Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Dự báo: 5 điều có khả năng sẽ xảy ra với loài người sau 100 năm nữa

Những dự đoán của các nhà chuyên môn liên quan đến các vấn đề mang tính toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng phát triển của xã hội. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu 5 yếu tố tạo nên bức tranh toàn cảnh của xã hội loài người trong 100 năm tới.
1. Dân số thế giới sẽ đạt mức 11.2 tỷ người vào cuối thế kỷ 21

Các nhà thống kê và nhân khẩu học thuộc Ủy ban các vấn đề Kinh tế-Xã hội Liên Hợp Quốc (UNDESA) dự đoán dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 11,2 tỷ người vào năm 2100. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số trù hoạch, chưa chắc chắn. Vẫn còn các yếu tố khách quan có thể đưa dân số lên mức 16.6 tỷ vào cuối thế kỷ.
Dân số thế giới tính đến tháng 3/2017 là 7,49 tỷ người. Hiện tại mức tăng dân số trung bình hàng năm là 83 triệu người. Các nhà nghiên cứu sử dụng sự kết hợp phức tạp giữa xu hướng dân số quá khứ, tỉ lệ sinh trong khu vực và dữ liệu già hóa dân số để xây dựng mô hình dự báo dân số thế giới. Tuy đây không phải là mô hình dự báo khoa học chính xác nhất, nhưng các nhà khoa học nói rằng 95% khả năng, dân số toàn cầu sẽ rơi vào khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030, 9.7 tỷ vào 2050 và 11.2 tỷ vào năm 2100.
Hiện tại 60% dân số toàn cầu tập trung ở Châu Á, 16% ở Châu Âu, 9% ở Châu Mỹ La tinh và vùng vịnh Caribe, chỉ có 5% ở Bắc Mỹ và Châu Đại Dương, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia lớn nhất, chiếm gần 40% dân số thế giới.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ, châu Á vẫn là lục địa đông dân nhất thế giới, dự kiến mức cao nhất đạt 5,3 tỷ người vào năm 2050. Châu Phi sẽ chiếm một phần lớn trong sự tăng trưởng dân số của hành tinh. Mặc dù châu Phi hiện tại chỉ có 1,2 tỷ người, nhưng dự kiến dân số tại đây tăng lên khoảng 3,4 tỷ đến 5,6 tỷ người vào năm 2100.
Câu hỏi đặt ra là dự đoán của Liên Hợp Quốc chính xác đến mức độ nào? Trả lời: Liên Hợp Quốc, trong quá khứ đã có những dự đoán khá chuẩn về tình hình dân số thế giới, ví dụ vào năm 1948, tổ chức này dự đoán dân số thế giới vào năm 2000 sẽ là 6 tỷ người, chỉ kém 5% thực tế.
2. Dân số thế giới có xu hướng già hóa
Già hóa dân số đang diễn ra trên tất cả các khu vực và các quốc gia với các tốc độ khác nhau. Vào năm 1950, hầu hết người dân trên thế giới không sống quá 50 tuổi. Hiện nay, tuổi thọ trung bình đạt xấp xỉ 72, đến năm 2100 có khả năng tăng hơn 83.

Số liệu thống kê ở thời điểm hiện tại cho thấy, Nhật Bản là quốc gia duy nhất có trên 30% dân số già; nhưng đến năm 2050, dự tính sẽ có 64 nước có trên 30% dân số già như Nhật Bản.

Nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của tiến bộ khoa học. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế. Tuy nhiên, già hóa do tuổi thọ tăng cao cộng với tỷ suất sinh giảm ở hầu hết các nước phát triển, đang dẫn đến tình trạng mất dần khả năng thay thế nguồn nhân lực trẻ. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy ở Châu Âu vào thời điểm hiện tại. 1/4 người Châu Âu đang ở lứa tuổi 60 hoặc hơn. Tỷ lệ này sẽ tăng thành hơn hơn ⅓ vào năm 2050 và 2100.

Tháp dân số vào năm 2100 sẽ có hình dạng giống như tổ ong, thay vì như hình kim tự tháp thường thấy.

3. Con người sẽ sống ở đâu?

Các chuyên gia dự đoán rằng sẽ ngày càng có nhiều người chọn sinh sống ở các thành phố. Người ta có xu hướng từ bỏ ngành nông nghiệp đang thu hẹp nhu cầu nhân lực do công nghiệp hóa, và quay sang làm việc trong các ngành sản xuất và dịch vụ ở thành thị. Đây là xu hướng đã diễn ra trong vài chục năm qua.
Vào năm 1930, chỉ có 30% dân số thế giới sinh sống ở các thành thị nhưng hiện nay con số này là 55%. Cho đến năm 2050, khoảng hai phần ba dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố.
“Hầu như tất cả sự gia tăng dân số thế giới từ bây giờ cho đến cuối thế kỷ này sẽ diễn ra ở các thành phố,” Joel Cohen, người đứng đầu Phòng nghiên cứu Dân số tại đại học Rockefeller và Đại học Columbia và là tác giả cuốn sách có tựa đề ‘Thế giới có thể chứa nổi bao nhiêu người?’ nói. “Cứ từ năm đến sáu ngày lại có thêm một triệu người chuyển tới các thành phố để sống, tính từ nay cho tới năm 2100.”
Khoảng phân nửa dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố nhỏ với số dân từ nửa triệu cho đến ba triệu người. Số còn lại sẽ sống ở đại đô thị với sức chứa từ 10 triệu người trở lên. Những đại đô thị này đa phần nằm ở những nước đang phát triển hoặc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria.
Những thành phố đông dân cư sẽ phải chứa nhiều người trên một diện tích đất nhỏ hơn. Hãy hình dung 6,3 tỷ người sống chen chúc trong một thành phố có mật độ dân số tương đương với Mumbai hiện nay. Thật không mấy dễ chịu.  Lượng dân cư đó phù hợp với diện tích cả nước Anh, hoặc nếu so sánh với mật độ dân cư Atlanta, thì họ sẽ được sống ở nước Mỹ. Điều tiết mật độ dân số ở các đô thị sẽ trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với các thành phố lớn trong tương lai.
4. Nguồn năng lượng sẽ được lấy từ đâu?
Ngày nay, hầu hết nguồn năng lượng mà con người tiêu thụ – 86%- đến từ nhiên liệu dầu và hoá thạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang không ngừng tìm kiếm và hoàn thiện những nguồn năng lượng xanh vô tận, nhằm cải thiện môi trường và giảm phụ thuộc vào tài nguyên được coi là hữu hạn của vũ trụ.
Theo báo cáo dự đoán của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency), đến năm 2050 mặt trời có thể sẽ trở thành nguồn điện năng lớn nhất, xếp trên cả nhiên liệu hóa thạch, năng lượng gió, thủy năng và năng lượng hạt nhân. Thực tế cho thấy, tổng năng lượng Mặt trời được tiêu thụ trên toàn cầu vào năm 2015 cao gấp 7,5 lần so với năm 2010.
Năng lượng gió là một hình thức gián tiếp của năng lượng mặt trời. Sử dụng năng lượng gió là một trong những phương thức thu thập năng lượng được biết đến từ thời cổ đại. Khái niệm sử dụng cối xay gió đang có bước tiến xa hơn khi các nhà khoa học đang muốn tạo ra máy điện trên bầu trời bằng cách thả nổi cối xay gió ở độ cao 4,5 km trong bầu khí quyển. Hệ thống này trang bị 4 cánh quạt và 2 tua-bin giúp tạo ra nguồn điện từ gió. Năng lượng gió hiện nay chỉ chiếm 0,1 % nhu cầu điện của thế giới, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng như nhanh và là một trong những hình thức của năng lượng sạch trong tương lai.
Trong tương lai, năng lượng xanh sẽ chiếm ưu thế nguồn năng lượng toàn cầu, do vậy, các quốc gia sở hữu nhiều đất, có thể xây dựng các nhà máy phát điện tua bin gió và năng lượng mặt trời, sẽ gặp nhiều thuận lợi và được ưu tiên phát triển đặc biệt.
5. Tự động hóa trong tương lai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công ăn việc làm của cư dân toàn cầu?
Sự gia tăng tự động hóa, những tiến bộ vượt bậc của các thiết bị công nghệ điện tử sẽ có những tác động sâu sắc đến vấn đề sử dụng lao động trong tương lai.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Oxford, gần một phần hai số việc làm tại Hoa Kỳ có thể nhanh chóng bị thay thế bởi robot hoặc máy tính, Một số việc này sẽ được thay thế bằng tự động hoá nhanh hơn một số việc khác. Ví dụ: các tiếp thị viên qua điện thoại, kế toán hoặc tài xế taxi có thể bị thay thế bởi hệ thống tự động trong một hai thập kỷ tới, trong khi những công việc đòi hỏi tính sáng tạo, sự khéo léo thủ công, hay những cảm xúc như sự đồng cảm có thể sẽ được duy trì lâu hơn.
Có thể vẫn còn quá sớm để liệt kê hết được danh sách chính xác các nghề nghiệp sẽ được sử dụng trong 100 năm tới, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh:
  • 50% nghề nghiệp trong tương lai sẽ đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật số.
  • Các chuyên gia tư vấn về vấn đề bảo mật sẽ là nghề rất hot bởi mọi cá nhân và doanh nghiệp đều đưa các siêu dữ liệu lên mạng quản trị.  
  • việc làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội sẽ gia tăng.
Rất nhiều công việc truyền thống sẽ biến mất, trong đó bao gồm phần lớn các lao động trong ngành nông nghiệp, sản xuất và khai thác mỏ. Các thị trường lao động trong tương lai sẽ phải lên những phương án phù  hợp thích nghi với quá trình tự động hoá diễn ra trên toàn cầu.
Tham khảo: BBC
An Nhiên

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...