Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Câu Hát Tìm Nhau

 

                                             Ngọn đèn khuya – Tranh: Mai Tâm          

       Gần nửa thế kỷ không hẹn mà gặp, bạn cũ trường xưa mãi bên kia biển nhẹ cánh phiêu bồng ghé thăm. Nói cho ngay thì với bạn vào một thuở xa xưa cùng chung một mái trường, nhưng cách một khỏang sân nên nét mặt, dáng người chỉ mờ nhân ảnh sau lớp bụi của thời gian. Để rồi hai thằng ngồi ngoài vườn, nhìn những chiếc lá vàng lác đác, u hoài với bóng câu qua song cửa, thấy cũng nên khui chai rượu tương phùng, mong hòa nhập cùng đất trời trong một ngày cuối đông đầy thê lương và ảm đạm…

Bất chợt, bạn trong cơn mê chiều như say người, say tình. Bạn bốc chứng búng tay một cái “tách” kéo tôi ra quán chợ để có những giây phút yên sĩ phi lý thuần trong một ngày trời đất vần vũ, đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu, làm dăm cái hồ trường để…xa vắng.

Nón lá áo tơi ra quán chợ

Trơ vơ trên bến nước sông đầy

Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả

Chén rượu men lành, lạnh ngón tay

Ôn lại những ngày mưa gió cũ

“Ôn lại những ngày…” cùng âm hưởng của người xưa vọng về như gọi đò sang sông, qua men nồng kể lể của bạn thì chỉ năm, mười phút là…hết chuyện, là đi vào con ngõ cụt bằng vào một cái chấm than nghiêng ngả và mất hút đằng cuối ngõ. Nghe xong, một thóang như chuyện cũ của bạn thuộc trường phái cổ điển, tình bỏ ta đi, ta buồn trong hoang lạnh với mười năm tình cũ…Gợi nhớ, nếu có chút hơi hám của chữ nghĩa không ngòai như định mạng đã an bài, nay đã nổi trôi để đi vào quá vãng.

Và tôi nhìn mái tóc rồi một ngày tóc trắng như vôi của bạn, để chợt cảm hoài cùng thế sự du du hề, một cuộc bể dâu, nhân kiếp phù sinh hề, một thóang bạch câu. Cũng trong bữa tiệc tẩy trần khác cuối tuần, đúng nghĩa đen là nhậu tới bến, nhậu mênh mông ở cái nơi chốn sì sọap cắm đầu…ăn, đỏ mặt tía tai ngửa cổ…uống rất trần tục ấy. Bỗng dưng không đâu tôi chợt có một ý nghĩ hay là hãy đốt lò hương cũ qua vài ba trang giấy, như một món quà tao ngộ với bạn? Bạn nhìn tôi, lắc đầu buông thõng một tiếng gọn lỏn:  “Không”.

Bạn về, thì cứ cho là…như một truyện tình đi, cũng khăn gói gió đưa về theo bạn. Tôi trở lại một ngày như mọi ngày với cái nợ áo cơm, chẳng có gì để quên với nhớ trong cái buổi nón lá áo tơi ra quán chợ, trơ vơ trên bến nước sông đầy ấy.

***

Vào một buổi tối, cũng một thằng bạn cũ trường xưa khác, từ Sài Gòn điện đàm qua cho hay bạn mới về thăm quê nhà. Tôi hỏi bạn đâu mới hay bạn đã đâm đầu ra Hà Nội…Rồi thằng này cũng nhấm nhẳng đeo đuổi quá khứ vị lai của bạn với tôi cùng thế sự du du hề một cuộc bể dâu với ngày nào năm đó, hai thằng cùng chung một lán ở trại cải tạo và bạn sống cũng như chết qua một cơn bệnh ngặt nghèo, bò không nổi, lết cũng chẳng xong. Ngỡ rằng chẳng chóng thì chầy bạn sẽ đi về cõi u minh, nên được tống tiễn về sớm: Bạn mò được về đến nhà thì nhân kiếp phù sinh hề một thóang bạch câu là như Từ Thức về trần với phòng không cửa trống để chẳng thấy…vợ của bạn đâu. Và qua đường giây điện thoại, thằng bạn Sài Gòn cho tôi biết vợ bạn là con gái Hòang Cầm.

        Chuyện đời thường này thì tôi cũng đã được nghe kể qua bạn, qua cái buổi chiều sầu nghiêng mái quán mưa tong tả, chén rượu men sành lạnh ngón tay năm ngóai. Nhưng chỉ có một điều, ngày ấy bạn chỉ mờ nhân ảnh và không cho tôi hay vợ bạn là con gái của nhà thơ Hòang Cầm trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Buông cái máy nói viễn liên xuống, tôi đuỗn người phân vân “Ủa, vợ con ông Hòang Cằm là ai và vào Nam hồi nào…”. Thêm bát thêm đũa qua một bài tự thuật của Hoàng Cầm mà tôi đã đọc qua thì:

Ông kể về lúc mười sáu tuổi, ông vào Hà Nội và gặp cô Tuyết, người Hải Phòng, gái nhẩy ở tiệm Asia và cô đưa ông về phố Đường Thành sống chung với nhau như vợ chồng. Và cứ như vậy, đâu đó khỏang gần một năm, cô Tuyết bỏ vào Nam không một lý do, như con con chuồn chuồn khi vui thì đậu khi buồn thì bay…

Và tôi chỉ nằm lòng có bấy nhiêu, nên đóan chừng vợ bạn là con gái của cô Tuyết. Lại nữa, dạo ấy tôi đang ngụp lặn với nhóm Nhân Văn, nên thấy bạn lại là bạn đời con của một nhà thơ lớn, để tôi có hơi bon chen nhen nhúm một bài viết…”văn vẻ” nào đấy…như tình cuối chân mây chẳng hạn. Nhưng khi ngồi xuống cái bàn gõ để tụng qua chuyện kể của bạn, tôi đành ngán ngẩm thở dài vì thiếu cảm hứng, không có những rung động của  người trong cuộc nên đành…treo niêu.

Đủng đỏang thế nào một ngày tôi viết một bài tản mạn có cái tựa đề “Bạn Cũ Trường Xưa”, trong đó dấm dúi dăm hàng về bạn và có cho ăn gan giời, tôi cũng chẳng dám múa máy xa hơn như dưới đây:

         “…Cho đến ngày gặp lại bạn bè ở cái tuổi muộn màng, như cái gạch nối của quá khứ và hiện tại, rồi bầy ra cái sân trường nhỏ hẹp trong buổi chợ chiều, bù khú với những chuyện thằng này, thằng kia cùng ngày qua tháng lại. Họa hoằn có gặp nhau, cũng chỉ nhìn thấy những mái tóc ngả mầu, những nếp nhăn cùng những tàn phai của thời gian.

        Rồi lầm lũi chia tay…

         Như một lần gặp một  thằng bạn cùng trường nhưng khác lớp, tục gọi là đồng môn, đồng tuế tạt qua nhà chơi. Cả hai như muốn moi móc, vớt vát một chút giao tình còn sót lại nếu có, vì qua sông ai nỡ quên đò, dẫu gì cũng chung một mái trường. Mặc dù tôi chẳng hình dung mặt mũi bạn vuông tròn ra sao, ngòai cái tên đầy…“xích sắt” với…”dầu mỡ”. Chỉ biết rằng bạn ở mãi bên kia biển Thái Bình Dương xa tắp mù khơi. Vậy mà khi bạn đứng trước cửa sừng sững như trời chồng, nhìn cái miệng lười biếng vén cái môi lên cười như mếu. Như…”meo méo”.

       Thế là tôi nhận ra bạn ngay.

        Một lần ngồi ngòai vườn, hai lần ngồi đồng ngòai quán, với những buổi gặp nhau ngắn ngủi đó, tôi và bạn cũng chẳng có gì nhiều để hàn huyên. Tiễn bạn về lại cố quận vào một ngày trễ nải ngập nắng quái chiều hôm, chợt nhớ ra vợ bạn là con gái của nhà thơ Hòang Cầm.

        Lại liên tưởng đến tâm sự của một nhà văn trong buổi ngày tàn bóng sế, chỉ thấy càng ngày càng gần gũi với miếu đền. Trong một thóang giây, tôi có ý nghĩ bâng quơ chắc là lần cuối, chẳng bao giờ gặp lại bạn nữa với quan san cách trở. Rồi ngay lúc ấy, trong một giây phút yếu lòng, mắt tôi như vướng bụi cay cay, như có cái màng ướt bao phủ, che lấp cả khuôn mặt nhạt nhòa của bạn đang đứng trước mặt…

       Thêm một lần lầm lũi quay đi….”

       ***

       Bài viết gửi đi qua mạng lưới trong nhóm, cuối tuần một thằng bạn mèo mả gà đồng đang ở cùng một thành phố với bạn. Thằng này điện đàm sang to nhỏ rằng: “Mày nhắc đến vợ nó, nó sụt sùi rơi nước mắt. Thế nào nó cũng…ới mày”, tôi chột dạ, thôi rồi sắp to chuyện, sắp bị bắt cóc bỏ điã để mắng vốn nữa đây.

Đang rối mù, lục lọi trong tàng kinh các, tôi moi ra được một bài viết có tựa đề “Đi tìm người con gái trong vở kịch thơ của Hòang Cầm” của tác giả Ngữ Yên như thế này đây:

“…Ông có khá nhiều bài thơ hay như: Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông… Ngoài ra người ta biết đến ông với vở kịch thơ nổi tiếng Người Điên, ông là một trong những tác giả khởi sự nền kịch thơ Việt Nam những năm 1945. Thời kháng chiến ông cùng nhà biên kịch Hoàng Tích Linh lập ra đoàn kịch Đông Phương vào đầu thập niên 40 gồm vợ chồng nhạc sỹ văn Chung, Tuyết Khanh là vợ Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Phạm Duy, Ngọc Bích… Vở kịch đáng lẽ ra mắt công chúng vào tháng chạp năm 1946, nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp, khiến vở kịch chỉ diễn dăm ba ngày rồi đình lại. Nội dung vở kịch với nhân vật chánh tên là Kiều Loan, người khuyến khích chồng ra đi đánh đổ nhà Nguyễn để phục hồi nhà Tây Sơn, nhưng người chồng đã phản bội chạy theo Nguyễn Ánh, nàng giả điên vào thành Phú Xuân đi tìm chồng, sau đó tự vận chết trong tù…

Người đóng vai Kiều Loan không ai khác hơn chính là hiền thê nhà thơ: nữ kịch sỹ Tuyết Khanh. Bà đi theo ông ra vùng kháng chiến ông đổi tên vợ là Kiều Loan, do đó sau nầy có cái tên khác  là vở kịch Kiều Loan.

Lúc đó người vợ có thai, nên ở lại vùng trung du và ông lên đường đi lưu diễn. Trong bữa cơm đạm bạc chia tay ở phố Nỉ, Bắc Giang, nhà thơ không ngờ đây là lần cuối cùng ông không còn gặp lại vợ con. Suốt từ năm 1948-1954, bà nhiều lần viết thư cho Hoàng Cầm nhưng bặt tin và đứa bé ra đời bà đặt tên là Bùi Thị Kiều Loan, vì Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt sinh năm 1921.

Hiệp định Genève, Kiều Loan mẹ bế con di cư vào Nam sống, lúc ấy Kiều Loan con khoảng 6 tuổi. Đến năm 1968 cô  lấy chồng ở Sài Gòn.

Năm 1975 thống nhất, Hoàng Cầm có vào Nam tìm vợ con, nhưng người vợ cũ đã di tản sang Mỹ. Và chỉ còn cô con gái ở lại, cha con gặp nhau bùi ngùi, nhưng vì xa cách quá cũng ít hàn huyên tâm sự nhiều, đến năm 1982 thì Kiều Loan con cũng sang Mỹ đoàn tụ cùng người mẹ.

Năm 1983, trong một buổi đi chơi, tình cờ Phạm Duy gặp Phạm Công Thiện ở Los Angeles, Phạm Công Thiện cho biết người con gái trong kịch thơ Người Điên ở gần đây và dẫn nhạc sỹ đến thăm mẹ con Kiều Loan. Phạm Duy bất ngờ gặp lại người bạn cũ ngày xưa nhiều kỉ niệm. Trong căn gác nhỏ chung cư nghèo nàn, Phạm Duy nghe lại những bài thơ của Hoàng Cầm và tận mắt nhìn lại hình bóng Kiều Loan ngày nào trong vở Người Điên. Bà Tuyết Khanh đọc lại những bài thơ mà thi sỹ tặng bà năm 1945.

 Anh đã về đây gặp lại mình

Cõi đời thiên hạ giấc u minh

Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ

Vớt mắt em về bến hoá sinh…

 Tiếp đến là cô con gái Hoàng Cầm, cũng tên Kiều Loan.

Cô ngâm tiếp:

Khanh ơi!

Thể xác hiu hiu bụi

Nắng dãi hoe vàng

Em ở đâu?

 Còn một bài nữa, khi Hoàng Cầm làm thầy giáo ở Bắc Giang:

Nếu anh còn trẻ như năm trước

Quyết đón anh về sống với em

Những buổi chiếu vàng phơ phất lại

Anh đàn em hát níu xuân xanh…”

 ***

Qua điện đàm với thằng bạn Sài Gòn, nói cho ngay tôi cũng muốn đắp chữ vá câu một truyện ngắn, truyện nó “…đâm đầu ra Hà Nội” để đi tìm vợ. Thêm nữa, với bài viết trên, từ “…Năm 1975 thống nhất, Hoàng Cầm có vào Nam tìm vợ con…”. Qua những câu thơ “…Thể xác hiu hiu bụi – Nắng dãi hoe vàng – Em ở đâu?”“Những buổi chiếu vàng phơ phất lại – Anh đàn em hát níu xuân xanh”. Của người phúc ta, tôi muốn lồng vào truyện “Câu Hát Tìm Nhau” của một tác giả khác với…ẩn dụ “lão” là nhà thơ Hòang Cầm và “tôi” là tác giả của bài viết ấy:

 ***

“…Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hàng chiều. Lão xuất hiện với bộ dạng một người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm tấm bụi đường và mồ hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:
– Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài.
– Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi… bà có biết người này.

Lão chìa ra mảnh giấy bọc ép nylon như thẻ căn cước, ghi dòng chữ: Hai Xuân, người Bắc Ninh, có chồng tên Tuất. Sau 1975 có…
– Mơ hồ thế có trời biết! Không đường, không số nhà… Già rồi lẩm cẩm. Con cháu sáng suốt không sai đi tìm. Thôi đi chỗ khác…
Bà chủ quay ngoắt, dềnh ngang bộ mông núng nính đi vào bếp. Lão lẩm bẩm: “Cả tuần nay… hỏi ai cũng trả lời chừng đó!”

Thương hại lão, tôi gợi chuyện:

– Thế bà Xuân người như thế nào?
– Cô ấy người dong dỏng. Trắng tươi. Hát hay. Xinh đẹp.
Bàn thịt chó bên cạnh nhao lên:
– Ồ ! Cháu lão hả? Bao nhiêu tuổi?
– Cô ấy thua một tuổi?
Quán ven đường bỗng òa vỡ tiếng cười.
– Thế thì “cố” chứ “cô” gì! Tụi này tưởng bở bố ạ! Cỡ ấy ra nghĩa địa tìm dễ hơn.
– Mà cố Xuân là gì của lão? – Gã để râu xồm xoàm vừa nhai vừa hỏi.
– Xưa cô ấy là bạn hát quan họ của tôi.
– Lão vượt đường dài ở tuổi này để tìm một bạn hát xưa già khú đế à?
– Vâng.
– Trời ơi… là trời… ở mô rớt xuống ông ngố đa tình như ri hở trời! – Gã giọng Huế cùng bàn cúi gập người rên giữa một tràng cười. Còn hỏi tiếp:

– Lão ơi, có khát tợp ít ngụm… Kiếp sau yêu cho dài ngày rộng tháng.

Rồi để thưởng câu nói mà gã tự cho là ý vị ấy, ngửa mặt lên trời, ném điệu nghệ một miếng dồi chó vào miệng, nhai nghiến ngấu, tợp một ngụm rượu, khà một tiếng khoái trá.
– Ngoài tôi, chỉ có món xào và rựa mận là để bát đĩa. Còn các món khác đựng trong lá tất… Ăn bốc mới đúng điệu. Đột ngột lão góp ý.
– Mở đầu được đấy ! Mần ly rượu nói tiếp đi!

Câu chuyện xoay quanh chó: cách chọn chó, nấu chó, ăn chó… Lão sành đến nỗi những cái mặt đỏ gay, những cái miệng bóng nhẫy đều quay về phía lão hóng chuyện. Cái mông núng nính của bà Tư cũng yên vị trên chiếc ghế dựa hồi nào. Bà chủ đang há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ bảy món cầy cơ bản thành mười món hoặc hơn nữa. Lạ là lão sành món “hương nhục” đến thế lại từ chối động đũa vào đĩa chó. Bà Tư đích thân bưng đến đặt trước mặt lão để mong thụ giáo. Lão giải thích hễ lão cầm đũa là phải ăn no mới thôi. Cái thứ này hễ ăn là say, ăn mãi… ăn thì phải đúng điệu với bạn tri ân để say còn khóc cười cho hả…
– Khách của tui đủ giới, ở khắp thành phố này, bà chủ lên tiếng: “Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, cao dong dỏng, biết hát quan họ không phải là khó. Tui sẽ nhờ anh em… sẽ để lão ăn thịt chó thỏa thuê không lấy tiền… với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán, phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình…”

Quán thịt cầy của bà Tư béo từ độ có lão bỗng đông khách hẳn. Thịt bao giờ cũng lớn bùi, bé mềm, cả tơ cả cứng cho đủ vị cuộc đời. Lá sen, lá dong riềng, lá chuối được thay đĩa men. Quán có đến mười hai món “hương nhục”, thơm điếc mũi. Buổi tối quán tắt đèn điện thắp đèn cầy ăn thịt cầy… âm âm u u thế mà gọi mời đáo để. Những câu chuyện về đời, về chó của lão dưới ánh nến bao giờ cũng khiến khách ăn cảm thấy bữa rượu thịt đậm đà. Bữa nào lão không tới, họ lại ăn uể oải đòi lão có mặt.

Bọn họ gọi lão là “lão Tầm Xuân”. Cái quán ven đường rôm rả hẳn lên khi ông lão ăn mặc nhếch nhác bước vào. Họ hát ong ỏng đón lão: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay. Già rồi tiếc vẫn chưa nguôi. Xắn quần anh lội suối, khòm lưng anh vượt đèo…”.

Có hôm, men rượu không giải được nỗi sầu vô vị, họ lại đem lão ra giải buồn. Họ đổi những tin “dỏm” về cố Xuân bằng những câu chuyện khi thì cố Xuân ở tận bên làng biển An Hải, mù vì khóc lão. Khi thì ở trên Hòa Khánh, điếc đặc, suốt ngày ho sù sụ… Có lúc bọn trẻ kéo vào quán một bà già nghễnh ngãng, ré lên: “Lão Tầm Xuân ơi, cố Xuân đây nè!”. Bà già chửi te tua còn bọn chúng cười hô hố.

Chỉ có lão không nói một lời. Tôi có cảm tưởng có cái gì nặng hơn chiếc lá khô vỡ tan tành trong lòng lão. Ôi lão Tầm Xuân! Lão tìm trong cuộc đời nước chảy mây trôi như một hình bóng của ký ức thì tìm sao đặng? Những cuộc “gặp” ấy để lại trong lòng lão dư vị cay đắng. Lão ngồi uống rượu suông, mắt mờ đục như có khói và lão hát. Dĩ nhiên không phải để cho chúng tôi nghe! Lão hát hay lắm. Hay đến nỗi có lần tôi phải chở vợ đến nghe. Nàng đứng ở ngưỡng cửa nghe lão hát bài ruột: “Khi tương phùng, khi tương ngộ. Xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình. Em biết đến bao giờ gặp mặt, sau đền duyên ba sinh”.
Khó tưởng tượng một giọng hát say đắm ngọt ngào dường kia lại thoát ra từ một lồng ngực hom hem phô những giẻ sườn. Vợ tôi bảo không phải lão hát mà tình yêu lão hát. Nàng nhận xét: đằng sau vẻ ngù ngờ, xấu xí, già nua kia là một trái tim thực có một cô Xuân dong dỏng,, hát hay, xinh đẹp trên đời. Cô Xuân ấy không bao giờ già, không bao giờ xấu, không bao giờ chết trong lão!
Sau lần nghe lão hát và những câu chuyện tôi kể về lão, vợ tôi bỗng trở nên “ái mộ” lão. Nàng bảo tôi chở lão đến nhà chơi rồi lão trở thành khách quen thuộc của cả nhà. Họ cũng bị lão “mê hoặc” như cả quán cầy tơ của bà béo. Lũ con tôi quý lão vô cùng. Lão bày chúng hát nghêu ngao những bài quan họ. “Sớm đi chơi hội, tối về quay tơ. Dải yếm phất phơ. Miếng trầu, mồi mốc. Miếng ăn, miếng buộc. Miếng gối đầu giường. Muốn tìm người thương. Tìm đâu cho thấy?”…

Bếp nhà ấm áp khi có lão. Lão mơ màng kể cho chúng tôi nghe những ngày hội Lim, những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thắt lưng hoa lý, yếm đào con nhạn, mắt lá răm lúng liến hát thâu đêm. Tôi ngồi nghe lão tả những làn điệu quan họ đắm say miên man dìu dặt và yêu cầu lão hát nhưng thường lão lắc đầu. Lão bảo hát quan họ phải có đôi, có bạn, có chỗ. Ký ức lão còn giữ nguyên vẹn những ngày hội quê lão: Hội làng, Hội Xuân, Hội mùa… Trai gái hát chèo, đánh đu, cờ người…
– Lão gặp cố Xuân ở những ngày hội đó à?
– Vâng. Đó cũng là ngày hội quan họ, cả vùng như ngấm men say, phát cuồng vì hội lễ. Năm ấy anh cu Rỗ là tôi tròn 18 tuổi, được cử vào bọn quan họ làng để luyện giọng thi hát với bọn quan họ làng bên kia sông. Nhà tôi ba đời hát quan họ. Tôi luyện trên dưới 200 giọng, thế mà khi hát đôi với cô ấy tôi run. Tâm hồn tôi lơ lửng không đặt hết vào lời. Cô ấy là tiên quan họ. Ngày xưa cô Tấm cũng đẹp thế là cùng! Giọng hát sóng sánh. Mắt đen lóng lánh. Môi cắn chỉ đỏ thắm. Cần cổ như cuống hoa huệ… Tôi say, say lời hát, say cô ấy, quên cả ngón ruột phải tung ra vào phút chót để thắng dứt điểm. Cuộc thi kéo dài đến ba ngày. Tiếng trống dứt mới giật mình ngơ ngẩn. Dĩ nhiên tôi thua..

– Đa tình thế sao không lấy?
– Lệ quan họ những đôi trai gái đã kết bạn quan họ không lấy nhau. Tình yêu có nảy sinh thì cũng gửi thương gửi nhớ qua lời hát. Kết nghĩa quan họ như kết nghĩa anh em, được cha mẹ hai bên, dân hai làng chấp nhận. Tình bạn ấy chân thành, thủy chung, thắm thiết không chỉ đời mình mà có khi còn đến đời sau. Làng tôi có nhiều cặp quan họ khi đầu bạc răng long, tình yêu trong câu hát xưa vẫn không tàn. Có dịp gặp nhau trên chiếu quan họ, họ lại sống lại thời xuân sắc. Anh em kết nghĩa quan họ gặp nhau, đến thăm nhau, ăn uống, vui chơi, ca hát với nhau. Mỗi bên có chuyện vui buồn đều tổ chức đi lại thăm viếng. Tôi nhận ra một điều: người ta có thể cho nhau niềm hạnh phúc to lớn biết dường nào và chẳng lần nào giống lần nào… Rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng. Bọn quan họ chúng tôi đến chia vui. Tôi đau lòng hát miên man…

Mắt lão bỗng mơ màng xa vắng. Rồi một giọng hát trẻ trung đằm thắm da diết cất lên: “Ăn quả nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên tay…”. Không phải lão Tầm Xuân tóc bạc da mồi hát mà anh cu Rỗ tóc đen như mun, da mầu đồng, có giọng hát Trương Chi hát! “Cô ấy hiểu lòng tôi, chú ạ!”

Lão lại ngưng hát, kể: Tôi hát bài “Khi tương phùng, khi tương ngộ” ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: “Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ họp mặt sánh đôi… Trước không phải, sau đền duyên ba sinh”. Chúng tôi cắt câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn kiếp sau chắp lại.
Sau đó là chiến tranh…nạn đói… Câu quan họ tan tác trăm phương. Tôi vào Vệ quốc quân, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, khi hòa bình lập lại, tôi về làng thì nghe cô ấy đã theo chồng… nghe nói vào Nam .

Rồi tuổi già đến. Già buồn lắm chú ạ! Cô đơn và bất lực. Chết không đáng sợ bằng tuổi già. Sống đến đó, người ta mới nếm tận cùng chén đắng cay của đời. Tôi sợ hình ảnh ông hàng xóm ngày nắng được bế cả người lẫn chăn ra hong nắng. Nắng rực rỡ đọng thành từng vũng quanh ông ấy, còn ông ấy nhăn nhúm trong cái chăn rách… . Có bà, được mua cho một cỗ hậu sự thật tốt. Lâu không chết, áo quan bị mọt đục. Ngày nắng con cháu đem ra phơi, trở qua lật lại rửa ráy càu nhàu… Luật đời chú ạ! Già thì lụi tàn, phải chết. Một lần tôi ốm, trận ấy ốm thương hàn, thập tử nhất sinh. Trong những cơn mê, tôi cứ nghe một giọng hát lảnh lót níu tôi lại trần thế: “Người về bỏ bạn sao đành. Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng…”.

Giọng cô ấy! Chỉ có cô ấy mới có cái giọng la đà sát ngọn cỏ, cao vút chạm mây xanh, thầm thì luồn lách trong da trong thịt…. Sau lần ốm ấy, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm cô ấy. Chính cô ấy níu tôi lại cuộc đời này. Tôi phải đi tìm nửa câu quan họ cắt đôi. Trẻ không lấy nhau được, già ở bên nhau, hát với nhau cho đỡ côi cút. Trước sau vẫn là bạn có gì sai trái đâu?
Lão im bặt. Đôi mắt già nua chìm trong cõi vắng. Thời gian với lão chỉ là lớp bụi mờ. Gió thổi, bụi bay, dĩ vãng lại hiện ra nguyên vẹn trước mắt lão. Đêm ấy, lão hát miên man bên bếp lửa tàn. Một mình hát, một mình nghe, một mình mở hội đồi Lim, lúng liến, đắm say, chân tình lai láng.

***
Thế mà sau một tuần đi công tác xa về, con tôi đã mếu máo níu áo ngoài cửa đòi tôi đi tìm lão Tầm Xuân. Thì ra lão đã bỏ đi… Tôi cũng vô tình quên lão nếu không có lần gặp lại ở Hàng Xanh, cách đó hai năm.

Đó là một buổi trưa nắng chang chang. Con hẻm em gái tôi ở vang lên tiếng rao lạc lõng: “Ai hàn xoong hàn nồi, mài dao mài kéo không…? Tiếp liền sau một giọng hát cất lên :”Khi tương phùng khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình… thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi…”. “Ôi!”. Lão. Lão chứ còn ai nữa. Không kịp xỏ dép, tôi chạy nhào ra hẻm gọi ơi ới: “Lão mài dao… lão Tầm Xuân”. Lão quay phắt lại rồi ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Mới hai năm mà lão già thêm nhiều. Lão đã thực sự già thêm nhiều. Lão đã thực sự già! Gương mặt chằng chịt nếp nhăn lỗ chỗ nốt rỗ như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng hát khào khào. Lão mang lỉnh kỉnh dụng cụ hàm mài. Câu quan họ lầm lũi lạc theo, lạc lõng trong thành phố hoa lệ.

Chúng tôi tấp vào quán nước bên đường. ở đó tôi được biết vì sao lão bỏ đi đột ngột. Bà chủ quán thịt cầy cùng dãy với bà Tư béo bảo có gặp một bà người Bắc đi xin ở Gia Định biết hát quan họ và y hệt cô Xuân của lão. Thế là họ đi!… Quán bà Tư mất hấp lực, đâu lại vào đấỵ Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra, sợ lão buồn. Tôi định bụng khuyên lão trở về quê. Không ngờ lão cũng nói:
– May gặp nhau lần cuối… Tuần sau tôi về chú ạ. Tôi về để mười ba tháng Giêng tới dự hội Lim lần cuối. Hội Lim giờ đâu như xưa nữa… Nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống vào hội giục giã lòng tôi. Tôi yếu rồi! Tôi đã nghe đất gọi Quê gọi, hẹn kiếp sau vậy…
Tôi nhìn lão, chiều tà dần trong đôi mắt mầu hoàng hôn.

***
Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt bị mẻ, em tôi nhắc:
– Không thấy lão mài dao kéo vào xóm… cái lão thật lạ, không lo kiếm khách chỉ lo hát… Có đồng nào mua đồ ăn lại chia đôi cho chó một nửa. Con chó cũng đáo để, không bao giờ ăn trước chủ dù có đặt trước miệng… Người già cũng lạ! Trại dưỡng lão em làm có một bà già… nhập trại ba năm không nói một lời, tưởng câm, khi gần chết hóa ra biết hát. Cái giọng cái điệu, cái lời na ná như lão mài dao.
– Đâu? Bà ấy ở đâu? – Tôi chụp tay nó.
– Ở trong, sắp chết rồi. Mà anh hỏi làm gì?

Tôi kéo áo nó, bắt nó chở đi rồi tôi sẽ giải thích. Dọc đường tôi kể vắn tắt chuyện lão Tầm Xuân đi tìm nửa câu quan họ. Tôi linh cảm đó là cố Xuân.
– Ba năm trước, một người đàn ông sang trọng, gương mặt tràn trề nhân ái dẫn bà ấy vào trại. Ông ta bảo với Ban quản đốc ông ta thấy bà già cơ nhỡ, ngủ trước hiên nhà nên thương xót dẫn giúp vào đây. Ba năm ở đây, bà ấy sống lặng lẽ như bóng không hề nói, nằm quay mặt vào vách. Nhưng cách đây một tháng, dường như không nén được nỗi đau đớn, bà ta khóc rống lên: “Hắn là con tôi, cái thằng dẫn tôi vào đây chính là con tôi”. Mấy hôm nay bà ta hát… không ăn, không uống… chỉ phều phào hát… Em tôi kể.

Bây giờ nằm trước mặt tôi, trên chiếc chiếu tỏa mùi khai thối trải trên nền gạch loang lổ là bà cụ tóc trắng như bông vấn vành khăn nhung đã sờn, mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc… “Dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp…” Hình hài ấy không còn nét nào giống lão Tầm Xuân tả.

Thời gian cho, thời gian lấy hay tôi đã lầm? Tôi định lui ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng khẽ khàng động đậy. Rồi từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào những tiếng, lời rời rạc. “Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải… sau đền… duyên… ba sinh”.
– Đúng rồi! Cố Xuân đây rồi! Tôi reo to giữa những gương mặt già nua ngơ ngác – Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi. Lão tìm ba năm, nay biết tìm lão ở đâu.

Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần… yếu dần… Nhanh trí, tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và tôi lập lại lời hát của lão Tầm Xuân: “Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình…” Giọng hát vụng về thô ráp như đọc của tôi cất lên, và lạ lùng thay, nó tựa những giọt nước cành dương diệu kỳ… Mí mắt bà lão động đậy, ngực phập phồng rồi giọng hát yếu ớt cứ rõ dần hòa với cái giọng vịt đực ồ ồ của tôi. Những bà già trên nền nhà lập tức ngồi dậy. Họ không hiểu nhưng họ vỗ tay như những đứa trẻ. Họ reo, họ hò, họ hát ru… Những đôi mắt mờ mờ đục chất ngất nỗi buồn và bất hạnh bỗng háo hức như mắt trẻ con. Một bà lão lục đục trong hai ba lần áo một cái gói nhỏ mở hai ba lớp nylon bày một nhúm thịt chà bông, chần chừ ngắm rồi nhón tay bốc hai sợi thịt đem tới đút vào miệng tôi một sợi, miệng cố Xuân, bị lời hát đẩy ra, còn trong miệng tôi, trào thành nước mắt!

Tôi lập tức đạp xe đi quanh vùng Gia Định tìm lão Tầm Xuân nhưng bóng lão bặt tăm… Hình như lão đã về quê rồi. Em gái tôi góp ý nhắn lão trên tivi. Mẩu tin kỳ quái được nhắc lại hai hôm: “Lão Tầm Xuân! Đã tìm ra nửa câu quan họ. Đến gấp trại dưỡng lão số 3, đường… Mau lên kẻo không kịp”.
Không kịp thật. Cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng, lão vẫn bặt tăm. Chiếc xe tang của trại đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn, không dòng nước mắt. Có lẽ giờ này lão Tầm Xuân đang lê bước trở về. Nửa câu quan họ lầm lũi theo lão… Chơi vơi… Chơi vơi…”

***

Đất khách quê người, một buổi sáng ngồi ngòai vườn nhìn mây bay gió thổi, tôi chẳng thấy trời xanh, mây tím, nắng vàng đâu mà nhìn thấy…con chim cu đất quê nhà đơn côi trên sợi giây điện. Mà cái giống này cũng lạ, chỉ đậu trơ trọi một mình, cất tiếng  “..gù..gù.. “ gọi…bạn tình nghe đến buồn tênh, làm tôi cũng vương vấn lây, bồng bềnh lãng đãng với nhớ nhà trong điếu thuốc, khói huyền bay lên cây….Để thẫn thờ mang mang với “Ai ra bến nước trông về Bắc – Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng”

Như vung vãi ở trên, tôi đã lậm với tiếng hát quan họ qua thơ ông Hòang Cầm để gần gũi với đất quê, gió quê vi vút gọi, man mác đồng chiều cuống rạ, ẩn hiện là một thóang hương xưa với những người con gái Bắc Ninh, để tôi đậm đà với mảnh áo tứ thân hoa gụ, giải yếm thắm mầu mạ non, tay cầm nón quai thao lặng lờ đứng trông nắng vãn ven sông. Ai chẳng có lúc thả hồn theo trăng sao, thế nên trong truyện viết như đà dài dòng ở khúc trên, đã nhen nhúm từ lâu. Lúc này tôi bật ra cái ý tưởng là đẩy đưa hai vợ chồng bạn gặp nhau lại trong một chiều bên bến vắng, với tình ơi tình rằng:

Bắc Ninh cho đến Phủ Từ

Qua cầu sông Nhị, ngẩn ngơ tìm người

Tìm người chẳng biết mấy nơi

Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây

        Rồi thì tôi dàn dựng tàn cuộc binh đao, sau bao tháng năm xa xứ, thằng bạn tôi nó sẽ ngừng chân mỏi mệt ở lại quê nhà. Đất quê lành lắm, trồng gì lên nấy, hai vợ chồng nó rồi ra sẽ có mảnh vườn, bờ ao, chuồng lợn, đàn gà, lũ vịt và chẳng thể thiếu vắng bóng dáng thằng cu, cái hĩm. Và đằng khúc cuối của bài viết, tôi sẽ thu vén, chắt chiu:

Người ơ! Người ở đừng về

Người về em sẽ khóc thầm

Em nắm vạt áo ướt dầm như mưa

Người ơi! Người ở đừng về

         ***

Hóa ra nó…về quê thật. Thêm một ngày không gió cũng chẳng mưa, nó ới tôi như đã viết ở trên và kể chuyện về phố Lý Quốc Sư thăm ông bố vợ Hòang Cầm. Nó hí hửng “khoe”, ông cụ dạo này già nua và khọm lắm và phải chống cái ba-toong…Vưà nghe tôi vừa nhủ thầm: Quái, thằng này vào Nam năm 54, cao tay lắm là mười tuổi…như tôi, thì xin lỗi, biết mốc sì về những bậc tiền bối như cụ Hòang Cầm với dạo này, dạo nọ cùng cái ba-toong. Nó lại xuống giọng thầm thì, khi về ông cụ đưa nó cái phong bì, ngoài ông viết “Tặng con rể yêu qúy của bố ”. Nó nói nó rất xúc động khi đọc đến dòng chữ này và nhắc tôi hai lần về câu viết ấy, ra ý rằng mặc dù vợ nó đã “em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại”, nhưng ông cụ vẫn còn xem nó như…rể hiền.

Thấy nó đang phấn chấn, tôi ướm lời muốn múa bút với chuyện tình của nó dạo nào. Nó ậm ừ…cũng được. Nhưng đợi. Đợi tuần sau nó cho biết nó hỏi ông cụ với ý đồ của tôi và cụ nói: “Cứ để cậu ấy viết xem sao”. Nó tiếp giọng yếu sìu rằng tôi muốn bóp méo vo tròn gì cũng xong tất. Rồi nó buông một câu chết người, “Mày cứ cho hai đứa tao chết chung một lỗ với…mồ yên mả đẹp là được rồi ”. Tôi sững người nghĩ không ra và cho là… cái thằng dở người.

Là kẻ hậu sinh, được cụ mở lời như cởi tấm lòng, thế là tôi cho nó theo chân cụ Hoàng Cầm đi tìm vợ con một dạo ở Sài Gòn. Tôi bật ra cái cốt truyện nhờ nghe thấy tiếng con chim cu gáy “gù..gù”. Để bắt qua chuyện nó tìm em như thể tìm chim, chim bay biển bắc anh tìm biển đông và rồi cũng gặp một chiều bên bến vắng, để “Trông nước nước chẩy, trông bèo bèo trôi – Người ơi người ở đừng về..”. Tôi dẫn nó về ba mươi sáu phố phường tìm người vợ cũ đà bỏ đi…

Nhưng lại tìm hình bóng cũ qua một cô đồng cho kỳ bí ma quái. Thế là tôi phóng bút:

“…Đến thăm ông bố vợ chưa một lần gặp mặt, ông cụ ân cần tiếp nó như một đứa con đi xa trở về. Về chuyện vợ nó, bên bàn thuốc phiện, cụ nói chuyện như lạc lõng, không hẳn là cụ muốn dấu diếm này kia mà nói cho cùng chẳng ai biết gì hơn là bấy lâu nay vợ nó biệt tăm ở mạn đồi Lim, chẳng bén hơi về đến Hà Nội…

Cụ lững lờ gần xa về cái lệ của 49 làng quan họ là “làng quan họ nghĩa”, họ coi cha mẹ của bạn như cha mẹ mình, những ngày vui buồn đều đi lại thăm hỏi nên chẳng được lấy nhau, lửa gần rơm cũng có ngày cũng bén, để rồi sinh lắm chuyện…vạn sự bất như ý. Qua hơi khói phù dung, cụ thở ra với thân phận con phù du mà quê cụ gọi là con vờ vờ, quạnh quẽ bên bờ ao sớm nở tối tàn, sống với nước ao tù rồi cũng chết trong váng ao tù.

Bà vợ kế vừa góp chuyện vừa quẹt mắt giọt ngắn giọt dài về chuyện cô đồng Bắc Ninh…Nghe nói sau lần cô vồ ếch ngã lăn cù đập đầu vào cái vại cà pháo, tỉnh dậy, cô như người cõi khác, rằng có thể nhìn thấy hồn ma đi theo người ta và nếu có rảnh rang, cô còn nhởn nha nói chuyện với hồn ma ấy nữa.

Nó ngờ ngợ như có một chuyện “bất như ý” đã sẩy ra, cụ nhìn nó lắc đầu, rít một hơi thuốc lào sòng sọc, cụ chậm rãi nhắc lại chuyện cũ với một người con gái tên Vinh, hơn cụ tám tuổi, cô cũng là người dậy hát quan họ ở phố huyện và cụ đã mê mẩn người con gái ấy. Một lần cụ rình cô ra ngòai đồng, khuất sau một cái gò nhỏ có nhiều bụi dại, cụ đang nhìn trộm bỗng cô ta ngẩng lên bắt gặp, cô giả bộ như lúi cúi tìm cái gì ấy, rồi đứng thẳng người lên, nhìn vào mắt cụ và nói: “Chị tìm cái lá…”. Và cụ cũng chẳng nhớ lá gì nữa vì lúc ấy cụ mới mười hai tuổi. Vào một đêm năm 1959, khỏang ba giờ sáng, cụ chợt tỉnh giấc rồi thao thức không ngủ được, trong im ắng, cụ chợt nghe bà hàng xóm văng vẳng ru con “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…”. Cụ bật dậy, lấy bút chì và tập giấy ra ghi chép, ký ức người con gái ngòai đồng mươi năm trước lại hiện ra. Thế nhưng gần nửa mảnh đời người xưa của cụ đã đi tìm hạnh phúc cho riêng mình…như không có thật. Như…lá diêu bông. Nên cụ đành ngậm ngùi buông bút :

Từ thuở ấy…

Em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

 Diêu bông hời

…Ới diêu bông…!

         ***

Về đến khách sạn, mở phong bì ra nó thấy bài thơ Lá Diêu Bông. Thế là nó lại quây quả đi tìm lá diêu bông như cụ Hòang Cầm ngày nào.

Ngay hôm sau là nó cun cút lên Bắc Ninh gặp cô đồng xin lễ. Nhìn thấy nó, cô vưà nhướng mắt nhìn qua vai nó như muốn tìm kiếm ai, vừa lẩm bẩm một mình không ra tiếng, như nói chuyện với âm hồn nào đó đang vất vưởng đâu đây. Rồi cô cười toét: “Hồn chịu về gặp anh giai rồi đấy, nhưng hồn đòi cái…đàn gáo”, cô đồng tất bật chạy qua bên kia xóm. Còn lại một mình trong nhà, nó rợn người ngó quanh quất, chỉ thấy lạnh tanh vắng ngắt, một lát sau thì cô le te dẫn về một nghệ nhân dân tộc, ở cái tuổi trung niên nhưng ra dáng lụ khụ như một ông già sáu mươi và tay xách cái đàn không giống như cái gáo như nó tưởng.

Cả ba ngồi xuống chiếu, nó ngáo ệch nhìn trước mặt cô là cái đĩa có cái chân gà khô quắt queo và hai đồng trinh. Cô đồng loay hoay thắp hương, nhắm mắt khấn lâm râm một hồi lâu…lâu lắm, bác thợ đàn vưà lên giây đàn “..tách..tách..” vừa nhấm nhẳng hỏi: “Quan họ hay ca trù đây, hở nỡm”. Mắt lại hấp háy như muốn nuốt chửng cô đồng: “Này, mèo mả gà đồng vừa thôi, gieo quẻ xin âm dương đi chứ, sốt cả tiết…nỡm ạ”. Cô đồng mở mắt thao láo ra, chũm môi: “Cái nhà bác phải gió này, tớ đã bảo hồn chịu về hầu bóng với quan bác này rồi mà”. Rồi cô cười cười giả lả : “Bữa nay nhà bác là..tình nhân của tớ đấy nhá, sướng nhá”. Bác thợ đàn ngáo ra, ngồi trơ thổ địa…

Nhìn hai người đỏng đảnh đối đáp giữa nhang khói hương đèn, nó chả thấy trầm nghiêm hay u ẩn gì, mà chỉ giống như hát chèo, hát đúm gì gì ấy. Rồi cô đồng lại nhắm mắt, sì sụp khấn, bỗng mặt cô tái đi, cái đầu lắc lắc, thấy vậy bác thợ đàn vào nhịp “tích tịch tình tang”. Thấy cô đồng cúi mặt xuống chiếu, bác búng dây đến “tách” một cái, nhịp phách gòn giã đun đẩy. Cũng vừa lúc cô đồng ngửng lên nhìn nó trừng trừng và cất tiếng…

Hồn ma nát thần tính, nó nghe láo nháo như giọng vợ nó ngày nào năm xưa:

– Con Ty bớt ho chửa ?

Bị hỏi bất ngờ, nó ớ ra:

– Chưa…

Vợ nó nhăn mặt:

– Nhớ cho con uống thuốc.

Cô đồng nhìn xuống thẻ nhang đang tỏa khói, giọng trầm hẳn xuống:

– Người ta vẫn thường về nhà phù hộ cho con và…nhà nó.

Rồi vợ nó hỏi dồn:

– Sao nhà nó chẳng cúng giỗ cho…người ta.

Nó ấp úng trả lời là nào có biết vợ nó mất ngày nào mà cúng giỗ, vợ nó nói ngày tháng, nó rút bút giấy ra hý hóay ghi chép, vừa hứa năm nào cũng sẽ cúng giỗ đều.

Cô đồng cúi xuống cất giọng thật ảo não bi ai:

Hờ…i i i

       Hôm nay (..ư.. ư..) sum họp trúc mai (..i..a..có mấy).

       Tình chung (..ư.. ư..) một khắc nghĩa dài trăm năm (..i.a..có mấy).

       Hờ…

       Sao Khuê một giấc mông mênh…ơ…

       Người đi hay ở, ơi người. Chỉ có một đời.

Tiếp, giọng cô như lạc đi người co rúm lại:

       Tử sinh, tử sinh, cái trò rỉ sén…ơ son sẻ…rỉ sén

       Hờ…ơ…à…ơ…

       Một trời thánh thót sương tinh…ơ…

       Thuyền ra vạn giặm…à…ơ…

       Thuyền ra vạn dặm chút tình khai ân.

        Cô đồng ngẩng đầu lên, mặt mày ráo hỏanh giảng giải: “Ấy hồn đang theo bạn hát đấy, anh giai ”. Ngu lâu đần dai cách mấy, nó cũng hiểu ra “bạn hát” đây là “người tình” dưới âm của vợ nó.

Rồi cô nhướng mắt và gật gật với bác thợ đàn như ra dấu, bác lật đật, lật đáy cái đàn ngang đùi, gõ “thùm…thùm…thùm” như thúc giục:

       Hồn lạc giang đầu. Hự.

       Sông mê nước chảy đôi dòng.

       Tử ly ấy đổ vào sông mê cuồng. Hự.

       Sóng cả này. Hung tợn.

       Hỏi ai…ai biết…ư…Hự

       Cô đờ đẫn nhìn nó, thở dài: “Cả hai đều chết trôi, tội nghiệp”.

Rồi tiếp:

Hồn tìm hương duyên.

       Đa tình réo rắt..ư…Đánh bồng.

       Mà rằng ối a là tình.

       Tình bồng mát tay…ư, mấy kiếp.

       Ư tình này là mằn mặn…ư đa tình.

Cô nói vào khỏang không: “Đàn anh, đàn chị vẫn hát hỏng với nhau ở dưới đấy, anh giai.

Tán tụ này, cung bậc. Ôi a, khi tỏ khi mờ này. Ma trơi í a…

      Cao cung lên này. Tình bằng này tình ở. Ối a…là ai mong tình

      Ối a là ai mong tình này. Ối a hỏa…hỏa đàn…

        Cô đồng tay bấu cuống chiếu, tay phe phẩy cái quạt nan và quay về bác thợ đàn, miệng lầu bầu: “Ối a hỏa…hỏa đàn…Đã bảo ở dướ âm mà, nóng lắm”. Bác thợ đàn, như không nghe thấy, còng lưng búng giây bắt nhịp tiếng hát trầm bổng đuổi bắt nhau “tích tịch tình tang”. Mắt cô nhíu lại: “Hát ca là cái nghiệp, chẳng bỏ được đâu” và tiếp: “Hồn sắp thăng”. Cô đồng xòe cả hai tay ra đưa về phía nó và bác thợ đàn, như mời trầu giã bạn:

       Tình rằng…í…i…đa tình…

       Lúng liếng…ơi là lúng liếng..ơi..

       Xét tấm tình si

       Lả lơi bên nói bên cười…

      Lúng liếng…ơi là lúng liếng..ơi..

      Bên mời cố cựu

      Bên mời tình nhân

      ..i..ai.. là có mấy…

      Tích…tịch…tình…tang…

    Tách…

       ***

Kết thúc với một tiếng “tách” đầy lãng đãng và huyền hoặc…Tôi để nó cứ thả hồn đi hoang theo mây khói cùng một chuyện tình của một người con gái Bắc Ninh đa tình qua câu hát tìm nhau như một cái nghiệp, như định mạng đã an bài.

Xong, gửi bài cho nó xem trước rồi gửi cho bạn bè đọc sau, thầm nhủ rằng nó sẽ ấm lòng. Không thấy nó trả lời. Nghĩ cũng quái! Vì tôi vắt óc cho con tằm nhả tơ đến như vậy mà thằng bầu dục chấm mắm cáy này còn chê ỏng chê eo mới lạ đời.

Nhưng chẳng lạ gì, tháng sau nó gọi, giọng đứt đoạn về ông bố vợ:

–  Ông cụ không chịu cho đăng bài của mày…

Và nó ngập ngừng:

– Ông cụ nói cụ có….ăn thịt chó bao giờ đâu!

 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng )T>Vấn Và Bạn Hửu )

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...