Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Sau 50 năm nhưng vết thương “Cách mạng Văn hóa” chưa thể lành lặn


Ngày 16/5 vừa qua là tròn 50 năm bùng nổ “Cách mạng Văn hóa” Trung Quốc, trong khi truyền thông ngoài Trung Quốc Đại Lục sôi nổi đưa tin thì ở Trung Quốc Đại Lục chỉ thấy bao phủ bầu không khí trầm lặng. Có chuyên gia phân tích cho rằng, đề tài Cách mạng Văn hóa theo thời gian có thể mai một dần trong ký ức cá nhân và cộng đồng, nhưng không thể thay đổi sự thật về vết thương tâm lý do nó gây ra đối với người dân Trung Quốc Đại Lục vẫn còn kéo dài đến ngày nay.
Sau khi Cách mạng Văn hóa châm ngòi, phần tử tri thức thành mục tiêu chính bị xử lý, nhiều Giáo sư bị đấu tố chết, trường Đại học bị đóng cửa, hệ thống giáo dục của Trung Quốc bị phá nát.
Nhà tâm lý học Alex Thomas Pullen thuộc Viện Freud tại Frankfurt từng nhận xét, “chấn thương tâm lý trong 10 năm loạn lạc thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc Đại Lục còn kéo dài đến ngày nay”. Ông cho rằng, cho dù đề tài Cách mạng Văn hóa mai một theo thời gian trong ký ức cá nhân và cộng đồng, nhưng không thể thay đổi được thực tế nó vẫn tiếp tục nằm trong vô thức của nhiều người.

Bức tranh tương phản khi so sánh với tâm lý người Đài Loan

Năm 2012, tờ “Tuần san mới” kỳ 375 xuất bản ở Trung Quốc Đại Lục đã nhận xét “đa số người Đài Loan cho rằng phong cảnh đẹp nhất ở Đài Loan chính là con người”. Sau đó không lâu, nhà văn trẻ Hàn Hàn ở Trung Quốc Đại Lục đã viết về trải nghiệm bản thân khi đến Đài Loan trong bài “Gió Thái Bình Dương”. Người viết kể, khi mắt kính của người bạn bị hỏng, họ đã tới hai tiệm kính nhỏ bên đường và đều được ông chủ giúp đỡ tận tình; bỏ quên điện thoại trên tắc xi được người lái tắc xi gửi tới tận khách sạn.
Sau loạt bài viết về “người tốt” Đài Loan đăng ở Trung Quốc Đại Lục đã thu hút nhiều du khách Trung Quốc Đại Lục đến Đài Loan du lịch.
Một người mẹ trẻ người Trung Quốc Đại Lục sau khi dẫn con đến Đài Loan trở về đã kể lại với truyền thông Trung Quốc Đại Lục về trải nghiệm của chị: “Tôi có niềm tin lớn vào xã hội Đài Loan vì… họ không trải qua thời kỳ đó, họ giữ được niềm tin tín ngưỡng thuần khiết và tin vào cái thiện.”
Bài “Gió Thái Bình Dương” thì viết về người tốt Đài Loan từ góc nhìn khác, nhưng ở phần cuối cũng nhắc đến ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa:
“Ở đây không bàn về chế độ chính trị. Là một người viết văn Trung Quốc Đại Lục, tôi cảm thấy quá thất vọng. Đây không phải chuyện cảm nhận qua mấy ngày du lịch mà đã có từ lâu. Tôi thất vọng vì môi trường sống của tôi trong quá khứ đã dạy người ta đấu đá nhau tàn nhẫn, hệ quả là con người ngày nay tham lam và ích kỷ, nó ăn vào máu nhiều người trong chúng ta; tôi thất vọng vì thế hệ trước của tôi đã phá hủy văn hóa tốt đẹp của truyền thống, hủy hoại niềm tin giữa người với người nên không thể xây dựng được một thế giới mới tốt đẹp, thế hệ chúng tôi hiện nay không biết có thể bù đắp được gì không hay là lại tiếp tục con đường hủy hoại”
Im lặng trước bóng ma Cách Mạng Văn hóa
Cách mạng văn hóa Trung Quốc đã kết thúc gần 40 năm nhưng cho đến nay những tàn tích của nó vẫn đọng lại trong cuộc sống thường ngày của người dân. Nhưng nếu không phải bạn bè thân thiết thì người ta hiếm khi nói trực tiếp hai từ “cách mạng”, thay vào đó là những từ như “thời đó” hoặc “giai đoạn đó”

Nhiều năm qua, Cách mạng Văn hóa là đề tài cấm kỵ ở Trung Quốc Đại Lục. Bầu không khí kỳ dị này giống như câu chuyện trong tiểu thuyết giả tưởng của Anh Harry Potter.

Nữ nhà văn Từ Quân hiện sống tại Mỹ từng tiếp nhận phỏng vấn cho biết, thái độ lặng lẽ đối với Cách mạng Văn hóa phần nhiều là do người ta tự nguyện chứ không ai ép buộc. Vì ký ức của nó có thể làm những người là nạn nhân bị hại trong thời đó cảm thấy đau khổ, còn những kẻ hại người thì hổ thẹn nhục nhã. Một dạng tình cảm khác phức tạp hơn với nhiều người là họ đóng hai vai, “vừa là người bị hại, cũng là thủ phạm hại người”.
Cha mẹ không muốn kể lại cho con cái những trải nghiệm của họ về giai đoạn lịch sử này và sách giáo khoa cũng không nhắc đến, cho nên thế hệ trẻ ngày nay nhiều người không biết gì. Điều nguy hiểm ở đây là: Nếu thế hệ này không học được bài học đau thương này thì nó sẽ dễ dàng tái diễn lại trong tương lai.
Bầu không khí trầm lặng này từng có thời gian ngắn bị xua tan với bài viết trên tạp chí “Cầu thị” số tháng 1/2014, sau đó ông Tập Cận Bình đã lên tiếng gọi đây là “10 năm loạn lạc”. Động thái đã gây chú ý rộng khắp trong truyền thông ngoài Trung Quốc Đại Lục, vì đây là thái độ công khai đầu tiên của ông Tập Cận Bình về vấn đề này sau khi lên nắm quyền.
Cuối tháng 11/2013, trong lần ông Tập Cận Bình đi khảo sát ở Sơn Đông đã tham quan Phủ Khổng và Viện Nghiên cứu Khổng Tử, đồng thời có buổi tọa đàm với giới học giả tại đây. Trong buổi tọa đàm, ông Tập Cận Bình cũng nhắc đến tội lỗi của Cách mạng Văn hóa đã phá hủy văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của Trung Quốc. Khi đó, nhiều người từng tham gia Hồng vệ binh đã mạnh dạn đứng lên xin nhận lỗi. Nhưng rồi những tiếng thở dài ăn năn này nhanh chóng tan đi như làn khói, không gây tiếng vang gì ra bên ngoài.

Lý tính và điên cuồng

Ông Vương Thiệu Quang, từng giảng dạy về Chính trị học tại Đại học Yale (Mỹ) và Đại học Trung văn Hồng Kông là người từng thi vào Đại học Bắc Kinh năm 1977 khi Trung Quốc Đại Lục phục hồi lại hệ thống trường đại học, cũng là bạn học của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Luận án Tiến sĩ ông làm tại Đại học Cornell, được Nhà xuất bản Đại học Oxford xuất bản thành sách năm 1993 với tựa “Lý tính và điên cuồng: Quần chúng trong Đại Cách mạng Văn hóa”.
Trong sách, ông Vương Thiệu Quang chỉ ra, đa số những người ông phỏng vấn cho rằng, họ bị Mao lừa dối mới tham gia vào Cách mạng Văn hóa, họ tham gia vì Mao chứ không vì bản thân họ.
Cho đến nay, nhiều người dân Trung Quốc Đại Lục khi được phóng viên Thông tấn xã Đài Loan CNA trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ tìm hiểu về Cách mạng Văn hóa, họ chỉ muốn lưu giữ lại ký ức nào mà họ thấy vinh quang và muốn làm phai nhạt những gì không hay, tìm cách hợp lý hóa những việc họ trải qua.
Tại sao họ lại như thế? Ông Vương Thiệu Quang cho biết: “Về ý thức, họ đi theo phi lý tính, nhưng trong tiềm thức thì họ đầy lý tính”. Họ làm thế vì nếu chống lại ông Mao Trạch Đông thì họ không có đường sống, vì thế họ phải đóng kịch làm người bảo vệ Mao. Nhưng họ không nhận thức được trong tiềm thức, trong hành động thực tế, điều họ quan tâm là quyền lợi của họ.
Đối với thời Cách mạng Văn hóa, trong mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực, về tiềm thức thì họ hợp lý hóa hành vi của họ và muốn làm mờ đi những ký ức không hay. Nhưng che giấu không có nghĩa là không bị thương tổn. Đây là điều mà người Trung Quốc sớm muộn cũng phải đối diện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...