Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Chết Theo Ngày Tháng Cũ - Thuyên Huy




Viết để nhớ một người và để tặng một người mà chỉ riêng mình người đó hiểu
     
    Trời vào giữa tháng mười một, bây giờ xứ này là mùa xuân, cụm Mai cuối góc rào của một căn nhà cây, sơn màu lam trắng, nằm thu mình giữa cái sân cỏ, trồng đầy bông hồng, nhưng gầy guộc, không có nhiều hoa, nhiều lần ngồi trên chuyến xe buýt, chạy ngang qua đường River, tới trường trung học Maribyrnong, nơi Chuẩn vừa đổi về dạy hơn nửa năm nay, anh định sẽ có một ngày, xuống trạm bên kia đường để thả bộ theo lề, nhìn cho tận mặt. Buổi chiều tan học, còn sớm, nắng vẫn hâm hấp cái nóng giữa trưa, đám học trò từ các chuyến xe điện, ngược xuôi, xuống lên nói cười rộn rã, ra về, Chuẩn chầm chậm thả bộ về hướng trạm xe ngoài ngã ba đường Gordon, căn nhà cách đó không mấy xa, đến gần bên, ngẩn ngơ đứng lại nhìn, những cánh hoa Mai vàng rộ không khác gì cụm Mai già đầu dốc ấp Xóm Chùa, ở quê nhà trong những ngày cận Tết, hai ba cô học trò người Việt, đi qua, gật đầu “chào thầy”, Chuẩn tiếc rẻ, nấn ná, chần chờ thêm chút nữa, chiếc xe buýt thường ngày, vừa thấy dừng, đón người dưới phía cổng trường, Chuẩn quay lại bỏ đi, bước nhanh chân, để kịp tới trạm chờ, phía đường trước mặt, người con trai trong bộ vét – tông xám đen hợp thời, đi ngược lại, cùng một lúc đến cái cổng sắt gầy guộc, cũ sét, đi vào nhà, thì Chuẩn cũng vừa tới, người con trai chợt dưng đứng khựng lại, quay trở ra, trố mắt nhìn “anh Chuẩn, phải anh Chuẩn không?”, Chuẩn ngạc nhiên nhìn kỹ, sửng sốt “Trường hả”, Trường chạy vụt tới gần, vừa nắm lấy tay Chuẩn vừa quay vào hướng trong nhà gọi lớn “mẹ ơi, anh Chuẩn, anh Chuẩn”. Chuyến xe buýt đã rời trạm ngã ba đường Gordon, mất hút ở cuối đường Ballarat, nắng chiều thưa dần, trời cũng có phần dịu hơn, dăm ba đứa học trò từ trong trường ra trễ, đứng tán dóc bên kia trạm chờ xe điện về phố Footscray.
    Chuẩn theo Trường đi vào sân, chưa tới cửa, mẹ Trường, bác tư Xuyến, tóc bạc trắng, từ trong bước ra, ôm chầm lấy Chuẩn, mắt đỏ hoe, run run, tiếng mất tiếng còn, lập đi lập lại “Chuẩn đây hả con”, Trường lặng thinh nhìn, Chuẩn cũng không nói được lời nào, hai người dìu đở bà vào nhà, bên trong có mùi nhang thơm thoang thoảng tỏa ra đâu đó. Trường bỏ vào trong, ngồi một bên với bác tư ở phòng khách, đồ đạc không nhiều nhưng gọn gàng và ngăn nắp, ở một góc phòng, cạnh cánh cửa sổ ngó ra khoảng đất nhỏ hông nhà, cả hai cùng nhìn hai tấm hình trên bàn thờ, cái lư hương nhỏ, mấy cây nhang vẫn còn chút lửa đỏ lập lòe, hình Thục Quyên và hình bác tư trai, chưa kịp hỏi thì bác tư Xuyến buột miệng “con Quyên mất rồi con ơi”, thay đồ xong Trường cững vừa bước ra, kịp nghe bà nói, cả ba mắt rươm rướm đỏ. Buổi chiều, Chuẩn ở lại ăn cơm với hai mẹ con, chuyện trò hỏi han đủ thứ, bác trai mất vì bệnh nghẽn mạch máu tim, trước ngày Thục Quyên chết chừng ba bốn tháng, Thục Quyên bị ung thư trực tràng, chữa bằng hóa trị, tưởng êm nhưng sau ngày chôn cất bác tư trai, bệnh bộc phát trở lại, cô mất đi sau không quá một tuần lễ nằm bệnh viện, rồi chuyện quê nhà, chuyện ngày trước, vui buồn lẩn lộn, theo tiễn Chuẩn ra trạm, đứng chờ xe buýt, Trường cho Chuẩn biết, “nhiều lần khi còn sống, ở bên nhà và ngay cả qua tới đây, chị thường tâm sự với em, chị đã thương anh từ năm đệ tam, linh cảm cho biết anh cũng thương chị, chỉ chờ ngày nào đó, nhất định sẽ có, chị sẽ chờ, anh nói ra mà thôi”, Chuẩn lặng thinh nghe, đau nhói cả lòng, về đến nhà vừa kịp chuyến xe lửa cuối giữa đêm .
*
    Gia đình Chuẩn nghèo, mẹ góa con côi, hai mẹ con ở trong một căn nhà tranh, vách đất cất trên khoảng đất nhỏ, cuối ấp Xóm Chùa, Phước Trạch, sát bên con đường đất mòn, đi xuống bến đò ngang, ngó qua bên kia cái cù lao rộng, lưa thưa dăm ba cái nhà, tranh có tôn có, lác đác mấy ngọn dừa cao, nằm dọc theo nhánh rạch rẽ ngang ra ngoài sông Vàm Cỏ, tạm che nắng che mưa. Mẹ Chuẩn, ít học, biết đọc biết viết chút đỉnh, quê ở tận đâu đó ngoài Bình Tuy, trôi giạt về đây, bà không nói gì về chồng và Chuẩn cũng không dám hỏi ba, riết rồi quen, không ai nhắc tới, mẹ con hủ hỉ, bữa cháo bữa cơm, nắng thì ngoài sân mưa thì dưới mái hiên, nhà không có không quá hai cái ghế đẩu cũ mèm, cái bàn vừa làm chỗ ngồi học, nơi mẹ Chuẩn tỉ mỉ dạy con, tập viết tập đồ dưới ngọn đèn dầu lờ mờ sáng, vừa làm chỗ cúng kiến, tuy đủ bốn chân nhưng cái cao cái thấp, so le, nhờ nền nhà đất, chỗ trũng chỗ lồi nên không đến nổi xiêng xẹo. Mẹ Chuẩn ngày ngày đi tát đìa, cắm câu ngoài mấy khu ruộng dọc hay ven bờ con rạch, gom mớ cá mớ tôm, mang ra ngoài chợ xã bán, nhờ trời thương, bà ăn nói dịu dàng, nhỏ nhẹ, hay phụ hàng xóm chuyện này chuyện nọ, bà con ai nấy cũng thương, cho nên hai mẹ con, tuy không dư nhưng cũng vừa đủ tạm có miếng ăn qua ngày. Vất vả nhiều, khổ cực không biết bao nhiêu, nhưng chưa có lần nào Chuẩn nghe bà than phiền, than thở, một điều gì, ngày này qua tháng nọ, chiều nào cũng vậy, mưa nắng kệ trời, cũng đứng trước sân nhà, chờ Chuẩn trên trường tiểu học xã tan học về, xoa đầu nắn tay con, tươi cười không ngớt.
    Chuẩn đậu vào đệ thất trường trung học công lập, thấy hoàn cảnh tội nghiệp, được bác ba Tòng, trưởng ấp cũng là người trong ban phật sự của ngôi chùa nhỏ ở làng, giới thiệu, mẹ khăn gói đưa Chuẩn lên tỉnh, ở trọ tại chùa Thiền Lâm, một cái chùa cỗ, rậm rạp cây cối, nằm không xa ngã ba đầu trường, với ông sư già râu tóc bạc phơ, hiền từ, ít nói. Ông sư sắp cho Chuẩn một ngăn phòng nhỏ, phía hậu liêu, có bàn học, giường ngủ, đèn đuốc hẳn hoi, sát bên cạnh chỗ ngủ của hai ba người tiểu tăng phụ việc nhang đèn, chuông mõ, vườn tược cho chùa, cách phòng của ông sư già chừng năm mười bước, những lễ kinh chiều, Chuẩn cũng thường, được phép vào chánh điện, ngồi đánh cái chuông lớn, theo nhịp tiếng đọc kinh của ông sư già và mấy tiểu tăng, một cách khoan khoái, cũng như thắp đèn, thắp nhang dưới chân tượng Phật, theo lời chỉ dạy của họ, Chuẩn không quên khấn nguyện, cầu xin cho mẹ cho mình được hộ trì may mắn. Mới chừng mười một tuổi đầu, Chuẩn đã làm quen với câu kinh, hồi chuông tiếng mõ, biết tập ăn chay nhiều, ăn mặn ít, tiền mẹ cho đem theo, “cắc ca cắc củm” để dành, sợ lo cho mẹ ở nhà hơn là thân mình trên tỉnh. Ông sư già thương thằng nhỏ sáng dạ, học đâu nhớ đó, tối nào cũng vậy, sao lễ chiều, cơm nước xong, ông kêu Chuẩn qua gian phòng ông ở, dạy Chuẩn thêm bài văn bài viết cùng phương cách cư xử ở đời, đối với người trên kẻ dưới, Chuẩn để ý để tứ, chiều nào đi học về cũng lấy chỗi quét lá quanh sân chùa, như mấy người tiểu tăng thường làm vào sáng sớm, mỗi lần mẹ lên thăm, thấy con vui, ham học, là mỗi lần bà cúi đầu, xá lạy ông sư không biết bao nhiêu cái, mừng rơi nước mắt.
    Phía bên kia hàng rào, cạnh sân chùa, ngó qua là cái biệt thự tường gạch khá xưa của ông bà tư Đặng, có tiệm thuốc tây lớn trên đường Gia Long ngoài phố chợ, nằm thu mình giữa một khoảnh vườn, trồng nhiều cây vú sửa rậm bóng mát và cái hòn non bộ cao quá đầu người ở sân sau, bao quanh bởi đám cây kiểng xanh một màu xanh bóng, gia đình có hai người con, chị là Thục Quyên, học cùng một năm với Chuẩn nhưng khác lớp, đứa em trai tên Trường, nhỏ hơn, còn ở lớp ba lớp nhì gì đó, gia đình giàu có, hàng xóm láng giềng chung quanh, ai cũng mến cũng thân, vì hai ông bà thường giúp đở người nghèo, người gặp cảnh túng quẩn, thiếu hụt, cũng như quyên góp chùa chiềng mỗi khi cần đến, học khác lớp,  cùng đường về, lại có cô bạn thân Trang, cùng lớp với Chuẩn, nhà ở trên góc ngã tư Võ Tánh, nên có quen chút chút, thêm vào đó, Thục Quyên cùng Trường, thỉnh thoảng mang hoa quả qua biếu chùa, nên thường gặp mặt, tuy vậy, suốt hai năm đầu, đệ thất đệ lục, lần nào từ trường về Chuẩn cũng nấn ná đi chậm xa sau lưng, hai cô này, có lẽ cũng biết, đôi khi làm bộ đứng lại chỉ chỏ trời trăng mây nước gì đó, chờ, chọc phá rồi cười thỏa thích, chiều chiều, có đôi ba lần, đứng nhìn qua bên nhà Thục Quyên, thấy gia đình quây quầng trong sân, cười nói đùa giỡn hay lăng xăng giành nhau bước lên chiếc xe hơi “Peugeot” màu trắng đi Sài Gòn, vì nghe nói họ cũng có nhà ở dưới đó, trong mấy ngày cuối tuần, Chuẩn thấy lòng buồn buồn, tủi tủi, thầm khóc cho thân mình,  ba mẹ Thục Quyên, hai bác tư Đặng, không biết cô ta có nói gì hay không mà lần nào gặp Chuẩn, bên chùa trong mấy ngày lễ lớn, đều luôn miệng bảo anh sang bên nhà họ chơi. Cuối cùng, từ những ngày tháng đó, Chuẩn đã bớt đi nhút nhát, bớt đi ngại ngùng, biết đứng chờ nhau đến trường và mỗi chiều tan học về, cũng chuyện này chuyện kia, con đường ngắn quá không đủ dài, nên nhiều khi, không chịu chia tay mà không ai biết vì sao.
    Cuốn lưu bút cuối năm đệ tứ, hình như với Chuẩn đã là một cái gì quý giá nhất mà anh có, trong đời, cứ lẩn quẩn loanh quanh bên mình đâu đó, ngày lên đêm xuống, nhất là từ khi không còn ở trọ tại chùa Thiền Lâm nữa, giữa năm đệ tam, sau ngày ông sư già viên tịch, ban quản trị chùa mang ông về chôn ở quê nhà, đâu dưới miệt Sa Đéc long Xuyên gì đó, ông đi rồi, Chuẩn cũng rời chùa, ra ở chung với mấy thằng bạn  cùng lớp, cùng quê, tại cái nhà thiếc nhỏ, dựa bên đường lộ, cũng không xa trường bao nhiêu, của cụ bà sáu Lợi, người tu tại gia, ăn chay trường, có căn nhà ngói lớn nằm trên miếng đất thoai thoải dốc phía trong, thương tình cho đám học trò ở đậu, không tính tiền tính bạc, đôi khi, bà còn kêu mấy đứa lên nhà cho hủ chao, chai nước tương nước mắm. Bên cạnh tấm hình dán đầu trang, Thục Quyên không viết gì nhiều nhưng chừng đó, cũng đủ cho Chuẩn ấm lòng nhất là mấy chữ “chắc mình sẽ nhớ nhau hoài”, không biết có như vậy không, chứ với Chuẩn, anh đã nhớ từ đó rồi, nhớ từ tiếng cười, tới dáng đi, đêm từng đêm, mỗi khi chong đèn ngồi học, cuốn lưu bút cứ gối đầu trên trang sách toán, dở dang mấy công thức khó, Chuẩn không dối được lòng, đã thầm thương Thục Quyên nhưng làm sao dám nói ra và bao giờ sẽ nói.
    Sau những tháng ngày lẻ loi, đơn thân độc mã, dầm dãi nắng mưa, kiếm ăn kiếm sống nuôi con, đầu tắt mặt tối, mẹ Chuẩn già yếu đi nhiều, đi đứng chậm chạp, bị cảm sốt nóng ho thường, lần nào cũng vậy, về Xóm Chùa thăm nhà, Chuẩn đều gởi Trang, cô bạn thân của Thục Quyên, là người duy nhất mà Chuẩn đã tâm sự, khi có chuyện buồn, số tiền nhịn mua “hột gà hột vịt miếng khô”, ra nhà thuốc tây mua giùm chai thuốc ho có hình hai lá phổi Pulmodol và mấy viên thuốc cảm trứng nhện, cho mẹ để dành uống, không quên căn dặn cô ta đừng cho ai biết, số tiền dành dụm trong nhà, tuy bà không than thiếu hụt, mỗi khi lo tiền ăn tiền học nhưng anh đã đủ khôn cảm thấy nó không còn như xưa nữa, biết phận nghèo, Chuẩn chưa lần dám tự mình vào quán nước hay dù bạn bè con nhà trên tỉnh mời gọi, bữa cơm với mấy thằng bạn ở chung, cũng nghèo, đôi khi chỉ cần hủ chao và mấy trái dưa leo là đủ, có những đêm ngồi học, không biết bao lần nghe tim mình đau nhói, nhưng cố mà vượt qua, cố mà đổ đạt vì mẹ và cho mẹ.
    Chuẩn không còn cách nào từ chối, nên đành phải theo Thục Quyên và Trang vào cái quán quen, ngay đầu ngã ba chợ Cũ, bên này bờ sông, buổi sáng, trời nắng một màu hồng tươi cả nửa góc trời, đẹp thật đẹp, ăn bữa cơm trưa gọi là mừng cho mọi người đều thi đậu, hai cô bàn nhau chuyện năm tới sẽ ra sao, học ngành gì, thỉnh thoảng, Trang hết nhìn Thục Quyên, nhìn qua Chuẩn, chờ chờ đợi đợi cái gì đó, rồi tiếp tục hỏi qua hỏi lại, Chuẩn ngồi lặng thinh, buồn nhiều vui ít, mặc cho hai cô to nhỏ, bên kia lề, người đàn bà quấn cái khăn bạc màu đen, trùm kín đầu, đôi gánh nặng gì đó, oằn xuống vai, vội vã băng qua đường, nhìn theo, Chuẩn thấy lòng mình chùng xuống. Chuẩn theo Thục Quyên về nhà, có Trang theo, trước khi ra bến xe về lại Phước Trạch, chào tạm biệt và cám ơn ba mẹ Thục Quyên, dù gì hai bác cũng thương, cũng giúp đở việc này việc nọ, từ ngày còn ở tại chùa với ông sư già cho tới lúc ra nhà trọ của cụ bà Lợi, bác tư trai không có nhà, cũng cái dịu dàng, niềm nỡ vốn có, bác tư gái một hai ân cần hỏi han đủ thứ chuyện, trời cũng sắp giữa trưa, phía bên kia sông, thấp thoáng đâu đó ở lưng chừng trời, mây xám từng cụm bỗng dưng xuống thấp, kéo về ngang muốn đổ mưa, tiễn ra tới đường, Thục Quyên đưa cho Chuẩn, một gói giấy, gói thật cẩn thận, mà cô nàng cầm theo từ nãy giờ, mắt rươm rướm ngài ngại “đây là mấy chai thuốc ho, thuốc cảm, thuốc đau nhức, ba mẹ em gởi cho bác dưới nhà, mong anh nhận để ổng bả cũng như Quyên được vui”, Chuẩn chưa cầm lấy, ngẩn ngơ, chưa kịp nói gì thì Trang đã nhanh miệng “xin lỗi anh, Trang đã không giữ kín được như đã hứa, Thục Quyên biết hết rồi”, cả hai với ánh mắt như van nài, lặng thinh chờ, đưa tay nhận gói quà, Chuẩn ngẹn lời, ứa nước mắt, ôm cứng gói quà trong tay, rưng rưng hai tiếng cám ơn, hai cô đứng trước cổng nhà nhìn theo, Chuẩn bỏ đi, xuôi hướng ngã ba trường, không quay lại, thầm khóc trên đường về nhà trọ.
    Đầu năm học, Chuẩn không trở lên học đệ nhất mà xuống trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn, đám bạn chơi chung, biết Thục Quyên cũng như Trang thân với Chuẩn nhất, ai nấy chưng hửng, thắc mắc bàn tán, nhưng cả hai cô cũng không biết gì hơn, có lần Thục Quyên bàn chuyện đón xe đi Phước Trạch với Trang nhưng sau đó lại không dám, buồn trông buồn ngóng, mẹ Chuẩn yếu đi nhiều, năm năm nữa, để tốt nghiệp đại học, dài quá, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, anh quyết định chọn con đường ngắn hơn rồi sau đó sẽ tính, cũng nhờ người quen trong ấp Xóm Chùa gởi gấm, Chuẩn có được chỗ ở trọ bên cầu Chữ Y, nhà của một ông bác theo đạo Cao Đài, quê Gò Dầu, có phần hùn nhỏ với tiệm cơm chay, gần ga xe lửa, bên kia góc Hàm Nghi, và phụ làm công ở đó mỗi buổi chiều tan học, nên mẹ con không phải lo lắng lắm về chuyện tiền bạc. Sáng thứ bảy, chỗ ăn chỗ ở, đâu đó xong xuôi, vào học được vài tuần, Chuẩn đón chuyến xe đò sớm nhất về Tây Ninh, tuy vậy vì cứ phải ngừng nhiều chỗ, nhường đường ưu tiên cho mấy đoàn quân xa chở đầy ắp lính của sư đoàn 25 bụi đường súng trận, lên xuống cho nên chuyến xe Tân Nguyên Thành vào phố cũng đã giữa trưa, xuống xe góc chợ Cũ, Chuẩn thả bộ tới nhà Trang, rồi rũ cô nàng cùng đến tìmThục Quyên, vừa tới cổng, không chờ vào nhà,Trang đã gọi vọng vào trong “Quyên ơi, ra đây mau, ai đây nè”, Thục Quyên chạy vụt ra, đứng khựng lại, nhìn nhau, rồi quay đi vì không cầm được nước mắt, hai bác tư Đặng ngó ra, cũng thấy thương, ba người lại kéo nhau ra cái quán nước quen cũ, không nói được gì nhiều vì có quá nhiều chuyện muốn nói, cuối cùng, Chuẩn nói ra một phần lý do, vì sao anh vào Sư phạm, giữ lại chút sự thật còn lại mà chỉ có riêng mình anh hiểu, rồi cả ba bùi ngùi, luyến tiếc giã từ, hẹn ngày gặp lại nhau, không chắc là chừng nào, nhưng Chuẩn vẫn chưa bộc lộ mối tình thương thầm với Thục Quyên dù đã có nhiều lần định nói, từ hôm đó, Chuẩn không còn trở lại Tây Ninh, không có anh phố cũng vẫn như xưa.
    Thục Quyên đậu tú tài hai, cùng với Trang vào trường Dược, tuy ở Sài Gòn, có mừng có vui nhưng họ chỉ gặp lại đôi ba lần vì Chuẩn còn phải đi làm kiếm tiền, không những nuôi thân mình mà còn dành dụm lo thuốc men cho mẹ nữa, thứ bảy chủ nhật nào cũng về lại Phước Trạch, lẩn quẩn bên bà, ráng được ngày nào hay ngày đó, với Chuẩn, Sài Gòn không có “tìm nhau chiều hẹn hò” hay “con đường tình ta đi”, như muôn người tình nhân khác, chỉ có khắc khoải, thở dài gắng gượng. Sau Tết, không bao lâu, nửa năm thứ hai Sư phạm, mẹ Chuẩn mất, ban Phật sự chùa ấp xóm Chùa, giúp anh đem bà về chôn cất ngoài Hàm Tân, ngay cái nghĩa địa nhỏ, cách ngã ba Định Quán, không mấy xa đường, như lời bà dặn trong những ngày cuối đời, ở đó bà còn có gia đình hai vợ chồng người em bạn dì, mà Chuẩn gặp một hai lần, khi còn nhỏ, từ ngoài đó vào thăm bà, căn nhà tranh ở ấp nhà, vẫn để vậy, Chuẩn hy vọng tốt nghiệp sẽ được chọn về dạy đâu đó ở Bình Tuy, ít nhất cũng được gần gũi đi về với mộ bà an yên nghỉ.
    Giữa tháng tư, chiến cuộc căng thẳng, miền Nam tan tác, loạn lạc khắp nơi, đất đai mất dần dần từ Bến Hải vào, quân cộng sản lần lượt chiếm vùng 1, vùng 2, miền Trung rồi cao nguyên không cần một trận đánh, đang ngấp nghé tiến sát Sài Gòn, hôm 27 tháng tư, dân chúng gồng gánh chạy nạn vào nam, ngày càng hàng hàng lớp lớp, Chuẩn chen lấn, hối hả đón xe ngược ra Hàm Tân, ở lại nhà bà dì, ra vào thăm mộ mẹ, rồi kẹt lại đó luôn, khi quân cộng sản tung quân cắt ngang quốc lộ một, vây hảm Bình Tuy, Long Khánh, sáng 30 tháng tư, trời mưa dầm tầm tả, miền Nam đành bó tay thua cuộc sau những năm dài chống đở, gìn giữ đất nước, vợ chồng bà dì thúc hối, chuyện mồ mả ở nhà có họ lo cho, Chuẩn và hai người anh bà con, là sĩ quan Địa phương quân ở Bình Tuy, khăn gói nhập theo đoàn người ùn ùn di tản từ trên quốc lộ 1 xuống, ra bến tàu Hàm Tân, lên chiếc tàu đánh cá nhỏ của một gia đình người bạn quen của hai ông anh bạn dì, cũng lính chung đơn vị, ra khơi, cùng với cả trăm chiếc khác, mù mờ hớt hãi giữa trời và nước.
*
    Trời lâm râm mưa, nhè nhẹ như bụi phấn, gió từ hướng biển thổi vào lành lạnh, bây giờ cuối xuân, giữa trưa vẫn chưa có nắng, nghĩa trang Williamstown, cái nghĩa trang nhỏ, nằm gọn ở một góc cuối đường phố Newport, chiều chủ nhật thưa thớt người thăm, hai nấm mộ, xây đơn giản, thấp,  bằng đá bông, cũng màu trắng lam như màu căn nhà hai mẹ con bác tư gái đang ở, Chuẩn đứng cúi đầu xá chào bác tư trai, xin phép, rồi cắm thêm vài cụm hoa, mua từ một căn tiệm nhỏ, phía bên kia đường, trong hai cái bình sứ xanh màu lục đậm, mấy nhánh cũ vẫn còn tươi, mắt đỏ hoe, cay xé, Chuẩn ngồi gục trước mộ Thục Quyên, ngẩn ngơ, đau đớn đưa tay, nhẹ sờ chầm chậm, hàng chữ khắc chạm màu đen tuyền “Phạm Thị Thục Quyên” trên đá, bật khóc, nức nở khóc, nước mắt đong đưa, rớt từng giọt nhỏ, trên trang bìa cuốn lưu bút cuối năm đệ tứ, bạc màu và không còn thẳng nếp giấy, cái kỷ vật đời mà Chuẩn đã mang theo mình từ những năm tháng đó, đặt dưới bệ gạch, tấm hình trên bia đá không khác tấm hình trong đó bao nhiêu, cũng nụ cười, nụ cười tươi trọn vẹn.
    Chuẩn ngồi yên một lúc, gió biển chợt kéo về ngang, trời vừa hé đôi chút nắng chiều mảnh khảnh, đám chim Hải âu quanh quẩn đâu đây, lạnh lùng kéo nhau bỏ bay ra khơi, xa mù mờ rồi mất hút, lác đác người vào thăm, lặng lẽ đi ngang, không cười không nói, Chuẩn mở trang giấy có những giòng của Thục Quyên viết, đặt ngay ngắn trên mộ, nghẹn ngào đọc lại hàng chữ “chắc mình sẽ nhớ nhau hoài”, rồi thì thầm “tôi đã yêu Thục Quyên từ bao lâu nay nhưng không dám nói ra, vì phận con nhà nghèo trời đặt cho, tôi cứ dặn lòng chờ nhưng giờ thì không còn phải chờ thêm nữa, nếu hiểu được lòng nhau, xin cho tôi gởi theo em, phương đó những gì của ngày tháng cũ mà tôi mang theo bên mình, tạm biệt ”, Chuẩn xếp cuốn lưu bút, thẩn thờ đứng dậy, cúi xuống, hôn nhẹ lên mặt Thục Quyên trên bia đá, cái hôn đầu đời pha chút nước mắt mằn mặn, ở một phía xa, tiếng còi của chuyến xe lửa về Melbourne sắp rời sân ga Williamstown thôi thúc, rã rời và mệt mỏi.

Thuyên Huy
 Melbourne một ngày đầu mùa thu năm 2016       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...