Bà Nina Merlin được đưa từ bệnh viện tới thẳng chỗ chúng tôi. Bệnh sử: 85 tuổi, sống độc thân, bị Alzheimer hơn một năm, ngã rạn xương hông vào tháng trước, thể trạng khả quan sau điều trị, đi lại được, nhịp tim tốt, áp huyết tốt.
Bệnh nhân ở viện điều dưỡng phần nhiều sàn sàn tuổi bà, chỉ khác nhau ở bệnh trạng.
Không giống mọi người, Nina Merlin là hiện tượng bất thường.
Bà lão gầy như một que củi, chòng chành như một con thuyền, ngay từ ngày đầu tiên đã gây ra không biết bao nhiêu lộn xộn với nhân viên phục vụ cũng như với bệnh nhân khác. Những phiền nhiễu đủ loại đủ kiểu là chuyện hằng ngày ở bất cứ viện điều dưỡng nào. Nhưng Nina Merlin là bệnh nhân đặc biệt. Bà không chỉ gây ra phiền nhiễu, bà gây ra tai hoạ.
Trước hết, bà lão lảm nhảm suốt ngày, lảm nhảm to tiếng, bằng thứ ngôn ngữ không ai biết. Chẳng ai có thể hiểu bà muốn gì. Đã không hiểu thì người ta không thể chiều. Thế là bà phật ý. Mà mới phật ý một chút thôi là bà ta đã hét toáng, với một âm lượng không ngờ từ bộ ngực lép kẹp. Khi nào thôi la hét thì bà khóc ròng, cứ như thể bà bị cả thiên hạ ruồng rẫy.
Chao ôi, Nina Merlin mà đã khóc thì đố có thiên thần nào dỗ nổi. Mà bà ta có khóc một chốc một nhát rồi thôi đâu. Bà khóc, đúng hơn là bà gào, hàng giờ liền, hai chân nâng lên đập xuống liên tục trên giưường như một đứa trẻ hờn dỗi, cho tới khi mệt xỉu, cho tới khi thiếp đi.
Nghe tiếng bà lão gào, những bệnh nhân mất trí, hoặc lẫn cẫn, lên cơn khóc lây, làm náo động mọi phòng. Tiếng gào khóc tập thể lần đầu tiên xuất hiện trong khuôn viên yên tĩnh của viện điều dưỡng làm cho nhân viên ở đây phát điên. Đám hộ lý, y tá, mặt mũi bơ phờ, chạy cuồng như chuột trong đám cháy. Nhân viên văn phòng ngừng gõ phím, bác sĩ ngừng thăm bệnh. Thân nhân các con bệnh đến thăm không hiểu chuyện gì đang xảy ra, ngờ vực nhìn người của viện – hay là ở đây bệnh nhân bị đối xử không ra gì? Nhìn nét mặt đăm chiêu của họ thì thấy rõ họ suy tính: có lẽ phải chuyển người thân của mình tới một viện khác.
Hãy tưởng tượng: một bệnh nhân không điên cuồng đập phá, không cắn xé, chỉ không ngủ liên tục nhiều ngày đêm, lúc thì chẳng nói chẳng rằng, lúc thì gào thét, lúc thì khóc ròng, không chịu nghe lời một ai, nhìn những người phục vụ mình bằng cặp mắt sợ hãi, thậm chí căm thù. Riêng một việc cho bà lão uống thuốc an thần thôi cũng đủ khốn khổ rồi – mấy cô y tá phải xúm vào giữ chặt bà ta, người tóm tay, kẻ nắm chân, còn bệnh nhân thì dùng hết sức chống lại, phun thuốc ra phì phì kèm theo đờm dãi nhoe nhoét. Đáng sợ nữa là bệnh nhân ghê gớm này lại kéo theo mình một lũ một lĩ bệnh nhân khác đang yên lành bỗng nổi cơn điên. Không thể tiêm thuốc ngủ liên tục với liều cao, không được phép.
Tôi tìm mọi cách liên lạc với Jean Merlin, thân nhân bà lão đang làm việc tại Mozambic. Nhưng ông ta vắng mặt. Ở sở làm người ta cho biết ông và gia đình đã đi nghỉ mát ở Hồng Hải. Họ thuê một ô tô van và có trời biết giờ họ đang ở đâu
2
Cô nhân viên gốc Phi, Monika Ngnoma, cao to và đen nhánh, đến gặp tôi, mặt dài thượt, nước mắt lưng tròng:
- Thưa bác sĩ, tôi xin nghỉ việc.
Monika là hộ lý chăm chỉ nhất, chu đáo nhất, khéo tay nhất, trong việc chăm sóc người bệnh. Tôi nói như thế trong sự nhấn mạnh rằng ở chỗ chúng tôi không riêng Monika, mọi nhân viên đều tốt, Monika chỉ là người tốt nhất mà thôi. Trong viện dưỡng lão nổi tiếng của chúng tôi mọi sự đều phải tốt, không thể không tốt. Những người biết mình không còn nhiều thời gian để sống đều mong ước được ở một nơi như thế – khí hậu tốt, phong cảnh đẹp, cung cách phục vụ kiểu mẫu.
Giao bà Nina Merlin cho Monika phụ trách, tôi trông vào tính siêng năng, tài khéo léo của cô.
- Chuyện này để rồi tính… – tôi đằng hắng, lấy giọng bình tĩnh, dầu trong lòng rối bời – Cô biết đấy, thủ tục hành chính không đơn giản. Tạm thời cô lo cho ông Courtois cái đã, trong khi chúng tôi tìm người khác. Ông ấy rất hiền.
Tội nghiệp, Monika đã quá sức chịu đựng rồi. Chúng tôi làm việc với nhau đủ lâu để hiểu nhau không cần nói nhiều.
- Tôi nghĩ tôi sẽ có ích cho ông Courtois, thưa bác sĩ – Monika thở phào – Ông ấy không bao giờ quậy phá. Nếu đổi bệnh nhân lâu dài thì tôi có thể ở lại.
- Tôi sẽ rất tiếc nếu không có cô làm việc cùng, Monika ạ.
- Tôi cũng vậy, thưa bác sĩ. Tôi may mắn được làm việc cùng bác sĩ.
Tôi có thể làm gì hơn trong lúc này? Tôi rã rời.
Sau Monika, một hộ lý khác thế chân cô trông nom Nina Merlin chắc chắn rồi cũng sẽ xin thôi sau một thời gian ngắn.
3
Thật may, ông Jean Merlin vừa từ Hồng Hải trở về Mozambic nhận được lời nhắn trong điện thoại đã lập tức gọi lại cho chúng tôi.
- Ông bảo mẹ tôi không nói được tiếng Pháp? – tôi nghe giọng thảng thốt bên kia đầu dây – Sao lại có thể thế? Mẹ tôi đã ở Pháp nửa thế kỷ – ông ta với giọng nhấn mạnh không cần thiết – Cụ nói tiếng Pháp như người Pháp.
- Tôi không rõ, thưa ông. Ở chỗ chúng tôi không một ai biết thứ tiếng cụ nói – Chúng tôi đồ rằng cụ là người Nga, người Ba Lan, hoặc người Tiệp… Nói tóm lại, một người Slave.
- Mẹ tôi người Nga.
- Khổ. Ở chỗ chúng tôi không có người nào biết tiếng Nga.
- Cần có một thông ngôn.
- Chúng tôi đã tìm. Nói tóm lại, chúng tôi đã cố gắng hết sức. Ông hẳn không lạ bệnh mất trí nhớ, nó có nhiều biểu hiện không ngờ. Căn cứ bệnh sử của cụ thì chuyện này khó có khả năng xảy ra: người ta không thể quên sạch một ngôn ngữ thường dùng.
Bên kia đầu dây, người con im lặng.
- Tệ hơn nữa là cụ nhà cứ khăng khăng tháo hai hàm giả ra, nói ngọng ngoẹo, nói thều thào, không sao hiểu cụ muốn nói gì. May mà cụ chưa vứt hàm giả vào cầu tiêu. Đến bữa, cụ vẫn nhớ ra chúng và lắp vào – một phản xạ có điều kiện may mắn chưa bị mất. Đáng sợ hơn cả là cụ không chịu nghe lời bất cứ ai.
- Thật kinh khủng! – giọng rền rĩ, Merlin kêu lên – Sao lại có thể như thế được cơ chứ?!!!
Tôi thở dài:
- Thưa ông Merlin, chúng tôi không hề phóng đại.
Merlin lại im lặng.
- Hơn nửa thế kỷ rồi… – Merlin lẩm bẩm.
Người đối thoại không nói với tôi. Ông ta nói một mình. Tôi hình dung ra một gương mặt nhăn nhó trong tuyệt vọng.
- Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ông – tôi cố nói bằng giọng dịu dàng nhất có thể – Thú thật, chúng tôi không biết xoay xở cách nào. Sự có mặt của ông lúc này có thể giúp chúng tôi ra khỏi ngõ cụt.
- Tôi là người làm công, không phải chủ hãng, thưa ông – Jean Merlin rền rĩ – Tôi lại rất bận. Vào thời gian này tôi không thể rời công việc …
- Hoặc giả… ông tìm chỗ nào tốt hơn để có thể chuyển cụ nhà tới – tôi nói, cảm thấy lòng mình bất nhẫn – Thưa ông, chúng tôi lấy làm buồn thấy mình không thể làm được gì hơn.
- Các ông không có quyền chuyển mẹ tôi đi nơi khác – người con bà lão bất thần dằn giọng – Tôi đã chọn viện các ông theo lời khuyên của bác sĩ gia đình. Các ông đã nhận. Các ông có trách nhiệm thực hiện hợp đồng. Mẹ tôi có bảo hiểm xã hội. Mọi khoản phụ chi vẫn được thanh toán sòng phẳng.
- Ông hoàn toàn đúng – tôi nói thật nhẹ nhàng – Chúng tôi không có gì phàn nàn. Nhưng nếu ông không có mặt để cùng chúng tôi bàn việc chăm sóc cụ nhà thì ông không thể trách chúng tôi giải quyết trường hợp của cụ theo cách mà chúng tôi thấy là tốt. Thí dụ đưa cụ trở lại bệnh viện. Đây không phải là nơi chữa bệnh.
- Mẹ kiếp!
Merlin ngắt điện thoại
4
Tuy nhiên, Jean Merlin đã có mặt mấy ngày sau. Ông đi thẳng từ phi trường tới viện dưỡng lão bằng taxi dù phải trả một đống tiền.
Đó là một người đàn ông đứng tuổi, trán hói tận đỉnh đầu, một vòng tóc nâu và thưa, còn rậm, bao quanh sọ, đôi mắt sâu, mệt mỏi. Trong bộ quần áo nhàu nát, cổ sơ-mi quăn queo, ông có dáng dấp một bác học đãng trí.
- Xin lỗi bác sĩ, mong ông hiểu cho hoàn cảnh tôi – Jean Merlin lầu bầu, vẻ hối hận vì thái độ không mấy lịch sự trong cuộc điện đàm – Nếu mẹ tôi không quá già yếu chúng tôi đã đưa cụ theo. Khí hậu ẩm thấp ở Mozambic hoàn toàn không thích hợp với bệnh của mẹ tôi. Tôi và vợ tôi đi làm. Các cháu đi học. Cụ sẽ phải ở nhà một mình. Hai vợ chồng tôi xong việc là đã cạn mọi sức lực để trông nom mẹ. Ở chỗ chúng tôi không có một viện điều dưỡng nào.
Tôi đưa Merlin vào phòng bà lão.
Merlin chun mũi khi đến gần giường bệnh. Mặc dầu căn phòng được dọn thường xuyên, nó vẫn bốc mùi.
Bà lão trong trạng thái đờ đẫn không nhận ra con mình. Bà nhìn hai người bước vào bằng cặp mắt hờ hững. Hai mẹ con chỉ giống nhau ở đôi mắt. Chúng sáng quắc, bất kể tuổi.
Chúng tôi trò chuyện bên cạnh bà như bà không có mặt. Đôi lần, bắt gặp cái nhìn vô hồn của mẹ hướng về phía mình, Merlin ngừng câu chuyện, nói một tràng dài những lời âu yếm với bà mẹ ngồi im lặng trên giường, hai chân buông thõng. Bà lão nghe mà không nghe, môi mím chặt. Người con trai tuyệt vọng quỳ xuống, úp mặt vào đôi bàn tay nhăn nheo và khô xác của mẹ.
- Ông đừng buồn – tôi đặt tay lên vai người con – Cụ nhà sẽ tỉnh vào lúc khác. Hôm nay cụ không lên cơn gào khóc đã là một dấu hiệu tốt lắm – tôi nói – Hi vọng với thứ thuốc mới dùng, tình trạng cụ sẽ khá lên…
Merlin rời khỏi phòng tôi, rầu rầu:
- Tôi chỉ ở đây được ba ngày. Sau đó tôi phải trở lại Mozambic. Công việc, thưa bác sĩ. Không ai bắt buộc tôi, chỉ là tôi say mê nó. Nhưng lúc này tôi nguyền rủa nó – tôi muốn ở bên mẹ, nhưng tôi không thể bỏ việc. Tôi còn trách nhiệm với các cộng sự cả mình.
Hai hôm sau Jean Merlin quay lại, mặt mũi tươi tỉnh, dẫn theo một phụ nữ Á châu. Một người nhỏ nhắn, với những đường nét mềm mại và nước da màu ngà trên gương mặt. Người này có quan hệ gì với Merlin?
Người đàn bà nhìn tôi bằng cặp mắt mở to, chăm chú.
- Tôi đề nghị bác sĩ nhận bà đây chăm sóc mẹ tôi. Bà từng là bác sĩ – Merlin đưa mắt chỉ người đàn bà – Dù là bác sĩ khoa nhi.
Tôi lắng nghe, chờ câu chuyện dẫn đi đâu.
- Bằng của bà không được nước Pháp thừa nhận. Muốn làm việc bà phải học lại, thi lại. Nếu bà có học lại thì sau khi có bằng, ở tuổi bà cũng chẳng kiếm được việc làm. Tình trạng của bà là như thế. Tuy nhiên, bà có chứng chỉ hộ lý.
Tôi quan sát người đàn bà. Nàng có đôi bàn tay mềm mại chắp lại trước bụng, với một cái xắc hơi to, không phải thứ dùng làm vật trang sức, mà là thứ đựng đồ đi chợ.
- Thưa ông Merlin, ông thừa biết việc nhận người vào viện không đơn giản – tôi trả lời – Để nhận người vào làm trước hết viện phải có chỗ trống, người xin việc phải có văn bằng, phải được quyền lao động…
Jean Merlin cười nhạt:
- Thưa bác sĩ, tôi biết. Không phải tôi xin việc cho bà ấy. Tôi chỉ xin bác sĩ cho phép bà ấy ở bên cạnh mẹ tôi, với tư cách người nhà bệnh nhân. Tôi là người trả lương cho bà ấy. Tin tôi đi, thưa bác sĩ, bà ấy sẽ rất có ích. Trước hết, vì bà ấy biết tiếng Nga… Bà đến đây theo lời yêu cầu khẩn khoản của tôi.
Người đàn bà vẫn im lặng. Từ lúc bước vào phòng nàng không nói lời nào.
- Xin lỗi, bà người nước nào?
Người đàn bà nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Tôi không có quốc tịch. Tôi là người tị nạn.
Nàng có đôi mắt trong veo. Tôi nghĩ nàng không quá ba mươi tuổi. Tính nhẩm cũng thấy mình nhầm. Để tốt nghiệp đại học, trở thành bác sĩ, rồi tị nạn ở Pháp, nàng phải có số tuổi nhiều hơn. Tôi thường nhầm khi đoán tuổi người châu Á.
- Tôi muốn nói bà gốc dân tộc nào?
- Cái đó có quan trọng lắm không, đối với công việc trông nom người bệnh, thưa bác sĩ?
Nàng có giọng nói hơi cao, tuy nhiên cách phát âm tiếng Pháp của nàng rất chuẩn, y như giọng nói trong đĩa CD dạy tiếng nước ngoài, vì thế mà ta nhận ra là người ngoại quốc.
- Đây là viện an dưỡng cho người già. Khía cạnh tâm lý rất được coi trọng. Tôi không muốn nói nhiều về chuyện này, nhưng là một bác sĩ, chắc bà hiểu…
Nàng mỉm cười, lần đầu tiên. Người châu Á thường cười vào lúc người châu Âu không cười.
- Tôi người Việt Nam. Tôi đã hành nghề bác sĩ nhi khoa mười năm, thưa bác sĩ. Ở nước chúng tôi có câu: một già một trẻ như nhau. Tôi nghĩ tôi có thể trông nom một đứa trẻ con già.
Tôi giấu nụ cười không đúng chỗ vì lối nói dí dỏm của nàng. Đã có mưởi năm hành nghề, như vậy chí ít nàng cũng phải ở quãng xấp xỉ bốn mươi. Tôi nhầm thật.
Trời hỡi, sao mà người châu Á có thể trẻ lâu đến thế!
Thấy tôi có vẻ xiêu lòng, Merlin trở nên vui vẻ:
- Bà Liên đây do bạn tôi giới thiệu. Ông ta có hoàn cảnh giống tôi. Bà đã trông nom mẹ bạn tôi một cách không chê vào đâu được trong hai năm liền, cho tới khi cụ qua đời. Bây giờ đến lượt tôi gặp may. Bà có chứng chỉ hộ lý tại gia và là người có đóng thuế như tôi đã trình bày. Như vậy, tôi nghĩ điều tôi xin bác sĩ không phải là không thể chấp nhận. Tôi nhắc lại: ngoài kiến thức chuyên nghiệp ra, bà Liên rành tiếng Nga. Bà sẽ là người thông dịch cho mẹ tôi.
- Ồ! – tôi chỉ còn biết kêu lên – Ông giúp chúng tôi nhiều hơn là chúng tôi mong đợi đấy. Tôi đồng ý. Bà có thể đến để làm quen với công việc này từ ngày mai.
- Tôi có thể làm việc ngay chiều nay.
Chúng tôi chia tay vui vẻ.
Ngày hôm sau Jean Merlin bay về Mozambic.
Tôi gặp Liên trong trường hợp như vậy.
5
Tôi chật vật thuyết phục ban giám đốc nhận Liên. Không thể để nàng làm công việc hộ lý không công, do Jean Merlin trả lương. May, vừa có một hộ lý xin chuyển đi nơi khác.
Liên là một hộ lý tuyệt vời.
Không hiểu bằng cách nào, nhưng chỉ trong một tuần bà Nina đã có những thay đổi đáng khích lệ. Những cơn la hét, khóc ròng, thưa dần. Bà lão có những khoảnh khắc tĩnh trí trở lại, ngoan ngoãn chịu uống thuốc, chịu tắm trong bồn, chịu ngồi yên cho Liên chải tóc. Trong những lúc hiếm hoi ấy hai người ríu rít trò chuyện với nhau như hai người bạn.
- Bà học tiếng Nga ở đâu vậy? – tôi ngạc nhiên hỏi Liên trong một lần chúng tôi hội ý về bệnh trạng bà lão.
- Ở Kishinhiov, thưa bác sĩ.
- Nó ở đâu, thưa bà?
- Ở Moldova, một nước cộng hoà trong Liên bang Xô-viết đã chết.
- Moldova?
- Vâng, là Moldavie theo tiếng Pháp.
- Tôi dốt môn địa lý lắm – tôi cười chữa thẹn – Ở trường tôi toàn bị điểm xấu về môn này.
Liên cười. Khi nàng cười, căn phòng như sáng lên.
- Moldavie là một xứ sở tuyệt vời, thưa bác sĩ. Truyền thuyết kể rằng Chúa Trời bỏ tất tật hạt giống thảo mộc các loại vào một bao tải rồi vác đi gieo khắp nơi trên trái đất. Moldova là chỗ dừng chân cuối cùng của Người, ở đó Chúa Trời mệt thừ, bèn rũ tuốt những gì còn lại xuống đất và Moldova trở thành nơi có đủ mọi thứ kỳ hoa dị thảo…
- Một truyền thuyết thật đẹp. Bà học y khoa ở đó?
- Vâng. Và ở Moskva.
Qua những câu chuyện lúc rảnh rỗi, tôi thấy Liên có kiến thức y học không tồi, chứng tỏ ở cái quốc gia đã chết từng có những trường đại học tốt. Trong đám y tá và hộ lý của chúng tôi không một ai có kiến thức chuyên môn phong phú như Liên.
- Bà lão đã nói chuyện gì với bà?
- Những câu chuyện rời rạc, chẳng cái gì ăn nhập với cái gì. Hiếm có một khoảnh khắc tỉnh táo.
- Bà lão vẫn nói được tiếng Nga chứ?
- Tất nhiên, bà ấy là người Nga mà.
- Tôi muốn nói: bà ấy không quên tiếng Nga?
- Không. Không một chút nào.
Tôi lấy chân đẩy cái ghế trượt ra xa. Ở khoảng cách ấy tôi nhìn thấy Liên rõ hơn không cần kính. Tôi nhìn thấy mấy vết chân chim nơi cuối mắt nàng. Tự nhiên, tôi thấy trong mình dâng lên một cảm xúc mà tôi không thể nói nó là thế nào – một thiện cảm lạ lùng, còn lớn hơn thế, một cái gì đó mơ hồ, rất khó tả, nó làm tôi bàng hoàng.
Tôi chợt nhớ mình vẫn còn trái tim. Nó đang đập mạnh trong lồng ngực. Mười năm rồi, sau khi góa vợ, tôi không bắt gặp trong tôi một cảm xúc nghẹt thở như thế. Tôi luôn nghĩ mình là một ông già ở tuổi sáu mươi.
- Bà lão nói về thời thơ ấu?
- Hình như bà sinh ra ở vùng Trung Nga, nơi có những cánh rừng bạch dương bạt ngàn, với bầu trời xanh ngắt… Bà nói tới một mùa nấm, khi bà ấy còn là một cô bé. Có lần nấm hái được nhiều đến nỗi bà phải tốc váy lên để đựng và lũ trẻ trai kêu ré lên khi nhìn thấy bà ra khỏi rừng.
Tôi bật cười. Âm sắc không Pháp, hẳn là âm sắc đặc trưng Việt Nam, làm cho tiếng Pháp của Liên trở nên ngọt dịu. Tôi thích nghe giọng nói ấy. Nếu Liên phát âm hoàn toàn đúng tiếng Pháp tôi sẽ không thích bằng. Một lần tôi được nghe Liên nói chuyện với ai đó, chắc là người Việt, và tôi ngẩn ngơ nghe thứ ngôn ngữ tôi chưa từng nghe. Nó nhiều âm độ, âm sắc, nó thánh thót, nó ngân nga như tiếng hót của chim rừng.
- Bà lão còn nói tới những gì nữa?
- Bà ấy đọc những bài thơ được người Nga thuộc lòng của những nhà thơ cổ điển. Đặc biệt là một bài mà người nào từng học tiếng Nga đều biết.
- Bà có thể dịch ra tiếng Pháp cho tôi nghe không?
Liên nhắm mắt lại. Rồi nàng đọc nó cho tôi nghe:
Đừng cười nhé! Nỗi buồn anh thấy trước
Anh biết đòn số mệnh chẳng buông tha
Mái đầu xanh em vẫn hằng ve vuốt,
Từ ngực em sẽ tới pháp trường xa…
- Ai là tác giả vậy?
- Puskin, nhà thơ cổ điển Nga.
- Thơ của con người quật khởi – tôi nói – Mà sao buồn quá?
Liên không nói gì. Nàng nhìn tôi, ánh lấp lánh tắt đi trong mắt.
6
Viện điều dưỡng của chúng tôi có cơ phục hồi nhịp sống bình thường cùng với sự xuất hiện của Liên. Khi bà Nina Merlin thôi khóc thì mọi bệnh nhân khác cũng hiền lành trở lại. Như trước kia, trong bộ blouse màu thiên thanh nhạt, họ đi từ phòng này qua phòng khác để tán gẫu, với tiếng cười đùa, với gương mặt tươi bưởi.
Tôi biết từng người trong bọn họ. Bà lão Janette Verlain luôn quả quyết rằng Hitler chuyến này nhất định thua, Đồng Minh sắp mở mặt trận thứ hai, và chỉ đến sang năm là cùng, mọi sự sẽ chấm dứt một cách tốt đẹp nhất cho nhân loại. Chẳng ai có thể giải thích cho bà lão hiểu chiến tranh đã kết thúc hơn nửa thế kỷ rồi. Cụ Jaques Bourdon 92 tuổi nằm ở phòng bên thì luôn kiện cáo nhân viên phục vụ tự tiện giấu máy điện thoại của cụ làm cụ không nói chuyện được với người vợ đã qua đời cả chục năm trước. Sát phòng cụ là cụ Henri Palain 98 tuổi nhưng còn tỉnh trí, thính tai. Henri Palain là một nhân vật quý tộc còn sót lại của một thời quá khứ, rất dễ mến, nếu không có tính sạch rởm và trái tính trái nết trong ăn uống – món thì mặn quá, món thì nhạt quá, món thiếu gia vị, nấu không phải lối, không đúng cách. Nhân viên phục dịch chạy tới chạy lui đổi món cho ông cụ minh mẫn đáng nguyền rủa nọ, trong lúc ấy họ thèm được hầu hạ những ông cụ bà cụ lẫn cẫn, chẳng bao giờ nhớ họ đã ăn gì.
Theo yêu cầu của Liên, tôi cho phép nàng xuống bếp nấu những món ăn Nga cho bà lão Merlin. Bà lão ăn ngon lành những món do Liên nấu.
Khi chưa có Liên, bà lão bận khóc, bận làm mình làm mẩy, không chịu tắm rửa, thay đồ. Khi ấy bà lão bốc mùi kinh khủng, không ai dám đứng gần. Bây giờ phòng bà thơm phức.
- Bà thật tuyệt, bà Liên ạ. – tôi nhìn Liên bón thức ăn cho bà lão – Cái món đó tên gì vậy?
- Thưa bác sĩ, nó tên là plov, một món ăn có xuất xứ Trung Á, nhưng đã trở thành món ăn Nga. Một chứ cơm chiên với thịt thái hạt lựu và đủ các loại gia vị.
- Còn món súp hôm nọ tôi thấy, nó tên gì?
- Đó là solianka, một món súp chua nấu với cá măng.
- Nó trông thật hấp dẫn. Nhưng nhuếnh nhoáng kem sữa. Bà không thấy nó sẽ sinh ra quá nhiều cholesterol sao?
Liên cười tươi. Tôi lại bắt gặp tôi thích, tôi say sưa, được ngắm nụ cười ấy. Nó mới hồn nhiên làm sao!
- Tôi nghĩ bà cụ sẽ không tiếc nếu vì ăn những món ngon như thế này mà chết sớm vài tháng, thậm chí một năm.
Tôi vào giọng với Liên:
- Vậy thì, thưa bà Liên, bà có thể cho tôi được chết sớm hơn vài năm được không?
Liên vui vẻ đáp:
- Rất vui lòng, thưa bác sĩ.
Tôi đánh bạo nói:
- Nhân tiện, tôi muốn bà cất giùm cái biển hiệu bác sĩ đi cho tôi nhờ. Hãy gọi tôi là Albert, và đừng thêm chữ monsieur (ông) vào nữa. Chỉ đơn giản là Albert thôi.
- Với điều kiện ông cũng thôi không gọi tôi là madame (bà) nữa. Chỉ Liên thôi.
Tôi cười, đã lâu lắm tôi chưa được cười như thế.
- Đồng ý, vậy thì Liên ơi, tên Liên trong tiếng Việt có nghĩa là gì vậy?
- Là hoa sen, một loài hoa trong sạch đến tinh khiết mọc ở trong bùn, Albert ạ.
7
Tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm trực khủng khiếp ấy.
Bà lão Nina Merlin lén mở cửa sổ, định nhảy lầu. May mà có Liên kê giường nằm bên cạnh.
Lầu hai không cao, nhưng thừa đủ gây ra cái chết chắc chắn cho một bà già yếu đuối. Liên chợt thức giấc, nghe tiếng động, đã kịp ôm chặt lấy bà lão khi một nửa người bà đã ở bên ngoài. Tôi đi ngang nghe tiếng hét của Liên, liền chạy xổ vào ôm lấy Liên và kịp kéo cả hai trở lại. Nghe tiếng tiếng hét của hai người, tất cả bệnh nhân thức giấc, đồng loạt hét váng. Nhân viên trực của viện choàng tỉnh, chạy rầm rập trong các hành lang, tiếng đóng cửa mở cửa sầm sập.
Cơn ác mộng của viện lại quay về.
Tôi cùng với Liên đặt bà lão lên giường. Nhưng bà không chịu nằm, cố lấy hết sức tàn vùng vẫy trong tay chúng tôi. Liên dịu dàng ve vuốt, an ủi bà, nhưng vô hiệu. Bà lão luôn miệng gào thét. Đôi mắt biểu lộ sự sợ hãi đến cùng cực.
- Bà ấy kêu gì vậy? – tôi hỏi.
- Cứu tôi với! – Liên dịch.
Tôi muốn tiêm thêm một liều morphine. Liên không đồng ý, với vẻ mặt nghiêm khắc như Liên là bác sĩ điều trị, còn tôi là một y tá dưới quyền. Tất nhiên, thêm một mũi morphine là hơi quá chỉ định, nhưng cũng không quá nguy hiểm. Không hiểu sao, tôi đã tuân lệnh Liên trước con mắt ngạc nhiên của các y tá vừa chạy tới.
Hình như sự có mặt của đám đông vây quanh làm cho bà lão khiếp đảm. Bà mở to cặp mắt thất thần nhìn họ như nhìn những kẻ lăm lăm súng trong một cuộc tàn sát. Tôi bảo họ tản đi.
Bà Nina Merlin lại rơi vào cơn hôn mê. Bà thôi gào thét, bắt đầu nói lảm nhảm. Liên, đầu tóc rũ rượi, ghì chặt bà lão trong vòng tay, ghé sát vào mặt bà lão, nói những lời gì đó để an ủi, để làm dịu cơn bột phát. Tôi ngồi xuống bên Liên.
- Bà ấy nói gì vậy?
- Bà lão lặp đi lặp lại chỉ một câu: "Tôi không biết! Tôi không biết gì hết!" – Liên dịch lại cho tôi nghe những lời lảm nhảm ấy – "Tôi đã nói rồi mà. Tôi không biết. Không!"
- Hãy kiên nhẫn tìm hiểu xem bà lão muốn nói gì?
Liên như chợt tỉnh. Nàng ghé sát vào tai bà lão, quát to một tràng tiếng Nga. Nina Merlin đang lảm nhảm không lớn tiếng bỗng chồm lên vùng vẫy cố thoát khỏi tay Liên, miệng tiếp tục gào thét. Liên phải dùng hết sức ghì chặt bà lão.
- Albert, hình như em đã hiểu ra – Liên nói. mặt tái nhợt – Bà lão gọi tôi là "đồng chí trung tá", và lặp đi lặp lại câu nói vừa rồi. Bây giờ là mấy giờ ở Mozambic?
Tôi nhẩm tính:
- Tảng sáng.
- Hãy gọi điện cho Jean Merlin, giờ này ông ta còn ở nhà – Liên nói trong hơi thở gấp – Tìm ông ta ở sở sẽ khó hơn. Hỏi ông ta chuyện gì đã xảy ra với bà cụ trong quá khứ. Cái đó rất quan trọng. Gọi điện ngay đi, Albert!
Tôi chạy đi.
Jean Merlin ở bên kia đầu dây. Bằng giọng nặng nhọc ông cho biết: năm mươi lăm năm về trước mẹ ông đã đào thoát khỏi Liên Xô qua đường Phần Lan.
Người yêu của bà, một sĩ quan Hồng quân, bị bắt trong một vụ tình nghi phản cách mạng. Bà cũng bị bắt sau đó rồi bị giam trong một trại tập trung. Bà, khi ấy là một cô gái đã trốn trại cùng nhiều người khác trong một cuộc vượt ngục ly kỳ, có máu chảy và xác chết. Ở Phần Lan, bà chạy vào đại sứ quán Pháp xin tị nạn vì bà không biết một ngoại ngữ nào khác ngoài tiếng Pháp mà bà được học ở trường. Có tin người yêu của bà đã chết trong tù.
Ông Henri Merlin làm việc ở sứ quán đã giúp bà hoàn tất thủ tục cư trú chính trị ở Pháp. Họ quen nhau từ đó, rồi thành vợ chồng.
Chúng tôi nói chuyện rất lâu.
Khi tôi quay lại bà lão đã ngủ thiêm thiếp. Liên nằm im, ôm lấy bà. Tôi lặng lẽ ngồi xuống ghế bên giường bệnh.
Có vệt nước mắt trên má Liên. Nàng thổn thức trong mơ. Tôi để yên cho nàng ngủ.
Liên thức giấc khi bình minh đã rạng.
- Anh không ngủ sao, Albert?
Tôi lắc đầu. Liên ngồi lên, sửa lại mái tóc và lấy tay quệt nước mắt.
- Anh có gọi được cho Jean Merlin không?
Tôi kể cho nàng nghe câu chuyện bà lão. Nghe xong, nàng nói:
- Trong khi anh đi gọi điện, em đã đoán ra sự việc – nàng nói – Những điều còn lại chỉ là chi tiết.
- Tại sao em khóc?
Nàng ngước mắt nhìn tôi, nói khẽ:
- Em sợ…
Tôi nhìn sâu vào mắt nàng:
- Em sợ gì?
Liên chầm chậm lắc đầu:
- Anh không hiểu được đâu. Anh không thể hiểu được. Không ai có thể hiểu được.
Tôi gặng:
- Liên nói đi: em sợ cái gì?
- Em đã nói anh không hiểu được mà. Anh ở một thế giới khác. Nó khác, khác nhiều lắm, cái thế giới em từng sống.
- Nhưng em cứ nói cho anh biết. Anh sẽ cố gắng để hiểu.
Nàng yên lặng một lúc lâu.
- Em nói rồi: em sợ…
Rồi nói tiếp, chậm rãi, từng tiếng một:
- Em sợ rồi đây, vài chục năm nữa, biết đâu đấy, rất có thể quá khứ sẽ lại hiện về – nàng rùng mình – Quá khứ của chính em. Như nó đã trở về với bà lão…
- Quá khứ nào?
Nàng run run nói:
- Một lúc nào đó anh sẽ kể anh nghe. Nó cũng na ná như của bà lão tội nghiệp này.
Tôi thấy cay nơi mắt. Tôi đặt tay lên vai nàng, ấp úng câu an ủi vụng về:
- Anh nói rồi. Em đang sống trong hiện tại. Đừng sợ, nghe em.
Liên lắc đầu:
- Một cơn ác mộng không thể tin là có thật. Nó vượt mọi tưởng tượng của loài người. Nó kinh khủng, kinh khủng lắm.
Tôi kéo Liên lại gần, rụt rè ôm lấy nàng:
- Bên cạnh em có anh mà. Nếu em bằng lòng.
Liên yên lặng, đầu cúi
Tôi lấy hết can đảm để nói ra điều tôi muốn nói:
- Nếu em thấy anh không quá già… Để có thể an ủi em, chăm sóc em.
Liên ngước nhìn tôi, miệng mỉm cười mà như mếu.
Và một giọt lệ trào ra nơi khóe mắt.
2005 - Vũ Thư Hiên
Tranh của Biên Thọ Dân (1684-1752),nguồn :Triết Học và ĐS
đúng là ác mộng
Trả lờiXóa