Anh ngập ngừng úp mảnh khăn lên mặt. Có một vệt môi hôn người con gái gói vào đó, trước khi xếp làm tư làm tám, rồi nhét vội vào túi áo ngực của anh hôm chia tay. Anh mò mẫm sát bờ nước, nhúng chiếc khăn xuống con nước đen ngòm, và vội vã đem về chỗ người đàn bà đang cố dỗ con.

Chị đắp cái này lên trán cháu bé, anh nói và đặt chiếc khăn tay ướt sũng lên trán đứa bé.

Quầy vé mở cửa. Ánh đèn le lói nhập nhòe trong ráng đỏ chân trời phía sau những rặng cây bên kia sông. Anh với bố chạy vội về chỗ của mình trong cái hàng người quanh co. Tiếng nói chuyện nhốn nháo khuấy động những tàng cây rậm lá. Những con chim mất ngủ vì lũ người lao xao xếp hàng chờ mua vé, ríu rít cãi cọ đầu cành.

Một chiếc xe khách ì ạch chạy vào bến đậu. Khói cay nồng con mắt. Và cái mùi xăng nhớt khét lẹt xộc lên tận óc. Chiếc thùng sắt đeo phía sau xe lập lòe lửa đỏ. Những tiếng ho, những tiếng hắt hơi theo nhau cất lên. Tiếng ọ ọe từ một chiếc loa ở cổng bến xe chợt vang vang một khúc quân hành.

Bố nhường cho anh mua vé trước. Người bán vé nhìn chăm chú tờ giấy đi đường. Những tờ giấy bạc được đếm đi đếm lại. Tôi trả luôn cho bố tôi. Anh quay ra sau chỉ về phía bố. Có giấy phép đi đường không. Có chứ. Tấm vé được nhét qua cái khe nhỏ.

Vé cuối cùng đấy. Người đàn bà ngồi phía sau quầy vé hất hàm. Anh tròn con mắt. May mắn biết chừng nào. Hai bố con là hai người khách sau cùng.

Hết vé rồi. Bà con giải tán dùm coi! Chiếc loa trên cột điện lảnh lót loan tin.

Tiếng ồn ào phản đối cùng với tiếng chửi thề khuấy lên át cả tiếng loa phóng thanh. Nhưng tất cả không lớn hơn được tiếng khóc ngặt nghèo của đứa bé; của cơn khóc và những tràng ho tiếp nối nhau.

Hết vé rồi hả anh Hai? Người đàn bà ôm con xớn xác hỏi lúc hai bố con đi qua.

Hai bố con chùn bước, nhìn nhau. Rồi bố móc túi lấy tấm vé xe ra. Anh đưa tay cản bố lại. Hai bố con lại nhìn nhau. Anh móc túi lấy tấm vé xe của mình, đưa cho người đàn bà. Chị đem cháu đi bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bố kéo tay anh lại, Con về trước; bố nằm đường thêm một ngày cũng không sao.

Anh nhìn bố ái ngại. Bố gầy nhom. Khuôn mặt rám nắng, gò má nhô cao, râu cằm lởm chởm thấy tội. Chắc đoán được ý nghĩ anh, bố trấn an, Hồi ở lính bố nằm đường ngủ bụi quen rồi. Con phải về, bệnh nhân họ chờ tội nghiệp.

Vậy là anh bỏ bố lại cái bến xe tạm bợ, giữa chốn đồng không mông quạnh ấy. Người đàn bà đưa mảnh giấy nhàu nát cho anh xem. Anh nhìn thoáng qua. Tờ giấy phép đi đường. Vậy là hợp lệ. Bố mỉm cười, rồi đặt tấm vé xe vào lòng bàn tay xanh xao của người đàn bà.

Con tui hết bệnh, tui mang ơn chú Hai. Giọng nghẹn ngào của người đàn bà trẻ chìm trong tiếng khóc trẻ thơ làm miệng anh đắng ngắt.

Anh thở dài. Thế là bố vất vưởng ở bến xe thêm một ngày, một đêm nữa. Bố nhìn anh. Bố cười. Nụ cười héo nhưng đẹp biết chừng nào. Anh nhìn bố. Anh cũng cố cười. Nhưng chắc nét cười của anh méo xệch.

Bố đẩy anh về phía chiếc xe đò đang khặm khoạc đề máy, đưa anh níu kéo lại độ đường vừa lỡ. Lên xe cho kịp. Đừng lo cho bố, bố ngủ rừng, ngủ núi quen rồi.
 Hoàng Chinh

6 tháng Ba, 2020

1 nhận xét:

Chúng ta cần chủ nghĩa tư bản có đạo đức (DĐKP )

                                          Giáo sư, triết gia Markus Gabriel Chúng ta cần những triết gia   ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp...