Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 68 : MÃ và NGỰA

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 68 :  


                                                 MÃ và NGỰA
                                                                          


                                                Hỏi tên, rằng : Mã Giám Sinh,
                                        Hỏi quê, rằng : huyện Lâm Thanh cũng gần.
 
          Đó là hai câu thơ nói về tên Mã Giám Sinh 馬監生 đã bỏ bốn trăm lượng bạc ra mua Thúy Kiều sau khi đã "Cò kè bớt một thêm hai". Mà馬 là NGỰA, Ngựa là một trong lục súc vừa giúp kéo xe vừa giúp cho phương tiện giao thông được tiện lợi, lại vừa là con vật tiêu biểu cho giới qúy tộc như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu : 

                                  Mồi phú quý nhử làng XA MÃ,
                                 Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
         
        Trong Tiết Thanh Minh với "Gần xa nô nức yến oanh, Chị em sắm sửa bộ hành du xuân" và với...

                                       Dập dìu tài tử giai nhân,
                           NGỰA XE NHƯ NƯỚC, áo quần như nêm.

         Thành ngữ NGỰA XE NHƯ NƯỚC có xuất xứ từ Hậu Hán Thư trong câu : " Xa như lưu thủy, mã như du long 車如流水,馬如游龍。" (Xe như nước chảy, Ngựa tợ rồng bơi ). Chỉ xe ngựa qua lại đông đúc xôn xao huyên náo, thường dùng để chỉ sự náo nhiệt của nơi phồn hoa đô hội.
         Còn khi tả vẻ phong lưu qúy phái của Kim Trọng khi Kim xuất hiện trong tiết Thanh Minh với hình tượng của :

                                    Tuyết in sắc NGỰA CÂU dòn,
                                Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
 NGỰA là Ngựa, mà CÂU 駒 cũng là Ngựa, mà lại là ngựa non, ngựa giỏi nữa là đằng khác. Ta có thành ngữ THIÊN LÝ Mà千里馬 hay THIÊN LÝ LONG CÂU 千里龍駒  để chỉ những con tuấn mã có sức mạnh và dẽo dai như rồng, một ngày có thể vượt trên một ngàn dặm đường. Sức chạy mau của long câu còn cho ta thành ngữ BẠCH CÂU QÚA KHÍCH 白駒過隙. Có nghĩa : Con ngựa câu trắng thoáng qua khe cửa để chỉ thời gian qua thật nhanh, trong tiếng Việt ta nói thành "Bóng Câu Qua Cửa Sổ" và như một câu nữa trong Cung Oán Ngâm Khúc :

                                   BÓNG CÂU thoáng bên mành mấy nỗi,
                                   Những hương sầu phấn tủi sao xong?

        Về thành ngữ BẠCH CÂU QÚA KHÍCH  白駒過隙 có xuất xứ như sau :
        Đó là câu nói của Trang Tử trong Tri Bắc Du《庄子•知北游》:“人生天地之间,若白驹之过隙,忽然而已. Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược Bach Câu chi Qúa Khích, hốt nhiên nhi dĩ ".  Có nghĩa : " Con người sống trong trời đất cũng giống như là bóng ngựa trắng thoáng qua khe cửa, chỉ trong chốc lát mà thôi." Theo sách Hán Thư thì BẠCH CÂU là Ngựa non màu trắng lướt nhanh như bóng nắng mặt trời. Là bóng nắng lướt nhanh qua khe cửa hay khe vách gì đều dùng để chỉ thời gian qua rất nhanh, cuộc đời chỉ là cỏi tạm phù du, mà ta nói là "Như Bóng Câu Qua Cửa Sổ". Trong "Văn Tế Chiến Sĩ Trận Vong" của Nguyễn Văn Thành có câu :

                              Những là khen dạ đá gan vàng, 
                              Bóng BẠCH CÂU xem nửa phút như không,
                              Ơn dày đội cũng cam trong phế phủ ...

         Trong Nam Hải Tế Văn thì viết :

                             Bóng BẠCH CÂU bay vụt cửa phù sinh,
                             Hình thương cẩu đúc mòn khuôn đại khối.

        Trong truyện thơ Nôm Bích Câu Kỳ Ngộ khi Giáng Kiều khuyên Tú Uyên tu tiên cũng có câu :

                             Gẫm trong tám, chín mươi năm,
                           BÓNG CÂU CỬA SỔ, dễ cầm mãi ru!

       Còn trong truyện thơ Nôm Trinh Thử thì dùng "Ngựa Qua Cửa Sổ" khi chuột Đực lý luận để quyến rủ chuột Bạch là :

                              NGỰA QUA CỬA SỔ bao lâu,
                        Kíp toan kiếm chước bán sầu mua vui !

Con ngựa trong Lục Súc Tranh Công đã từng khoe rằng :

                       ...Tao đã từng, đi quán, về quê,
                          Đã ghe trận đánh nam, dẹp bắc.    
         
        Từ ngàn xưa, bất cứ là quân đội của nước nào, Âu cũng như Á đều có đội Kỵ Binh, nhất là đội Thiết Kỵ nổi tiếng của Mông Cổ, không những chỉ dọc ngang trên các thảo nguyên Châu Á, mà còn tung hoành lấn chiếm sang cả Châu Âu. Sống trên mình ngựa, đánh giặc trên mình ngựa, xưng hùng xưng bá trên mình ngựa, rồi... chết cũng trên mình ngựa luôn, nên ta lại có thành ngữ "Da Ngựa Bọc Thây", chữ Nho là "MÃ CÁCH QUẢ THI 馬革裹屍 ". Đó là lời nói của danh tướng Mã Viện đời Đông Hán, nguyên văn như sau :"Nam nhi yếu đương tử vu biên dã, dĩ Mã Cách Qủa Thi hoàn táng nhĩ, hà năng ngọa sàng thượng tại nhi nữ tử thủ trung da? 男兒要当死于边野,以馬革裹屍还葬耳,何能卧床上在兒女子手中邪?". Có nghĩa : "Làm trai phải chết ở biên cương, lấy da ngựa để bọc thây, chớ sao có thể chết ở trên giường với vợ con được chứ ?!". Qua câu nói nầy, ta thấy con ngựa càng gần gũi thân thiết với con người hơn, khi sống thì cùng với con người "đánh Nam dẹp Bắc", khi chết, thịt ngựa là lương thực đở đói cho chiến sĩ, da ngựa thì để bọc thây khi các chiến binh tử trận ở sa trường, quả là một con vật gắn bó và cùng sống chết với con người ! Ta hãy nghe lại hai câu thơ hào hùng trong đoạn mở đầu của Chinh Phụ Ngâm Khúc là :

                             Chí làm trai dặm ngàn DA NGỰA,
                             Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao !

                         MÃ CÁCH QUẢ THI : Da Ngựa Bọc Thây    
                                     
         Còn một thành ngữ nghe rất Việt mà lại có gốc Hoa nữa là câu :"Ngựa quen đường cũ", có xuất xứ từ điển tích "LÃO MÃ THỨC ĐỒ 老馬識途 " theo câu truyện sau đây : Tề Hoàn Công đem binh đi giúp nước Yên đánh bại được quân Sơn Nhung, trên đường về lại bị dẫn dụ lạc vào sa mạc Hàn Hải với gió cát mịt mù không nước uống, lạnh lẽo buốt giá không biết đường ra, quân sĩ kiệt quệ chết chóc rất nhiều. Tướng Quốc Quản Trọng mới tâu với Tề Hoàn Công về đặc tính nhận được đường về của loài Ngựa, bèn chọn một số ngựa già, thả cho chúng tự tìm lối ra, rồi ra lệnh cho toàn quân đi theo sau. Quả nhiên sau vài lần quanh quẹo đã ra khỏi được sa mạc hiểm ác kia.
      "Lão Mã Thức Đồ" là thành ngữ chỉ những con ngựa già có khả năng tìm về đường cũ khi đã đi qua, dùng để chỉ những người già dặn có kiến thức, có kinh nghiệm sống, có thể hướng dẫn ta đi những con đường đúng đắn. Còn "Ngựa Quen Đường Cũ" của ta thì thường dùng để chỉ những người đã làm việc xấu việc sai, dù cho có cải hóa sửa đổi lại rồi, cũng rất dễ dàng đi lại con đường sai lầm cũ, tật xấu khó chừa ! 

       Khi Thúy Kiều hỏi về biện pháp mà Sở Khanh sẽ dùng để giải cứu mình, thì được chàng họ Sở trả lời :

                              Rằng ta có NGỰA TRUY PHONG,
                         Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi.
 TRUY 追 là Rựơt đuổi, PHONG 風 là Gió. Ngựa TRUY PHONG là TRUY PHONG MÃ 追風馬, là Ngựa chạy như rượt đuổi theo gió, ý là Ngựa chạy nhanh như gió, nên tất cả những con ngựa chạy nhanh đều có thể gọi là Ngựa Truy Phong được cả. Sở Khanh khoe có ngựa chạy nhanh như gió  để... dụ cô Kiều bỏ trốn ! " Ba mươi sáu chước chước nào là hơn ? ". Cho nên mới :

                             Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
                    Song song NGỰA trước NGỰA sau một đoàn. 

       Ngựa là phương tiện giao thông, bị tên Sở Khanh lợi dụng làm phương tiện bỏ trốn. Thường trong văn học cổ, hình ảnh con ngựa còn là hình tượng của sự chia tay, khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, cụ Nguyễn Du đã viết :

                              Người lên NGỰA, kẻ chia bào,
                      Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
và là...
        phương tiện hành hung đã giúp cho Khuyển Ưng bắt cóc cô Kiều :

                             Vực nàng lên NGỰA tức thì,
                       Buồng đào viện sách bốn bề lửa dong.
và cũng là...
       hình ảnh hào hùng, dứt bỏ nhi nữ thường tình, của người đi làm việc lớn như Từ Hải :

                              Trông vời trời bể mênh mang,
                     Thanh gươm yên NGỰA lên đàng thẳng dong.

... để đưa đến một kết quả có hậu là...
      hình ảnh của sự long trọng tiếp đón khi Từ Hải đã làm nên sự nghiệp :

                              Kéo cờ lũy, phát súng thành,
                      Từ Công ra NGỰA thân nghinh cửa ngoài. 
                                                                             ... để rước nàng Kiều về dinh...  

Con Ngựa còn là hình ảnh trung trinh luôn hướng về quê hương cố thổ, như trong thành ngữ NGỰA HỒ CHIM VIỆT có xuất xứ từ hai câu thơ trong bài thơ cổ khuyết danh thời Đông Hán là :

                     胡馬依北風,   Hồ mã y bắc phong,
                     越鳥巢南枝.    Việt điểu sào nam chi.
  Có nghĩa :
            Con ngựa của đất Hồ nơi phương bắc, khi đưa vào Trung Nguyên thấy gió bấc thì hí lên tỏ lòng quyến luyến quê xưa. Còn con chim của Bách Việt, khi đưa vào Trung Nguyên thì luôn chọn cành nhánh phía nam để mà làm tổ. 
      Hai con một cầm (loài chim), một thú (loài vật) nhưng luôn luôn nhớ về quê hương chốn cũ, huống chi là con người ! Trong "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :

                                Người nhìn kẻ lại trông theo,
                     NGỰA HỒ CHIM VIỆT nhiều điều nhớ nhau.

      Còn trong "Hoài Nam Khúc" của Hoàng Quang đời Tây Sơn thì đão lại là CHIM VIỆT NGỰA HỒ để chỉ lòng nhớ nước thương nhà :

                                CHIM VIỆT NGỰA HỒ lơ láo đó,
                                 Hươu Tần yến Tạ lạc loài mô.
  Ngựa Hồ                     Chim Việt

      Cũng trong "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, ta còn gặp tích MàĐƯƠNG, tức Mà ĐƯƠNG SƠN 馬當山 nằm ở phía tây nam huyện Đông Lưu thuộc tỉnh An Huy ngày nay. Núi có hình tượng như như con ngựa đang nằm trên bờ sông Giang, thế sông hiễm trở hay có sóng gió bất thường. Đây cũng là nơi Vương Bột  nhờ một lão ông chỉ cho dùng thuyền buồm, nên chỉ trong một đêm đã đến được Nam Xương cách đó gần 800 trăm dặm đường để dự tiệc Đằng Vương và làm nên bài Đằng Vương Các Tự nổi tiếng cho  đến hiện nay :

                                 Tơ chơi nguyệt hãy đành hanh,
                         Rằng đây chẳng phải là ghềnh MàĐƯƠNG.

      Nhắc đến Mã Đương lại làm cho ta nhớ đến MÃ NGÔI 馬嵬, nơi mà Dương Qúy Phi buộc phải tự ải cho yên lòng quân trong cuộc binh biến trong năm Thiên Bảo thứ 15 đời Đường khiến cho Đường Huyền Tông phải bỏ kinh thành Trường An mà chạy vào đất Thục trong cuộc phản loạn do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu mà sử gọi là AN SỬ CHI LOẠN 安史之亂. Nhà thơ Bạch Cư Dị đã miêu tả trong bài thơ trường thiên "Trường Hận Ca" khi nhà vua trở lại kinh thành đi ngang qua Mã Ngôi như sau :

                 天旋地轉迴龍馭,   Thiên tuyền địa chuyển hồi long ngự,
                 到此躊躇不能去。   Đáo thử trù trừ bất năng khứ.
                 馬嵬坡下泥土中,   MÃ NGÔI pha hạ nê thổ trung,
                 不見玉顏空死處。   Bất kiến ngọc nhan không tử xứ !
  Có nghĩa :
                 Chuyển xoay long giá hồi cung,
                 Ngựa chùn chân bước người chùn dây cương.
                 MÃ NGÔI nắm đất bên đường,
                 Nào đâu người ngọc chìm hương mất rồi !

Trong Hoài Cổ Khúc của ta cũng có câu :

                    MÃ NGÔI muôn dặm thẳng xông,
                 Thuyền quyên hồn dứt anh hùng lệ sa.

      Cuối TRUYỆN KIỀU được kết thúc bằng một thành ngữ có từ MÃ rất có hậu, đó là khi Kim Trọng thi đậu làm quan đã nhớ đến Thúy Kiều :

                          Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
                  Bây giờ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG với ai ?!                        
       
      KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金馬玉堂, thành ngữ có xuất xứ từ đời Hán. KIM MÃ là KIM MÃ MÔN 金馬門, là Cửa Kim Mã, nơi mà các Học Sĩ đợi chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. NGỌC ĐƯỜNG là NGỌC ĐƯỜNG ĐIỆN 玉堂殿, nơi nghị sự của các Học Sĩ, là Hàn Lâm Viện của các Hàn Lâm Học Sĩ.
      Nên thành ngữ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG dùng để chỉ sự đổ đạt vinh hiển làm quan, đắc ý vì công thành danh toại.

  Cuối cùng, ta có từ VÓ NGỰA. VÓ có nghĩa là Chân Ngựa, như ta hay nói "Con ngựa bị chổng 4 VÓ lên trời !" Nhưng trong văn học VÓ NGỰA là chỉ BƯỚC CHÂN của NGỰA. Nên Tiếng Vó Ngựa là tiếng chân ngựa chạy, còn được gọi là VÓ CÂU vì người ta thường dùng ngựa trẻ ngựa khỏe để cưởi hay kéo xe. Để diễn tả cảnh chia tay não lòng của cô Kiều, khi phải đau lòng mà đi theo Mã Giám Sinh, cụ Nguyễn Du đã viết :

                           Đoạn trường thay lúc phân kỳ,
                    VÓ CÂU khấp khểnh bánh xe gập ghềnh.

      Ta gặp lại từ VÓ CÂU khi Hoạn Thư khuyên Thúc Sinh trở về Lâm Chuy để viếng Thúc Ông :

                        Cách năm mây bạc xa xa,
                Lâm Chuy cũng phải tính mà thần hôn.
                        Được lời như cởi tấc son,
                VÓ CÂU rung rủi nước non quê người.
    và khi...
                      VÓ CÂU vừa gióng dặm trường,
               Xe hương nàng cũng thuận đường qui ninh.

      Để kết thúc bài viết nầy, kính mời tất cả cùng nghe bản nhạc bất hủ của nhạc sĩ Văn Phụng : VÓ CÂU MUÔN DẶM với 3 câu kết thật hay :

             ... Mai VÓ CÂU lên đường
                 Đem chí trai can trường
                 Đời ta sống thác vì cố hương!...





                                                                                                       杜紹德
                                                                                                   Đỗ Chiêu Đức


🌼🌼🌼🌼🌼

1 nhận xét:

Tâm Sự Từ Nguyên Và Bài "MẮT NHÒA QUÊ MẸ "

 Cùng quý thân hữu, Tình mẹ con vốn bất diệt và không có thơ nhạc nào đủ sức ca tụng. Trong khi người ta lao đầu vào các cuộc chiến bất tận,...