Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Mẹo Nhận Ra Thực Phẩm Đã Bị Tẩm Formol

Vì lý do lợi nhuận, một số tiểu thương đã lén lút dùng formol để ướp thực phẩm với mục đích tránh ôi, ươn. Vậy làm sao để "né" được thực phẩm có chất độc hại này?

Formol là dung dịch bão hoà của formaldehyde trong nước. Formaldehyde là loại hoá chất với mùi cay hăng rất đặc trưng được sử dụng tương đối rộng rãi trong công nghiệp.

Formaldehyde có thể hình thành từ những hoạt động của con người (đốt rác, khói thuốc lá,....). Formaldehyde có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, cơ chế diệt khuẩn giống như các tác nhân diệt khuẩn khác nghĩa là "giết" các mô tế bào.

Ở dạng thông thường formol chứa 37% formaldehyde tính theo khối lượng, 6-13% methanol phần còn lại là nước. Formol được sử dụng trong công nghiệp dệt, nhựa, chất dẻo (chiếm tới một nửa tổng số formaldehyde tiêu thụ), giấy, sơn, xây dựng, ...và trong y tế.

Khí formaldehyde có thể gây bỏng mũi, bỏng mắt, hệ hô hấp, gây hắt hơi, đau cổ, co thanh quản, viêm phế quản và viêm phổi. Formaldehyde cũng có thể gây viêm da hoặc dị ứng da.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, con người bị nguy hiểm nhất khi tiếp xúc với formol qua đường hô hấp. Năm 2004, formaldehyde được Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về ung thư chuyển từ nhóm 2A (nhóm chất có khả năng gây ung thư) sang nhóm 1 (nhóm chất gây ung thư).

Theo TS Nguyễn Bá Đức - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Trung ương: Mỗi năm, Việt Nam có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó khoảng 50.000 người mắc bệnh do ăn uống phải thực phẩm bị ô nhiễm và tất nhiên không thể loại trừ formol trong thực phẩm.

Nếu bị nhiễm formaldehyde nặng thông qua đường hô hấp hay đường tiêu hoá các hiện tượng sau đây có thể xảy ra: Viêm loét, hoại tử tế bào, các biểu hiện nôn mửa ra máu, đi ỉa chảy hoặc đái ra máu và có thể gây tử vong trong vài phút do trụy tim mạch, với các triệu chứng khác kèm theo như đau bụng, ói mửa, tím tái.


Nếu khi ấn nhẹ vào cá mà thấy mềm mại thì có khả năng cá không chứa formol. (Ảnh minh họa).
Nếu khi ấn nhẹ vào cá mà thấy mềm mại thì có khả năng cá không chứa formol. (Ảnh minh họa).
Báo Tuổi trẻ thông tin, formol là một chất độc nguy hiểm, làm cho thực phẩm khó ôi thiu nhưng lại rất khó tiêu hóa khi vào cơ thể, gây hiện tượng đầy bụng, no giả tạo. Trong cơ thể, formol kết hợp với các nhóm amin hình thành các dẫn xuất bền vững với các men phân hủy protein làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nhiều thực nghiệm trên động vật đã chứng tỏ khi tiếp xúc lâu dài và liên tục formol có khả năng gây ung thư đường hô hấp (mũi, họng...).

Về vệ sinh an toàn thực phẩm, do tác hại lâu dài của formol và để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm việc dùng formol để làm chất bảo quản thực phẩm và đồ uống, kể cả thức ăn chăn nuôi gia súc ăn thịt. Người ta chỉ cho phép bảo quản các chất không để ăn uống nhưng cũng qui định rất nghiêm ngặt về giới hạn cho phép, và phải bảo đảm an toàn 100% cho môi trường sinh hoạt của con người.


Formol là chất cấm không được sử dụng trong chế biến thực phẩm dù với bất cứ liều lượng nào.
Formol là chất cấm không được sử dụng trong chế biến thực phẩm dù với bất cứ liều lượng nào.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học & Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, vì lý do lợi nhuận, một số tiểu thương đã lén lút dùng Formaldehyde để ướp thực phẩm với mục đích tránh ôi, ươn.

Formaldehyde là chất cấm dùng trong bảo quản thực phẩm. Đây là chất rất độc, nguy hiểm cho con người, hàm lượng nhiều có thể gây chết người nhưng nếu ăn hàm lượng thấp, chất này tích tụ trong cơ thể có thể gây ung thư, kích ứng da, gây bệnh đường thở, đường tiêu hóa…

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nhận biết chất này rất khó vì nó không mùi, không vị, vì vậy, người tiêu dùng phải cảnh giác với các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất sứ không rõ ràng. Chẳng hạn như cá khoai thấy có độ tươi, sáng bất thường thì không nên lựa chọn vì đây là loại cá thân mềm rất dễ bị phân hủy. Tươi bất thường là dấu hiệu của sự bất bình thường trong bảo quản.

Người tiêu dùng nên sử dụng những thực phẩm tươi, không chứa formol

- Đối với cá: Nếu khi ấn nhẹ vào cá mà thấy mềm mại thì có khả năng cá không chứa formol, nên chọn cá hãy còn mùi đặc trưng của cá, tốt nhất là mua cá còn tươi.

- Đối với đậu phụ: Chọn đậu phụ bề mặt trơn và cứng tự nhiên, ở một số nước Châu Á người dân được khuyên nên ăn đậu phụ ở dạng nước hay còn gọi là đậu phụ Nhật Bản.

- Đối với mì sợi: Tại các nước xung quanh đều khuyên không nên chọn những loại có màu "bắt mắt" (mì sợi tại một số quốc gia Châu Á thường được nhuộm màu).

Nên rửa thực phẩm cẩn thận dưới vòi nước vì formaldehyde tan trong nước. Ngoài việc tránh mua thực phẩm có chứa formol, quan trọng hơn là việc kêu gọi người buôn bán và sản xuất thực phẩm không cho formol vào thực phẩm vì bất kể lý do gì và quan trọng là cần biết rõ nguồn gốc của thực phẩm.

Theo ĐSPL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...