Bhutan được biết đến với danh hiệu “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, và đương nhiên nền ẩm thực ở xứ sở này cũng vô cùng phong phú.
Bhutan vốn nổi tiếng với những điều lạ lùng: là Vương quốc Phật giáo cuối cùng trên thế giới, dân số chỉ vỏn vẹn có gần 700,000 người, chứa đựng dãy Himalaya - nóc nhà của thế giới, và liên tục là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc (GNH) cao nhất.
Bên cạnh những hùng vĩ cảnh quan và tinh hoa lịch sử, ta có thể tiếp cận Bhutan ở khía cạnh văn hóa qua mảng ẩm thực, với những ảnh hưởng từ hai "ông anh" láng giềng là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ema datshi
Đây có lẽ là một trong số những món ăn nổi tiếng nhất của Bhutan, và là gạch đầu dòng đầu tiên cho những ai đến Bhutan. "Ema" có nghĩa là "ớt", và "datshi" là "phô mai", và đúng như tên gọi, món này có hai nguyên liệu chính là ớt nguyên quả và phô mai tươi nhà làm. Tương tự như phở với người Việt, ema datshi là một món ăn quan trọng và là niềm tự hào đối với người Bhutan.
Jasha maru
Jasha maru là món thịt gà hầm kiểu Bhutan. Điểm làm cho món gà hầm này trở nên đặc biệt chính là những quả ớt đỏ đặc trưng của Bhutan. Loại ớt này chỉ chuyên được trồng ở vùng Thimphu, và là một nét đặc trưng trong ẩm thực Bhutan.
Cơm chiên gạo đỏ
Là một quốc gia châu Á, lại chịu ảnh hưởng từ hai cái nôi văn hóa lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, nên ở Bhutan người ta cũng rất chú trọng đến hạt gạo nấu cơm. Gạo trồng ở Bhutan khác biệt hoàn toàn với những giống gạo nơi khác, do mỗi hạt gạo được áo một lớp màu đỏ thẫm đặc trưng. Loại gạo đỏ này có nguồn gốc là gạo Nhật, nhưng để nguyên cám, do đó khi nấu sẽ nhanh chín hơn gạo lứt nâu.
Ở Bhutan, người ta cũng chế biến gạo thành các món ăn quen thuộc như cơm chiên với thịt gà hay thổi cơm để ăn kèm với các món mặn khác.
Phaksha Paa
Món ăn với cái tên ngộ nghĩnh này là món thịt hầm truyền thống rất phổ biến ở Bhutan. Tương tự như món gà hầm jasha maru và… hằng hà sa số các món khác ở Bhutan, món thịt heo hầm này có một độ cay khá đáng nể. Sở dĩ các món ăn ở Bhutan đều cay như vậy là để giúp làm ấm người cho những công dân của "quốc gia hạnh phúc" này.
Để làm được phaksha paa, người ta sẽ hầm thịt vai heo cùng với củ cải đường, gừng, cải thìa và rất nhiều bột ớt. Khi hầm xong, người ta còn rắc thêm thịt heo khô và… thêm vài miếng ớt tươi nữa, rồi ăn kèm với cơm.
Momo
So với các món ở trên, momo có lẽ là một món ăn có dáng vẻ quen thuộc hơn. Momo thực ra tương tự như sủi cảo, món ăn này không đặc trưng chỉ cho Bhutan mà còn ở cả Tây Tạng, Nepal và Ấn Độ. Ở Bhutan, người ta xem momo như người Việt mình ăn bánh tráng trộn hay nem rán - là một món ăn vặt phổ biến và bình dân.
Phần nhân của món momo khá tương tự với sủi cảo: thịt bò hoặc heo xay trộn với cải bắp xắt nhuyễn hoặc phô mai tươi, được nêm nếm cho đậm đà và đúng vị. Momo sở dĩ ngon cũng một phần là do nước sốt ớt cay chấm kèm, vì đương nhiên đồ ăn Bhutan mà thiếu đi vị ớt cay là thiếu sót lắm!
Đồ uống
Với đặc điểm địa hình cao, người Bhutan thường có thói quen uống những loại đồ uống nóng, có cồn và nhiều năng lượng. Ba ví dụ ta có thể kể đến là món trà thảo mộc Tsheringma - món trà được đặt tên theo vị thần của sự trường thọ và phú quý, rượu arag - món rượu ấm nóng đặc trưng của đất nước này, và trà bơ - là trà pha với bơ chế xuất từ bò Tây Tạng.
Kết
Tuy mang đậm âm hưởng Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng ẩm thực Bhutan vẫn mang trong mình những bản sắc riêng, khác biệt với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Tây Tạng hay Nepal. Đến với "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" này, hẳn là bạn sẽ phải có thêm cả cuộc hành trình khám phá ẩm thực đầy phong phú và kỳ thú nữa rồi!
Nguồn tham khảo: Wikipedia, Myths and mountains, Wheels on our feet
Theo Pasta / Trí Thức Trẻ
(H.Phi chuyển)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
CON ĐƯỜNG "HOÀNG TUYỀN LỘ" BỊ CẤM 400 NĂM CỦA TRUNG QUỐC: CON ĐƯỜNG THÔI MIÊN KHÔNG AI DÁM ĐẶT CHÂN TỚI
Tưởng chừng tiến bộ khoa học có thể làm mờ dần đi những ám ảnh của con người về thế giới siêu nhiên, nhưng trong thế giới rộng lớn này, vẫn ...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét