Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Quê tôi đã không chọn 'nhà máy' (Đoc Trên Báo Tuần VN muc : Ý kiến)


Giấc mơ huyện công nghiệp, tỉnh công nghiệp, đi lên bằng công nghiệp là điều có thật trong rất nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân các tỉnh luôn bị tác động bởi thời tiết khắc nghiệt, xa các trung tâm kinh tế, các cực tăng trưởng.
Các tỉnh miền Trung là ví dụ điển hình.
Thế nên mới có chuyện ông cựu chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh có lần nói vui trước mọi người rằng, từ trước tới nay, lãnh đạo địa phương chỉ nhìn sang bên kia cầu Bến Thủy (ý nói từ Nghệ An trở ra) là thở dài, trăn trở, phải tìm mọi cách để thu hút được nguồn vốn đầu tư!
Không chỉ “mơ”, không chỉ nói, mà nói là làm. Mới có câu chuyện ông Nguyễn Tiến Rất, còn gọi là “ông Rất ăn xin”, xã Kỳ Nam- Kỳ Anh – Hà Tĩnh, từ khi quê nhà trở thành Khu công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, ông đã có cơ hội đổi đời với một gia đình khá đầy đủ và 8 đứa con lần lượt trưởng thành.
Để rồi trải qua một “cuộc di dời không tưởng” để triển khai đại dự án, có đủ nguồn vốn cho những hộ dân di dời làm giàu trên vùng đất mới, khoảng 70 % lao động làm việc trong dự án có thu nhập ổn định cùng vô số dịch vụ được mở ra… tỉnh nghèo, vùng nghèo Hà Tĩnh ngay lập tức tạo ra một “cột mốc” về tăng trưởng kinh tế.
Nếu năm 2010, tổng thu ngân sách tỉnh này mới đạt 1.450 tỷ đồng thì đến hết năm 2014 đã đạt tới 12.000 tỷ đồng (gấp đôi tỉnh Nghệ An và đứng đầu các tỉnh bắc miền Trung*)
Còn tại tỉnh quê nhà, người viết từng chứng kiến câu chuyện có thật về quá trình xin cấp phép, mời lãnh đạo cấp trên đi thực địa, vay lượng vốn lớn của nước ngoài để đầu tư xây dựng nhà máy xi măng tầm cỡ thời “cả nước làm xi măng” cả lò đứng lẫn lò quay chưa xa.
Phải tới ba lần tổ chức đón rước, tỉnh mới được vị lãnh đạo “đáp” trực thăng từ Hà Nội xuống mặt bằng dự định triển khai công trình. Có tấm bản đồ lớn giăng ra. Có những cái chỉ tay trên hiện trường rồi thu về trên bản vẽ, lại có những câu hỏi và câu trả lời thông thoát về tiềm năng, về điều kiện thuận lợi để khai thác nguyên vật liệu, sét, cung đường ngắn cho tiêu thụ, kể cả xuất khẩu qua cảng biển …
Buổi làm việc tập thể sau đó mọi việc chỉ bàn qua, ai cũng muốn vị lãnh đạo cho ý kiến về nhà máy xi măng và giấc mơ tạo bước đột phá công nghiệp của tỉnh nhà. Vậy nhưng trước tiên ông lại bàn về an ninh lương thực, phải lo trước hết đủ sản lượng lương thực thì mới có cơ sở để nghĩ và làm những chuyện khác.
Cuối cùng ông nói đại ý, làm công nghiệp không dễ, không phải cứ muốn là làm được, thậm chí phải chịu một số thất bại ban đầu, những kinh nghiệm xương máu mới có hy vọng thành công.
Cá chết hàng loạt, Vũng Áng, Formosa, Vedan, Formosa xin lỗi
 Cá biển chết dạt vào bờ tại bãi biển Bình Án, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Huế. Ảnh: Nhật Linh/ Tuổi trẻ
Rồi nhà máy xi măng nói trên tất nhiên cũng ra đời và sản xuất liên tục nhưng việc cạnh tranh chất lượng, giá thành sản phẩm là một bài toán vô cùng hóc búa. Cuối cùng, cả vốn lẫn lãi, tất tần tật tỉnh chuyển giao cho trung ương quản lý và cũng chỉ có cách đó mới có hy vọng bắt kịp các nhà máy bạn. Bước đột phá công nghiệp trên cơ sở khai thác tài nguyên, lao động sẵn có của địa phương tưởng như dễ dàng  tới đích đã buộc phải rẽ sang một hướng khác, như một quy luật không thể khác.
Ở quy mô thấp hơn, các huyện vùng đồi núi dù thế nào cũng dồn sức làm cho bằng được một nhà máy sắn. Đất đai bạt ngàn, lao động dư thừa. Nhưng không chỉ một mà cả hai, ba nhà máy sắn hoạt động được vài mùa đã bị đóng cửa vì không đủ nguyên liệu, vì ô nhiễm trầm trọng, dân cư xung quanh không tài nào chịu nổi.
Rồi chuyện nhà máy bia nộp ngân sách cao nhất tỉnh hàng năm nhưng ô nhiễm môi trường do nước thải và việc nhà máy đặt gần khu dân cư là điều báo chí, dư luận không thể nín nhịn, sau rất nhiều những đắn do, cân nhắc thiệt hơn.
Lợi thấy rõ mà hại cũng sát kề đời sống người dân. Khu xử lý rác thải có làm thật, xử lý thật nhưng dường như không đủ cho nhu cầu xử lý khi nhà máy không ngừng tăng sản lượng, sản xuất liên tục vẫn chưa kịp với đòi hỏi “nóng” của thị trường.
Và có lần khu xử lý nước thải nhà máy bia trong phố bị tràn đầy, vỡ ra toang hoác… Để thấy cái giá của làm công nghiệp không hề nhỏ, nhiều khi không thể đong đếm và thấy ngay tức thì.
Không rõ có phải vì những nguyên nhân và thực tiễn nóng hổi trên (hay nhà đầu tư không chịu vào) mà từ đó, tỉnh quê tôi không chọn con đường phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp gây ô nhiễm.
Nghe tin dịp này có ai đó đã lặng lẽ thở phào vì… may mắn?
Cá chết hàng loạt, Vũng Áng, Formosa, Vedan, Formosa xin lỗi
Vụ Vedan bức tử sông Thị Vải từng gây chấn động dư luận
***
Cá, tôm chết trong ao, trong hồ, bình thường đã là chuyện… bất thường, đằng này cá chết cả trên một dòng sông sâu, không chỉ sông nhánh mà dọc dài sông chính, không chỉ một vùng biển mà trải dài ven biển miền Trung…
Như vụ việc trên sông Rào Gang và sông Lam trong 2 ngày 31/3 và 1/4/2009 từng khiến người dân cả tỉnh Nghệ An và vùng phụ cận bàng hoàng, lo lắng.
Trước đó, bất thường hơn là vụ việc cá chết hàng loạt và môi trường, môi sinh bị hủy hoại nghiêm trọng trên sông Thị Vải – Đồng Nai, năm 2008…
Không khó để xác định thủ phạm của các vụ cá chết trên sông nói trên đích thị là “anh” sắn Thanh Chương, “ả” Vedan do lén lút, do “tát nước theo mưa” xả nước thải độc ra môi trường không qua xử lý. Vậy mà trước khi bị xử phạt, đền bù thích đáng, các nhà máy nói trên từng chối bay, chối biến, đủ chiêu trò trốn tránh cơ quan chức năng và công luận.
Còn lần này, vụ cá chết, hàu chết ở vùng biển nam Hà Tĩnh rồi lan sang biển Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế từ đầu thàng 4/2016 tới nay cùng với rất nhiều diễn biến liên quan đang gióng lên hồi chuông lớn về giữ gìn, bảo vệ môi trường và sự tăng trưởng nóng.
Như cái “cột mốc” đột phá thu ngân sách hết sức mừng vui nhưng cũng đầy lo lắng nói trên?
Châu Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...