Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Tự sự của một người con xứ Hà Tiên -HUỲNH TUẤN ANH

Tự sự của một người con xứ Hà Tiên

                                                                                           Bãi biển Hà Tiên

Hà Tiên vốn là một mảnh đất có cảnh sắc tươi đẹp. Hà Tiên càng quyến rũ hơn trong cảm nhận và miêu tả của thi sĩ Đông Hồ: “Ở đó núi rừng không rậm lắm, đến cho người ngắm hãi hùng, biển hồ không sâu rộng lắm, đến cho người nhìn kinh sợ. Ở đó như một cảnh giả sơn thân mật, trong hoa viên, mỗi cảnh chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh vừa đủ để cho tầm ngoạn thưởng. Ở đó, kỳ thú thay, như gồm hầu đủ hết. Có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long, có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích, có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải”.

Với tôi, Hà Tiên là nơi có những người dân xứ biển mộc mạc, chân thành, bản tính thật thà, chất phác. Chỉ cần là người dân Hà Tiên thì đều biết mặt nhau. Một xứ sở nhỏ bé nhưng rất nên thơ và lãng mạn, thắm đượm tình người.

Thời gian là thứ vô hình khó nắm bắt, một đi không bao giờ trở lại và không thể vài dòng có thể phân tích được hai chữ thời gian, nó là những ký ức đã qua sẽ chỉ còn là hoài niệm… Ký ức bất chợt quay về, tôi bỗng nhớ da diết Hà Tiên xưa, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ngày tôi còn bé, Hà Tiên quê tôi chỉ là một thị trấn nhỏ êm đềm và thơ mộng với những con đường rợp bóng cây xanh. Thuở ấy - ở cái thời còn mộng mơ lãng mạn, tôi tự đặt tên cho những con đường nơi mình thường đi qua trong thị trấn nhỏ của tôi với những cái tên lãng mạn chỉ riêng mình hiểu nhưng gắn liền với những hàng cây như đường phượng bay, đường bằng lăng tím, đường hàng me hay đường hàng dương…

Kết thúc khoảng trời trung học, bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà, xa xứ biển nên thơ hiền hòa, xa làn gió mang theo vị mặn của biển, tôi bắt đầu cuộc sống bán tự lập. Lần đầu tiên tôi xa quê lâu đến vậy, cũng là lần đầu tiên cảm nhận được thế nào là “khi ta ở chỉ là nơi đất ở - khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” của nhà thơ Chế Lan Viên. Tôi cảm thấy nhớ da diết gia đình, nhớ xóm giềng, nhớ những ngày thơ bé theo chân anh hai ra đồng thả diều - những con diều tự tay anh vót mỏng từng cây tre làm sườn rồi lấy bọc ni lông dán lên làm cánh và đuôi, hay theo anh đi vớt cá lia thia, cùng anh đào hang bắt dế, hoặc chơi những trò chơi dân gian cùng lũ bạn trẻ con trong xóm, nhớ những buổi tối có những ngọn đèn đom đóm bay lập lòe…

Tôi nhớ những buổi chiều yên ả tản bộ thư giãn quanh những hồ sen to trước Lăng Mạc Cửu và ngửi được trong gió thoang thoảng hương sen mùa hạ… Tôi nhớ những buổi chiều vô ưu vô lo đạp xe rong ruổi thảnh thơi dưới những con đường rợp bóng cây xanh và hoa rơi lãng mạn, những khoảng trời đầy hoa Ô Môi hồng nở rộ và xác hoa rụng đầy sân… Tôi nhớ tiếng chuông chùa văng vẳng như vọng về từ cõi xa xăm, nhớ tiếng sóng biển rì rào, nhớ vị mặn của gió biển, nhớ những đêm gió mát trăng thanh trên bến Đông Hồ. Tôi nhớ những ngọn đèn đêm nhấp nháy như những ánh sao trên biển của những chiếc thuyền đánh cá đêm ngoài khơi xa. Tôi nhớ cảm giác bấp bênh lo lắng khi lần đầu tiên bước từng bước trên chiếc cầu Nổi (cầu Phao) để qua bến Tô Châu…

         Một di tích lịch sử văn hóa ở Hà Tiên.-Lăng Mạc Cửu

Nhắc đến Hà Tiên, có lẽ ai cũng dễ dàng khe khẽ ngân nga câu hát quen thuộc: “Tôi nhớ hoài một chiều, dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ, Hà Tiên mến yêu, đẹp như xứ thơ, xa cách tôi còn nhớ…”. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Lê Dinh đã sáng tác ra những lời nhạc bay bổng say đắm lòng người về miền đất nhỏ hiền hòa, nên thơ này. Hà Tiên quê tôi được hình thành cách đây hơn 300 năm gắn liền với tên tuổi dòng họ Mạc, mang đậm bản sắc nhân văn, văn hóa riêng bởi sự hòa quyện của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer cùng sinh sống hòa thuận.

Một Hà Tiên với diện tích bé nhỏ nhưng lại đi vào lòng người không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên nên thơ, xinh đẹp nhưng không kém phần kỳ vỹ như Kim Dự Lan Đào, Đông Hồ Ấn Nguyệt, Thạch Động Thôn Vân, Lộc Trĩ Thôn Cư, Lư Khê Ngư Bạc, Nam Phố Trừng Ba, Giang Thành Dạ Cổ… hay những lăng tẩm, chùa chiền, chứng tích chiến tranh được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử như Bình San Điệp Thúy, Châu Nham Lạc Lộ, Phù Dung Cổ Tự, Tiêu Tự Thần Chung, Nhà Tù Hà Tiên…

Không chỉ nước biếc non xanh tô điểm làm say đắm lòng người, mà Hà Tiên còn để lại ấn tượng đẹp bởi con người Hà Tiên hiền hòa, mến khách. Là người con của Hà Tiên, tôi tự hào về những đặc sản được chế biến từ sản vật thiên nhiên mang lại như các món ăn vặt độc đáo như bún kèn, bún xiêm lo, bún nhâm, bánh lọt xào, hủ tíu hấp, bánh tầm bì, bánh thốt nốt, bánh bèo, xôi sầu riêng, xôi xoài, xôi mặn - ngọt Hà Tiên… cho đến các món phục vụ trong các bữa ăn chính như canh chua sả nghệ, canh nấm tràm, cá kho mỡ ớt, gỏi Sầu Đâu, Cà Xỉu, Ba Khía muối…

Ai đó đã từng nói: Ăn món gì không quan trọng, quan trọng là ăn ở đâu và ăn với ai, vậy nên người đối ẩm cùng với không gian thưởng thức cực kỳ quan trọng chịu mức ảnh hưởng ngang hàng với món ăn ngon. Còn gì tuyệt vời bằng, khi vừa được thưởng thức những hải sản tươi ngon cùng người thân, bè bạn vừa được hưởng làn gió mát và được ngắm, nghe tiếng sóng biển lúc lăn tăn lúc rì rào như hát bên tai khi nắng chiều nhạt dần…

Ngày nay, Hà Tiên đã thay đổi rất nhiều so với Hà Tiên thời thơ ấu của tôi. Tuy không còn nhiều những ngôi nhà cổ, không còn nét cổ kính rêu phong trên những con phố tứ diện rợp bóng cổ thụ ngày xưa mà thay vào đó là những cơ sở hạ tầng hiện đại, đường phố trải nhựa thênh thang, phố xá rực sáng ánh đèn… Thế nhưng, hồn vía của Hà Tiên vẫn còn lưu giữ mãi ở nơi đây…

Nếu bạn đã từng nghe câu “Hoàng hôn là ví dụ điển hình rằng sự kết thúc cũng có lúc đẹp” thì khi đến Hà Tiên, bạn nhất định phải dành thời gian ra bãi biển Mũi Nai vào những buổi chiều đẹp trời để ngắm hoàng hôn trên biển. Khoảng 17h45 hoặc 18h00 tùy ngày và tùy thời tiết, khi ấy mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ chìm dần vào biển sâu. Cảnh tượng lúc ấy sẽ làm cho bạn say mê cho tâm hồn bạn thêm trầm lắng và bình yên đến lạ.

Ở Hà Tiên, bạn cũng có thể xin ngư dân địa phương đi theo xem lưới ghẹ vào buổi chiều hoặc sáng sớm. Từ biển Mũi Nai vào những ngày đẹp trời bạn còn có thể nhìn thấy đảo hải tặc và đảo Phú Quốc trong tầm mắt. Một khi đã được tận mắt ngắm trực tiếp bình minh trên bến Đông Hồ hay ngắm ánh tà dương vào những buổi chiều tại Mũi Nai thì chắc chắn một điều rằng không một ai có thể không trầm trồ mà cảm thán với những khoảnh khắc đẹp ấy.

Với tư cách một “thổ địa”, tôi không ngần ngại giới thiệu một sự trải nghiệm cực kỳ thú vị: Vào một ngày đẹp trời bạn hãy thử một lần ra bến Đông Hồ vào những buổi chiều muộn của những đêm trăng 16 (trăng 16 thường mọc rất sớm) sẽ biết được thế nào là “Đông Hồ Ấn Nguyệt” lay động lòng người.

HUỲNH TUẤN ANH


1 nhận xét:

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm

  Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới. Tống...